Giới quan sát Mỹ đã đúng khi băn khoăn về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lĩnh vực giải trí. Với uy tín của mình, các nghệ sĩ Mỹ ít nhất đã có những động thái phản đối những nỗ lực vận động hành lang của chính quyền Bắc Kinh tại ‘kinh đô điện ảnh’ Hollywood.
Nhưng bây giờ không phải là lúc cho các biện pháp nửa vời. Đã đến lúc Hollywood phải tấn công. Chúng ta không chỉ có nghĩa vụ bảo vệ nền văn hóa phương Tây, mà chúng ta còn phải thúc đẩy nền văn hóa của những người đầu tiên mà ĐCSTQ tuyên chiến – người dân Trung Quốc.
Nhiều năm trước, tôi đón một nhóm sinh viên Trung Quốc ở một sân bay gần Hollywood. Sau khi gửi đồ đạc của họ tại một khách sạn, tôi quyết định dẫn họ đi tham quan một vòng để giúp những sinh viên này ổn định tâm lý. Chúng tôi dừng chân tại một hiệu sách lớn, loại mà quý vị có thể ngồi thư giãn trong một quán cà phê hàng giờ đồng hồ.
Chẳng bao lâu sau, một trong số các sinh viên – một cô gái trẻ với phong thái trang nghiêm và nghiêm túc – đã mất tích. Chúng tôi chia nhau ra để tìm cô ấy. Vài phút sau, tôi thấy cô ấy đang ngồi khoanh chân trên tấm thảm ở khu vực sách về Châu Á – Thái Bình Dương, xung quanh là những cuốn sách đang mở và trên đùi là một tập văn hóa Trung Quốc lớn. Cô hầu như không có phản ứng gì khi tôi đến gần, sau đó từ từ ngước lên nhìn tôi, mắt cô ngấn lệ.
“Những gì ông biết về đồng bào tôi còn nhiều hơn cả [những gì] chúng tôi được biết”, cô nói.
Cảm giác nhục nhã của cô ấy – vì bị cướp đi di sản của chính mình – là dấu hiệu đặc trưng của một thế giới xám xịt, vô hồn mà ĐCSTQ luôn mong muốn tạo ra.
Ngày nay, ĐCSTQ đang trên bờ vực sụp đổ. Nhà nước này không có đồng minh và không nhận được sự ủng hộ từ ngay cả những người dân của chính mình. Nhà nước này sẽ sớm sụp đổ, giống như những tòa Tháp Babel trong Kinh Thánh ở thành cổ Babylon – những tòa tháp vô thần, không gốc rễ.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ĐCSTQ trở nên điên cuồng trong những năm “cuối đời” để “xưng bá” rằng mình là mối đe dọa trên phạm vi toàn cầu, cũng như việc ĐCSTQ sẵn sàng vươn những chiếc xúc tu để siết chặt mọi ngành công nghiệp ở phương Tây. Theo đó, chính phủ này đặc biệt tham vọng trong việc gây ảnh hưởng tại ‘kinh đô điện ảnh’ của Hoa Kỳ – Hollywood.
Bằng cách bóp méo và phá hủy âm nhạc cũng như phim ảnh của nước Mỹ, ĐCSTQ đang cố gắng lặp lại những gì họ từng làm với người dân của mình trong cuộc “Cách mạng Văn hóa”. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên ĐCSTQ siết chặt chiếc gọng kìm đối với Trung Quốc.
Cuộc “Cách mạng Văn hóa” chính là làn sóng đầu tiên thiết lập nền tảng cho chính sách Hán hóa của ông Tập Cận Bình – hiện đang tiếp tục áp đặt lên người dân Trung Quốc ngày nay: một nhà nước vô nhân đạo đã nghiền nát và xóa sổ tất cả mọi thứ thuộc về bản sắc và văn hóa Trung Hoa. Kế đến, chính quyền nước này tiếp tục áp đặt một loạt các quy tắc đàn áp tàn bạo để đảm bảo rằng, người dân Trung Quốc không bao giờ có thể bộc lộ ra con người chân thật của họ thêm một lần nào nữa.
ĐCSTQ tiếp tục nhắm đến nền văn hóa của Mỹ sau khi in dấu chân của họ trên khắp thế giới. Những biểu hiện tẻ nhạt, tàn bạo, phản nhân loại của hệ tư tưởng của ĐCSTQ ngày càng xuất hiện nhiều trong các màu sắc và nhân vật trong phim Mỹ. Các chủ đề phù hợp được mô tả như chủ nghĩa anh hùng. Có trường hợp, quý vị thậm chí có thể phát hiện ra một trại tử thần (death camp) của ĐCSTQ trong phần hậu cảnh.
Đúng vậy, không chỉ bộ phim phiên bản người thật chuyển thể từ bộ phim hoạt hình kinh điển “Mulan” (Hoa Mộc Lan) nhấn mạnh chủ đề tiêu diệt kẻ thù của Trung Quốc thông qua lực lượng quân sự, mà Disney còn quay phim “tại một địa điểm” ở Đông Turkestan do Trung Quốc chiếm đóng (Tân Cương).
Các bức ảnh hậu trường cho thấy, Disney đã quay phim trong phạm vi của một trong số những trại tập trung – nơi giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số và bất đồng chính kiến khác. Tại buổi công chiếu, đoàn làm phim thậm chí còn không quên gửi lời cảm ơn đến ĐCSTQ trong phần danh đề (credit).
Trong phiên bản gốc năm 1980 của bộ phim ăn khách “Top Gun: Maverick”, nam diễn viên Tom Cruise – thủ vai nhân vật Pete “Maverick” Mitchell – đã mặc một chiếc áo khoác bomber với hình ảnh lá cờ của Đài Loan. Tuy nhiên, lá cờ đã bị thay thế bằng biểu tượng khác trong phần phát hành đoạn trailer tiếp theo vào năm 2019, điều này đã làm dấy lên cơn thịnh nộ từ những người ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong.
Trong bộ phim bom tấn năm 2016 của Marvel “Dr. Strange” (Doctor Strange: Phù thủy tối thượng), nhà biên kịch C. Robert Cargill thừa nhận ông đã tẩy trắng một nhân vật chính người Tây Tạng, và thay vào đó là một người phụ nữ da trắng để không “xa lánh người Trung Quốc”.
Trái lại, rõ ràng là ông Cargill chẳng quan tâm mấy đến người Trung Quốc, giống như ĐCSTQ. Hành động của ông đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Ông Cargill lập luận rằng, việc “thừa nhận rằng Tây Tạng là một địa điểm cụ thể” sẽ là một tuyên bố “chính trị” gây khó chịu [cho ĐCSTQ]. Luận điệu này của ông được cho là nhằm bảo vệ ĐCSTQ – một thực thể đang tìm cách bóp nghẹt tiếng nói của người dân Trung Quốc.
Ít nhất thì ông Cargill cũng rất thành thật về động cơ của mình. Ông gọi điện, ông phát biểu, tất cả chỉ vì tiền. Quý vị thấy đấy, Trung Quốc đại diện cho thị trường xem phim lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ, và ông Cargill hiểu rằng, căn cứ theo những điều ông ấy nói, việc không tẩy trắng nhân vật Tây Tạng sẽ “có nguy cơ khiến chính phủ Trung Quốc phải ra tay kiểu như, ‘Này, anh bạn có biết đây một trong những quốc gia có nhiều khán giả xem phim nhất thế giới không? Chúng tôi sẽ không chiếu phim của anh vì anh đã quyết định tham gia chính trị’”.
Sự ngoan ngoãn phục tùng, thái độ yếu thế và đề cao lợi ích kinh tế một cách vô hồn của ông Cargill được đặt trên sự siêu việt của con người và biểu hiện về phương diện nghệ thuật. Đó chính là bức tranh hoàn hảo “tiên tri” về cách ĐCSTQ định hình tương lai của Hollywood.
Nhưng tạ ơn Chúa, kiểu làm phim đó đang chết dần chết mòn trong ngành điện ảnh Mỹ, và ngày càng có nhiều nhà làm phim dũng cảm đứng lên chống lại ĐCSTQ và phớt lờ những yêu sách của họ.
Trong buổi chiếu rạp cuối cùng của bộ phim “Top Gun: Maverick”, hình ảnh lá cờ Đài Loan đã xuất hiện trở lại và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ khán giả Đài Loan. Hình ảnh cờ Đài Loan và Nhật Bản trên áo của Tom Cruise trong phim “Top Gun” đã được khôi phục vào buổi trình chiếu ngày 22/5/2022 vừa qua. (Ảnh chụp màn hình từ trailer giới thiệu bộ phim)
Bộ phim “Hoa Mộc Lan” cũng gần như bị nhấn chìm bởi một phong trào tẩy chay lớn nhằm thay mặt cho các nạn nhân của ĐCSTQ, trong đó các nghệ sĩ Hollywood đã hợp lực với những người bất đồng chính kiến Trung Quốc và những người ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ. Ngay cả việc phát hành phim “Dr. Strange” vào năm 2016 cũng bị lu mờ bởi sự ô nhục trước những tuyên bố thiếu suy nghĩ của ông Cargill và các Giám đốc điều hành khác về việc “chiều chuộng ĐCSTQ”.
Một lần nữa, người Mỹ có quyền bảo vệ những bộ phim tạo nên văn hóa của chính mình khỏi ảnh hưởng đồi bại của ĐCSTQ. Tuy nhiên, bằng cách hợp tác với các nhà biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên và các nghệ sĩ khác của Trung Quốc, Hollywood thậm chí có thể đảo ngược mạnh mẽ hơn động lực của cuộc xung đột đang diễn ra giữa ĐCSTQ và phương Tây.
Trong khi vẫn tiếp tục thách thức ĐCSTQ bằng cách kể những câu chuyện về nền văn hóa của nước Mỹ thông qua phim ảnh và âm nhạc, ‘Cuộc tấn công của Hollywood’ sẽ giáng một đòn chí mạng vào ĐCSTQ bằng cách kể những câu chuyện mà ĐCSTQ luôn muốn che giấu: những câu chuyện về Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch