Các nhà đầu tư tiếp tục giảm cổ phần trong các công ty công nghệ Trung Quốc, một số chuyển hướng đầu tư sang Đài Loan

Anne Zhang và Sean Tseng

Các nhà đầu tư tiếp tục giảm cổ phần trong các công ty công nghệ Trung Quốc, một số chuyển hướng đầu tư sang Đài Loan

Một màn hình điện tử hiển thị Chỉ số Hang Seng, Chỉ số Doanh nghiệp Hang Seng Trung Quốc (HSCEI), Chỉ số Công nghệ Hang Seng, và Chỉ số MSCI Trung Quốc tại Hồng Kông, Trung Quốc, hôm 15/03/2022, trong bối cảnh áp lực điều tiết dai dẳng của Trung Quốc khiến chứng khoán Trung Quốc lao dốc. (Ảnh: Paul Yeung/Bloomberg qua Getty Images) Trung Quốc

Các nhà phân tích: Các nhà đầu tư thu về một phần lãi từ chứng khoán Trung Quốc trước khi những lợi tức này có khả năng biến mất

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc có triển vọng ảm đạm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu Trung Quốc, lo sợ giá trị cổ phiếu có thể giảm mạnh hơn nữa. Trong khi đó, một số nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý của mình sang các công ty công nghệ Đài Loan.

Berkshire Hathaway, công ty đầu tư của ông Warren Buffett, đã giảm tỷ lệ nắm giữ BYD, một tập đoàn xe điện (EV) của Trung Quốc, sáu lần trong vòng chưa đầy bốn tháng. Tuy nhiên, gần đây công ty này đã mua một lượng cổ phần đáng kể trong Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX), hôm 08/12, Berkshire Hathaway đã bán 1,329,500 cổ phiếu BYD với giá trung bình là 201.3432 HKD/cổ phiếu (khoảng 26 USD/cổ phiếu), thu về 267.7 triệu HKD (khoảng 34.4 triệu USD).

Trong vòng chưa đầy bốn tháng, Berkshire Hathaway đã bán ¼ số cổ phần của mình tại BYD.

Ông Buffett đã mua 225 triệu cổ phiếu của BYD với giá 232 triệu USD vào năm 2008 và chưa bao giờ bán hay giảm số cổ phiếu mình nắm giữ trong vòng 14 năm qua. Gần đây, giá cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 33 lần, với mức vốn hóa thị trường lên tới 7.7 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Buffett đã bán cổ phiếu BYD của mình sáu lần liên tiếp vào các hôm 24/08, 01/09, 01/11, 08/11, 17/11, và 08/12.

Cổ phần hiện tại của Berkshire Hathaway trong BYD đã giảm từ 20.04% trong tháng Tám xuống còn 14.97%.

Một mẫu xe ý tưởng chạy bằng điện của nhà sản xuất xe Trung Quốc BYD được trưng bày tại triển lãm xe hơi Bắc Kinh hôm 26/04/2018. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Đạo luật Giảm Lạm Phát nhắm vào ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc

Hiện tại, vẫn chưa rõ tại sao ông Buffett lại giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại BYD. Tuy nhiên, chỉ một tuần trước khi ông Buffett lần đầu tiên giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại BYD, hôm 16/08, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA).

Đạo luật này quy định rằng xe điện phải có pin được chế tạo bằng khoáng chất được khai thác hoặc tái chế ở Bắc Mỹ để đủ điều kiện nhận tín thuế liên bang. Và đến năm 2024, ít nhất 50% pin xe điện phải đến từ Hoa Kỳ, Canada, hoặc Mexico, và tỷ lệ đó sẽ phải tăng lên 100% vào năm 2028.

Những quy tắc này được cho là nhằm hạn chế chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các công ty Trung Quốc hiện đang nắm giữ hơn một nửa công suất xử lý và tinh chế lithium, cobalt, cùng than chì — các thành phần quan trọng đối với pin EV.

Luật này được coi là một đòn giáng mạnh vào các công ty sản xuất xe điện và pin của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, dưới hiệu lực của IRA, hôm 06/12, Phó chủ tịch điều hành BYD Lý Kha (Stella Li) cho biết công ty hiện không có kế hoạch bán xe điện tại Mỹ.

Tuy nhiên, BYD vẫn đang tìm cách xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Hoa Kỳ, vị giám đốc điều hành hàng đầu này cho biết.

Bà Lý cũng gọi yêu cầu của IRA về nguồn nguyên liệu thô từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ là một quy định “khó hiểu” mà chắc chắn sẽ khiến các công ty Trung Quốc thiệt thòi.

Ngoài ra, mảng kinh doanh quang điện của BYD cũng đang gặp rắc rối.

Một tấm pin năng lượng mặt trời được tích hợp vào chiếc F3BD của nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, một chiếc xe hybrid, tại khu trưng bày của công ty tại Triển lãm Xe hơi Quốc tế Bắc Mỹ ở Detroit, Michigan, ngày 10/01/2011. (Ảnh: Geoff Robins/AFP qua Getty Images)

Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Trung Quốc bị điều tra trốn thuế

Hôm 02/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định sơ bộ về bốn nhà sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc trong một cuộc điều tra trốn thuế.

Cuộc điều tra sơ bộ cho thấy bốn trong số tám công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang bị điều tra, bao gồm cả BYD Hồng Kông, đang gửi các module quang năng đến các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, hoặc Campuchia, để gia công một ít trước khi xuất cảng sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế quan của Hoa Kỳ.

Mặc dù hồi tháng Sáu năm nay, chính phủ ông Biden đã tuyên bố rằng họ sẽ miễn thuế nhập cảng đối với pin mặt trời và linh kiện từ bốn quốc gia Đông Nam Á kể trên trong vòng hai năm, nhưng việc BYD tránh luật áp thuế quan của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tiếp theo của công ty.

Không rõ liệu ông Buffett có tiếp tục giảm cổ phần của mình trong BYD nữa hay không. Tuy nhiên, trong khi giảm tỷ lệ nắm giữ BYD, ông Buffett đã chuyển hướng sang để mắt tới TSMC, nhà sản xuất vi mạch tân tiến lớn nhất thế giới, sản xuất hơn 90% vi mạch cao cấp của thế giới.

Hôm 14/11, Berkshire Hathaway tiết lộ rằng họ đã mua hơn 4.1 tỷ USD cổ phiếu của TSMC.

Trong các tài liệu gửi cho các cơ quan quản lý Hoa Kỳ, Berkshire Hathaway đã mua hơn 60 triệu chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) từ TSMC trong ba tháng tính đến cuối tháng Chín năm nay.

Logo của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) tại trụ sở chính của công ty ở Tân Trúc, Đài Loan, hôm 31/08/2018. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters)

Foxconn của Đài Loan rời bỏ Tập đoàn Thanh Hoa

Hôm 16/12, Tập đoàn Foxconn của Đài Loan tiết lộ rằng công ty con Foxconn Industrial Internet sẽ bán toàn bộ cổ phần của mình trong Tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Unigroup) của Trung Quốc cho Trung tâm đầu tư Vi mạch Yên Đài Hải Tú (Yantai Haixiu IC Investment Center).

Sau năm tháng mua lại, Foxconn đã quyết định bán toàn bộ cổ phần của mình tại Tập đoàn Thanh Hoa, nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc.

Trong một tuyên bố riêng, Foxconn cho biết hành động này của công ty là để tránh sự không chắc chắn, trong bối cảnh khoản đầu tư vẫn chưa được hoàn tất.

Hôm 14/07, Foxconn Industrial Internet đã gián tiếp mua lại gần 10% cổ phần của Tập đoàn Thanh Hoa. Tuy nhiên, hành động đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này đã vấp phải sự giám sát từ chính phủ Đài Loan.

Tập đoàn Thanh Hoa là một công ty bán dẫn quan trọng ở Trung Quốc. Một trong những khoản đầu tư lớn của công ty, nhà sản xuất vi mạch bộ nhớ Trung Quốc Công ty Công nghệ Bộ nhớ Trường Giang (Yangtze Memory Technologies Corp, YMTC), nằm trong số 35 công ty Trung Quốc được thêm vào Danh sách Tổ chức (Entity List) của Hoa Kỳ, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 15/12.

Vi mạch bán dẫn của Tập đoàn Thanh Hoa được trưng bày tại Hội nghị Chất bán dẫn Thế giới 2020 ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 26/08/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Việc các công ty sản xuất vi mạch bán dẫn lớn của Trung Quốc gần đây bị bổ sung vào danh sách đen thương mại được cho là sự tăng cường hành động kiềm chế của Mỹ đối với ngành công nghiệp vi mạch của Trung Quốc.

Hôm 07/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới nhằm ngăn chặn quá trình hiện đại hóa quân sự của một chính quyền Trung Quốc ngày càng thù địch.

Trong số các quy tắc xuất cảng mới có một biện pháp nhằm loại bỏ sự tiếp cận của Trung Quốc cộng sản đối với các thiết bị sản xuất vi mạch tân tiến và một số vi mạch bán dẫn tân tiến được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, bất kể các vi mạch này có được sản xuất tại Hoa Kỳ hay không.

Tập đoàn Thanh Hoa rơi vào khủng hoảng nợ vào cuối năm 2020. Tháng Bảy năm ngoái, công ty tiết lộ rằng một trong những chủ nợ của mình đã yêu cầu tòa án tiến hành các thủ tục phá sản và tái cấu trúc do tập đoàn này không trả được nợ và rõ ràng là mất khả năng thanh toán.

Cổ phần tại Tencent, Alibaba bị bán tháo

Cổ phần của hai đại công ty công nghệ khác của Trung Quốc là Alibaba và Tencent cũng đã bị bán tháo mạnh trong năm nay.

Giá cổ phiếu của Tencent và Alibaba tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt các quy định chặt chẽ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, do đại công ty dịch vụ gọi xe Didi gia nhập Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) hồi tháng Bảy năm ngoái.

Hôm 16/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) tiết lộ rằng cổ đông lớn nhất của Tencent, tập đoàn truyền thông Nam Phi Naspers, một lần nữa đã giảm lượng nắm giữ 993,000 cổ phiếu Tencent hôm 13/12.

Nhân viên tại một gian hàng của Tencent tại một cuộc triển lãm thuộc Hội nghị Internet Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 13/07/2021. (Ảnh: Tingshu Wang/Reuters)

Naspers, một tập đoàn truyền thông và internet của Nam Phi, đã mua 45.6% cổ phần của Tencent vào năm 2001. Vào ngày 27/06 năm nay, Naspers đã công bố kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ vô thời hạn đối với Tencent, một hành động đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường.

Giá cổ phiếu của Tencent trên HKEX đã giảm gần 60% so với mức cao nhất hồi tháng 02/2021.

Hôm 10/08, Tập đoàn Softbank của Nhật Bản thông báo rằng hội đồng quản trị của công ty đã đồng ý giảm đáng kể tỷ lệ nắm giữ tại Alibaba trước cuối tháng Chín năm nay.

Công ty đã bán 242 triệu chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của Alibaba, giảm cổ phần của họ trong công ty này từ 23.7% xuống còn 14.6%.

Tập đoàn SoftBank đã đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba hồi năm 2000, đây từ lâu đã được coi là một trong những quyết định đầu tư thành công nhất mà công ty từng thực hiện. Vụ cá cược này từng trị giá 60 tỷ USD khi Alibaba ra mắt công chúng hồi năm 2014.

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York trong lúc giá chào bán lần đầu (IPO) của Tập đoàn Alibaba được quyết định, tại thành phố New York, hôm 19/09/2014. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)

Tuy nhiên, vào quý 4/2021, SoftBank bắt đầu bán một lượng nhỏ cổ phần của Alibaba. Và mức giảm đáng kể trong năm nay đã làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của công ty này vào các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Giá trị thị trường của Alibaba đã giảm ⅔ so với mức cao nhất hồi tháng 10/2020.

Triển vọng cho các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhạt nhòa hơn trong những năm gần đây. Theo Business Insider, các nhà phân tích Wall Street tin rằng các nhà đầu tư như Berkshire Hathaway, Naspers, và Softbank “muốn thu về một phần lãi từ chứng khoán Trung Quốc trước khi những lợi tức này có khả năng biến mất.”
Anne Zhang BTV Epoch Times Tiếng Anh Cô Anne Zhang là một cây bút chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014. Sean Tseng BTV Epoch Times Tiếng Anh Anh Sean Tseng là một cây bút người Đài Loan. Anh chuyên về tin tức Trung Quốc.

Vân Du biên dịch

Related posts