Canada cấm hầu hết người nước ngoài mua nhà
Lệnh cấm người nước ngoài mua bất động sản nhà ở tại Canada chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1, nhằm cung cấp nhiều nhà hơn cho người dân địa phương đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhà ở.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ trong đạo luật cho phép các cá nhân như người tị nạn và thường trú nhân không phải là công dân mua nhà.
Hồi cuối tháng 12, Ottawa đã tuyên bố rõ, lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng cho nhà ở thành phố chứ không áp dụng cho các tài sản giải trí như nhà ở ngắn hạn trong mùa hè.
Biện pháp tạm thời này sẽ kéo dài trong hai năm. Quy định được Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đề xuất trong chiến dịch bầu cử năm 2021, khi giá nhà tăng cao khiến nhiều người Canada không thể sở hữu nhà.
“Mong muốn có nhà ở của nhiều người ở Canada đang thu hút những kẻ trục lợi, các tập đoàn giàu có và nhà đầu tư nước ngoài,” Đảng Tự do của ông Trudeau lưu ý trong kế hoạch bầu cử vào thời điểm đó.
“Điều này đang dẫn đến một thực trạng là nhà bỏ trống và không được sử dụng đúng mức, đầu cơ tràn lan và giá cả tăng chóng mặt. Nhà là của người dân chứ không phải của nhà đầu tư.”
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2021, Đảng Tự do đã lặng lẽ đưa ra Đạo luật Cấm mua tài sản nhà ở đối với người không phải là công dân Canada.
Các thị trường lớn như Vancouver và Toronto cũng đã áp dụng thuế đối với người không thường trú tại địa phương và nhà trống.
Bất chấp thời kỳ hoàng kim gần đây, thị trường bất động sản Canada đã hạ nhiệt đối với người bán, khi lãi suất thế chấp phải tuân theo chính sách tiền tệ nghiêm ngặt của Ngân hàng Trung ương Canada nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo Hiệp hội Bất động sản Canada, giá nhà trung bình đã giảm từ mức cao nhất hơn 800.000 đôla Canada (590.000 USD) vào đầu năm 2022, xuống còn hơn 630.000 đôla Canada (465.000 USD) vào tháng trước.
Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, lệnh cấm đối với người mua nước ngoài – những người chiếm chưa đến 5% quyền sở hữu nhà ở Canada, sẽ không có tác dụng như mong muốn trong việc làm cho nhà ở có giá phải chăng hơn.
Thay vào đó, họ chỉ ra rằng phải xây dựng nhiều nhà ở hơn để đáp ứng nhu cầu.
Tập đoàn Thế chấp và Nhà ở Canada – cơ quan nhà ở quốc gia – nhấn mạnh trong một báo cáo hồi tháng 6, Canada sẽ cần gần 19 triệu đơn vị nhà ở vào năm 2030.
Điều đó có nghĩa là 5,8 triệu ngôi nhà mới phải được xây dựng, hoặc dự kiến hơn 3,5 triệu ngôi nhà sẽ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu đó.
Nhật Minh (Theo AFP)
Ông Lula tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Brazil trong bối cảnh chia rẽ chính trị sâu sắc
Nhà lãnh đạo cánh tả Luiz Inacio “Lula” da Silva đã cam kết “tái thiết Brazil cùng với người dân” khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới của đất nước trong nhiệm kỳ thứ ba lịch sử.
Lễ nhậm chức tại Quốc hội bắt đầu lúc 3 giờ chiều (18:00 GMT) Chủ nhật với an ninh được thắt chặt sau khi những người ủng hộ người tiền nhiệm cánh hữu, Jair Bolsonaro, bị cáo buộc đe dọa bạo lực.
Các nhà chức trách đã triển khai 10.000 cảnh sát và quân đội để tăng cường an ninh tại các sự kiện hôm Chủ Nhật và khám xét những người tham gia để đảm bảo họ không mang theo chai lọ, lon, cột cờ hoặc súng đồ chơi. Việc mang súng của thường dân cũng tạm thời bị cấm.
“Thông điệp của chúng tôi gửi tới Brazil là thông điệp về hy vọng và tái thiết,” ông Lula nói trước Hạ viện của Quốc hội, sau khi ký văn bản chính thức bổ nhiệm ông làm Tổng thống.
“Công trình vĩ đại về quyền, chủ quyền và sự phát triển mà quốc gia này xây dựng đã bị phá hủy một cách có hệ thống trong những năm gần đây. Và để xây dựng lại tòa nhà này, chúng tôi sẽ chỉ đạo tất cả những nỗ lực của mình,” ông nói.
Nhà lãnh đạo kỳ cựu cũng hứa sẽ đấu tranh để cải thiện cuộc sống cho người dân nghèo Brazil, hướng tới bình đẳng giới và chủng tộc, đồng thời đạt mục tiêu không còn nạn phá rừng ở Amazon.
Ông Lula cũng đưa ra lời đe dọa ngầm đối với cựu Tổng thống Bolsonaro. “Chúng tôi không có tinh thần trả thù chống lại những người đã cố gắng khuất phục quốc gia theo các thiết kế cá nhân và ý thức hệ của họ, nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo luật pháp được thực thi,” ông Lula nói mà không nhắc đến tên người tiền nhiệm của mình. “Những ai sai lầm sẽ phải trả giá cho lỗi lầm của mình.”
Ông cũng cáo buộc chính quyền của ông Bolsonaro đã phạm tội “diệt chủng” do không phản ứng đúng cách với tình trạng khẩn cấp COVID-19 đã giết chết hơn 680.000 người Brazil.
Ông nói: “Trách nhiệm đối với tội ác diệt chủng này phải được điều tra và không thể không bị trừng phạt.”
Lễ tuyên thệ bắt đầu bằng một phút mặc niệm dành cho huyền thoại bóng đá Brazil Pele và cựu Giáo hoàng Benedict XVI, cả hai vừa qua đời trong những ngày gần đây.
Hàng chục nghìn người ủng hộ mặc áo đỏ đã reo hò ầm ĩ khi đoàn xe của ông Lula từ từ lăn bánh xuống Esplanade of Ministries, được hộ tống bởi hàng chục vệ sĩ.
Các chức sắc nước ngoài, bao gồm 19 nguyên thủ quốc gia, đã tham dự lễ nhậm chức của ông Lula, bao gồm nhà vua Tây Ban Nha, Tổng thống các nước Đức, Bồ Đào Nha và một số nước Mỹ Latinh.
Ông Lula, 77 tuổi, đã đánh bại ông Bolsonaro trong gang tấc vào tháng 10 để giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ ba chưa từng có sau một thời gian gián đoạn khiến ông phải ngồi tù một năm rưỡi vì các cáo buộc tham nhũng, mà sau đó đã được đảo ngược.
Giờ đây, ông Lula phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc cải thiện nền kinh tế trì trệ của Brazil đồng thời đoàn kết một quốc gia đã trở nên chia rẽ sâu sắc.
Trong khi đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp. Họ đã phản đối trong hai tháng, kêu gọi một cuộc đảo chính quân sự để ngăn ông Lula trở lại nhiệm sở.
Ông Bolsonaro rời Brazil vào thứ Sáu để đến Florida ở Hoa Kỳ, tránh phải trao lại chiếc khăn quàng cổ cho đối thủ của mình, người mà ông vẫn chưa công nhận chiến thắng.
Trước khi bay tới Florida, ông Bolsonaro đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc trước toàn quốc, ca ngợi những người biểu tình cắm trại bên ngoài doanh trại quân đội trên khắp đất nước.
Lê Vy
Trung tướng Mỹ: Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh
Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu và cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster cảnh báo, Trung Quốc đang chuẩn bị quân sự cho cuộc chiến tranh giành Đài Loan.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan từ lâu đã căng thẳng vì quốc đảo vẫn luôn tuyên bố độc lập, trong khi Bắc Kinh lại khẳng định chủ quyền của mình và coi việc kiểm soát hòn đảo này là điều cần thiết đối với chính sách thống nhất của họ.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, ông McMaster nhận định, Trung Quốc có thể chuẩn bị hành động quân sự để giành quyền kiểm soát quốc đảo này. Trong lần xuất hiện trên chương trình Face the Nation của CBS News hôm 1/1 ông nói, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện rõ rằng ông ta có kế hoạch chiếm lại Đài Loan.
Trung tướng McMaster cho biết: “Ông Tập Cận Bình đã nói khá rõ ràng, trong các tuyên bố của mình, rằng theo quan điểm của mình, ông ấy sẽ để Trung Quốc toàn vẹn một lần nữa bằng cách thống nhất Đài Loan.”
Ông McMaster nhìn nhận, cách tốt nhất để ngăn chặn cuộc chiến tranh quân sự quy mô lớn nhằm vào Đài Loan là cần tiến hành “răn đe” Trung Quốc. Ông nói thêm, Hoa Kỳ, quốc gia đã chi hơn 1,6 nghìn tỷ USD cho quốc phòng, nên đầu tư nhiều hơn nữa vào an ninh quốc gia, bởi thực tế là chi phí để đối phó với một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ “tốn kém hơn nhiều”. Hiện Trung Quốc đang không ngừng phát triển quân sự và nỗ lực tìm cách gây dựng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông McMaster tiếp tục: “Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, không chỉ từ khía cạnh kinh tế, tài chính và chính sách ngoại giao chiến lang, mà cả về quân sự của họ. Và tôi nghĩ điều thực sự đáng lo ngại là, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho người dân Trung Quốc tham chiến.”
Ông chỉ ra một số bài phát biểu của ông Tập, vốn mang giọng điệu cứng rắn trong những tháng gần đây, là bằng chứng cho thấy Mỹ nên coi mối đe dọa chiến tranh một cách nghiêm túc hơn. Theo tướng McMaster, làm như vậy cũng sẽ buộc các đồng minh đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của họ, điều này sẽ tiếp tục đóng vai trò răn đe.
Ông McMaster cũng lưu ý, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình cần “cẩn trọng để không rơi vào những cái bẫy tương tự” mà họ đã gặp phải với Nga, quốc gia đã tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Lời cảnh báo của McMaster được đưa ra sau một số dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc có thể đang cân nhắc một cuộc chiến tranh nhằm vào Đài Loan. Hồi tháng 11, The Guardian đưa tin, ông Tập đã ra lệnh cho quân đội của mình “tập trung toàn bộ sức lực vào chiến đấu” để chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng.
“Hãy tập trung toàn bộ năng lượng [của các vị] vào chiến đấu, nỗ lực chiến đấu và cải thiện khả năng [của các vị] để giành chiến thắng,” ông kêu gọi.
Quan hệ Trung Quốc-Đài Loan đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết vào tháng 8 năm ngoái, sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Đài Loan. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã đưa ra một số lời đe dọa trước chuyến thăm của bà Pelosi và tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo, dẫn đến lo ngại rằng xung đột có thể leo thang.
Minh Ngọc (Theo Newsweek)
Trung Quốc: Sản xuất giảm mạnh khi lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh
Tháng 12/2022 là tháng thứ ba liên tiếp sản xuất giảm mạnh nhất trong gần 3 năm đại dịch, đồng thời cũng là tháng số ca lây nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tăng đột biến trên phạm vi toàn Trung Quốc, theo Reuters đưa tin.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố con số chính thức chỉ số PMI (chỉ số quản lý sức mua) là 47,0 cho tháng 12, giảm từ 48,0 của tháng 11. Trong một cuộc thăm dò trước đó của Reuters, các nhà kinh tế từng dự đoán chỉ số PMI tháng 12 sẽ vẫn giữ nguyên ở 48,0. Điểm mốc 50 là phân biệt giữa thu hẹp và tăng trưởng hàng tháng.
Như vậy, đây là lần sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2020 những ngày đầu đại dịch.
Đây là con số PMI chính thức đầu tiên được đưa ra kể từ khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ chính sách kiểm dịch zero-COVID.
Trong tình huống các con số chính thức về tình hình dịch tễ của nhà nước Đại Lục còn thiếu tính thuyết phục, thì các tổ chức y tế thế giới đưa ra những nhận định của mình.
Cơ sở y tế Airfinity của Anh quốc cho rằng số ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán đã đạt 18,6 triệu trong tháng 12. Việc tăng đột biến số người ốm sẽ khiến thiếu nhân công lao động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng mạnh đến năng lực sản xuất.
Đồng thời, nhu cầu mua hàng giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu khi lãi suất tăng, đồng thời lạm phát toàn cầu và chiến tranh ở Ukraine có thể làm chậm hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, những nhân tố đó gây ảnh hưởng xấu cho lĩnh vực sản xuất của nước này và cản trở sự phục hồi kinh tế.
“Những đơn hàng cho năm tới ở hầu hết các nhà máy mà tôi biết, đều đang ở dưới mức mà họ có thể đạt được vào thời điểm này trong năm. Rất nhiều nhà máy mà tôi đã nói chuyện có mức 50%, một số dưới 20%,” theo Cameron Johnson, một đối tác của hãng tư vấn chuỗi cung ứng Tidalwave Solutions.
“Vì vậy, cho dù Đại Lục mở cửa thì sản xuất vẫn chậm lại, do phần còn lại của nền kinh tế thế giới đang chậm lại. Các nhà máy sẽ có công nhân, nhưng họ sẽ không có đơn đặt hàng.”
NBS cho biết 56,3% trong số các nhà sản xuất được khảo sát cho biết họ đã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh trong tháng 12, tăng 15,5 điểm phần trăm so với tháng trước, mặc dù phần lớn cũng cho biết họ kỳ vọng tình hình sẽ dần cải thiện.
Hy vọng phục hồi
“Mặc dù (chỉ số PMI của nhà máy) thấp hơn dự kiến, nhưng các nhà phân tích thực sự khó đưa ra dự báo hợp lý trong tình trạng không (có thông tin) chắc chắn của virus trong tháng qua,” theo Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới Guotai Junan International.
“Nói chung, chúng tôi tin rằng điều tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc đã qua, và phục hồi kinh tế mạnh mẽ đang ở phía trước.”
Các cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Hoa Lục trong tuần này đã cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực ăn uống và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh việc phục hồi tiêu dùng sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Chỉ số PMI phi sản xuất, trong đó có hoạt động của ngành dịch vụ, đã giảm xuống 41,6 từ 46,7 trong tháng 11, cũng đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Chỉ số PMI tổng hợp chính thức, kết hợp sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 42,6 từ 47,1.
“Những tuần trước Tết Âm lịch sẽ vẫn là thời gian thách thức đối với thị trường dịch vụ, vì mọi người sẽ không muốn ra ngoài và mua hàng hóa trừ phi cần thiết do sợ bị nhiễm bệnh,” theo nhận định của ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics.
“Tuy nhiên, triển vọng sẽ sáng sủa hơn vào khoảng thời gian mọi người trở về sau kỳ nghỉ Tết, (với kỳ vọng rằng tới lúc đó) số ca nhiễm mới sẽ giảm (sau khi đạt đỉnh), đồng thời phần lớn người dân đã trải qua nhiễm COVID-19 và cảm thấy họ đã miễn dịch ở một mức độ nào đó.”
Một phương diện khác, trong khi các báo chí và truyền thông hải ngoại báo cáo tình hình dịch bệnh căng thẳng, thì hiện nay thông qua các hoạt động trong nước, đặc biệt là các phương tiện truyền thông, giới chức Đại Lục đang trấn an dân chúng rằng tình hình dịch bệnh đã nằm trong kiểm soát.
Ngay tại Vũ Hán, nơi mà cuối năm 2019 người ta phát hiện ra con virus chao đảo thế giới này, các hoạt động mừng năm mới được tổ chức rất nhộn nhịp.
“Nói chung, bây giờ tôi và bạn bè cảm thấy tương đối tích cực và lạc quan,” một gia sư họ Wu (29 tuổi) nói với Reuters. “Nhiều người cũng ra khỏi nhà tham gia các hoạt động.”
Tuy nhiên, vấn đề cơ sở y tế thiếu thốn và mối lo ngại về tính nguy hiểm của con virus này, đặc biệt là với người cao tuổi hoặc người có bệnh nền, vẫn được người dân lưu ý.
“Chúng ta đều biết rằng đặc biệt đối với người trung niên và người già, đặc biệt là những người trên 60 tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền, họ sẽ bị ảnh hưởng bởi loại virus này,” ông Wu nói.
Bên một hàng dài người xếp hàng tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Tongji ở Vũ Hán, cơ sở chính dành cho bệnh nhân COVID-19, cụ bà Huang (72 tuổi) chia sẻ, “Tôi cảm thấy không khỏe. Tôi không có năng lượng. Tôi không thể thở được. Tôi từng có sức khỏe tốt. Tôi đã chụp X-quang để kiểm tra phổi của mình… Bệnh viện này rất rắc rối, phải chờ đợi rất là lâu.”
Thiên Đức