Tin VN sáng thứ Tư: Xuất khẩu giảm gần 12%, nhập khẩu giảm hơn 15% so với cùng kỳ 2022

Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ bà Lê Thị Dung bị tuyên 5 năm tù

Bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. (Ảnh: Quang Đại/laodong.vn)

Bà Lê Thị Dung trước đó bị TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tuyên 5 năm tù vì gây thiệt hại gần 45 triệu đồng khiến dư luận phản đối.

Hôm 2/5, báo VTC dẫn lời ông Vũ Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho hay Bộ mong muốn các cơ quan pháp luật tỉnh Nghệ An xem xét vụ án bà Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) một cách “toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật”.

Trước đó, hôm 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bà Dung 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bản án trên bị dư luận phản đối gay gắt.

Theo cáo trạng, từ ngày năm 2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Chiều ngày 1/5, báo Tuổi Trẻ cho biết bà Lê Thị Dung đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên.

Đáng chú ý, trước khi bị bắt và ra tòa, bà Dung từng khiếu kiện Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An “tuyển dụng chui” rồi đẩy người về cho Trung Tâm trong khi nơi này đã đủ giáo viên, và ép bà Dung phải nhận người.

Bà Dung không đồng ý ký hợp đồng không thời hạn với người này và bị kỷ luật. Bà Dung khiếu nại, UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận đơn khiếu nại là đúng nhưng án kỷ luật bà Dung vẫn không bị thu hồi. Bà Dung tiếp tục khiếu nại.

Đến ngày 16/9/2021, bà Lê Thị Dung đã làm đơn tố cáo Ban thường trực huyện ủy Hưng Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020 về nhiều nội dung, gửi lên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Đến khoảng tháng 3/2022, bà Dung bị bắt.

Minh Long

31 người thương vong vì tai nạn giao thông trong ngày 2/5

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 4 vụ, số người chết và bị thương cùng giảm 1 người. (Ảnh: Phúc Ngoan Hiền/Facebook)

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 4 vụ, số người chết và bị thương cùng giảm 1 người.

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết ngày 2/5, Việt Nam xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 17 người.

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 4 vụ, số người chết và bị thương cùng giảm 1 người. Toàn bộ số vụ đều xảy ra tại đường bộ.

CSGT Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 9.703 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, phạt tiền 20,877 tỷ đồng; tạm giữ 168 xe ô tô, 4.426 xe mô tô, 18 phương tiện khác; tước 2.166 giấy phép lái xe các loại.

Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn là 3.428 trường hợp, vi phạm về tốc độ 2.082 trường hợp, chở hàng quá tải trọng 78 trường hợp, quá khổ giới hạn 9 trường hợp, tự ý cải tạo phương tiện 5 trường hợp, vi phạm ma túy 4 trường hợp, chở quá số người quy định 148 trường hợp.

Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT đã phát hiện 225 trường hợp vi phạm; lập biên bản 51 trường hợp, phạt tiền 215,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 29 trường hợp, tạm giữ 3 phương tiện.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, phát hiện xử lý 111 trường hợp vi phạm, phạt tiền 168 triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát đường sắt đã kiểm tra, phát hiện xử lý 10 trường hợp vi phạm, phạt tiền 5 triệu đồng.

Minh Long

Xuất khẩu giảm gần 12%, nhập khẩu giảm hơn 15% so với cùng kỳ 2022

Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất – nhập khẩu của Việt Nam đồng loạt suy giảm so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Mariusz Bugno/Shutterstock)

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tình hình xuất – nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đồng loạt giảm từ 12% – 15% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, riêng trong tháng 4 vừa qua, giá trị xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, giảm hơn 7% so với tháng trước và giảm tới 17% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung của 4 tháng, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 108,5 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88%

Đối với nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết riêng tháng 4, giá trị nhập khẩu về Việt Nam đạt 26 tỷ USD, giảm hơn 8% so với tháng trước, nhưng giảm tới 20,5% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung của 4 tháng, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt 102,2 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 95,64 tỷ USD, chiếm 93,6%.

Trong các nước, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị ước đạt 28,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị ước đạt 33,3 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,3 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu gần 14,4tỷ USD.

Tuấn Minh

Related posts