Chuyên gia: Việc EU từ chối áp đặt hạn chế đối với du khách TQ là “một canh bạc lớn”

Gia Huy

Tại một sân bay ở Ý. (Nguồn: MARCO SOLBIATI/ Shutterstock)

Khi Milan bắt đầu xét nghiệm COVID đối với những người đến từ Trung Quốc trong bối cảnh virus đang bùng nổ tại quốc gia châu Á này, họ đã phát hiện gần một nửa hành khách trên hai chuyến bay bị nhiễm virus.

Điều đó đã khiến Ý, quốc gia châu Âu đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID vào năm 2020, áp đặt việc xét nghiệm COVID bắt buộc đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc, đồng thời tiến hành các xét nghiệm ở Milan để giám sát các biến thể mới có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, Ý đã gặp phải bế tắc khi nước này cố gắng gây áp lực yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cách tiếp cận của mình.

Khối liên minh gồm 27 thành viên này không thể thống nhất một hướng đi chung khi khối này tổ chức cuộc đàm phán vào sáng thứ Năm (29/12). Tuy nhiên các nước thành viên cam kết sẽ tiếp tục thảo luận để có một hành động chung.

Tiến sĩ Brigitte Autran, lãnh đạo ủy ban đánh giá rủi ro sức khỏe của Pháp COVARS, cho rằng: “Từ quan điểm khoa học, tại giai đoạn này, không có lý do gì để áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát ở biên giới.”

Quan điểm đó đã được các quốc gia khác như Đức, Bồ Đào Nha, và Anh ủng hộ, đặc biệt Áo nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế từ sự trở lại sắp tới của khách du lịch Trung Quốc. Theo quy định mới của chính quyền Trung Quốc, từ ngày 8/1/2023, người Trung Quốc sẽ được phép đi du lịch nước ngoài sau gần ba năm bị giới hạn trong biên giới của đất nước.

Trên Twitter, Giáo sư Preben Aavitsland của Viện Y tế Công cộng Na Uy, nêu lên quan điểm tương tự: “Hiện tại, chúng ta có thể có vài trăm nghìn người mắc COVID ở Na Uy mỗi tuần. [Do đó] thêm vài trăm ca nhiễm trong số các du khách đến từ Trung Quốc sẽ chỉ là một giọt nước trong đại dương.”

Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni kêu gọi các quốc gia thành viên khác trong EU hành động.

Thủ tướng Meloni cảnh báo, việc xét nghiệm COVID bắt buộc “chỉ hiệu quả khi biện pháp này được thực hiện ở cấp độ châu Âu,” đồng thời bà cũng lưu ý, nhiều du khách gốc Trung Quốc đến Ý trên các chuyến bay nối chuyến qua các quốc gia châu Âu khác.

Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc

Những nghi ngờ về dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc cũng như quy mô của đợt bùng phát tại nước này đã khiến các nước láng giềng, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ. Hàn Quốc và Đài Loan áp dụng yêu cầu xét nghiệm COVID đối với du khách đến từ quốc gia cộng sản này, một hành động mà Hoa Kỳ đã áp dụng vào ngày 28/12.

Trong một thông báo bằng văn bản gửi cho giới truyền thông vào đầu tuần, một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ cho biết: “Cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về sự gia tăng đột biến COVID-19 đang diễn ra ở Trung Quốc và sự thiếu dữ liệu minh bạch do CHND Trung Hoa báo cáo, bao gồm cả dữ liệu trình tự gen của virus.”

Quan chức này cảnh báo, nếu không có dữ liệu như vậy, “các quan chức y tế công cộng ngày càng trở nên khó khăn để đảm bảo rằng họ có thể xác định bất kỳ biến thể mới tiềm năng nào và tiến hành các biện pháp kịp thời để giảm sự lây lan.”

Hôm 29/12, đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế, các quan chức y tế Trung Quốc tiếp tục khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc đã minh bạch và tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về báo cáo các trường hợp tử vong do COVID. Tuy nhiên, điều bất hợp lý là mặc dù số trường hợp tử vong được chính quyền Trung Quốc báo cáo chính thức không đáng kể chỉ 11 người, nhưng số lượng nhân viên nhà mai táng và nhân viên y tế lại gia tăng đáng kể do số lượng tử vong cao trên khắp Trung Quốc.

Theo một thông báo nội bộ bị rò rỉ lan truyền trên mạng, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc ước tính rằng 250 triệu cư dân đã bị nhiễm virus trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12.

“Một canh bạc lớn”

Nhà virus học Sean Lin, cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại chi nhánh bệnh virus thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, cơ sở nghiên cứu y sinh lớn nhất do Bộ Quốc phòng Mỹ quản lý, lưu ý rằng vấn đề đối với hệ thống EU là tổ chức xuyên quốc gia này không thể đưa ra quyết định nhanh chóng ngay cả khi cần phải hành động khẩn cấp.

Cuối tuần qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1 và khuyến khích phục hồi trở lại du lịch sau khi tạm dừng việc đi lại trong gần ba năm qua. Ông Lin cảnh báo, sau ngần ấy thời gian sống dưới chính sách zero-COVID hà khắc, nhiều người Trung Quốc sẽ “tận dụng khoảng thời gian giới hạn này để vội vã chạy ra ngoài” bởi vì chính sách của Trung Quốc có thể thay đổi bất cứ lúc nào với tình hình đang diễn biến hiện nay.

Phát biểu với tờ The Epoch Times, ông Lin nhấn mạnh: “Các nước sẽ phải đối mặt với một lượng lớn người Trung Quốc đổ vào trong một thời gian ngắn.”

Theo ông Lin, việc sàng lọc những người đến từ Trung Quốc để phát hiện các ca nhiễm COVID nên là chính sách tối thiểu được các quốc gia trên thế giới áp dụng.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Đức Sebastian Guelde cho hay, họ đang theo dõi tình hình nhưng chưa nhìn thấy “dấu hiệu nào cho thấy một biến thể nguy hiểm hơn đã phát triển trong đợt bùng phát dịch bệnh này ở Trung Quốc.” Ông Lin chỉ trích tuyên bố này là “hoàn toàn thiếu hiểu biết”.

Ông cảnh báo: “Đó là một canh bạc lớn. Họ vẫn đang tin tưởng Đảng Cộng sản [Trung Quốc] trong tình huống như thế này.”

“Chính quyền Trung Quốc đang chơi trò chơi chữ với cả thế giới, và chính sách zero-COVID trong hai hoặc ba năm qua là phản khoa học.”

Ông đã chỉ ra các triệu chứng bệnh phổi nghiêm trọng xuất hiện trong làn sóng COVID ở Trung Quốc mà không xuất hiện ở những nơi khác. Vấn đề này khiến ông lo sợ rằng loại virus đang lưu hành ở Trung Quốc có thể không phải là loại virus Omicron thông thường mà các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố.

Hôm 29/12, Thủ tướng Meloni của Ý tiết lộ, các quan chức đã giải trình tự gen một nửa số mẫu xét nghiệm của các du khách đến từ Trung Quốc và tất cả kết quả cho thấy là chủng Omicron.

Trong cuộc họp báo hôm 29/12, Thủ tướng Meloni tuyên bố: “Kết quả này khá yên tâm. Tình hình ở Ý đang được kiểm soát và không có mối lo ngại nào trước mắt.”

Tuy nhiên, ông Lin không mấy lạc quan.

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, tình hình hiện nay tương tự như đầu năm 2020, khi đó Bắc Kinh đã phong tỏa tâm dịch virus Vũ Hán nhưng lại cho phép người dân tự do đi đến các nước khác trên thế giới, mang theo virus cùng với họ làm lây lan dịch bệnh trên toàn cầu.

Việc Trung Quốc mở lại biên giới đồng nghĩa với việc để cho virus, vốn có thể đã bị đột biến, lây lan tự do trên toàn thế giới, mà ông Lin dự đoán sẽ gây ra “một thảm họa cho toàn thế giới”.

Ông kết luận: “Tôi nghĩ thậm chí điều này có thể còn tồi tệ hơn năm 2020.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Related posts