Dòng sông ra biển

Melbourne đã vào hạ, bầu trời hôm nay thật trong xanh và mây thật cao. Nắng đầu mùa dịu ngọt như chưa bao giờ ngọt ngào hơn thế! Những đốm nắng tinh khôi lao xao nhảy múa trên phiến lá lung lay dưới ngọn gió nhẹ. Sau một chuyến đi xa, về nhà lang thang dọc bờ sông Maribyrnong dưới nắng ấm ngọt ngào đầu Hạ, lòng tôi cảm thấy thật ấm áp và bình yên sau những đầy vơi trong cuộc đời.

Hôm nay tôi thấy rộn ràng hơn khi nhận được tin vui từ người học trò ‘năm xưa’, học ở đại học Tasmania báo cho biết là vừa được thăng chức phó giáo sư (Associate Professor) ở một trường đại học lớn ở tiểu bang Queensland. Anh ta muốn đến chào tạm biệt tôi trước khi gia đình dọn đi Queensland cuối năm nay.

Món quà quý giá nhất cho người làm nghề giáo là sự trưởng thành và thành công của học trò. Tuy nhiên, không chỉ là sự trưởng thành của học trò mà thành công của người thầy chính ở chỗ phải truyền được cảm hứng cho học trò để họ đạt được ước mơ và mục đích của mình.

Trở về năm tháng cũ, cách đây hơn 10 năm, trong một cuộc phỏng vấn những thành viên xin vào học chương trình huấn luyện kỹ năng cho nhân viên y tế muốn đi theo ngành nghiên cứu y học, tôi chọn người học trò này không một chút do dự vì ‘người này’ không những có tài mà còn có tâm nữa. ‘Anh ta’ đã làm tình nguyện viên qua những nước ở Phi Châu để giúp đỡ người nghèo và thiếu may mắn.

Với tài cao, óc sáng tạo, chăm chỉ và đầy tâm huyết, chỉ vài tháng sau, anh ta được nhận được học bổng vào học tiến sĩ (PhD) với luận án nghiên cứu về ‘thăng trầm’ của những bác sĩ tốt nghiệp ngoại quốc, đang làm việc ở Úc và đưa ra những đề nghị để cải thiện chính sách đãi ngộ cho họ. Luận án của anh đã mang đến cho anh rất nhiều ấn phẩm nghiên cứu có giá trị. Chính vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp anh được giảng dạy và nghiên cứu ở một trường đại học ở Victoria. Từ đó, anh ta vẫn tiếp tục bay cao trên bầu trời đại học và bây giờ đang trên con đường đi nhậm chức mới ở Queensland.

Đối với tôi, nghề dạy học bao đời nay luôn được coi là nghề cao quý đặc biệt là ở Việt Nam nhưng cũng rất buồn vì thầy cô cũng giống như những người lái đò đưa học sinh của mình sang sông trên con đò tri thức. Thế nhưng khách qua sông rồi thì còn mấy người nhớ về bến cũ? Nhất là khi ở ngoại quốc nghề giáo không được coi trọng như ở Việt Nam. Với phương tiện kỹ thuật tiên tiến, học hành qua mạng, học sinh thời kỹ thuật số không còn cảm nhận được sự thiêng liêng và gắn bó của tình thầy-trò như học sinh thời xưa kia.

Tuy nhiên, với người học trò này thì lại khác. Anh ta vẫn luôn trân trọng những gì mà tôi đã giúp trong những năm tháng tôi là giáo sư hướng dẫn. Sự quan tâm và tôn trọng những cống hiến mà tôi đã bỏ ra cho sự nghiệp của anh ta là một món quà tinh thần rất quý giá đối với tôi.

Giờ thì tôi đã về hưu, thời gian còn lại chất đầy những hoài niệm dễ thương và quý hoá mà tôi không bao giờ quên được. Cuộc đời của tôi với nghề giáo như là dòng chảy của một dòng sông đưa những con tàu trẻ, đầy nhiệt huyết hăng hái ra khơi khám phá chân trời mới của đại dương. Tôi rất vui khi các học trò khác của tôi cũng là giáo sư đại học ở nhiều nơi và luôn thăng hoa trong nghề nghiệp của mình.

Một vài ngọn gió mát trên sông lúc triều lên thổi nhẹ vào mặt làm cắt đứt dòng sông hoài niệm của tôi. Lang thang một mình trong nắng ban mai mùa Hạ, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, êm đềm, đi giữa mùa Hạ vàng mà như muốn ôm trọn cả đất trời. Hòa mình cùng nắng ấm đầu Hạ tôi có cảm giác như được gột bỏ mọi u sầu và niềm vui bắt đầu được hong khô trở lại. Phía xa xa bên kia bờ sông, một vài con tàu nhỏ đang rẽ nước rời bến, tôi mỉm cười liên tưởng đến những con tàu bé học trò đang tiếp tục hành trình của mình trong một không gian và thời gian trải rộng muôn trùng.

Người lái đò đưa khách sang sông
Khách qua sông còn mấy người nhớ về bến cũ
Cuộc sống riêng tư, dòng đời thác lũ
Nơi ngọn nguồn ai nhớ, ai quên? (Dương Ánh Nguyệt.)

Quỳnh Lê
12.2022

Related posts