Tin thế giới trưa thứ Tư: Xe chính phủ Anh bị chính quyền Trung Quốc gắn thiết bị theo dõi

EU hứa hẹn các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus

Trang tin quốc gia của Ukraina đưa tin, EU sẽ ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Belarus vì vai trò của nước này trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đã công bố điều này trong cuộc họp báo vào ngày 10 tháng 1.

Theo UNN, Bà Von der Leyen nói: “Chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus để đáp trả vai trò của Belarus trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng: “Chúng tôi sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt này đối với những nước ủng hộ cuộc chiến của Nga về mặt quân sự, chẳng hạn như Belarus hoặc Iran”.

Truyền thông Ukraina cho biết, EU đã đưa ra 9 gói trừng phạt nhằm đáp trả cuộc tấn công quân sự chưa từng có và vô cớ của Liên bang Nga vào Ukraine, và việc sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson của Ukraine.

Những biện pháp này được thiết kế để làm suy yếu cơ sở kinh tế của Liên bang Nga, tước đoạt các công nghệ và thị trường quan trọng của nước này, đồng thời hạn chế đáng kể khả năng tiến hành chiến tranh.

Trong bối cảnh đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus để đáp trả việc nước này tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine, và Iran do việc sử dụng máy bay không người lái của Iran trong cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine.

Huệ Liên

Xe chính phủ Anh bị chính quyền Trung Quốc gắn thiết bị theo dõi

Xe chở cựu thủ tướng Boris Johnson đến lâu đài Balmoral ở Aberdeen, Scotland (ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images).

Như chúng ta đã biết, chính quyền Trung Quốc đã giám sát chặt chẽ người dân của mình, nhưng kỳ thực người nước ngoài cũng không thoát khỏi. Một thiết bị theo dõi bí mật của Trung Quốc đã được tìm thấy trong một chiếc xe của chính phủ Anh trong những ngày gần đây, gây ra mối lo ngại lớn. Các chính trị gia cấp cao đã kêu gọi coi Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính hệ thống” đối với an ninh của Vương quốc Anh.

Tờ Inews của Anh hôm thứ Sáu (6/1) đưa tin, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc và Nga đang nhắm vào các bộ trưởng Anh, các quan chức tình báo đã phản ứng bằng cách tháo dỡ các phương tiện của chính phủ và tìm thấy một thiết bị theo dõi bí mật của Trung Quốc.

Một nguồn tin tình báo nói với phóng viên Richard Holmes của Inews rằng các sĩ quan tình báo đã thực hiện “tháo rời ô tô của chính phủ theo hình thức giải phẫu đến tận đai ốc và Bu lông cuối cùng” (dismantled surgically down to the last nut and bolt) và tìm thấy “những thứ khá đáng lo ngại”, bao gồm ít nhất một thẻ SIM có khả năng theo dõi chuyển động của phương tiện và gửi dữ liệu về một nhà cung cấp thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết thiết bị định vị được đặt trong một bộ phận niêm phong của xe, được nhập khẩu từ một nhà cung cấp Trung Quốc và được lắp đặt bởi nhà sản xuất xe.

“SIM theo dõi này có thể cung cấp khả năng theo dõi chính phủ, trong khoảng thời gian hàng tháng và hàng năm, để liên tục ghi lại các chuyển động và liên tục xây dựng một bức tranh phong phú về các hoạt động”, nguồn tin cho biết, “nó có thể được thực hiện một cách chậm rãi, có phương pháp rõ ràng, trong một khoảng thời gian rất, rất dài. Lỗ hổng chính là ở chỗ này”.

Những phát hiện này đã làm dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia, với việc các chính trị gia cấp cao Vương quốc Anh kêu gọi chính phủ xem xét khẩn cấp “mối đe dọa mang tính hệ thống” do Trung Quốc tạo thành.

Ông Iain Duncan-Smith, một thành viên của Hạ viện và cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, nói với Inews rằng, không biết Vương quốc Anh còn cần biết thêm bao nhiêu về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho mọi người, “tất nhiên đã đến lúc thay đổi đánh giá toàn diện và coi Trung Quốc là mối đe dọa mang tính hệ thống”.

Theo các nguồn tin trong lĩnh vực an ninh, các thiết bị định vị có thể được lắp vào xe mà nhà sản xuất không hề hay biết sau khi được giấu bên trong các bộ phận niêm phong do các nhà cung cấp Trung Quốc cung cấp. Các bộ điều khiển điện tử, còn được gọi là “máy tính hành trình” của ô tô, chịu trách nhiệm giúp động cơ của ô tô vận hành bình ổn và chúng chủ yếu đến từ Trung Quốc, trước khi được niêm phong và gửi đến nhà sản xuất ô tô, các thiết bị điều khiển điện tử này đã được thiết lập thẻ SIM.

Nguồn tin cho biết do các thỏa thuận bảo hành và thương mại khác nhau nên nhà sản xuất đã lắp thiết bị vào xe mà không cần mở ra. Đồng thời lập luận rằng việc phát hiện ra các thiết bị này cho thấy chính quyền Trung Quốc đã phổ biến việc nghe lén phương Tây, thay vì chỉ nhắm mục tiêu vào các phương tiện của các bộ trưởng.

Một cựu nhà phân tích của Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ) nói với Inews: “Điều này liên quan đến số lượng hơn bất kỳ đối tượng cụ thể nào. Mục đích là đưa thiết bị theo dõi vào càng nhiều ô tô càng tốt và sau đó xác định chính xác địa điểm quan tâm”.Thành phố Westminster, nằm ở Đại đô thị Luân Đôn, Vương quốc Anh đã tăng cường phòng thủ an ninh trong những tháng gần đây trong bối cảnh lo ngại về hoạt động gián điệp của Trung Quốc và Nga, đồng thời những người được thuê làm việc với các bộ trưởng cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng do họ có liên hệ với “các chủ thể nhà nước thù địch” (hostile state actors) như Trung Quốc.

Liên Thành

Trung Quốc quá tải người đến làm hộ chiếu xuất ngoại

Người dân xếp hàng dài để làm hộ chiếu tại văn phòng cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 đã thu hút lượng khách dịch chuyển lớn. Giới chức nước này cho hay rằng hiện các cơ quan chức năng đang trong tình trạng quá tải làm hộ chiếu và thị thực du lịch quốc tế cho người dân, theo hãng tin Reuters.

Những ngày gần đây, rất đông người dân thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã tới xếp hàng tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu xuất ngoại. Giới chức Trung Quốc ước tính trong mùa xuân 2023, sẽ có khoảng 2 tỷ người dịch chuyển, gần gấp đôi so với năm 2022 và tăng 70% so với năm 2019. Số liệu trên chưa bao gồm cả khách quốc tế.

“Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên phải ra nước ngoài. Hơn nữa, sau 3 năm đóng cửa, đây là lúc càng phải sớm nối lại việc liên lạc các thông tin cho bạn bè hàng quốc tế”, một công dân Trung Quốc cho biết. “Nhà tôi đang muốn làm hộ chiếu đi du lịch nước ngoài”, một người khác cho hay.

Cục quản lý xuất nhập cảnh quốc gia Trung Quốc ngày 27/12 ra thông báo cho biết các chính sách và biện pháp được tối ưu hóa bao gồm nối lại việc chấp nhận và phê duyệt các đơn xin hộ chiếu phổ thông của công dân cho mục đích du lịch và thăm bạn bè ở nước ngoài sẽ được bắt đầu từ ngày 8/1/2023.

Cũng trong ngày 8/1, Trung Quốc đã mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng tại “đất nước tỷ dân”, hơn 10 quốc gia đã áp đặt các biện pháp kiểm soát, trong đó yêu cầu người dân đến từ Trung Quốc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã tạm dừng cấp một số thị thực cho du khách Nhật Bản nhằm đáp trả yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với người dân nước này khi nhập cảnh, theo hãng tin Reuters. Trước đó, Trung Quốc đã có động thái tương tự với những du khách Hàn Quốc.

Cụ thể, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hàn Quốc sẽ ngừng cấp thị thực ngắn hạn với mục đích thăm thân, công tác, du lịch, chăm sóc y tế, quá cảnh và các vấn đề cá nhân từ ngày 10/1. Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul cho hay quyết định trên sẽ được điều chỉnh nếu Hàn Quốc loại bỏ “các biện hạn chế phân biệt đối xử” nhắm vào người dân Trung Quốc.

Sau thông báo kể trên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay: “Các biện pháp kiểm dịch tăng cường của chính phủ Hàn Quốc đối với khách du lịch từ Trung Quốc là khách quan và được dựa trên bằng chứng khoa học”.

Cũng trong ngày 10/1, hãng thông tấn Kyodo News trích dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã chỉ thị cho các công ty du lịch ngừng cấp thị thực mới cho người dân Nhật Bản. Trước đó, giới chức nước này đã siết chặt các quy định liên quan tới du khách đến từ Trung Quốc, theo đó yêu cầu tất cả những người nhập cảnh trực tiếp từ Trung Quốc phải có xét nghiệm PCR âm tính với virus corona trong vòng 72 giờ sau khi khởi hành, cũng như xét nghiệm âm tính khi đến nhập cảnh.

Phan Anh

Ukraina không muốn bỏ việc gia nhập NATO để đổi lấy đàm phán hòa bình với Nga

Trẻ em Ukraine dưới hầm trú ẩn. (Ảnh: CNN).

Hơn 2/3 số người Ukraina không cho rằng nước này nên từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để có thể bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga.

Theo trang tin Ukrinform, kết quả của cuộc thăm dò “Ngoại giao thời chiến” cho thấy 69% số người Ukraina chưa sẵn sàng từ bỏ việc gia nhập NATO để đổi lấy việc quân đội Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Ukraina.

Cuộc khảo sát do Info Sapiens thay mặt cho Trung tâm châu Âu mới thực hiện.

Kết quả cho thấy 18,9% số người được hỏi ủng hộ việc bắt đầu đàm phán hòa bình với những điều kiện như vậy, và 11% số người chưa quyết định.

Các tác giả của khảo sát lưu ý rằng mức cao kỷ lục 83% ủng hộ việc gia nhập NATO, được ghi nhận tại Ukraina vào tháng 10/2022.

Cuộc thăm dò mới nhất được tiến hành từ ngày 16/12 đến ngày 25/12 năm 2022 bằng phương pháp phỏng vấn qua điện thoại. Cuộc khảo sát không được tiến hành ở Crimea, thành phố Sevastopol, và ở các vùng lãnh thổ khác của Ukraina do Nga chiếm đóng.

Liên Thành

Wagner Nga tuyên bố đã chiếm Soledar, Bộ trưởng Đức hứa chi viện cho Ukraine

Thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin (đứng giữa) cùng nhóm ông Wagner, chụp hình ở nơi mà ông tuyên bố là mỏ muối Soledar và đăng trên Telegram (ảnh ghép).

Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm đánh thuê Wagner phe Nga tuyên bố đã tiếp quản Soledar hôm 10/1, đánh dấu chiến thắng lớn đầu tiên của Moscow kể từ hè năm ngoái nếu tuyên bố đó đúng sự thật. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hứa sẽ thêm vũ khí chi viện cho Ukraine.

“Wagner đã kiểm soát toàn bộ lãnh địa Soledar,” thủ lĩnh Prigozhin của nhóm Wagner cho biết trong một tin nhắn âm thanh được phát trên kênh Telegram của ông vào cuối ngày thứ Ba (10/1), theo The Guardian đưa tin.

Trước đó, hai phe đều đưa tin nhóm Wagner đã hình thành thế bao vây 3 phía và tấn công mãnh liệt vào Soledar, một thị trấn ở Ukraine, cách khoảng 10 km phía Bắc Bakhmut.

Các nguồn tin cho biết Wagner dùng chiến thuật biển người trong những ngày qua, hy sinh liên tiếp hàng tốp binh lính mà được cho là các tù nhân do Nga ân xá để ra tiền tuyến, để có thể giành được chiến thắng đẫm máu này.

Ông Denis Pushilin, một quan chức ủy quyền của Nga ở miền Đông Ukraine, nói với kênh Channel One của Nga rằng Soledar đã được giải phóng. “Vào thời điểm hiện tại, theo thông tin tôi có, trung tâm Soledar đã nằm dưới sự kiểm soát của các đơn vị Wagner,” ông nói.

Ông Prigozhin đã công bố một bức ảnh của chính mình, xung quanh là các chiến binh Wagner, tại nơi dường như là một trong những mỏ muối của Soledar.

Hiện chưa có xác minh từ nguồn tin độc lập khác. Tuy nhiên, trước đó đã có dự kiến Soledar sẽ thất thủ. Trong video tin tức hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi các chiến binh “anh hùng” của ông còn đang bám trụ Soledar. Ông cũng miêu tả trấn Soledar đã hầu như đã bị phá hủy.

Trấn Soledar được biết đến là nơi có giá trị kinh tế nhờ mỏ muối ở đây (Ảnh chụp màn hình tình hình chiến tuyến 10/1)

“Một phần cuộc giao tranh tập trung vào lối vào các đường hầm khai thác muối bị bỏ hoang dài 200 km chạy bên dưới huyện. Cả hai bên có khả năng lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để xâm nhập vào sau chiến tuyến của họ,” cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Anh hôm trước cho biết.

Có được Soledar, quân Nga sẽ có lợi thế rất lớn cho chiến trường ở Bakhmut, nơi mà họ đã cố gắng chiếm lấy từ mùa hè. Đồng thời, Soledar cũng mở hướng tiến của Nga sang thành phố Kramatorsk và Sloviansk.

Trấn Bakhmut, chỗ từng là nơi ở của 70.000 cư dân, nay đã trở thành đống đổ nát sau nhiều tháng giao tranh mà được cả hai phe miêu tả là “cối xay thịt”.

Vai trò của Wagner trong cuộc tấn công Soledar có thể sẽ làm sâu sắc thêm cuộc chiến giành quyền lực và ảnh hưởng trong kế hoạch xâm lược của Nga. Ông Prigozhin, một chủ nhà hàng ở St Petersburg, người nổi tiếng với biệt danh “đầu bếp của Putin”, mãi đến tận đến đầu năm nay mới thừa nhận liên quan của ông với nhóm Wagner, cũng theo The Guardian.

“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng không ai ngoại trừ Wagner tham gia vào cơn bão [đánh chiếm] Soledar,” ông Prigozhin cho biết vào tối thứ Ba. Về mặt luật pháp, Wagner là lính đánh thuê, không phải quân chính quy Nga.

Một diễn biến khác, theo Reuters đưa tin, cùng ngày 10/1 Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã có chuyến công du bất ngờ tới Khakiv, thành phố phía Đông của Ukraine, cách không xa chiến tuyến hiện nay. Bà tuyên bố sẽ chi viện thêm vũ khí cho Ukraine, và sẽ giúp Ukraine trong việc gia nhập EU.

“Thành phố [Khakiv] là biểu tượng cho sự điên rồ tuyệt đối của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, và của những đau khổ vô tận mà người dân, đặc biệt là ở phía Đông đất nước, phải đối mặt hàng ngày,” bà Ngoại trưởng nói.

Sau khi Đức hứa sẽ gửi xe chiến đấu Marder tới Ukraine vào tuần trước như một phần của việc tăng cường hỗ trợ quân sự, bà Baerbock hứa sẽ cung cấp thêm vũ khí nhưng không nói rõ loại nào.

Như vậy, sắp tới quân Ukraine sẽ có thể phản công với nhiều loại xe bọc thép và xe tăng khác nhau cùng lúc đưa ra chiến trường (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, và xe của Đông Âu thời Liên Xô cũ), một tình huống có lẽ chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.

“Chúng tôi với tư cách là chính phủ muốn đưa ra những đề nghị rất cụ thể cho Ukraine để đạt được tiến bộ trong việc củng cố pháp quyền, các thể chế độc lập và cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như phù hợp với các tiêu chuẩn của EU,” bà cũng nói nhân dịp chuyến công du này.

Bà Baerbock cho biết Đức sẽ cung cấp 20 triệu euro (21,47 triệu USD) cho các nỗ lực rà phá bom mìn và 20 triệu euro khác để tăng khả năng truy cập của Ukraine vào các thiết bị đầu cuối internet Starlink.

Thiên Đức

Related posts