Liên Thành
Như tin đã đưa, vào ngày 17 tháng 3, Phòng sơ thẩm II của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Như vậy có nghĩa là tất cả các quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế hiện có nghĩa vụ pháp lý bắt giữ và đưa ra tòa tổng thống bị tình nghi của Liên bang Nga, Vladimir Putin.
Trang tin “BBC” tiếng Nga, trích lời giáo sư luật quốc tế tại Đại học Copenhagen, Kevin Jon Heller cho biết: “Đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng. Không phải ngày nào cũng có nguyên thủ quốc gia đang tại chức bị tòa án quốc tế truy tố. Nhưng, tất nhiên, khả năng Putin bị giam giữ trong tương lai gần là vô cùng nhỏ.”
Ông nói thêm: “Từ quan điểm pháp lý, bất kỳ quốc gia thành viên nào của ICC đều có nghĩa vụ tuân thủ quyết định này. Và trong trường hợp ông Putin đến lãnh thổ của các quốc gia này, ông ta có thể bị bắt và đưa ra tòa. Nhưng trên thực tế, các quốc gia không phải lúc nào cũng làm như vậy”.
“Ví dụ, cựu tổng thống Sudan đã bị truy tố nghiêm trọng và sau đó đã đến thăm một số quốc gia thành viên ICC và không quốc gia nào bắt giữ ông ta. Vì vậy, lệnh bắt giữ không bảo đảm rằng Putin sẽ được giao cho ICC. Nhưng từ quan điểm pháp lý, các quốc gia có nghĩa vụ phải làm như vậy.”
Thẩm quyền của ICC mở rộng cho các quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome. Ukraine không phải là một bên của Quy chế Rome. Tuy nhiên, Ukraine đã trao cho Tòa án Hình sự Quốc tế quyền điều tra các tội phạm trên lãnh thổ của mình.
Có 123 quốc gia là thành viên của Quy chế Rome , bao gồm các quốc gia Nam Mỹ và khoảng một nửa số quốc gia của Châu Phi, vì vậy họ sẽ phải chú ý đến các lệnh do ICC ban hành. Trung Quốc, Ấn Độ, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan, trong số những nước khác, đã không ký hoặc phê chuẩn đạo luật. Nga, giống như Hoa Kỳ, đã ký hiến chương, nhưng sau đó đã rút lại chữ ký của mình.
Nóng: Tòa Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt ông Putin
Tòa Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt ông Putin với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine, nhưng Nga tuyên bố quyết định này “vô hiệu về mặt pháp lý”.
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga. Theo Guardian, động thái này được cho là tiếp tục khiến Nga tiến thêm một bước nữa trên con đường trở thành một quốc gia bị cô lập.
Theo quyết định của ICC, Tổng thống Putin “chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi”, cũng như “không kiểm soát hoặc cho phép các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền làm điều này”.
Đây là lệnh đầu tiên được ICC ban hành đối với các tội ác đã gây ra trong cuộc chiến ở Ukraine, cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi khi tòa án ban hành lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. Điều này đã đưa ông Putin vào cùng danh sách với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Gaddafi bị lật đổ và bị giết chỉ vài tháng sau khi lệnh bắt được công bố. Bashir cũng bị lật đổ và hiện đang ngồi tù ở Sudan, mặc dù ông này vẫn chưa được chuyển đến The Hague. Còn trong tương lai gần, Putin vẫn chưa chịu ảnh hưởng gì khi Nga không công nhận thẩm quyền của tòa ICC và khẳng định vào hôm thứ Sáu (17/3) rằng họ không bị ảnh hưởng bởi các quyết định của toà này. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga sẽ phải đối mặt với các giới hạn về quyền tự do đi lại tới 123 quốc gia thành viên của ICC, điều có thể khiến Putin càng bị cô lập sâu sắc hơn.
Kyiv cho rằng 345 trẻ em Ukraine “biến mất” từ khi chiến tranh bùng phát, đồng thời cáo buộc Nga đưa nhiều em tới nước này. Một quan chức cấp cao Ukraine ngày 13/3 cho biết họ đã hối thúc ICC trong thời gian dài nhằm xin lệnh bắt những công dân Nga liên quan.
Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin ngày 17/3 tuyên bố quyết định của ICC là “động thái mang tính lịch sử với Ukraine và toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế”. Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, thì cho rằng quyết định này “mới chỉ là bắt đầu”.
Hiện không rõ có bao nhiêu trẻ em đã bị lực lượng Nga bắt cóc khỏi Ukraine. Tháng trước, nghiên cứu Đại học Yale đã công bố một báo cáo cáo buộc rằng ít nhất 6.000 trẻ em từ Ukraine đã bị gửi đến các trại cải tạo của Nga trong năm qua. Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (17/3), công tố viên ICC, Karim Khan, cho biết: “Các tội phạm được văn phòng của tôi xác định bao gồm việc trục xuất ít nhất hàng trăm trẻ em ra khỏi trại trẻ mồ côi và nhà chăm sóc trẻ em”.
Khan cho biết nhiều đứa trẻ đã được cho là đã trở thành con nuôi ở Nga. Ông Putin đã ban hành sắc lệnh đẩy nhanh việc cấp quốc tịch Nga cho những đứa trẻ, giúp chúng dễ dàng được nhận nuôi hơn.
“Văn phòng của tôi cáo buộc rằng những hành động này thể hiện ý định loại bỏ vĩnh viễn những đứa trẻ đó khỏi đất nước của chúng,” Khan nói. “Chúng ta phải đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác phải chịu trách nhiệm và trẻ em được trả về với gia đình và cộng đồng của chúng… Chúng ta không thể cho phép trẻ em bị đối xử như thể chúng là chiến lợi phẩm của chiến tranh”.
Phản ứng với động thái này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng “từ quan điểm pháp lý, các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì với đất nước chúng tôi”.
“Nga không phải bên tham gia Quy chế Rome về ICC và không có nghĩa vụ nào liên quan. Nga không hợp tác với ICC, các lệnh bắt do cơ quan này đưa ra vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị đối với chúng tôi”, bà Zakharova cho biết.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, ước tính số lượng trẻ em bị trục xuất khỏi đất nước là hơn 16.000 em. Ông cho biết lệnh bắt giữ Putin thể hiện “một quyết định lịch sử sẽ dẫn đến trách nhiệm lịch sử”. Zelenskiy nói: “Sẽ không thể thực hiện một chiến dịch tội phạm như vậy nếu không có sự đồng ý của người cầm đầu nhà nước khủng bố” (hàm ý chỉ Putin).
Giới lãnh đạo Nga đã công khai về việc đưa trẻ em Ukraine đến Nga để đưa chúng vào các trại mồ côi hoặc cho các gia đình Nga nhận làm con nuôi. Hôm 16/2, Lvova-Belova xuất hiện trên truyền hình nói lời cảm ơn Putin vì đã có thể “nhận nuôi” một cậu bé 15 tuổi từ Mariupol, thành phố đông nam Ukraine đã bị lực lượng Nga tàn phá và chiếm đóng.
“Nhờ có ông, giờ tôi mới biết làm mẹ của một đứa trẻ Donbas là như thế nào,” cô nói với Putin.
Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, hoan nghênh lệnh bắt Putin. Ông Borrell gọi đó là “sự khởi đầu của quá trình chịu trách nhiệm”. Còn Ngoại trưởng Anh, James Cleverly, cho hay “những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh khủng khiếp ở Ukraine phải bị đưa ra trước công lý”.
Hoa Kỳ đã thận trọng hơn trong phản ứng của mình. Tổng thống Joe Biden cho rằng Putin rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh và quyết định của ICC là chính đáng. Nhưng Hoa Kỳ không phải là thành viên ICC và Lầu Năm Góc đã từ chối hợp tác với ICC vì lo ngại rằng các binh sĩ Hoa Kỳ cũng có thể trở thành đối tượng bị tòa án truy đuổi.
Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga đang phạm tội ác chiến tranh với hành động tàn bạo ở Ukraine. Chúng tôi đã làm rõ rằng những kẻ gây tội ác sẽ phải chịu trách nhiệm. Công tố viên ICC là một tác nhân độc lập, đưa ra các quyết định truy tố của riêng mình dựa trên bằng chứng. Chúng tôi ủng hộ trách nhiệm giải trình đối với thủ phạm của các tội ác chiến tranh”.
Viên Minh (Tổng hợp)