Có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’ giữa Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục – Bộ Công an vào cuộc

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (2016 – 2021). (Ảnh: gov.vn)

Thanh tra Chính phủ đã kết luận hai vấn đề về các quyết sách của Bộ Giáo dục liên quan tới in ấn, sử dụng sách giáo khoa, trong đó nhận định có “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục và có vấn đề về thiếu minh bạch trong đấu thầu dự án của Bộ. Thanh tra Chính phủ chuyển vụ việc sang Bộ Công an. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý lãnh đạo Bộ Giáo dục liên quan tới sự việc này.

Có dấu hiệu ‘lợi ích nhóm’ và thiếu minh bạch trong đấu thầu

Nội dung thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm sách giáo khoa (việc quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa); việc quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Thời gian thanh tra từ 1/1/2014 – 31/12/2018.

Theo cổng thông tin Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị với Thủ tướng cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định, bao gồm:

Thứ nhất, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Thứ hai, nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Về kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Kiến nghị xử lý lãnh đạo Bộ Giáo dục giai đoạn 2014 – 2018

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân công phụ trách (theo từng thời kỳ).

Giai đoạn 2014 – 2018, Bộ Giáo dục trải qua 2 đời bộ trưởng là ông Phạm Vũ Luận (2010 – 2016) và ông Phùng Xuân Nhạ (2016 – 2021).

Tuy nhiên, ngày 24/10/2022, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Phùng Xuân Nhạ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Lý do kỷ luật vì Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; Đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 xảy ra nhiều vi phạm, một số cán bộ ngành giáo dục bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự… cũng có trách nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021. ông Phùng Xuân Nhạ trong thời gian giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Bí thư cũng đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với cá nhân đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng.

Hiện chưa rõ trách nhiệm từng vị bộ trưởng trong giai 2014 – 2018 với tội danh này ra sao và liệu ông Phạm Vũ Luận, ông Phùng Xuân Nhạ sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đến đâu với hai kết luận đã công bố của Thanh tra Chính phủ.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phải nộp phạt hàng trăm tỷ đồng

Liên quan đến xử lý kinh tế đối với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, kết luận thanh tra nêu rõ, do thời kỳ thanh tra từ 2014-2018, trong khi đó sách giáo khoa được nhà xuất bản này thực hiện đăng ký giá từ năm 2011 nên chưa xác định được cụ thể, chính xác số tiền gia đình học sinh (là khách hàng) đã mua sách giáo khoa cao hơn giá sách giáo khoa mà nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay.

Vì thế, nhà xuất bản phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn sách giáo khoa mà nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá sách giáo khoa từ năm 2011.

Hiện chưa rõ số tiền chênh lệch phải nộp phạt này ở mức nào, nhưng cộng với các khoản phân bổ chi phí, quyết toán chưa phù hợp (hiện kết luận Thanh tra có 85,1 tỷ đồng phân bổ chi phí không hợp lý) thì mức nộp phạt có thể lên tới hàng trăm tỷ.

Quang Nhật

‘Vẽ bệnh, moi tiền’ tại TP.HCM: Bình quân mỗi ngày một tin báo

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như trong cuộc họp báo chiều 29/12. (Ảnh: Linh Chi/ttbc-hcm.gov.vn)

Sau gần 1 tháng triển khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, Sở Y tế TP.HCM cho biết có đến 24 lượt báo trên tổng 112 cuộc gọi và 14 tin nhắn của người dân phản ánh tình trạng “vẽ bệnh moi tiền”.

Chiều 29/12, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết kể từ ngày 4/12/2022, đường dây nóng 0989.401.155 tiếp nhận tình trạng “vẽ bệnh moi tiền” được mở, tính đến ngày 28/12, tổng cộng có 112 cuộc gọi và 14 tin nhắn phản ánh đã được tiếp nhận. Trong đó, số cuộc gọi, tin nhắn liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở bị tố “vẽ bệnh, moi tiền” là 24 lượt.

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, các cuộc gọi phản ánh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền” đã được Thanh tra Sở Y tế phối hợp phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra, lập biên bản, củng cố hồ sơ xử lý.

“Riêng trường hợp phản ánh mà người bệnh đang có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chúng tôi tiếp cận ngay”, bà Như nói.

Bà Như cho biết số trường hợp đã kiểm tra và đang tổng hợp xử lý vi phạm là 14 trường hợp. Ngoài ra, Sở Y tế đang đề nghị người phản ánh cung cấp thêm thông tin của 13 cuộc gọi phản ánh liên quan đến các phòng khám.

Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiếp nhận một số cuộc gọi phản ánh không đúng sự thật. Đưa ra dẫn chứng, bà Như cho hay cuộc gọi từ số điện thoại 09xx phản ánh phòng khám đa khoa A “vẽ bệnh, giữ người trái pháp luật, thu giá dịch vụ quá cao nên không đủ tiền đóng phí”.

Tuy nhiên, khi Thanh tra Sở Y tế, Phòng y tế quận Tân Bình, UBND và công an địa phương đến kiểm tra khẩn cơ sở trên, phòng khám bị phản ánh không có bệnh nhân, cũng không có tên bệnh nhân mà người phản ánh cung cấp. Thanh tra Sở Y tế liên lạc lại với người phản ánh qua điện thoại, yêu cầu cung cấp thông tin thì người này lại không đưa ra được.

Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trong đó, sở này đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt trong lĩnh vực y tế như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động nếu tái vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề (như “vẽ bệnh, thu tiền”, quảng cáo sai sự thật…).

Đường dây nóng 0989.401.155 do Sở này thiết lập đang được quảng bá để tiếp nhận cuộc gọi phản ánh của người dân và nhân viên y tế khi phát hiện hoặc bị các phòng khám lừa gạt.

Nguyễn Sơn

Related posts