Tin thế giới trưa thứ Ba: Gần 200 người Trung Quốc biểu tình tại lễ trao giải Oscar, tố cáo Chân Tử Đan

Gần 200 người Trung Quốc biểu tình tại lễ trao giải Oscar, tố cáo Chân Tử Đan

Gần 200 người Trung Quốc biểu tình tại lễ trao giải Oscar, tố cáo Chân Tử Đan. (Ảnh: từ Facebook của Vương Đan).

Vào ngày 12 tháng 3, nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc nổi tiếng Vương Đan và khoảng 200 công dân Trung Quốc khác đã biểu tình tại lễ trao giải Oscar lần thứ 95. Họ định ngăn ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Chân Tử Đan tham gia buổi lễ với tư cách người dẫn chương trình. Tuy nhiên, do an ninh nghiêm ngặt tại địa điểm, nhóm biểu tình này đã không ngăn được Chân Tử Đan, người mà họ gọi là ‘con rối của ĐCSTQ’.

Sau cuộc biểu tình, nhà hoạt động Vương Đan đã đăng trên tài khoản Twitter của mình: “Thật đáng tiếc khi ban tổ chức giải Oscar vẫn cúi đầu trước ĐCSTQ, nhưng tôi tin rằng họ sẽ phải trả giá.” 

Trước cuộc biểu tình, Vương Đan đã thu thập được hơn 100.000 chữ ký trong bản kiến nghị kêu gọi ban tổ chức giải Oscar loại bỏ Chân Tử Đan khỏi buổi lễ. Tuy nhiên, vì Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ không phản hồi, Vương Đan đã thông báo trên Facebook rằng ông và các nhà hoạt động khác sẽ đến sự kiện để bày tỏ sự không hài lòng của họ. Đó cũng là một hành động thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Hồng Kông.

Ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Chân Tử Đan, nổi tiếng với vai diễn mang tính biểu tượng trong loạt phim võ thuật “Diệp Vấn”, vừa gia nhập ĐCSTQ với tư cách là thành viên mới của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Chân Tử Đan đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng người dân Hồng Kông, khi nhận xét về cuộc biểu tình năm 2019 ở Hồng Kông (hay còn gọi là Phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ) rằng, “Đó không phải là một cuộc biểu tình, đó là một cuộc bạo động.”

Nhà hoạt động Vương Đan đã lên án Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ vì mời Chân Tử Đan. Ông Vương viết, “Anh ta có thể thăng tiến và kiếm bộn tiền ở một quốc gia độc tài như Trung Quốc. Nhưng nếu Oscar mời anh ta làm người trao giải thì vô cùng không phù hợp, đó là sự chà đạp lên khái niệm tự do và dân chủ, và nó là một hành động thể hiện sự khuất phục trước chế độ độc tài ĐCSTQ.”

Tạ Linh

Bangladesh sẵn sàng vượt qua Trung Quốc trở thành nhà xuất cảng hàng may mặc lớn nhất của EU

Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc đã chứng kiến một số lượng lớn các đơn đặt hàng áo quần bị những người mua quốc tế hủy bỏ sau đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, với nhiều đơn đặt hàng trong số này đã được chuyển đến Bangladesh, nhà xuất cảng gia công hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.

Ông Ahsan H. Mansur, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Bangladesh, cho biết Bangladesh dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành nhà xuất cảng hàng may mặc lớn nhất của EU.

Theo dữ liệu của Eurostat, trong chín tháng đầu năm 2022, xuất cảng hàng may mặc của Bangladesh sang EU đạt 19.4 tỷ USD, tăng gần 42% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi xuất cảng của Trung Quốc trong cùng thời kỳ tăng khoảng 22% lên 25.5 tỷ USD.

Trước đó vào giữa tháng Hai, Nikkei Asia đưa tin cho biết với lượng lớn các đơn đặt hàng may mặc từ Âu Châu, ngành sản xuất áo quần may sẵn (RMG) của Bangladesh chiếm gần 1/5 GDP của nước này, và hơn 80% tổng doanh thu xuất cảng. Nhiều người mua ở EU tìm đến Bangladesh để mua hàng may mặc, trong đó có các hãng H&M, Zara, Primark, G-Star Raw, và Marks & Spencer.

Với dân số gần 170 triệu người, Bangladesh có một lực lượng nhân sự tiềm năng lớn. Ngoài ra, đây là một trong khoảng 45 quốc gia đang phát triển có quyền tiếp cận không hạn chế vào tất cả các thị trường EU, ngoại trừ vũ khí và đạn dược. Ngược lại, các nhà xuất cảng Trung Quốc phải nộp thuế khi bán hàng hóa sang các nước EU.

Ông Mansur nói với Nikkei Asia rằng Bangladesh gần bằng thị phần xuất cảng của Trung Quốc sang EU và ông tin rằng nước này sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất cảng lớn nhất sang EU trong vòng 4 đến 5 năm tới.

“Thị phần RMG của Trung Quốc đang giảm trên toàn thế giới. Tôi cho rằng Trung Quốc không có lợi ích chiến lược để bảo vệ thị phần này vì nước này hiện đang tập trung vào phát triển và sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn như xe hơi điện. Vì vậy, họ sẽ không còn tập trung vào ngành may mặc như trước nữa,” ông cho biết.

Có ít nhất 4,600 nhà máy gia công hàng may mặc ở Bangladesh sử dụng khoảng 4.1 triệu lao động. Hầu hết hàng may mặc gia công ở Bangladesh được xuất cảng sang các nhà bán lẻ ở Âu Châu, Hoa Kỳ, và Canada.

Ngành may mặc của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách zero COVID

Ngành công nghiệp gia công và xuất cảng hàng may mặc của Trung Quốc đã trải qua sự sụt giảm đáng kể trong ba năm qua do chính sách “zero COVID” hà khắc của nước này.

Có một câu nói trong ngành may mặc của Trung Quốc rằng: Trung Quốc là chỉ số cho ngành may mặc toàn cầu; Quảng Châu là chỉ số cho ngành may mặc của Trung Quốc, và Khu Thương mại Dệt may Trọng Đạt (Zhongda) là chỉ số cho ngành may mặc của Quảng Châu.

Khu Thương mại Dệt may Trọng Đạt và khu vực xung quanh nơi này là một chuỗi công nghiệp may mặc khổng lồ bao gồm hơn 30,000 nhà sản xuất và bán lẻ hàng may mặc, tạo cơ hội việc làm cho hơn 300,000 nhân viên.

Theo kênh truyền thông NetEase của Trung Quốc, trước khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, có gần 23,000 cửa hàng vải trong khu thương mại dệt may này, với khối lượng giao dịch hàng năm ước tính vượt quá 200 tỷ nhân dân tệ (28.972 tỷ USD). Thành phẩm đã được xuất cảng sang Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, và nhiều nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, suốt thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa COVID-19 trong ba năm qua, khu thương mại dệt may Trọng Đạt đã phải đóng cửa nhiều lần, và tất cả hoạt động bán sỉ và hậu cần đều bị đình chỉ. Tình trạng này cũng giáng một đòn nặng nề vào thị trường may mặc xung quanh khu này.

Ông Yang Kai (bút danh), chủ một cửa hàng quần áo ở quận Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, nói với Đại Kỷ Nguyên hôm 05/03 rằng chính sách kiểm soát và phòng chống dịch bệnh kéo dài ba năm của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là chính sách zero COVID, đã khiến cho toàn bộ thành phố chững lại và chuỗi cung ứng sản xuất quần áo đã bị phá vỡ. Kết quả là, các đơn đặt hàng đã bị hủy bỏ, các nhà máy ngừng hoạt động, và một số lượng lớn người dân bị mất việc làm. Nhiều công ty ngoại quốc đã rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Á.

“Các dãy cửa hàng trong con hẻm của chúng tôi đã đóng cửa. Các đơn đặt hàng ngoại quốc đã hết, và các đơn đặt hàng trong nước thì khan hiếm,” ông Yang nói. “Ngôi làng đô thị sầm uất một thời giờ trở nên hoang vắng. Mặc dù bây giờ nơi này mở cửa cho việc kinh doanh buôn bán, nhưng không có đơn đặt hàng nào cả. Không có hy vọng.”

Tạ Linh

UAV không xác định đe dọa cơ sở phòng không của thủ đô Matxcova

Một máy bay không người lái được phát hiện ở khu vực Moscow (Ảnh: Youtube.com/@YuraOZ).

Nga thông báo rằng ba máy bay không người lái không xác định đã được phát hiện trên bầu trời phía trên đơn vị quân sự của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga thủ đô Moscow. Theo kênh Telegram Mash, trước đây, máy bay không người lái đã “tiến hành giám sát liên tục cơ sở này”.

Bộ phận quân sự của lực lượng hàng không vũ trụ gần Moscow chuyên cung cấp khả năng phòng không và chống tên lửa cho thủ đô.

Cần lưu ý rằng các máy bay không người lái đã cất cánh từ dải rừng bên cạnh khu vực này. Máy bay không người lái ở độ cao 200 mét, nhưng hạ xuống gần đơn vị quân đội, sau đó chúng bay trở lại.

Các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm kiếm trong rừng, nhưng không tìm thấy dấu vết của những người điều khiển máy bay không người lái.

Thông báo cho biết: “Các máy bay không người lái có kết cấu chắc chắn và được trang bị đèn cảnh báo màu đỏ và trắng. Ngày hôm sau, một trong những thiết bị lại xuất hiện gần nhà ga – nó đang bay về hướng trạm xăng Tatneft gần khu định cư Krasnopakhorske”.

Theo tình báo An, một trong những thách thức đối với Nga có thể là sự thiếu thốn đáng kể các hệ thống phòng không tầm trung hiện đại. Do vậy các sân bay của Nga có thể không được bảo vệ tốt.

Tạ Linh

Sĩ quan, binh sĩ dự bị Nga kêu gọi ông Putin quan tâm đến nỗi khổ của quân nhân

Lực lượng dự bị Nga đã đăng video này lên telegram.

Gần đây, các sĩ quan và dự bị của Nga tại khu vực miền đông Ukraina đã công bố một đoạn video kêu gọi Tổng thống Putin quan tâm đến nỗi khổ của họ.

Trong đoạn video do các sĩ quan và binh sĩ dự bị của quân đội Nga công bố, họ bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ với hiện trạng của quân đội và kêu gọi Tổng thống Putin giúp đỡ. Một phát ngôn viên che mặt cho biết trong video rằng: Ông Putin, với tư cách là chỉ huy tối cao của quân đội Nga, nên thúc giục sĩ quan các cấp trung thành với cương vị của họ. Khác với Tổng thống Ukraina – Zelensky, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ trước đến nay chưa từng ra tiền tuyến thị sát cuộc chiến.

Người phát ngôn che mặt nói rằng quân đội tiền tuyến được trang bị thiếu thốn nghiêm trọng và các chỉ huy thờ ơ với nỗi khổ của binh lính. Các sĩ quan quân đội phớt lờ mệnh lệnh của Tổng thống Putin và thường gửi những người lính chưa qua huấn luyện ra tiền tuyến. “Trung đoàn trưởng của chúng tôi từ chối nói chuyện với chúng tôi. Ông ấy chỉ đe dọa rằng nếu chúng tôi không tuân lệnh và ra mặt trận, chúng tôi sẽ bị xử lý theo luật quân sự”. Người phát ngôn cho biết: “Nhiều quân nhân dự bị đang phải trả giá bằng những thương vong vô nghĩa do không được đào tạo đầy đủ”.

“Chúng tôi không từ chối các nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, nhưng chúng tôi từ chối chấp nhận rủi ro vô nghĩa, chẳng hạn như sử dụng súng tiểu liên chống lại xe tăng và pháo binh”, người phát ngôn nói. Trong video có thể nhìn thấy hàng chục binh sĩ đeo mặt nạ. Trước đó, một số binh sĩ Nga và các thành viên gia đình của họ đã công khai lên tiếng chỉ trích hiện trạng của quân đội Nga.

Liên Thành

Ấn Độ trở thành mục tiêu chuỗi cung ứng của Apple, Boeing khi quan hệ Mỹ-Trung tuột dốc

Một nhân viên kiểm tra chất lượng camera của điện thoại di động tại một dây chuyền lắp ráp của Foxconn Technology Co., ở Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images).

Vào thời điểm quan hệ Trung-Mỹ đang tuột dốc nghiêm trọng, mối quan hệ giữa các công ty Ấn Độ và Mỹ ngày càng gần gũi hơn. Ngày 12/3, truyền thông Mỹ đưa tin, Ấn Độ đã trở thành đối tác sản xuất, thương mại và chuỗi cung ứng của Apple và Boeing.

Báo cáo cho biết, vào tháng 2 năm nay, Boeing đã công bố một thỏa thuận kỷ lục cung cấp 220 máy bay trị giá khoảng 34 tỷ USD cho hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ. Đây là thương vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử thương mại hàng không và là thương vụ trị giá lớn thứ ba từ trước đến nay của Boeing.

Đồng thời, Ấn Độ cũng thu hút một số lượng lớn các công ty nước ngoài hợp tác khi các công ty phương Tây tìm cách tách mình ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng các nhà sản xuất toàn cầu như Apple, Samsung và Nokia sản xuất tại Ấn Độ đang tăng tốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ – bà Gina Raimondo đã tới Ấn Độ vào tuần trước để tăng cường quan hệ giữa hai nước. Mỹ tuyên bố rằng ngành hàng không Ấn Độ đang mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho việc mua sắm, hỗ trợ năng lực và dịch vụ hàng không tại địa phương.

Theo phân tích của CNBC, Ấn Độ có tham vọng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo, nhưng để hiện thực hóa giấc mơ này, Ấn Độ cần khắc phục một số vấn đề về năng suất, chất lượng sản xuất và cơ sở hạ tầng. Lấy Boeing làm ví dụ, công ty này có 5.000 nhân viên và 300 nhà cung cấp ở Ấn Độ để hỗ trợ chuỗi cung ứng sản xuất máy bay địa phương của Ấn Độ. Ngày nay, những nhà cung cấp này đã trở thành một phần trong cơ sở cung ứng toàn cầu của Boeing và chịu trách nhiệm sản xuất một số thành phần sản phẩm tiên tiến nhất của Boeing.

Và Apple có thể tiếp tục tăng thị phần iPhone sản xuất tại Ấn Độ, nhắm mục tiêu 25% từ mức 5% -7% hiện tại.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ đạt 6,1% vào cuối năm nay, vượt qua mức dự báo GDP của Trung Quốc khoảng 2%. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, nền kinh tế của Ấn Độ sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Vivek Wadhwa, một doanh nhân và học giả công nghệ người Mỹ gốc Ấn Độ, nhận xét: “Khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang, việc chuyển dời sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ chỉ còn là vấn đề thời gian… vì Ấn Độ là lựa chọn tốt nhất.”

Liên Thành

Related posts