Chiến tranh Ukraine đang khiến Trung Á bất ổn và giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng

Đông Phương

Chiến tranh Ukraine đang khiến Trung Á bất ổn và giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng
Cảng cạn KTZE-Khorgos Gateway, một trung tâm hậu cần ở phía Kazakh, nằm trên biên giới Kazakhstan – Trung Quốc, hôm 15/4/2019. (Ảnh: Abduaziz Madyarov/AFP/Getty Images)

Cuộc chiến Nga – Ukraine đang gây ra những thay đổi sâu rộng trên toàn thế giới và ‘trải thảm’ cho Bắc Kinh tiến tới thâu tóm Trung Á.

Ngoài việc tàn phá người dân Ukraine và quê hương của họ, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã đẩy giá cả trong các ngành công nghiệp như năng lượng, thực phẩm, phân bón và nhiều mặt hàng khác lên cao; thúc đẩy lạm phát ở các nền kinh tế lớn trên thế giới và làm gián đoạn thị trường năng lượng ở châu Âu. Xung đột Nga – Ukraine cũng cũng gây bất ổn cho Trung Á. Điều này cho phép Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tài chính và ngoại giao, đồng thời đặt nền móng cho sự hiện diện quân sự lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực.

Trong lịch sử, Trung Á được mô tả là lãnh thổ nằm ở phía bắc của dãy núi Hindu Kush, nằm ở phía đông của Biển Đen và trải dài từ dãy núi Himalaya cho đến sa mạc Gobi. Vùng này bao gồm 5 nước Cộng hòa Trung Á (Central Asian Republics – CARs) là: Kazakhstan, Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan.

Ở rìa phía đông của Trung Á là Mông Cổ, được ngăn cách với Kazakhstan bởi một hành lang hẹp nối từ Nga sang Trung Quốc.

Ở mạn phía tây của Trung Á là Biển Caspi, biển hồ này giáp Kazakhstan, Turkmenistan ở bờ đông và giáp dải đất Caucasus (gồm 3 nước Armenia, Azerbaijan và Georgia) ở bờ tây.

Các quốc gia giáp với Trung Á gồm có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, và Nga. Cả 5 quốc gia Trung Á và nước Nga ở vùng ngoại vi đều từng là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Sự sụp đổ của Liên Xô cho phép Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á. Còn Moscow luôn cố gắng duy trì sự thống trị về chính trị và kinh tế trong khu vực này, bằng cách ràng buộc nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với Nga thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).

Trong ảnh là các xe kéo vận tải nằm bên cạnh các tuyến đường sắt chạy vào cảng Mombasa ở Mombasa, Kenya, hôm 1/9/2018. Đây là một phần trong Sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Sáng kiến này nhằm hồi sinh và mở rộng các tuyến thương mại nối Trung Quốc với Trung Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu thông qua mạng lưới đường sắt, cảng và đường bộ, đồng thời nâng cấp hoặc xây dựng mới các đường ống, lưới điện và đường cao tốc. (Ảnh: Luis Tato/Bloomberg/Getty Images)

Trung Quốc từng bước thâu tóm Trung Á

Ban đầu, vai trò của Trung Quốc ở Trung Á chỉ có thể được thực hiện khi có sự chấp thuận ngầm của Nga. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã mở rộng quan hệ song phương với các nước Trung Á và thành lập các tổ chức đa phương, ví như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2001 hay Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013. Đáng chú ý là BRI đã được triển khai tại Kazakhstan, nó cho thấy vai trò trung tâm của Trung Á trong sáng kiến này.

Năm 1990, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và các nước Trung Á đạt gần 90 tỷ USD, chiếm gần 80% kim ngạch ngoại thương của khu vực này. Nhưng vào năm 2021, thương mại với Nga đã giảm xuống còn 18,6 tỷ USD, trong khi đó thương mại với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất hiện giờ của Trung Á – lại tăng lên khoảng 27 tỷ USD. Cán cân thương mại thậm chí có thể thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga.

Các mục tiêu của Moscow và Bắc Kinh ở Trung Á về cơ bản là trái ngược nhau, vì cả hai nước đều tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong khu vực này. Mặc dù vậy, điều này cũng không ngăn cản được sự xuất hiện của thế lưỡng độc quyền, trong khi Trung Quốc đảm nhận trách nhiệm hợp tác kinh tế và tài chính, thì Nga đảm bảo an ninh và ổn định chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, có nguy cơ Moscow sẽ bị hạ thấp vị thế tại đây do hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi vai trò kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á đã mở rộng đáng kể, Nga vẫn đóng một vai trò then chốt trong nền kinh tế khu vực. Có khoảng 4 triệu công nhân Trung Á đang làm việc tại Nga: 1 triệu người đến từ Tajikistan và Kyrgyzstan, 2 triệu người Uzbekistan và khoảng 200.000 người Kazakhstan. Tổng cộng, lực lượng lao động này đã gửi về nước khoảng 7,5 tỷ USD. Những khoản kiều hối này đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Trung Á. Chúng chiếm khoảng 28% GDP của Kyrgyzstan, 30% GDP của Tajikistan và 12% GDP của Uzbekistan.

Lượng kiều hối này đã giảm khoảng 25% do nền kinh tế Nga suy thoái sau khi bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế. Hơn nữa, việc giao dịch các khoản kiều hối này còn phức tạp hơn do các ngân hàng Nga không có quyền truy cập vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT, cũng như do Ngân hàng Trung ương Nga áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với việc luân chuyển ngoại tệ.

Giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng có tác động tiêu cực đến Moscow, dẫn đến tỷ lệ lạm phát trung bình khoảng 16%. Giá lương thực tăng vọt sau khi Nga ngừng xuất khẩu lương thực sang các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Hơn nữa, dù Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực, các liên kết giao thông thời Liên Xô cũ vẫn đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, khoảng 66% lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan (1,4 BOPD) đi qua mạng lưới đường sắt và đường ống của Nga, và được chở đi từ các cảng của Moscow. Tuy các biện pháp trừng phạt đã loại trừ hàng hóa từ các nước cộng hòa Trung Á, nhưng chúng vẫn có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của 5 nước này.

Ví dụ, Hiệp hội Đường ống Biển Caspi do công ty Chevron đứng đầu rõ ràng không bị Hoa Kỳ trừng phạt. Đường ống dẫn dầu này đưa dầu từ mỏ Tengiz ở Kazakhstan đến thẳng Nhà ga Hàng hải Novorossiysk-2 tại cảng Biển Đen của Nga ở Novorossiysk. Mặc dù được miễn trừ trừng phạt, Kazakhstan vẫn đang phải vật lộn để tìm khách hàng cho hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của mình.

Ngoài các dự án BRI của Bắc Kinh, có khoảng 8.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở Trung Á. Trong hai thập kỷ qua, các công ty nhà nước và tư nhân của Trung Quốc đã đầu tư gần 40 tỷ USD vào khu vực này. Hầu hết các khoản đầu tư này diễn ra sau năm 2010.

Trung Á – khu vực dễ bị tổn thương

Sự phụ thuộc đáng kể vào Nga khiến khu vực này rất dễ bị khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây đang gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.

Hơn 70% dân số trong khu vực dưới 40 tuổi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tại Trung Á, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 15 đến 25 tuổi và sinh viên tốt nghiệp đại học là hơn 20%. Tuy vậy, các số liệu của Ngân hàng Thế giới rất có thể đã bị hạ thấp. Theo các nguồn tin địa phương, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Á dao động từ 35% đến 50%, tùy thuộc vào từng nước.

Trung Á có chung biên giới với các quốc gia đang hứng chịu đòn trừng phạt kinh tế ở các cấp độ khác nhau, bao gồm Nga, Afghanistan, Iran và ở cấp độ thấp hơn là Trung Quốc. Thêm vào đó là mạng lưới giao thông trong khu vực vẫn còn nhiều bất cập, rất nhiều trong số đó hiện được liên kết với Nga. Còn các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khác, dù cũ hay mới, cũng đều phải đi qua các quốc gia đang chịu sắc lệnh trừng phạt.

Lập trường của Trung Á trong cuộc chiến Nga – Ukraine

Liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraine, Các nước Cộng hòa Trung Á giữ quan điểm trung lập, không lên án cũng như không ủng hộ cuộc tấn công của Nga. Họ đã chính thức bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc (LHQ), ở cả Đại hội đồng và Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Kazakhstan và Uzbekistan đều tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và viện trợ nhân đạo cho nước này. Kyrgyzstan đã tình nguyện làm địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Đáng chú ý, không quốc gia nào trong số này công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine. Moscow đã gây áp lực buộc Trung Á phải cung cấp quân đội cho cuộc chiến tại Ukraine. Kazakhstan đã công khai từ chối yêu cầu này. Có lẽ 4 quốc gia còn lại cũng làm như vậy, chỉ là “kín đáo hơn”.

Bắc Kinh muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu khí dồi dào trong khu vực, cũng như phát triển và duy trì khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nối Trung Á với Đông Âu cùng các cơ sở cảng ở Ấn Độ Dương và Biển Đen. Tuy vậy, mục tiêu xa hơn của họ là bảo đảm ổn định tại Trung Á. Trong lịch sử, Trung Á luôn dựa dẫm vào Moscow để hòa giải các tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực và đảm bảo sự ổn định của chế độ cầm quyền hiện tại.

Ví dụ, Điện Kremlin đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hòa giải và đôi khi làm giảm bớt sự thù địch giữa Armenia và Azerbaijan, hay giữa Tajikistan và Kyrgyzstan. Lực lượng Phản ứng Nhanh Tập thể (CRRF) của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã can thiệp vào Kazakhstan hồi tháng 1/2022, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ đe dọa gây bất ổn cho chính quyền của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. CRRF chủ yếu bao gồm quân đội Nga và các thành viên CSTO khác.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trong lễ đón tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 11/09/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AFP/Getty Images)

Mối lo ngại của Bắc Kinh ở Trung Á

Bắc Kinh đã lên án tình trạng bất ổn ở Kazakhstan, nói rằng nó giống như một “cuộc cách mạng màu” điển hình do phương Tây hậu thuẫn. Tình trạng bất ổn xã hội do chính trị và kinh tế gây ra, nếu nó dẫn đến các cuộc cách mạng màu và tiến đến thay thế giới cầm quyền – những người mà Bắc Kinh đã dày công mua chuộc – bằng các chính phủ thân phương Tây, thì sẽ Bắc Kinh sẽ vô cùng bất lợi. Những cuộc nổi dậy như vậy có thể sẽ khiến Trung Quốc bị suy giảm ảnh hưởng về kinh tế. Ví dụ, Bắc Kinh kiểm soát khoảng 40% nợ công của Tajikistan và Kyrgyzstan. Một cuộc cách mạng màu ở bất kỳ quốc gia nào cũng có khả năng bác bỏ món nợ này.

Bắc Kinh cũng lo ngại về mối đe dọa mà những phần tử cực đoan chống Trung Quốc, đặc biệt là những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo, có thể gây ra đối với sự cai trị của Bắc Kinh ở Tân Cương. Trung Quốc đã nhanh chóng công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan. Nước này tuyên bố sẵn sàng kết nạp Afghanistan vào Sáng kiến ​​BRI và đầu tư vào đó. Họ cũng bày tỏ lo ngại rằng, Afghanistan có thể trở thành thiên đường cho những kẻ khủng bố chống Trung Quốc, những kẻ đang tích cực kích động tình trạng bất ổn trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bắc Kinh dường như đang phòng ngừa rủi ro trong trường hợp Moscow không thể duy trì sự ổn định của khu vực. Đường biên giới dài hơn 1.300 km giữa Tajikistan với Afghanistan và vị trí lân cận Tân Cương của nó là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Trung Quốc. Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự mới ở Tajikistan và nắm quyền kiểm soát nhiều tiền đồn quân sự dọc biên giới Tajikistan – Afghanistan. Tajikistan và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của 10.000 binh sĩ kể từ năm 2016. Sự hiện diện của các tổ chức cực đoan ở khu vực biên giới hỗn loạn phía tây bắc Pakistan cũng là một nguyên nhân khiến Trung Quốc lo ngại.

Trung Á đứng giữa hai ông lớn

Ví như đối với Kazakhstan, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Kazakhstan trong việc “bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đây được coi là lời cảnh báo đối với Nga – đồng minh trước kia của họ.

Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, “người Kazakhstan chưa bao giờ có bất kỳ chế độ nhà nước nào” trước khi Liên Xô tan rã. Ông cũng kêu gọi người Kazakhstan “hãy ở lại trong thế giới Nga rộng lớn hơn”. Tương tự, khi Nga công bố một “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022, ông Putin đã nhắc nhở chính phủ Kazakhstan nhớ tới vai trò hỗ trợ của Nga đối với nước này “khi Kazakhstan đối mặt với mối nguy hiểm về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Kazakhstan có chung đường biên giới dài khoảng 7.600 km với Nga và là nơi sinh sống của 3,5 triệu người dân tộc Nga. Họ chiếm khoảng 20% ​​dân số Kazakhstan và tập trung đông đúc dọc theo biên giới Kazakhstan – Nga.

Hay như Turkmenistan nằm ở góc đông nam của Biển Caspi. Nó được bao quanh bởi Iran, Afghanistan, Kazakhstan và Uzbekistan. Mặc dù trên danh nghĩa là trung lập, nhưng Turkmenistan vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ kinh tế với Nga. Nước này sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ năm thế giới và trữ lượng dầu mỏ đáng kể. Trong lịch sử, nó chỉ có thể xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua mạng lưới đường ống của Nga.

Gần đầy, nước này đã thiết lập các đường ống mới để vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Iran (đường ống Dovletabat – Sarakhs – Khangiran) và Trung Quốc (đường ống dẫn khí Turkmenistan – Trung Quốc). Turkmenistan cũng mong muốn kết nối với đường ống Turkmenistan – Afghanistan – Pakistan – Ấn Độ (TAPI) đã được lên kế hoạch, mặc dù thực tế là việc xây dựng đường ống dài khoảng 1.170 km này hiện đã bị đình trệ. Nhờ giáp với Biển Caspi, Turkmenistan có thể vận chuyển dầu đến Azerbaijan và sau đó kết nối với các đường ống dẫn dầu đến Biển Đen. Nước này cũng dự định xây dựng một đường ống dẫn khí Transcaspian để vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Turkmenistan từ lâu đã có tranh chấp lãnh thổ với Iran và Azerbaijan. Hơn nữa, chủ quyền của Turkmenistan phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Nga. Người Turkmenistan chủ yếu là người Thổ Nhĩ Kỳ và nói cùng một ngôn ngữ với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Nga không đảm bảo an ninh cho Turkmenistan, đó sẽ là nơi có nhiều khả năng nhất ở Trung Á xảy ra xung đột lợi ích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Mông Cổ và bài toán cân bằng giữa Nga – Trung, một tấm gương cho Trung Á

Mông Cổ nằm ở rìa Trung Á, giáp Nga ở phía bắc và Trung Quốc ở phía nam. Nó là một phần của Đế quốc Mãn Thanh ở Trung Hoa cho đến khi triều đại này sụp đổ vào năm 1911. Mông Cổ là một vệ tinh của Liên Xô từ những năm 1920, cuối cùng giành được độc lập thực sự vào năm 1990.

Mông Cổ là một mô hình thu nhỏ của hiện thực an ninh tại Trung Á, hiện trạng này mới xuất hiện sau cuộc xung đột ở Ukraine. Kể từ năm 1990, Mông Cổ theo đuổi một chính sách đối ngoại tinh vi nhằm cân bằng Nga và Trung Quốc, đồng thời theo đuổi chiến lược “láng giềng thứ ba” để phát triển quan hệ với các nước khác.

Về kinh tế, Mông Cổ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Khoảng 85% sản phẩm xuất khẩu của Mông Cổ (chủ yếu là nguyên liệu thô) được xuất sang Trung Quốc. Giá cả luôn do chính phủ Trung Quốc quy định và thường thấp hơn giá quốc tế hiện hành.

Hầu hết vũ khí của Mông Cổ đến từ Liên Xô và Nga, với một số ít đến từ Đức, Israel, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Về quốc phòng, Mông Cổ phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Nga. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ vào năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga đã ký một hiệp ước mới nâng quan hệ Nga – Mông Cổ lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lâu dài”.

Mông Cổ cũng thiết lập quan hệ đối tác tương tự với Trung Quốc kể từ năm 2014, nhưng thỏa thuận của nước này đối với Nga lại đáng chú ý hơn vì nó không có điều khoản hết hạn hoặc hủy bỏ hiệp ước. Hiệp ước cũng kêu gọi hai nước tăng cường “mối quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng và kỹ thuật quân sự, coi đây là một thành phần quan trọng để duy trì an ninh khu vực và toàn cầu”. Trong đó còn bao gồm cam kết của Nga về việc “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quân sự” cho Mông Cổ vĩnh viễn.

Moscow đã nhiều lần gây áp lực buộc Mông Cổ phải gia nhập Liên minh Kinh tế Á – Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Tuy nhiên, cho đến nay Ulaanbaatar vẫn kiên quyết từ chối.

Một quan chức cấp cao của Mông Cổ tại Ulaanbaatar cho biết: “Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm phức tạp hóa chính sách đối ngoại trong khu vực của Mông Cổ, làm xáo trộn sự cân bằng mong manh mà Ulaanbaatar đã duy trì giữa Moscow và Bắc Kinh”. Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mông Cổ ngày một cực đoan hơn, cũng là tình trạng mà các quốc gia khác ở Trung Á hiện đang phải đối mặt.

Những người ủng hộ Mông Cổ lắng nghe bài phát biểu của ứng cử viên tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa trong một cuộc biểu tình ở Ulaanbaatar, hôm 23/6/2017. (Ảnh: Fred Dufour/AFP/Getty Images)

Vị thế của Nga suy giảm ở Trung Á, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gia tăng can dự vào khu vực

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ văn hóa và ngôn ngữ nhất định với Trung Á. Ankara thường tuyên bố mình là người bảo vệ các dân tộc Turk (Đột Quyết) của châu Á. Tuy nhiên, đề xuất này không được đón nhận trong khu vực.

Đảng Phong trào Quốc gia, một đảng dân tộc chủ nghĩa bảo thủ trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã đặt ra khái niệm về Turan: một nhà nước Turk thay thế sẽ kết hợp tất cả người Turk ở Trung Á. Khái niệm này đã được phổ biến. Trong các thời kỳ, đôi khi nó cũng bao gồm các dân tộc Uralic, Altaic và Mông Cổ.

Chủ nghĩa Turan (Turanism) phát triển vào cuối thế kỷ 19 như một phong trào chính trị kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hoặc thống nhất chính trị giữa các dân tộc Turk, thậm chí có thể là trên một phạm vi rộng lớn hơn – các dân tộc trong ngữ hệ Ural-Altaic. Cả hai nhóm người này được cho là có chung một nền văn hóa, ngôn ngữ và sắc tộc, cũng như có chung nguồn gốc ở Nội Á và Trung Á.

Phong trào Chủ nghĩa Turan gắn liền với đảng chính trị Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ (Young Turks) và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó cũng là một phản ứng của người Ottoman đối với chủ nghĩa bành trướng trước đó của Nga ở Trung Á, với sự đàn áp dân tộc Thổ Nhỹ Kỳ và sự tái diễn cuộc chiến giữa Đế quốc Ottoman và Đế quốc Nga từ thế kỷ 18.

Chủ nghĩa Turan hiện đại gắn liền với chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và sự hồi sinh theo chủ nghĩa Ottoman mới (Neo-Ottomanism) do chính phủ Tổng thống Erdogan đề xướng. Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia năm 2020. Tuy nhiên, hệ tư tưởng này lại có ít sức hút ở Trung Á và chỉ hạn cuộc ở các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nó vẫn là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành nguồn đầu tư và nguồn công nghệ cho Trung Á, đồng thời là thị trường xuất khẩu khoáng sản và hydrocarbon của khu vực. Nước này cũng có thể đóng một vai trò quan trọng như là điểm cuối của các hành lang giao thông khác nhau nối Trung Á với Biển Đen và phần còn lại của thế giới.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ làm phức tạp và có khả năng hạn chế vị thế tiềm năng – người bảo đảm an ninh khu vực – của Ankara, cho dù nếu như ảnh hưởng của Nga tiếp tục suy yếu. Dù vậy, ngành công nghiệp vũ khí lớn và tiên tiến của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thâm nhập vào Trung Á và có thể trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho nguồn cung từ Nga.

Iran

Triển vọng của Iran tại Trung Á cũng tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ. Iran từng là một phần của Ba Tư – một khu vực chính trị và văn hóa rộng lớn hơn nhiều trong các thời kỳ trước. Tajik, ngôn ngữ của Tajikistan, khá giống với tiếng Farsi (tiếng Ba Tư) – một ngôn ngữ của Iran. Các thành phố ở Uzbekistan, chẳng hạn như Samarkand và Bukhara, có một lượng lớn dân số nói tiếng Farsi và gắn kết chặt chẽ với văn hóa Ba Tư (hay văn hóa Iran).

Mặt khác, trọng tâm hiện tại của Tehran là tập trung vào trung tâm lịch sử của người Shia ở Vịnh Ba Tư (Vịnh Ả Rập) và khắp Trung Đông. Nước này chỉ thiếu vốn và công nghệ là có thể trở thành một đối tác quan trọng của Các nước Cộng hòa Trung Á. Đây là một quốc gia bị dính các lệnh trừng phạt, do đó nước này sẽ bị hạn chế trong vai trò hành lang giao thông.

Với việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRG) trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát gần một phần ba nền kinh tế đất nước, rất khó để Iran được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, do đó việc Iran trở thành điểm trung chuyển thay thế lại càng bất khả thi. Hơn nữa, các cuộc xung đột lịch sử giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như căng thẳng giữa người Shia và người Sunni, cũng đã hạn chế sức mạnh của nước này.

Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran là một nguồn cung cấp vũ khí tiềm năng cho khu vực Trung Á. Thực tế là Iran cũng cung cấp hỗ trợ cho các tổ chức Hồi giáo bạo lực. Tuy nhiên, trọng tâm của nước này là các tổ chức do người Shia hậu thuẫn ở vùng Vịnh và các khu vực khác ở Trung Đông, thay vì các khu vực do người Sunni thống trị ở Trung Á. Vai trò của Iran nhiều khả năng là ngăn cản tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Kết luận

Sau cuộc rút lui đầy thảm hại khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ và NATO không mấy hào hứng để đưa ra bất kỳ cam kết mới nào ở Trung Á. Về mặt chính thức, Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ “các cuộc cách mạng màu”, mặc dù không rõ nước này tích cực thúc đẩy chúng ở mức độ nào. EU đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ việc xây dựng các mạng lưới kinh tế lớn hơn với Trung Á, đặc biệt là khi khối này đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc khí đốt vào Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, EU vẫn có rất ít bước đi cụ thể.

Hiện tại, Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong. Việc Nga không ngừng suy giảm quyền lực và sức ảnh hưởng sẽ khiến quỹ đạo lịch sử của Trung Á nghiêng về phía Trung Quốc. Vì thế, cuộc chiến thảm khốc của ông Putin ở Ukraine sẽ có những hậu quả khó lường và kịch tính hơn nhiều.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải – Đông Phương biên dịch

Related posts