Tin thế giới sáng thứ Năm: Indonesia phê duyệt kế hoạch xây dựng mỏ khí đốt 3 tỷ USD ở Biển Đông đang tranh chấp

Indonesia phê duyệt kế hoạch xây dựng mỏ khí đốt 3 tỷ USD ở Biển Đông đang tranh chấp
Một đội tàu an ninh của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia chuẩn bị neo đậu ở Natuna trong quá trình tuần tra an ninh dọc theo vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ở Ranai, Indonesia, vào ngày 16/8/2016. (Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images)

Hôm 2/1, Indonesia đã phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ khí đốt với tổng số vốn đầu tư ước tính là 3,07 tỷ USD ở ngoài khơi Tuna – gần biên giới biển với Việt Nam ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Mỏ khí đốt này sẽ được sử dụng để xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Việt Nam vào năm 2026.

Cơ quan quản lý dầu khí SKK Migas của Indonesia hôm 2/1, cho biết, mỏ Tuna sẽ tiêu tốn khoảng 3,07 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ sản xuất ít nhất 47 triệu mét khối tiêu chuẩn mỗi ngày vào năm 2027.

Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif cho biết, khí đốt tự nhiên từ mỏ do Harbor Energy vận hành sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam bắt đầu từ năm 2026 với tốc độ từ 30 triệu đến 45 triệu mét khối tiêu chuẩn mỗi ngày.

Cùng ngày, ông Dwi Soetjipto, chủ tịch của SKK Migas, cho biết, dự án này sẽ nhấn mạnh các quyền hàng hải của Indonesia trong vùng biển tranh chấp, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho nước này.

“Hoạt động [khai thác khí đốt] sẽ diễn ra ở khu vực biên giới, một trong những điểm nóng địa chính trị của thế giới”, ông Dwi nói.

“Hải quân Indonesia cũng sẽ tham gia vào việc đảm bảo dự án dầu khí thượng nguồn để khẳng định chủ quyền của Indonesia về phương diện kinh tế và chính trị”, ông nói thêm.

Mỏ khí đốt Tuna, tương đương với khoảng 100 triệu thùng dầu, được Harbour Energy phát hiện vào tháng 4/2014 gần Khối biển Natuna.

Indonesia coi vùng biển gần quần đảo Natuna là một phần của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông đã ảnh hưởng đến các hoạt động năng lượng của nước này gần các đảo.

Mối quan hệ Indonesia – Trung Quốc rơi vào bế tắc

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc về vùng biển tranh chấp leo thang sau sự cố tàu cá vào năm 2016, khi một tàu tuần tra của Indonesia chặn một tàu đánh cá Trung Quốc gần Natuna. Một tàu bảo vệ bờ biển có vũ trang của Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và giải thoát cho tàu đánh cá.

Năm 2020, tàu quân sự và tàu cá giữa Trung Quốc và Indonesia xảy ra nhiều xung đột hơn. Trong khi đó, Indonesia đã phàn nàn rằng, các tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã tăng cường quá cảnh qua vùng biển của Indonesia và nghi ngờ họ thả thiết bị bay không người lái để lập bản đồ đáy biển cho mục đích tác chiến tàu ngầm.

Biển Đông là tuyến đường thương mại toàn cầu với ngư trường và trữ lượng năng lượng phong phú. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, bất chấp các yêu sách cạnh tranh từ Brunei, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Các quốc gia Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới, lập luận rằng, các yêu sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã bác bỏ những cáo buộc này và tiếp tục xâm nhập.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ gia tăng gây hấn ở Biển Đông với các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam vào năm 2019.

Kể từ tháng 4/2021, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang, khi hàng trăm tàu ​​bán quân sự của Trung Quốc giả làm tàu ​​đánh cá nán lại vùng biển gần Đá Vành Khăn đang tranh chấp.

Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẵn sàng nối lại đàm phán về dầu khí với Philippines

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong buổi lễ tiếp đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 4/1/2023. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines/AFP/Getty Images)

Hôm 4/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về dầu khí và quản lý các vấn đề hàng hải một cách “thân thiện” với Philippines, theo tờ Reuters.

Phát biểu của ông Tập được đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr, người đang có chuyến thăm ba ngày tới Bắc Kinh, theo tờ Reuters.

Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông – nơi giàu dầu mỏ, khí đốt và cá – và cũng là nơi mang lại khoảng 3 nghìn tỷ USD thương mại hàng hải qua lại hàng năm, từng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á, bao gồm cả Philippines.

Philippines trước đó đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động xây dựng được báo cáo của Trung Quốc và sự “ngập tràn” của các tàu Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Marcos cho biết, Philippines cũng đã thảo luận về các giải pháp để hai nước tránh mọi sai lầm tiềm tàng – những hiểu lầm có thể dẫn đến những hậu quả to lớn, theo Reuters.

Ông Marcos cho biết, ông Tập đã hứa hẹn về một cuộc thỏa hiệp, cũng như đưa ra giải pháp cho phép ngư dân Philippines hoạt động trong ngư trường lịch sử của nước này.

Trong khi Philippines là một đồng minh quốc phòng của Hoa Kỳ, dưới thời nhà lãnh đạo tiền nhiệm Rodrigo Duterte, nước này đã gác lại một cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông để đổi lấy các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Cũng trong hôm 4/1, ông Tập nói với ông Marcos rằng, Trung Quốc sẵn sàng cùng thăm dò tài nguyên dầu khí ở các khu vực không tranh chấp trên biển, cũng như hợp tác với Philippines về vấn đề năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đồng thời tăng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản.

Ông Tập cũng hứa hẹn hợp tác rộng rãi, từ hỗ trợ đầu tư của Trung Quốc vào Philippines, đến giúp nước láng giềng phát triển làng mạc và công nghệ nông nghiệp, giáo dục cơ bản, khí tượng và không gian, và vaccine.

Chuyến thăm của ông Marcos diễn ra trong bối cảnh ông Tập mở cửa lại biên giới của Trung Quốc với thế giới sau ba năm bị cô lập để phòng chống đại dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chào đón ông Marcos mà không đeo khẩu trang khi cả hai nhà lãnh đạo tham dự buổi lễ chào đón tại Đại lễ đường Nhân dân, một tòa nhà lớn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh tại Trung Quốc.

Ông Marcos cũng đã gặp Thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang) và Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) vào hôm 4/1.

Thanh Hải tổng hợp

Pakistan đóng cửa trung tâm thương mại và chợ sớm do khủng hoảng kinh tế

Một shopping centre ở Pakistan (Reutuers)

Chính phủ Pakistan đã ra lệnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm đóng cửa tất cả các trung tâm thương mại và chợ trước 8:30 tối, trong bối cảnh đất nước này phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế và ngành điện lực tê liệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif nói với báo giới hôm 3/1, các biện pháp được nội các thông qua dự kiến ​​sẽ tiết kiệm cho đất nước khoảng 62 tỷ rupee Pakistan (273 triệu USD).

Pakistan nhận thấy rõ thực tế là họ đang thiếu tiền mặt, do số tiền dự kiến được nhận theo chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bị trì hoãn. Dự trữ ngoại hối của nước này hiện chỉ đủ trang trải cho một tháng nhập khẩu, phần lớn là để mua năng lượng.

Bộ trưởng Quốc phòng thông báo, các biện pháp bổ sung sẽ có hiệu lực ngay lập tức bao gồm đóng cửa các nhà hàng và hội trường tổ chức lễ cưới trước 10 giờ tối. Ông cũng cho biết, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ giảm 30% mức tiêu thụ điện.

Các biện pháp này đang được thực hiện khi Pakistan nỗ lực để xóa bỏ những lo ngại về khả năng vỡ nợ sau khi khoản tài trợ 1,1 tỷ đô la của IMF bị trì hoãn. 

Đáng lưu ý, nhiều khoản tài trợ quốc tế quan trọng khác đều có liên quan đến chương trình của IMF. Điều này có nghĩa là quốc gia Nam Á với 220 triệu dân này sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu tài chính bên ngoài, với tổng số hơn 30 tỷ USD tính đến tháng 6, bao gồm các khoản trả nợ và nhập khẩu năng lượng.

Tổng dự trữ ngoại hối thanh khoản của Pakistan vào cuối tháng trước ở mức 11,7 tỷ USD, trong đó 5,8 tỷ USD thuộc về ngân hàng trung ương, bằng một nửa giá trị dự trữ ngoại hối mà nước này nắm giữ vào đầu năm 2022.

Bộ trưởng Asif lưu ý, kế hoạch bảo tồn năng lượng cũng bao gồm lệnh cấm sản xuất bóng đèn kém hiệu quả từ tháng 2 và cấm sản xuất quạt từ tháng 7.

Ông cho hay, mức sử dụng điện cao điểm vào mùa hè của Pakistan là 29.000 megawatt (MW), so với 12.000 MW vào mùa đông, chủ yếu là do sử dụng quạt trong thời tiết nóng hơn.

Ngoài ra, một nửa số đèn đường trên cả nước cũng sẽ bị tắt.

Hầu hết điện năng của Pakistan được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng, mà vốn mức giá đã tăng chóng mặt trong những tháng gần đây.

Chính phủ đã cố gắng ổn định nền kinh tế bằng cách kiềm chế nhập khẩu và lạm phát cao trong nhiều thập kỷ. Đồng tiền mất giá nhanh chóng khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi giá tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm tài chính (từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2022).

Pakistan hiện đang phục hồi sau trận lũ lụt thảm khốc năm ngoái, đã nhấn chìm hơn một phần ba đất nước và gây ra sự tàn phá trên diện rộng cũng như thiệt hại tài chính nghiêm trọng.

Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch biên soạn, Pakistan là quốc gia dễ bị tổn thương thứ tám trước thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy trong những năm gần đây đã giết chết và khiến hàng nghìn người phải di dời; phá hủy sinh kế người dân đồng thời làm hư hỏng cơ sở hạ tầng.

Minh Ngọc (Theo Aljazeera)

Related posts