Lợi ích của ĐCSTQ ẩn sau việc xét nghiệm hàng loạt và các đợt phong tỏa

Cát Mộc

Mọi người xếp hàng dài chờ được xét nghiệm vi rút corona Covid-19 tại một địa điểm xét nghiệm axit nucleic còn mở vì nhiều trạm xét nghiệm đã đóng cửa ở Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 12 năm 2022. (Ảnh của JADE GAO/ AFP/ Getty Images)

Chính sách Zero-COVID của Trung Quốc là lá chắn cho doanh thu béo bở của Chính quyền địa phương và các công ty.

Theo chuyên gia về Trung Quốc Hoành Hà, hai biện pháp cốt lõi trong chính sách Zero-COVID của ĐCSTQ là xét nghiệm và phong tỏa. Chúng đã tạo ra một chuỗi lợi ích khổng lồ làm cạn kiệt ngân sách nhà nước và mất đi sinh kế của người dân.

Kể từ đầu tháng 12, Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19 làm bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới trên khắp đất nước. Tại Bắc Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Liêu Ninh, Quảng Đông và nhiều tỉnh, thành phố khác, dịch vụ tang lễ đang quá tải. Ngày 11/12, nhà tang lễ Thông Châu Bắc Kinh đã ra một thông báo rằng, họ phải làm việc quá giờ, (theo Chinesecitizen.org đưa tin).

Ông Hoành cho biết, các biện pháp chống dịch của Trung Quốc không phải vì lo cho tính mạng người dân. Chính sách zero-COVID có khả năng là cái ô cho các nhóm lợi ích của ĐCSTQ tranh giành để thu lợi nhuận béo bở từ xét nghiệm bắt buộc hàng loạt và phong tỏa.

Phòng thí nghiệm báo cáo sai kết quả xét nghiệm COVID

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, xét nghiệm axit nucleic đã trở thành một ngành kinh doanh hot. Như vậy, chắc chắn sẽ có các vấn đề như dữ liệu xét nghiệm bị làm sai lệch, lỗi dữ liệu hoặc mất mẫu.

Vào ngày 25/11, Ủy ban Y tế thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đã ra thông báo rằng Phòng thí nghiệm Hoa Tây, Lan Châu có sai phạm bất thường khi ghi sai thông tin xét nghiệm axit nucleic của bệnh nhân trong tệp hồ sơ của những người âm tính và tải nó lên mạng. Từ đó, làm cho mã sức khoẻ của họ bị thay đổi. Thông báo cũng cho biết Phòng thí nghiệm này sẽ bị phạt nặng.

Từ cơ sở dữ liệu thương mại Tianyancha cho thấy Phòng thí nghiệm Hạt nhân Hoa Tây, Lan Châu thuộc sở hữu của Công nghệ hạt nhân gen Thâm Quyến. Nó mới được thành lập vào ngày 8/8 và nhanh chóng lọt vào danh sách các tổ chức xét nghiệm axit nucleic bên thứ ba được chính phủ phê duyệt.

Zhang Shanshan là giám sát viên của phòng thí nghiệm, đồng thời cũng là giám đốc điều hành của 38 công ty xét nghiệm axit nucleic khác.

Công nghệ hạt nhân gen Thâm Quyến được thành lập vào tháng 4/2012 và có 79 công ty do tư nhân kiểm soát. Các phòng thí nghiệm xét nghiệm y tế như “Hạt Nhân Hoa Tây” được phân bố trên khắp Trung Quốc.

Không chỉ riêng phòng xét nghiệm Hoa Tây, Lan Châu vi phạm. Tháng 1/2021, Hoa Tây, Tế Nam cũng bị báo cáo vì “nói dối về kết quả xét nghiệm axit nucleic”. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, các phòng xét nghiệm Hoa Tây ở Hàng Châu, Thâm Quyến và Trường Sa đã bị cảnh báo hoặc bị ủy ban y tế địa phương phạt tiền vì “quy trình khử trùng bất thường”, “sử dụng kỹ thuật viên không có chuyên môn để thực hiện công việc y tế” hoặc không tuân thủ các quy trình phù hợp khác, (theo cổng thông tin Sina, Trung Quốc).

Cơ sở xét nghiệm bên thứ ba được chính phủ hỗ trợ

Bất chấp những vấn đề lặp đi lặp lại với các cơ sở xét nghiệm axit nucleic đó, công ty mẹ của họ là Hạt Nhân Gen Thâm Quyến chưa bao giờ ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trên thị trường. Thậm chí, năm 2022 là năm tăng trưởng nhanh nhất.

Tính đến tháng 11/2022, công ty này đã mở 16 phòng xét nghiệm y tế. Tháng 8 đăng ký công ty tại Lan Châu. Tháng 9 đăng ký công ty ở Bắc Kinh và Quý Châu. Ngày 8/10, khai trương tại Chu Hải, Tuyền Châu, Hạ Môn, Ngân Xuyên, Thái Nguyên, Thanh Đảo, Đại Liên và Hải Khẩu. Tháng 11 đăng ký công ty tại Tây Ninh.

Thật khó hiểu nhưng ngay sau khi một công ty xét nghiệm được khai trương thì lại có một đợt bùng phát vi rút sẽ xảy ra. Và sau đó sẽ là các đợt xét nghiệm axit nucleic hàng loạt ở khu vực nơi công ty đặt trụ sở.

Ví dụ: Hạt nhân Hoa Tây sau khi khai trương tại Hợp Phì vào tháng 9 thì đợt bùng phát COVID-19 xảy ra ở đó vào tháng 10. Hạt nhân Hoa Tây thành lập ở Bắc Kinh ngày 29/9 thì số lượng các ca lây nhiễm ở Bắc Kinh tăng dần kể từ tháng 10, tăng mạnh vào đầu tháng 11. Hạt nhân Hoa Tây đăng ký tại Đại Liên ngày 14/10 thì từ 24/11 có thêm 67 ca mắc COVID mới. Hoa Tây tại Thái Nguyên (Trung Quốc) được thành lập vào ngày 21/10 thì một đợt bùng phát bắt đầu ở đó vào ngày 19/11. Hoa Tây tại Tây Ninh ngày 12/11 và số ca dương tính đã tăng lên nhanh chóng ngay sau đó.

Có phải ngẫu nhiên mà các đợt bùng phát cục bộ lại theo sát sự thành lập của các cơ sở xét nghiệm axit nucleic?

Những người trong ngành suy đoán rằng Công ty Công nghệ hạt nhân Thâm Quyến có thể có liên hệ sâu sắc với lợi ích của chính quyền địa phương. Bởi vì hoạt động kinh doanh xét nghiệm axit nucleic không đơn giản chỉ là đăng ký công ty mà cần có sự cho phép xét nghiệm của bên thứ ba từ chính quyền địa phương qua thông báo và đấu thầu.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ, Công ty Hạt nhân Thâm Quyến sử dụng mô hình nhượng quyền thương mại để cho phép hàng chục cơ sở xét nghiệm của mình trải rộng khắp Trung Quốc.

Theo truyền thông OFweek, Trung Quốc, tính đến ngày 9/3/2020, Công ty Công nghệ hạt nhân gen Thâm Quyến có doanh thu từ xét nghiệm axit nucleic trị giá 450 triệu nhân dân tệ (gần 1.526 tỷ VNĐ). Trong khi vào ngày 25/11 năm nay, công ty cho biết đã hoàn thành 700 triệu xét nghiệm axit nucleic và đang chuẩn bị ra mắt IPO (niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán).

Dựa trên mức giá tối thiểu hiện tại, 5 nhân dân tệ (17.000 VNĐ) mỗi người cho xét nghiệm mẫu gộp, nếu Thâm Quyến Nucleus Gene thực hiện tất cả xét nghiệm mẫu gộp, doanh thu do 700 triệu lượt tạo ra có thể đạt 3,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12.000 tỷ VNĐ), một mức lợi nhuận kỷ lục và béo bở trong ngành xét nghiệm y học.

Chuỗi lợi nhuận khổng lồ của xét nghiệm axit nucleic

Ông Lại Kiến Bình – Thạc sĩ Luật Quốc tế tại Đại học Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào tháng 5 rằng: “Xét nghiệm axit nucleic hàng loạt có liên quan đến một chuỗi lợi ích khổng lồ”.

Theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số lượng phòng thí nghiệm xét nghiệm axit nucleic đã tăng hơn 10 lần, tương đương từ 2.081 phòng vào tháng 3/2020 tới 13.100 phòng vào tháng 4/2022 trong bối cảnh áp dụng chính sách zero-COVID. Công suất xét nghiệm là 51,65 triệu ống mỗi ngày. Các phòng thí nghiệm xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase mới đã tăng lên khoảng 11.000, gấp hơn 6 lần so với tháng 3/2020.

Người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 khi xếp hàng dài chờ xét nghiệm axit nucleic tại một địa điểm xét nghiệm công cộng, gần khu vực các cộng đồng đang bị phong tỏa vào ngày 30 tháng 11 năm 2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kevin Frayer/Getty Images)

Chính sách hà khắc zero-COVID kéo dài 3 năm đã đặt hầu hết các ngành công nghiệp của Trung Quốc vào tình trạng ảm đạm, trừ ngành xét nghiệm axit nucleic. Ngành này đã sinh lời đến mức nhiều công ty xét nghiệm tìm cách niêm yết cổ phiếu.

Ba quý đầu năm 2022 có 109 công ty xét nghiệm axit nucleic niêm yết, với tổng doanh thu khoảng 363 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu tỷ VNĐ), tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo trang web Sina Trung Quốc, lợi nhuận ròng đạt khoảng 85 tỷ nhân dân tệ (khoảng 288 nghìn tỷ VNĐ), tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt để xây dựng bệnh viện cabin di động

Vào ngày 26/11, các phương tiện truyền thông tỉnh Sơn Đông đã đưa tin về chương trình phát hành trái phiếu đặc biệt để xây dựng bệnh viện cabin di động ở thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông vào tháng 3.

Dự án xác định “5 năm tới là thời kỳ dịch bệnh”. Một khoản tiền lớn 120 triệu nhân dân tệ (khoảng 407 tỷ VNĐ) sẽ được đầu tư toàn bộ vào dự án bệnh viện cách ly cabin. Trong đó, 24 triệu nhân dân tệ (81 tỷ VNĐ) là do chính quyền địa phương huy động và còn lại sẽ huy động trong công chúng thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt.

Báo cáo cho biết, bệnh viện cabin ước tính có thể cách ly trung bình 100 người mỗi ngày. Tổng doanh thu của dự án sẽ là 240 triệu nhân dân tệ (814 tỷ VNĐ) và tỷ lệ đầu tư sẽ gấp hơn hai lần.

Phát hành trái phiếu đặc biệt là khi chính quyền địa phương có kế hoạch thực hiện một dự án nhưng thiếu kinh phí. Nên họ sẽ dùng tín dụng của chính phủ như một sự chứng thực để tài trợ cho dự án. Ngoài ra, trái phiếu đặc biệt được đưa vào ngân quỹ chính phủ và không được tính vào thâm hụt ngân sách.

Không chỉ thành phố Hải Dương, các thành phố khác của tỉnh Sơn Đông cũng phát hành trái phiếu đặc biệt để xây dựng các bệnh viện cabin di động phục vụ mục đích cách ly trong dịch COVID-19.

Ví dụ, chính quyền thành phố Thái An đã phê duyệt để tung ra 229 triệu nhân dân tệ ( 777 tỷ VNĐ) trái phiếu chính phủ. Ngày 26/3, khoảng 80% tổng vốn đầu tư đã dùng để hỗ trợ một bệnh viện cabin di động bốn tầng rộng khoảng 16ha. Chính quyền thành phố Yên Đài dự kiến phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 339 tỷ VNĐ), chiếm 79,6% tổng số tiền xây dựng một bệnh viện di động 1.734 phòng. Thành phố Long Khẩu dự định tài trợ cho việc xây dựng một bệnh viện cách ly di động rộng 120.000 mét vuông với 234 triệu nhân dân tệ (khoảng 793 tỷ VNĐ) trái phiếu chính quyền địa phương, chiếm 78% tổng số tiền.

Theo báo cáo ngày 29/11 của Sina, tỉnh Sơn Đông đã phát hành hơn 15 tỷ nhân dân tệ (khoảng 51 nghìn tỷ VNĐ) trái phiếu đặc biệt để xây dựng các bệnh viện cabin di động và các khu cách ly tập trung với gần 90% dự án hoàn thành xây dựng trong vòng một năm.

Đặc điểm chung của các dự án trái phiếu đặc biệt này là các nhà tài trợ dự án xác định 5 năm tới là giai đoạn dịch bệnh.

Han Bing, giáo sư luật tại Đại học Nhân dân Trung Hoa đã lên án hiện trạng này trên Weibo rằng: “Thật điên rồ phải không? Làm sao có thể tin rằng dịch bệnh sẽ kết thúc khi họ đang biến các bệnh viện cabin thành một ngành công nghiệp?”

Các khu cách ly trên toàn quốc

Các dự án bệnh viện cabin di động và khu vực cách ly lớn đã được triển khai rầm rộ trên khắp đất nước vào tháng 5. Mã Hiểu Vĩ – Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia đã đăng một bài xã luận trên tạp chí Cầu thị. Ông tuyên bố sẽ đẩy nhanh quá trình chuẩn bị cho bệnh viện cabin di động và các địa điểm cách li tập trung.

Thương Khâu, miền trung tỉnh Hà Nam là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc công khai việc xây dựng bệnh viện cabin. Giai đoạn đầu họ đã tiêu tốn 135 triệu nhân dân tệ (khoảng 458 tỷ VNĐ) để xây dựng 1.000 điểm cách ly mới.

Vào ngày 7/5, một bệnh viện di động 4.000 giường đã được xây dựng tại khu vực Sân bay Trịnh Châu. Vào ngày 6/7, Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe Hồi Hột đã ban hành thông báo dự án xây dựng bệnh viện di động rộng 55.861 mét vuông và các cơ sở liên quan với khoản đầu tư 80 triệu nhân dân tệ (khoảng 271 tỷ VNĐ).

Vào ngày 20/10, Lan Châu bắt đầu xây dựng hai bệnh viện cabin cùng một lúc, cung cấp tổng cộng hơn 4.000 giường cách ly với tổng diện tích xây dựng là 28.000 mét vuông.

Ảnh minh họa công trường xây dựng bệnh viện dã chiến. Hình chụp ngày 26/3/2022 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. STR/AFP via Getty Images)

Chính quyền thành phố Thượng Hải và Sở xây dựng Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá 1,38 tỷ nhân dân tệ (gần 5 nghìn tỷ VNĐ) để xây dựng một bệnh viện cabin 3.250 giường trên đảo Ngôi sao gần sông Hoàng Phố vào ngày 19/10, (theo Reuters).

Ngày 23/11, một bệnh viện cabin di động đã chính thức đi vào hoạt động tại Bắc Kinh.

Cũng theo China News, Trùng Khánh đã xây dựng bệnh viện lớn nhất trong khu vực với tổng số 26.313 giường bệnh ngày 22/11.

Một thông tin lan truyền trên mạng cho thấy quận Huệ Lai, thị trấn Thần Tuyền, Quảng Đông đã gửi một thông báo khẩn cấp nói rằng, để thực hiện yêu cầu “mỗi quận phải xây dựng một bệnh viện cabin di động”, tất cả các ngôi mộ trong khu vực làng Thần Nông đều phải được di dời. Do đó , yêu cầu chủ mộ hoặc thân nhân phải hoàn thành việc di dời trong vòng 2 ngày. Nếu không sẽ coi như mộ vô chủ và phải chịu mọi hậu quả.

Có 122 quận và huyện ở Quảng Đông, nghĩa là 122 bệnh viện cabin sẽ được thành lập.

Xây dựng bệnh viện di động là một khoản đầu tư khổng lồ bởi không chỉ phí xây dựng mà còn liên quan tới chi phí vận hành và quản lý sau đó.

Trương Hải – một cư dân Vũ Hán nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 23/11 rằng, anh đã phải chịu đựng rất nhiều từ các biện pháp kiểm tra bắt buộc và phong tỏa khắc nghiệt. Anh nói: “Vì chính quyền đã chi tiền để xây dựng những khu vực cách ly đó nên họ phải cho người vào. Nếu không, làm sao họ có thể giải thích với cấp trên việc giải ngân? Đó là lý do tại sao một số người trả tiền để đưa mọi người vào bệnh viện cabin”.

Xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn và cách ly cabin đã trở thành nguồn thu tài chính của chính quyền địa phương. Anh Trương đặt câu hỏi: “Trong trường hợp này thì làm sao mà chính quyền ĐCSTQ có thể dễ dàng chấm dứt dịch bệnh khi họ đang hưởng lợi từ đó?”.

“Những người có quyền quyết định xây dựng các khu cách ly và bên xây dựng đều có cổ phần trong đó. Trong 3 năm xảy ra dịch bệnh, những người làm xét nghiệm axit nucleic, bán khẩu trang và bán quần áo bảo hộ đều kiếm được rất nhiều tiền”.

Anh Trương cho biết thêm, khoản đầu tư vào việc xây dựng các bệnh viện di động là rất lớn và các bên tham gia sẽ tìm cách kiếm nhiều tiền hơn hoặc ít nhất là thu lại phí đầu tư của họ.

David Chu: là một nhà báo ở London, đã làm việc trong lĩnh vực tài chính gần 30 năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ông sinh ra trong một gia đình chuyên về Y học cổ truyền Trung Quốc và có nền tảng văn hoá truyền thống Trung Quốc.

Theo Epoch Times tiếng Anh
Cát Mộc biên dịch

Related posts