Phụng Minh
Việc kiểm soát chặt chẽ xuất cảnh ở Vũ Hán lần này không giống như những lần làm tương tự ở nhiều nơi khác của Trung Quốc. Cùng là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, nhưng lần này có những lý do đặc biệt hơn.
Theo Sohu.com, trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Văn phòng Công an thành phố Vũ Hán vào ngày 27/7 đã công bố thông báo liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc xuất cảnh của công dân. Thông báo nêu rõ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát, các tổ chức công cộng, các đơn vị quân đội ở Vũ Hán lập hồ sơ, thu thập và lưu trữ các giấy chứng nhận du lịch nước ngoài vì mục đích cá nhân của nhân viên, nếu không nộp hoặc xin vô hiệu, vẫn sẽ bị hủy hộ chiếu. Thông báo sẽ được thực hiện từ ngày 1/8/2020.
Trước đó, “Luật trừng phạt công chức chính phủ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có hiệu lực vào ngày 1/7. Luật quy định sáu loại công chức rời khỏi đất nước bất hợp pháp và có quốc tịch nước ngoài hoặc thẻ xanh sẽ bị phạt ở các mức độ khác nhau.
Trong vài năm qua, các quy định tương tự đã được ban hành ở nhiều nơi khác nhau ở Trung Quốc, đặc biệt là từ năm 2015, các quy định này đã xuất hiện nhiều lần. Như vậy việc thu lại hộ chiếu ở Vũ Hán có gì giống và không giống các lần trước? Ý nghĩa đặc biệt là gì? Tại sao ĐCSTQ thực hiện kiểm soát xuất cảnh đối với người Vũ Hán nói chung? Ông Giang Phong, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng hiện nay và là nhà sáng lập nền tảng truyền thông trực tuyến Sound of Hope đã đưa ra phân tích của mình.
Hành động vi phạm nhân quyền đã có tiền lệ từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”
Trong những ngày đầu tiên, các phương tiện truyền thông thậm chí còn ca ngợi phương pháp tịch thu hộ chiếu của ĐCSTQ, nói rằng ông Tập Cận Bình “đả hổ diệt ruồi”, dùng phương pháp này nhắm vào các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ và ngăn họ chạy trốn. Sau đó, loại quy định này dần dần được mở rộng và áp dụng nhiều hơn cho các nhóm người đặc biệt.
Chẳng hạn, tháng 11/2018, giáo viên ở các trường tiểu học và trung học và thậm chí các trường mẫu giáo ở Phúc Kiến, Sơn Đông, Nội Mông và các nơi khác đã được thông báo chung, yêu cầu phải nộp hộ chiếu và giấy phép vào Hồng Kông, Macao và Đài Loan, đồng thời các vấn đề xuất cảnh phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ khi nào các giáo viên lại thuộc về nhóm “hổ và ruồi”?
Năm 2019, các giáo viên từ các trường đại học và các trường khác ở Liêu Ninh, Phúc Kiến và những nơi khác cũng cho biết họ bị bắt buộc phải nộp lại hộ chiếu. Trong hai năm qua, các vụ tịch thu hộ chiếu xảy ra theo các quy định và thông báo hành chính khác nhau diễn ra trên cả nước. Một số dành cho các quan chức địa phương hoặc cấp bộ, và một số dành cho công chức trong các doanh nghiệp và tổ chức.
Rõ ràng, Tập Cận Bình có kế hoạch thiết lập chính quyền của mình, xác định lại phạm vi ảnh hưởng của mình và thực hiện sự phân phối lợi ích mới thông qua việc cấp và tịch thu hộ chiếu, gia tăng quyền kiểm soát các quyền cơ bản của người dân.
Kiểm toàn diện việc xuất cảnh từ Vũ Hán, để kiểm soát chặt chẽ sự thật về đại dịch
Việc tịch thu hộ chiếu ở Vũ Hán lần này không giống như trước đây. Ở các khu vực khác, nếu bạn báo cáo rằng mình bị mất hộ chiếu, một cuốn hộ chiếu mới sẽ được cấp lại. Nhưng tại Vũ Hán, trong thông báo lần này nói rõ sẽ không chấp nhận việc báo cáo mất nữa, điều đó có nghĩa là bạn sẽ không được phép ra nước ngoài.
Từ giờ, các cán bộ, công chức và quân nhân ở Vũ Hán sẽ bị kiểm soát việc xuất cảnh một cách nghiêm ngặt. Thậm chí theo quy định mới, cơ quan di trú có thể hủy trực tiếp hộ chiếu đã được nộp từ ngày 1/8. Nói cách khác, thông báo chỉ để cho cán bộ đảng, công chức của các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước và quân nhân biết rằng: Dù sao, hộ chiếu cũng sẽ bị hủy nếu không được bàn giao.
Câu hỏi là, làm thế nào loại phương thức quản lý xuất nhập cảnh chỉ dành cho tội phạm này lại được áp dụng đại trà cho cán bộ, công nhân viên và quân nhân Vũ Hán chỉ sau một đêm?
Ông Giang Phong chỉ ra rằng, nếu đây là bước tiếp theo trong trận chiến tiêu diệt tham nhũng của ông Tập Cận Bình, thì về mặt logic, các quan chức tham nhũng sẽ không tập trung ở Vũ Hán. Kiểm soát xuất cảnh như thế này có nghĩa là ai cũng sẽ trở thành nghi phạm hình sự. Làm như vậy, thực sự có thể buộc tất cả mọi người trong hệ thống nổi loạn. Vì vậy, những lo ngại nào khiến ĐCSTQ phải kiểm soát việc xuất cảnh của các đảng viên, cán bộ, quan chức nhà nước và quân nhân ở khu vực Vũ Hán? Trên thực tế, đó là vì sự thật của trận đại dịch.
Ngăn chặn những Diêm Lệ Mộng khác
Vũ Hán là một thủ phủ của tỉnh, các cán bộ ở đây nắm rõ nhiều vấn đề từ tỉnh đến thành phố, từ các vấn đề của đảng đến quản lý, đến y tế và phòng chống dịch bệnh, đến tiền tuyến của dịch bệnh, và sau đó đến các học viện quân sự và các đơn vị chiến đấu đã được thông báo từ lâu, có bao nhiêu người trong cuộc? Họ sẽ biết nhiều hơn Trần Thu Thực, người đã đứng lên nói sự thật về dịch bệnh ở Vũ Hán trong những ngày đầu. Và các quan chức, quân nhân ở Vũ Hán có nhiều hướng dẫn, thông báo và tài liệu trong tay hơn cả Trần Thu Thực.
Tại sao phải kiểm soát việc xuất cảnh của người Vũ Hán? Mục đích có thể là vì nỗi sợ người đào tẩu. Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, người đã trốn tới Hoa Kỳ từ Đại học Hồng Kông, đã tiết lộ sự thật về dịch bệnh và tác động của nó đối với Hoa Kỳ và thế giới.
Về thời gian, vào ngày 10/7, Fox News đã phát một đoạn clip phỏng vấn Diêm Lệ Mộng, sau đó thông báo về việc thu hộ chiếu của Vũ Hán diễn ra vào ngày 22/7. Mặc dù Diêm Lệ Mộng đã đến Hoa Kỳ trước đó, nhưng việc phát sóng cuộc phỏng vấn và đưa tin của một số lượng lớn các phương tiện truyền thông tiếng Hoa ở nước ngoài đã tạo ra một tác động lớn đến ĐCSTQ. Họ sợ thế giới và người dân trong nước biết được sự thật về đại dịch Vũ Hán.
Diêm Lệ Mộng là một học giả tại Đại học Hồng Kông. Mặc dù các chuyên gia biết sức nặng của những tiết lộ của cô ấy, nhưng sẽ mạnh mẽ hơn nếu tiết lộ tương tự tới từ một người trong cuộc có thông tin đầu tiên ở Vũ Hán. Vậy ai sẽ là người trong cuộc này? ĐCSTQ đang kiểm soát số lượng nhỏ người trong các khu vực cao nhất của Vũ Hán như Ủy ban tỉnh Hồ Bắc, Ủy ban thành phố Vũ Hán, Ủy ban y tế Vũ Hán, cán bộ quân sự tỉnh…
Theo Soundofhope
Phụng Minh biên dịch