Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch giải quyết tranh chấp kéo dài về việc bồi thường cho những người bị ép buộc phải làm việc tại các nhà máy và hầm mỏ của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Kế hoạch được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công bố hôm 6/3 nhằm tìm cách hàn gắn quan hệ với Nhật Bản, trong bối cảnh các chương trình hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên.
Tiết lộ về kế hoạch, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin cho hay, những người lao động thời chiến, hầu hết hiện đã ở độ tuổi 90, sẽ được bồi thường thông qua một ngân quỹ chung do các công ty tư nhân tài trợ, thay vì các công ty Nhật Bản có tham gia vào lao động cưỡng bức.
Khi Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên đưa ra đề xuất này hồi tháng 1, một số nạn nhân và gia đình họ phản ứng dữ dội, vì nó không bao gồm khoản đóng góp từ các công ty Nhật Bản, trong đó có những công ty bị tòa Hàn Quốc yêu cầu bồi thường, chẳng hạn như Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries.
Hàng chục người phản đối đã tiến hành biểu tình khi ông Park đưa ra thông báo.
Ông Lim Jae-sung, luật sư của một số nạn nhân nhận xét trong bài đăng trên Facebook hôm 5/3: “Đó là chiến thắng hoàn toàn cho Nhật Bản, quốc gia từng tuyên bố không thể trả đồng nào cho vấn đề lao động cưỡng bức.”
Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập chính lên án kế hoạch này là chính sách “ngoại giao phục tùng”.
Vấn đề lao động cưỡng bức, cũng như vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản, đã làm xấu đi mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản, quốc gia chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945, khẳng định tất cả các vấn đề liên quan đến thời kỳ thuộc địa đã được giải quyết trong một hiệp ước song phương ký kết năm 1965 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Theo hiệp ước, Hàn Quốc – khi đó đang ở dưới thời Tổng thống chuyên quyền Park Chung-hee, đã nhận được gói viện trợ kinh tế trị giá 300 triệu đô la và khoảng 500 triệu đô la cho các khoản vay từ Nhật Bản.
Thỏa thuận đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc, khiến chính phủ phải tuyên bố thiết quân luật.
Nhưng sự bất bình vẫn tiếp tục trở nên trầm trọng. Đến năm 1995, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Tomiichi Murayama đã ban hành tuyên bố thừa nhận những đau khổ dưới “sự cai trị và xâm lược của thực dân” của Nhật Bản, đồng thời gửi “lời xin lỗi sâu sắc”, đặc biệt đối với những phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục, còn biết đến với thuật ngữ “phụ nữ mua vui”. Nhiều thập kỷ sau, đến năm 2015, hai quốc gia đã đạt được một thỏa thuận mới về vấn đề “phụ nữ mua vui”, với việc Tokyo trích ra 1 tỷ yên (9,23 triệu USD) để giúp đỡ các nạn nhân.
Nhưng vào năm 2018, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã giải thể quỹ này, nhận định rằng ngân quỹ không đủ để đáp ứng yêu cầu của nạn nhân. Cùng năm đó, Tòa án Tối cao của đất nước đã ra lệnh cho Công ty Công nghiệp nặng Nippon Steel và Mitsubishi của Nhật Bản bồi thường cho một số lao động bị cưỡng bức. Phán quyết của tòa án đã làm gia tăng căng thẳng, với việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, trong khi người dân Hàn Quốc phát động chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, kế hoạch mới của họ sẽ sử dụng một quỹ địa phương để nhận đóng góp từ các công ty lớn của Hàn Quốc, vốn được hưởng lợi từ gói bồi thường thiệt hại năm 1965 của Nhật Bản, để bồi thường cho các nạn nhân.
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc, kế hoạch này là chìa khóa then chốt để cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul.
“Hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hết sức quan trọng trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động và khủng hoảng diễn ra trên toàn toàn cầu phức tạp hiện nay,” ông nhấn mạnh. “Tôi tin rằng vòng luẩn quẩn nên được phá vỡ vì lợi ích của người dân, thay vì để mối quan hệ căng thẳng không được giải quyết trong một thời gian dài.”
Ông còn nói: “Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ phản ứng tích cực với quyết định quan trọng của chúng tôi ngày hôm nay, thông qua sự đóng góp tự nguyện của các công ty Nhật Bản và một lời xin lỗi toàn diện.”
Đáp lại, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định, họ hoan nghênh thông báo này và bày tỏ sự hối hận về hành động xâm lược trong thời chiến của Nhật Bản, theo hãng tin Kyodo. Để đáp ứng yêu cầu của Seoul về một “phản hồi chân thành” tự nguyện, Tokyo sẽ cho phép các công ty Nhật Bản quyên góp cho quỹ của Hàn Quốc, hãng tin lưu ý thêm.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh đây động thái này như một bước giúp quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc hàn gắn trở lại.”
Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản thân cận với ông Kishida nói với các phóng viên rằng, Hoa Kỳ cũng đã thúc giục cả hai nước hòa giải nhưng yếu tố chính thúc đẩy nỗ lực hòa giải của ông Yoon là mối đe dọa địa chính trị từ Triều Tiên.
Nhật Minh (Theo Al Jazeera)