Tin thế giới trưa thứ Năm: Tài liệu nội bộ tiết lộ số ca tử vong cao gấp 6 lần tại một thành phố ở Trung Quốc

Tài liệu nội bộ tiết lộ số ca tử vong cao gấp 6 lần tại một thành phố ở Trung Quốc

Tài liệu nội bộ tiết lộ số ca tử vong cao gấp 6 lần tại một thành phố ở Trung Quốc
Nhân viên bệnh viện và người thân đẩy một thi thể trên băng ca ra khỏi phòng cấp cứu đông đúc tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 2/1/2023. (Ảnh: Getty Images)

Trên đường đến một lò hỏa táng ở thành phố Nam Kinh, miền nam Trung Quốc, khói đen dày đặc bao phủ bầu trời, dòng xe ô tô dài đến nỗi không thấy rõ đâu là điểm kết thúc.

Một người phụ nữ đội khăn tang trắng đang ngồi bên vệ đường, hai tay ôm mặt kèm theo tiếng khóc xé lòng.

“Sang năm mới rồi, tất cả các loại ô tô đang kéo nhau đến để thu thập thi thể”, cô nói trong một video lần đầu tiên lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào đầu tháng 1. Cô cho biết, do phải xếp hàng dài nên các thi thể có thể bị bỏ lại trong xe tới hai ngày.

Người phụ nữ mô tả tình cảnh khắc nghiệt trên trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 gần đây ở Trung Quốc. Cảnh tượng này cũng tương hợp với dữ liệu từ các tài liệu nội bộ của chính phủ nước này.

The Epoch Times cũng đã thu thập thông tin từ nhiều vùng khác nhau của đất nước này trong những tuần gần đây. Những chi tiết trên, cùng với các cuộc phỏng vấn với cư dân địa phương, đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về thiệt hại do virus gây ra. Cảnh tượng đó hoàn toàn trái ngược với luận điệu lạc quan mà giới chức Trung Quốc đã cố gắng đưa ra.

Một phân tích từ hàng chục hồ sơ chứa dữ liệu hỏa táng hàng ngày tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc – cũng là nơi sinh sống của khoảng 9,3 triệu người – cho thấy, số ca tử vong của thành phố tăng vọt vào cuối tháng 12/2022, lên tới 761 vào đầu tháng 1/2023. Con số này gần như gấp 6 lần số ca tử vong trung bình hàng ngày của thành phố trong 5 tháng đầu năm 2022.

Khối lượng công việc tại 7 lò hỏa táng đang vận hành tại thành phố này cũng cho thấy xu hướng tương tự. Theo dữ liệu mới nhất của Văn phòng Quản lý Tang lễ Nam Kinh có sẵn trong kho dữ liệu, số lượng thi thể được hỏa táng mỗi ngày dao động từ khoảng 300 đến 774 thi thể (tính từ ngày 29/12/2022 đến ngày 18/1), cao gấp 6 lần so với khoảng 130 thi thể được xử lý mỗi ngày trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu trên, thành phố Nam Kinh đã chứng kiến tổng cộng 8.233 ca tử vong từ ngày 18/12/2022 đến ngày 2/1, gần gấp 4 lần số ca tử vong trung bình trong 15 ngày (2.100 ca) trước đợt bùng phát Covid mới nhất.

Người dân lấy thuốc bên cửa sổ của một trạm chẩn đoán và điều trị ban đêm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 27/12/2022. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing/Getty Images)

Các tài liệu chính thức được giữ bí mật cao độ. Mặc dù dữ liệu hỏa táng được báo cáo hàng ngày cho chính quyền cấp thành phố, nhưng có vẻ như dữ liệu này bị nghiêm cấm tiết lộ ra công chúng.

“Báo cáo thông tin, dữ liệu và biểu đồ liên quan qua thư điện tử, không thảo luận trên QQ và WeChat”, một tài liệu ngày 11/1 tóm tắt “tình hình dịch vụ hỏa táng của các thành phố lớn” nêu rõ. Cả QQ và WeChat đều là những kênh truyền thông xã hội thống trị ở Trung Quốc dưới thương hiệu Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến.

“Đẩy mạnh giáo dục về công tác bảo mật. Tăng cường an ninh và giáo dục an toàn cho công nhân ngành hỏa táng. Không tùy tiện tiết lộ dữ liệu và thông tin liên quan đến hỏa táng”, tài liệu này cho biết thêm.

Tài liệu tương tự chỉ ra rằng, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Kinh đã đích thân thành lập một hội đồng đặc biệt để giám sát việc xử lý các thi thể và mọi nhà cung cấp dịch vụ hỏa táng trong thành phố đều làm việc 24 giờ một ngày.

Trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ ngày 22/12/2022, 4 nhà tang lễ đã mở rộng công suất bằng cách mua thêm tủ đông ướp xác hoặc tuyển dụng thêm nhân sự, tài liệu nêu rõ. Đơn hàng lớn nhất đến từ Nhà tang lễ Lishui với 120 chiếc tủ đông ướp xác. Trong khi đó, Nhà tang lễ Nam Kinh bổ sung thêm 16 xe tang và 38 tài xế.

Như vậy, tính đến ngày 11/1, Nhà tang lễ Nam Kinh đã tuyển dụng tổng cộng 389 nhân sự, sau khi bổ sung 105 người vào 8 ngày trước đó.

Nguyên nhân tử vong

Mặc dù số ca tử vong tăng lên đáng kể, nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số những người được hỏa táng được xác định là tử vong vì Covid-19. Từ ngày 11/11/2022 đến ngày 17/12/2022, thành phố này đã hỏa táng tổng cộng 4.300 thi thể – tăng một phần ba so với mức trung bình 3.070 trong ba năm, từ năm 2019 đến 2021, tài liệu nêu rõ.

Trong 4.300 thi thể này, chỉ có 20 thi thể được liệt kê là tử vong vì Covid. Dữ liệu từ các nhà tang lễ riêng biệt trong khoảng thời gian đó tiết lộ rằng, tất cả (trừ một người) đều đánh dấu các thi thể mà họ xử lý là những ca tử vong thông thường.

Thực tiễn trên phù hợp với chính sách bị chỉ trích gay gắt của Bắc Kinh rằng, một ca tử vong chỉ có thể được quy là vì Covid nếu nó trực tiếp do suy hô hấp hoặc viêm phổi do virus. Ngoài ra, các bác sĩ cũng nói rằng họ được lệnh không liệt kê Covid là nguyên nhân tử vong trong giấy chứng tử.

Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ ghi nhận dưới 80.000 ca tử vong do Covid tại bệnh viện. Nhưng các chuyên gia nói rằng con số này là con số quá thấp so với số ca tử vong thực tế. Họ phân tích rằng, chính quyền Trung Quốc đã che giấu thông tin tiêu cực và các tài khoản tràn lan về các lò hỏa táng và bệnh viện quá tải. Một người đàn ông ôm người họ hàng lớn tuổi ở hành lang của phòng cấp cứu đông đúc tại một bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 14/1/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Một cư dân Nam Kinh họ Zhang (bí danh) nói rằng, tại khu phố nơi cô từng sinh sống, có hơn 20 người cao tuổi đã qua đời.

Hàng xóm của cô nhấn mạnh rằng, chiếc ghế sofa và ghế trống ở lối vào khu nhà là nơi những người cao tuổi thường ngồi tắm nắng.

Cô Zhang nói: “Giờ đây họ đều đã qua đời cả rồi”.

Bạn của cô đến từ Thiên Tân, siêu đô thị phía bắc của Trung Quốc, vừa mất đi người anh trai, khoảng 66 tuổi. Thi thể của người đàn ông này được trữ trong tủ đông ướp xác vài ngày cho đến khi người thân hối lộ quà cáp cho quan chức của một lò hỏa táng địa phương rồi mới có thể đến nhận thi thể.

Một phụ nữ họ Su, cũng là cư dân địa phương, có người họ hàng ở Bắc Kinh. Người này đã tự hỏa táng cha mẹ của mình và thay vì chờ hơn hai tháng tại nhà tang lễ.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, rất nhiều người cao tuổi đã qua đời. Đây là sự thật”, cô Su, người từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì sợ bị trả thù, nói với The Epoch Times.

“Nhưng đối với tình hình Covid trên thực tế, chúng tôi không thể biết được – không có dữ liệu hoặc thông tin công khai nào. Tất cả vẫn còn là ẩn số”, cô nói.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Tổng thư ký NATO lên án hành vi ‘bắt nạt’ của Trung Quốc, cam kết tăng cường hợp tác với Nhật Bản

Tổng thư ký NATO lên án hành vi 'bắt nạt' của Trung Quốc, cam kết tăng cường hợp tác với Nhật Bản
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sau một cuộc họp báo chung tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 31/1/2023. (Ảnh: Takashi Aoyama/Getty Images)

Hôm 31/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì “bắt nạt các nước láng giềng và đe dọa Đài Loan”, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và các quốc gia dân chủ nên hợp tác với NATO để ngăn chặn sự xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc.

Trong chuyến công du tới Tokyo hôm 31/1, ông Stoltenberg cho biết, đây là “thời điểm then chốt đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhật Bản”. Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc và Nga đang “dẫn đầu một cuộc đẩy lùi độc đoán chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ông nhấn mạnh thêm rằng, Nhật Bản và các quốc gia dân chủ khác nên hợp tác với NATO để ngăn chặn sự xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc. Ông cũng khẳng định rằng các khu vực xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.

“Trung Quốc đang phát triển đáng kể lực lượng quân sự của nước này, bao gồm cả việc [mở rộng] kho vũ khí hạt nhân, bắt nạt các nước láng giềng và đe dọa Đài Loan, cũng như cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu và truyền bá thông tin sai lệch về NATO và cuộc chiến ở Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

“Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO, nhưng chúng ta phải hiểu rõ về quy mô của thách thức và chung tay để giải quyết [thách thức đó]”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia, ông Stoltenberg nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng của Đài Loan sẽ dẫn đến “những hậu quả nghiêm trọng”.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, đã mở rộng quan hệ quân sự với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như với Anh, Châu Âu và NATO, nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ các cường quốc như Trung Quốc và Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hoan nghênh sự hiện diện của NATO ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Kishida cũng thông báo rằng, Nhật Bản sẽ mở một văn phòng phái đoàn thường trực tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ). Theo đó, Nhật Bản sẽ thường xuyên tham dự các cuộc họp hội đồng cấp cao, cũng như các cuộc họp của các chỉ huy trưởng quốc phòng, để thúc đẩy liên lạc chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và liên minh.

Ông Kishida nói rằng, ông và người đứng đầu NATO đã nhất trí về việc thúc đẩy mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực như không gian mạng, không gian, chống thông tin sai lệch cũng như các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng đưa ra một tuyên bố chung nói rằng, NATO và Nhật Bản coi nhau “là những đối tác tự nhiên và đáng tin cậy, các bên chia sẻ những giá trị chung về tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền, cũng như các lợi ích chiến lược”.

Tuyên bố chung cũng cảnh báo rằng, sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga, bao gồm cả các cuộc tập trận xung quanh lãnh hải của Nhật Bản, có thể gây bất ổn cho khu vực.

“Trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và mở rộng các hoạt động quân sự, chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ Trung Quốc cải thiện tính minh bạch và hợp tác mang tính xây dựng với các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân”, theo tuyên bố chung.

Tương tự, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”, cũng như kêu gọi ĐCSTQ ngừng các hành động khiêu khích hung hăng đối với Đài Loan.

“Lập trường căn bản của chúng tôi về Đài Loan không thay đổi và chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế”, tuyên bố chung cho hay.

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành một chiến lược an ninh quốc gia mới vào tháng 12/2022, trong đó vạch rõ ý định xây dựng quân đội và triển khai tên lửa tầm xa để ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới và cải thiện quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times

Mỹ: Fed tăng lãi suất thêm 0,25%

Giá được quảng cáo bên ngoài một cửa hàng tạp hóa trên một con phố mua sắm sầm uất ở khu Flatbush của Brooklyn, Thành phố New York, Mỹ, 15/06/2022. (Spencer Platt / Getty Images)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25% và báo hiệu rằng còn những đợt tăng nữa sẽ đến.

Fed đã quyết định tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% lên 4,5% – 4,75% trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2023, theo thông cáo báo chí mới nhất từ Fed cho biết.

Fed cho biết, đợt tăng lãi suất này là nhằm “đạt được [tỷ lệ có] việc làm tối đa và lạm phát ở mức 2% trong thời gian dài hơn trước mắt”.

Fed cũng báo hiệu rằng vẫn còn những đợt tăng lãi suất tiếp theo, mặc dù với mức tăng thấp hơn.

“Chúng tôi tiếp tục cho rằng, các đợt tăng liên tục sẽ là phù hợp để đạt được lập trường chính sách tiền tệ đủ thắt chặt để đưa lạm phát trở lại mức 2% theo thời gian”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại một cuộc họp báo.

“Ủy ban đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày hôm nay, tiếp tục sự giảm xuống so với tốc độ tăng nhanh của năm ngoái. Việc chuyển sang tốc độ [tăng lãi suất] chậm hơn sẽ cho phép Ủy ban đánh giá một cách tốt hơn sự tiến triển của nền kinh tế đối với các mục tiêu của chúng tôi”.

Trước đó, trong năm 2022, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất liên tiếp, dẫn đến lãi suất vay đắt đỏ hơn nhiều cho các cá nhân và tổ chức tại Mỹ.

Cao Dương

Mỹ trừng phạt 10 cá nhân và 12 công ty giúp Nga lách lệnh trừng phạt

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington DC. (ảnh: Tellerreport).

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 22 cá nhân và tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau có liên quan đến mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt để hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.

Theo Bộ tài chính, Igor Zimenkov, nhà buôn vũ khí tại Nga và Síp, đứng đầu mạng lưới giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

Bộ Tài chính cho biết mạng lưới này đã tham gia vào các dự án liên quan đến khả năng phòng thủ của Nga, bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị công nghệ cao sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina. Washington cũng cáo buộc một số thành viên của mạng lưới hỗ trợ các thực thể quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Nga đang bị trừng phạt.

Zimenkov cũng đã hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự Belarus bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực bán hàng ở Mỹ Latinh cho một thực thể quốc phòng Belarus

Một số công ty ở Síp, Bulgaria, Singapore, Israel, và một số cá nhân khác cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Theo đó, tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị đóng băng, và không được phép giao dịch với người Mỹ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết trong một tuyên bố: “Những nỗ lực tuyệt vọng của Nga trong việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ chứng tỏ rằng các lệnh trừng phạt đã khiến tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga gặp khó khăn và tốn kém hơn nhiều trong việc tiếp tế cỗ máy chiến tranh của Putin”.

Liên Thành

Nga cảnh báo Israel về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh minh họa: Getty Images)

Ngày 1/2, Nga đã cảnh báo Israel về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đang xem xét viện trợ quân sự cho Kiev và sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 31/1, khi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về việc liệu Tel Aviv có thể cung cấp các loại vũ khí như hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) hay không, ông Netanyahu trả lời: “Chúng tôi chắc chắn đang xem xét điều đó.”

Vòm Sắt là hệ thống tên lửa đất đối không, được thiết kế để chống lại các loại tên lửa tầm ngắn. Theo dữ liệu từ giới chức quốc phòng Israel, hệ thống này có tỷ lệ bắn trúng mục tiêu thành công 90%.

Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra ngay sau chuyến thăm Israel của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó ông Blinken đã kêu gọi nước này tăng cường hỗ trợ Ukraine.

Phản ứng trước tuyên bố cân nhắc viện trợ quân sự cho Kiev của Thủ tướng Netanyahu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay: “Chúng tôi nói rằng, tất cả các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine nên hiểu được chúng tôi sẽ coi những vũ khí này là mục tiêu tấn công hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.”

Bà nói thêm: “Bất cứ nỗ lực nào – đã được hay thậm chí chưa được thực hiện nhưng đã tuyên bố liên quan việc cung cấp thêm, cung cấp mới các loại vũ khí – đều khiến cuộc khủng hoảng này leo thang. Mọi người nên biết điều này.”

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Israel đã áp dụng quan điểm thận trọng đối với Moscow, tìm cách duy trì sự trung lập. Israel còn nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia, vì Israel có hơn một triệu công dân đến từ Liên Xô cũ.

Hồi tháng 10/2022, chính phủ Israel từng chối yêu cầu của Ukraine về việc được nhận hệ thống Vòm Sắt. Đến tháng 11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz giải thích, Israel không có “cơ sở sản xuất đủ lớn” để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Tuy nhiên, một cố vấn quân sự cấp cao tiết lộ, Israel không muốn chọc giận Nga.

Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo về sự leo thang trong cuộc chiến khi các đối tác phương Tây của Ukraine tuyên bố cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.

Mới đây, Washington và Berlin thông báo sẽ chuyển giao xe tăng hiện đại cho Kiev, trong khi Ukraine cũng đang yêu cầu các nhà tài trợ cung cấp thêm máy bay chiến đấu và pháo tầm xa.

Nhật Minh (Theo AFP, CNN)

Mỹ sắp đưa ra gọi viện trợ mới trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ được cho là đang chuẩn bị cung cấp gói viện trợ mới trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine, lần đầu tiên sẽ bao gồm tên lửa tầm xa, theo hãng tin RT.
(Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

Cụ thể, chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho đã quyết định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine, giúp lực lượng Kyiv có khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn phía sau tiền tuyến. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine đe dọa sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga.

Dẫn hai nguồn hai quan chức Mỹ giấu tên am hiểu về vấn đề, hãng tin Reuters hôm 31/1 đưa tin gói viện trợ mới bao gồm đạn pháo phản lực kết hợp với bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) có tầm bắn 150 km. Gói viện trợ mới cũng sẽ bổ sung vũ khí chống tăng Javelin, phương tiện chống mìn, hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) và thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot.

Theo đó, tên lửa GLSDB sẽ giúp các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu xa hơn, tăng gần gấp đôi tầm bắn của các loại đạn MLRS và HIMARS mà Washington và các đồng minh NATO đã cung cấp cho Kyiv trước đó.

Dù đã từ chối cung cấp vũ khí có thể giúp Kyiv tấn công lãnh thổ Nga, và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Moscow, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép viện trợ ngày càng nhiều loại vũ khí mạnh hơn cho Ukraine trong những tuần gần đây.

Cuối tuần trước, Washington đã chấp thuận kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Kyiv, ngay cả khi hồi tháng 3, ông Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cung cấp xe tăng hoặc chiến đấu cơ cho Ukraine vì lo ngại leo thang xung đột.

Trong khi các xe tăng do Mỹ sản xuất dự kiến sẽ chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm nay, hoặc thậm chí vào năm 2024, thì lô hàng đầu tiên – gồm 60 xe chiến đấu bộ binh Bradley được phê duyệt trước đó – đã được vận chuyển tới vùng chiến sự. Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ đã xác nhận thông tin trên hôm 30/1.

Nhà thầu quốc phòng Boeing của Mỹ đang đẩy mạnh phát triển GLSDB, với kế hoạch nhanh chóng gửi loại vũ khí mới sản xuất cho Kyiv. Loại tên lửa này kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 với động cơ tên lửa M26, cả hai đều có thể lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS) cho Kyiv. Loại ATCMS này có tầm bắn khoảng 300 km, gấp đôi tầm bắn của GLSDB.

Trong khi các quan chức Mỹ tuyên bố rằng họ không có ý định gửi vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga cho Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhắc lại lập trường của Washington hồi đầu tháng này rằng Kyiv có quyền tự do lựa chọn các mục tiêu của riêng mình, bao gồm cả Crimea, nơi mà ông tuyên bố vẫn là lãnh thổ của Ukraine.

Mỹ, Hàn tập trận nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong cuộc gặp tại văn phòng tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/1/2023 (Ảnh chụp màn hình video)

Hãng thông tấn Yonhap ngày 2/2 đưa tin, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ nhằm đối phó với các “mối đe dọa” từ Triều Tiên.

Ngày 1/2, các máy bay của hai nước đã bay trên biển Hoàng Hải – nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên – trong cuộc tập trận trên không đầu tiên trong năm nay, Yonhap trích lời quân đội Hàn Quốc cho hay.

Màn phô trương sức mạnh quân sự diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc nói về việc tăng cường các cuộc tập trận và tăng cường hợp tác an ninh giữa hai đồng minh, trong bối cảnh họ phải đối phó các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng.

Theo Yonhap, cuộc tập trận mới nhất có sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-1B, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35B của Không quân Mỹ và máy bay chiến đấu F-35A của quân đội Hàn Quốc.

Yonhap dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Cuộc tập trận không quân phối hợp lần này cho thấy ý chí và năng lực của Mỹ trong việc cung cấp khả năng răn đe mở rộng mạnh mẽ và đáng tin cậy trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.”

Cơ quan này còn giải thích, “sự răn đe mở rộng” đề cập đến cam kết của Mỹ trong việc sử dụng đầy đủ các tài sản quân sự, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Hàn Quốc.

Hàn Quốc hiện đang quyết tâm thuyết phục công chúng về cam kết phòng thủ mạnh mẽ của Mỹ, sau một năm Triều Tiên tự tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân “không thể đảo ngược” và tiến hành một vụ thử vũ khí bị cấm hầu như mỗi tháng.

Ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã đồng ý “mở rộng và tăng cường mức độ và quy mô” của các cuộc tập trận quân sự chung, trước “những hành động khiêu khích liên tục” từ Bình Nhưỡng, bao gồm cả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây.

Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên gia tăng mạnh mẽ vào năm 2022, khi Triều Tiên tiến hành số vụ thử vũ khí kỷ lục, bao gồm cả việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất.

Bất kỳ cuộc tập trận quân sự chung nào giữa Mỹ và Hàn Quốc đều khiến Bình Nhưỡng tức giận, coi đó như màn diễn tập cho một cuộc xâm lược và thường đáp trả bằng các cuộc tập trận và đe dọa của riêng mình.

Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích gay gắt các cuộc tập trận, cảnh báo sẽ “đáp trả tương xứng”, theo hãng thông tấn KCNA.

Một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: “Tình hình quân sự và chính trị trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực đã đạt đến lằn ranh đỏ do các cuộc tập trận liều lĩnh và các hành động thù địch của Mỹ và đồng minh.”

Bình Nhưỡng cảnh báo những hành động như vậy của Washington “sẽ biến bán đảo Triều Tiên thành một kho vũ khí khổng lồ” và họ sẽ có các chiến lược đáp trả mạnh mẽ, bao gồm “lực lượng hạt nhân áp đảo nhất” nếu cần thiết.

Minh Ngọc (T/h)

Related posts