28-11-2022
Trong ảnh là những tờ giấy trắng chép lại phương trình Friedmann. Đây không phải là một cuộc thi toán học, và bạn cũng không cần phải biết về toán học để hiểu những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Những tờ giấy này do các sinh viên Đại học Thanh Hoa – một trong hai viện đại học hàng đầu của Trung Quốc, bên cạnh Bắc Đại – viết trong cuộc tuần hành, biểu tình đang diễn ra. Có người cho rằng Friedmann đọc trại thành Free Man – Con người Tự Do. Và đó có thể là ý nghĩa của thông điệp do các sinh viên đưa ra.
Thanh Hoa là nơi đào tạo ra rất nhiều lãnh đạo Trung Quốc hiện đại, trong đó có Tập Cận Bình. Nhưng đây cũng là cái nôi của các phong trào sinh viên đòi dân chủ, như Thiên An Môn 1989.
Trong suốt nhiều ngày qua, khi thế giới đang say đắm với bóng đá, người Mỹ thì bận với Lễ Tạ Ơn, thì người Trung Quốc ở nhiều nơi đã xuống đường biểu tình. Điều đáng nói đó là Trung Quốc đang trong những ngày cao điểm phong toả chống dịch (vâng, bạn không nghe nhầm đâu) vì Covid đang trở lại với nước này với khoảng… 25.000 ca/ngày (trên tổng dân 1 tỷ 3). Chính sách Zero Covid rất hà khắc của Trung Quốc đã kéo dài đến năm thứ 3, và với nhiều người Trung Quốc, họ đã phải ở trong nhà cách ly đến tận tháng thứ 6. Hậu quả không còn nằm ở dịch bệnh nữa. Tuần trước, hình ảnh một phụ nữ Quảng Châu khóc như mưa ở ngoài bancong vì không chịu được cảnh ở trong nhà đến tháng thứ 6, vì khu vực cô liên tục bị phong toả. Tại thành phố Quý Châu, một chiếc xe bus chở những người “liên quan đến dịch bệnh” đi cách ly bị lật, khiến hàng chục người chết. Thê thảm nhất là ở Urumqi thuộc Tân Cương khi một toà nhà cao tầng bị cháy. Thành phố phong toả kéo dài khiến rất nhiều xe ô tô xoay quanh chung cư bị hết bình, không thể đi được nơi khác, và cũng là một nguyên nhân làm cho lính cứu hoả mất gần 3 tiếng mới khống chế được đám cháy. Kết quả là 10 người chết và 9 người bị thương, nhưng khủng khiếp nhất là hình ảnh toà nhà bốc cháy được quay lại và chia sẻ khắp các trang mạng Trung Quốc.
Cảnh tượng này, cùng với hình ảnh những sân vận động đầy ắp người tại Qatar và không ai đeo khẩu trang, khiến người Trung Quốc suy nghĩ về thân phận của mình. Những yếu tố phản kháng đầu tiên xuất hiện. Một cây cầu đi qua đường cao tốc đông đúc ở Bắc Kinh xuất hiện các bích chương chữ to và loa phóng thanh kêu gọi lật đổ Tập Cận Bình. Ngay lập tức cảnh sát đến và đem bích chương và loa đi, còn cảnh sát mạng Trung Quốc chặn ngay kết quả search tên cây cầu, và thậm chí kết quả search Bắc Kinh. Tại một khu công nghiệp, công nhân bạo loạn, xô xát với cảnh sát vì họ không muốn bị cách ly trong nơi làm việc. Cao trào có thể là trong cuối tuần qua. Người dân bắt đầu xuống đường biểu tình, đặc biệt là sinh viên. Lần này, không chỉ người Bắc Kinh xuống đường, mà cả người Urumqi, người Thượng Hải, người Quảng Châu. Nhiều nơi, người biểu tình chỉ cầm theo một tờ giấy trắng như một biểu tượng mới của cuộc biểu tình và khiến cho chính quyền khó mà ngăn cấm được. Các báo cáo thực địa cho thấy các cuộc biểu tình có khi đông đến cả vạn người. Đây là một con số nhỏ so với quy mô dân số cũng như ở nhiều quốc gia, nhưng với Trung Quốc, đó là một thế lực.
Điều lý thú đó là lần này, các cuộc biểu tình không còn đòi hỏi những quyền lợi thiết thân như đất đai, thực phẩm v.v… để nhà nước trung ương Trung Quốc có thể xử trảm một quan chức địa phương nào đó và xem như mình vô can, thậm chí tạo hình ảnh quân triều đình đứng về phe nhân dân. Lần này, các biểu ngữ biểu tình nhắm thẳng vào lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và nói về những thứ trái ngược hẳn với giá trị nền tảng của nhà nước Trung Quốc – đó là tự do.
Gần như chắc chắn rằng các cuộc biểu tình sẽ nhanh chóng bị dập tắt vì lãnh đạo Trung Quốc đủ sự tin tưởng vào quan điểm của mình để thẳng tay đàn áp sinh viên, nhưng cảnh tưởng của các sinh viên lại làm mình khá xúc động. Khác với năm 1989, những sinh viên Thanh Hoa, Thượng Hải, Quảng Châu… hy sinh nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Với một hệ thống chấm điểm tín dụng xã hội khắt khe, gần như là án chung thân cho những ai làm sai, những sinh viên này không chỉ đánh đổi tự do hiện tại của họ mà có thể là tương lai của họ và gia đình. Nhưng điều gì khiến họ vẫn chọn xuống đường? Các tuyên truyền viên chắc chắn sẽ chỉ ra kẻ thù muôn thưở: các thế lực thù địch. Nhưng thế lực nào đây khi Trung Quốc đã đóng cửa 3 năm nay? Trong việc xem trọng nền chính trị của một dân tộc, xem tất cả mọi người có trách nhiệm phụng sự, có lẽ một lần nữa lãnh đạo Trung Quốc lại bị thách thức vì sự lên tiếng của chính những cá nhân. Các cá nhân có những câu chuyện riêng, và đôi khi họ sẵn sàng liều lĩnh mọi thứ để thách thức các đại tự sự của dân tộc do nhóm lãnh đạo tìm cách viết lên. Nếu thành công, một đại tự sự khác sẽ được viết, nhưng nếu thất bại, không ai nhớ đến họ cả.
Thế nhưng mình nghĩ những người biểu tình này không còn quá nhiều lựa chọn nữa. Người ta chọn hành động khi họ không thể ngồi yên được nữa. Cũng giống như Ryszard Kapuscinski từng mô tả về thời khắc một cuộc đấu tranh bắt đầu. Đó không phải là sự suy đồi của một chế độ, hay sự tuột dốc của nền kinh tế. Đấy có thể là nguyên nhân sâu xa. Nhưng ngọn lửa bùng lên cuộc cách mạng chính là thời khắc một người biểu tình đứng đương đầu với cảnh sát vũ trang mà không lùi bước. Lúc đó, sự thôi thúc hành động đã vượt trội hơn sự sợ hãi và thói quen phục tùng vốn có của người dân. Đó chính là lúc cuộc biểu tình bắt đầu. Có lẽ 6 tháng phong toả, những hình ảnh tự do của thế giới, sự thống khổ của người quanh mình, và một chút dại khờ của tuổi trẻ đã tạo nên sức mạnh nhiều hơn sự đe doạ.
Chúc những sinh viên Trung Quốc chân cứng đá mềm và mong các bạn sống được cuộc đời tự do.
* Tất nhiên là lực lượng an ninh mạng Trung Quốc liền tay. Một báo cáo cho thấy lực lượng này đã tháo khỏi mạng một phóng sự về các cổ động viên tại Qatar. Một báo cáo khác thì chỉ ra rằng hashtag liên quan đến tình dục bắt đầu xuất hiện trending trên trang mạng xã hội Trung Quốc.