Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết thúc chiến tranh ở Ukraine

Financial Times

Cù Tuấn, biên dịch

2-5-2023

Tóm tắt: Nga cần sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng cuộc xung đột kéo dài đã trở thành gánh nặng chiến lược đối với Bắc Kinh.

Bế tắc trong cuộc chiến Ukraine sẽ bị phá vỡ ở Bakhmut hay Bắc Kinh? Hiện tại, mọi con mắt đều tập trung vào cuộc phản công đã được nhắc đến nhiều lần của Ukraine – có thể sẽ sớm bắt đầu. Nhưng cũng có những bước phát triển đáng kể trên mặt trận ngoại giao.

Tuần trước, Tập Cận Bình đã gọi cho Volodymyr Zelensky. Trong một chuyến thăm Kyiv gần đây, tôi đã rất ngạc nhiên trước sự mong đợi háo hức — ở cả Văn phòng tổng thống và Bộ ngoại giao Ukraine — về cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Giờ đây, cuộc điện đàm Tập-Zelensky cuối cùng đã diễn ra và theo tổng thống Ukraine, cuộc điện đàm đó là “khá dài và có ý nghĩa”. Bắc Kinh sau đó tuyên bố sẽ cử một phái viên làm việc hướng tới một giải pháp hòa bình.

Có những lý do rõ ràng để cảnh giác với những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc. Ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh sự quan tâm đối với “người bạn thân yêu” của ông, Vladimir Putin. Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đối với Ukraine, được công bố vào đầu năm nay, rất mơ hồ và không kêu gọi quân đội Nga rút quân. Có những lợi ích tuyên truyền rõ ràng để Bắc Kinh tuyên bố họ quan tâm đến “hòa bình”, trong khi không làm gì nhiều. Ngay cả khi Trung Quốc thực sự nghiêm túc muốn làm, sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách giữa Kiev và Matxcơva.

Tuy nhiên, thật sai lầm khi bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể đóng một vai trò lớn trong việc chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc này. Vì những lý do khác nhau, Ukraine, Nga, Mỹ, Châu Âu và chính Trung Quốc đều có lợi ích tiềm tàng trong sự tham gia của Bắc Kinh.

Người Ukraine hiểu rằng Tập Cận Bình là người có ảnh hưởng độc nhất đối với Putin – nếu ông ấy chọn sử dụng nó. Trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đang phụ thuộc vào Trung Quốc để duy trì nền kinh tế của mình.

Chính quyền Biden cho rằng có rất ít khả năng Trung Quốc gây áp lực có ý nghĩa đối với Nga, và một số quan chức hàng đầu vẫn lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ đi theo hướng ngược lại và cung cấp vũ khí cho Nga. Nhưng người Ukraine có nhiều hy vọng hơn. Họ nghĩ rằng họ đã nhìn thấy những dấu hiệu căng thẳng thực sự giữa Putin và Tập trong chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc tới Mátxcơva – và thậm chí còn tuyên bố với tôi rằng Tập đã cắt ngắn chuyến thăm này.

Tại sao Tập có thể mất kiên nhẫn với Putin? Không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc thống nhất với nhau trong thái độ thù địch với sức mạnh của Mỹ. Một chiến thắng nhanh chóng của Nga ở Ukraine có thể rất phù hợp với Trung Quốc. Nhưng một cuộc chiến kéo dài đang trở thành gánh nặng chiến lược đối với Bắc Kinh. Thay vì làm suy yếu hệ thống liên minh do Mỹ lãnh đạo, cuộc chiến ở Ukraine đã kéo các nền dân chủ Mỹ, Châu Âu và Châu Á xích lại gần nhau hơn.

Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để cố gắng xây dựng ảnh hưởng của mình ở châu Âu. Nhưng mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà họ tự tuyên bố với Nga đã thuyết phục nhiều quốc gia châu Âu rằng Bắc Kinh hiện cũng là một mối đe dọa. Mỹ và các quốc gia châu Âu đang sử dụng cùng một ngôn ngữ về việc “giảm thiểu rủi ro” cho mối quan hệ của họ với Trung Quốc bằng cách giảm sự phụ thuộc kinh tế. Điều đó quan trọng đối với Bắc Kinh vì EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Mối quan hệ quân sự giữa Nhật Bản, châu Âu và Mỹ cũng đang được tăng cường.

Cách tốt nhất để Bắc Kinh xây dựng lại danh tiếng ở châu Âu là đóng một vai trò rõ ràng và tích cực trong việc chấm dứt chiến tranh. Loại động thái đó cũng sẽ có tác động toàn cầu – hỗ trợ cho câu chuyện ưa thích của Tập Cận Bình rằng sức mạnh của Mỹ đang thoái trào và Trung Quốc là một lực lượng vì hòa bình.

Chắc chắn có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang thích công việc kiến tạo hòa bình. Trung Quốc đang dựa vào dư luận tích cực có được từ vai trò của mình trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Người Trung Quốc gần đây đã chủ trì một hội nghị ở Samarkand về hòa bình ở Afghanistan. Bắc Kinh thậm chí đã nói về việc làm trung gian trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine. (Khi tôi đề cập đến điều này ở Washington, tin tức trên đã được chào đón bằng một nụ cười toe toét và lời “chúc may mắn với tin đó”.)

Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, có thể cho rằng Mỹ sẽ không quan tâm về việc Trung Quốc can dự vào Ukraine. Tuy nhiên, sau một số cuộc tranh luận nội bộ, chính quyền Biden đã quyết định không gạt bỏ sáng kiến hòa bình của Trung Quốc mà thay vào đó cố gắng nhào nặn nó.

Người Mỹ hiểu sự nguy hiểm của việc tỏ ra “chống lại hòa bình”. Nhưng không chỉ có vậy. Mỹ cũng ngày càng muốn tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Washington biết rằng xung đột càng kéo dài thì càng khó duy trì sự đồng thuận của phương Tây trong việc rót hàng tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Quan điểm chủ đạo ở Washington và ở nhiều thủ đô châu Âu là người Ukraine nên được hỗ trợ càng nhiều càng tốt trước khi họ phản công. Mục tiêu của Ukraine là giành được một chiến thắng quyết định để chấm dứt kỷ nguyên Putin. Nhưng đó là một mục tiêu xa vời. Một kết quả có khả năng xảy ra hơn là Ukraine tăng cường sức mạnh trên chiến trường, trước các cuộc đàm phán hòa bình.

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc liệu liên minh phương Tây có bao giờ gây áp lực lên Ukraine phải đàm phán hay không. Điều ít được thảo luận hơn, nhưng có lẽ quan trọng hơn, là ai có thể buộc Nga phải đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa — bao gồm cả việc rút khỏi các lãnh thổ Nga đã chiếm đóng và từ bỏ nỗ lực phá hoại Ukraine.

Câu trả lời hợp lý duy nhất cho câu hỏi đó là Trung Quốc. Chỉ Tập Cận Bình mới có thể bắt tay nồng nhiệt với Putin ở nơi công cộng — và thậm chí một cái ngoắc tay ở chốn riêng tư. Tại một thời điểm nào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể quyết định rằng phải làm điều đó là vì lợi ích của đất nước mình.

Related posts