Mỹ, Đài Loan đạt thỏa thuận phần đầu của hiệp định thương mại ‘Thế kỷ 21’

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm thứ Năm (18/5) cho biết Mỹ và Đài Loan đã đạt được thỏa thuận về phần đầu của sáng kiến thương mại “Thế ký 21”. Phần đầu này bao gồm đơn giản hóa thủ tục hải quan, thương mại, thông lệ pháp lý và doanh nghiệp nhỏ.

Sau khi thỏa thuận đầu tiên của Sáng kiến Mỹ – Đài Loan về Thương mại Thế ký 21 được ký kết, các nhà đàm phán hai bên sẽ bắt đầu làm việc về các lĩnh vực thương mại khác, trong đó có nông nghiệp, thương mại số, các tiêu chuẩn lao động và môi trường, doanh nghiệp nhà nước và các chính sách, thông lệ phi thị trường, USTR cho biết.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong tuyên bố phát đi hôm 18/5 nói rằng thỏa thuận vừa đạt được sẽ củng cố mối quan hệ Mỹ – Đài Loan và biểu hiện rằng hai bên có thể làm việc cùng nhau để tăng cường các ưu tiên thương mại cho người dân của mình.

“Chúng tôi mong chờ tiếp tục những cuộc đàm phán này và hoàn thành thỏa thuận thương mại vững mạnh và tiêu chuẩn cao, từ đó giải quyết được những thách thức kinh tế Thế kỷ 21”, bà Katherine Tai nói.

Sáng kiến Mỹ – Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 nhắm đến thúc đẩy thương mại song phương thông qua đơn giản hóa kiểm tra hải quan, cải thiện các thủ tục pháp lý, và thiết lập các biện pháp chống tham nhũng giữa Mỹ và Đài Loan.

Thỏa thuận đầu tiên của sáng kiến nêu trên sẽ cho phép các doanh nghiệp Mỹ “đem nhiều sản phẩm hơn tới Đài Loan và khách hàng Đài Loan, đồng thời tạo ra các thủ tục pháp lý minh bạch và đơn giản hơn, từ đó có thể tạo điều kiện cho đầu tư và cơ hội kinh tế trong cả hai thị trường, đặc biệt là cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ”, tuyên bố của bà Katherine Tai nói thêm.

Thỏa thuận đầu tiên về sáng kiến thương mại “Thế ký 21” vẫn cần hai bên ký kết trước khi thực thi. Thỏa thuận này khi đi vào thực tế sẽ “làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác thương mại và tăng cường giao thương thương mại Mỹ – Đài Loan để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế toàn diện cho người lao động và các doanh nghiệp”, USTR nhấn mạnh.

Mỹ và Đài Loan hiện nay không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng hai bên vẫn duy trì các mối quan hệ không chính thức thông qua các viện văn hóa đặt tại mỗi nước, hoạt động như đại sứ quán.

Hải Đăng (Theo CNA)

Cựu Thủ tướng Anh: Bắc Kinh sẽ không giữ lời hứa, đàm phán không kết thúc tốt đẹp

Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss (Ảnh: Flickr/ CC/Simon Dawson / No 10 Downing Street)

Hiện nay Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đang leo thang đe dọa Đài Loan. Về các chủ trương như hiệp thương với Bắc Kinh để tránh một cuộc chiến, cựu Thủ tướng Anh Liz Truss thẳng thừng nói rằng bà không phản đối đàm phán, nhưng các cuộc đàm phán với Trung Quốc thường không có kết quả cuối cùng, bởi vì Bắc Kinh sẽ không giữ lời hứa.

Vào ngày 17/5, bà Liz Truss đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) rằng các cuộc đàm phán cần có thiện chí của cả hai bên, nhưng thật đáng tiếc khi mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội chỉ thấy Trung Quốc liên tục đe dọa các quốc gia dân chủ như Đài Loan, Litva, Úc và Canada. Khi đối mặt với bắt nạt, điều cần làm là đứng lên và thể hiện sức mạnh của mình.

Bà Truss lấy “vấn đề Hồng Kông” làm ví dụ, và chỉ ra rằng bà không thấy bất kỳ kết quả nào trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bảo vệ người dân Hồng Kông và thỏa thuận đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc nhưng vẫn bị phía Trung Quốc phớt lờ, Trung Quốc vẫn ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.

Bà Truss cho biết, khi còn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, bà cũng đã nhiều lần đàm phán với Trung Quốc, nhưng đến phút đàm phán cuối cùng, bà luôn thua trước quyết định tùy tiện đơn phương của Trung Quốc, nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị đình trệ bởi nhiều lý do hoặc các tình huống khác nhau, hơn nữa không có cách nào để yêu cầu bồi thường.

Khi được hỏi nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, liệu phía Vương quốc Anh có thể giúp bảo vệ Đài Loan không? Liz Truss nói bà tin rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, trọng điểm là tránh xảy ra xung đột, bà biết rằng Mỹ có thể giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ và Vương quốc Anh cũng đã phê duyệt xuất khẩu các sản phẩm quân sự sang Đài Loan, vì vậy bà hy vọng rằng cách làm này có thể tiếp tục. Đồng thời bà cũng tin rằng Anh, với tư cách là một thành viên của thế giới dân chủ, sẽ hỗ trợ Đài Loan thông qua nhiều phương tiện khác nhau như kinh tế và thương mại.

Về việc nhiều chính trị gia bày tỏ quan điểm ủng hộ Đài Loan sau khi rời nhiệm sở, Liz Truss cho biết khi còn làm thủ tướng hay ngoại trưởng, lập trường của bà đối với Bắc Kinh cũng giống như bây giờ. Nhưng bà thẳng thắn nói rằng chính quyền Anh có quy định chính sách hiện hữu về việc tiếp xúc với Đài Loan, quy định này có thể có thể cân nhắc xem xét lại, tuy nhiên việc thay đổi chính sách sẽ cần có thời gian, nói một cách thẳng thắn, đó là tôi không có đủ thời gian để làm những việc này khi còn đương chức.

Về nhiều tranh cãi do các nhà ‘ngoại giao chiến lang’ Trung Quốc gây ra ở các nước châu Âu, bà Truss cho rằng Chính phủ Anh nên chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn. Ngày nay, Anh quốc đang dần thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng sẽ mất một thời gian để thấy được những thay đổi về chính sách.

Anh và Châu Âu sát cánh cùng người dân Đài Loan

Bà Truss có chuyến thăm Đài Loan từ ngày 16 đến ngày 20/5. Vào ngày 17/5, nhận lời mời của Quỹ Tầm nhìn, bà đã có bài phát biểu tại Đài Bắc. Liz Truss nói rằng bà luôn muốn đến thăm Đài Loan, nhưng trước đây do những hạn chế trong thời gian nhiệm kỳ thủ tướng nên không thể đi được, nhưng hiện nay bà cảm thấy vui và vinh dự được đi thăm Đài Loan một cách thuận lợi.

Bà Truss nói rằng khi phe độc ​​tài và phe dân chủ đối đầu với nhau, thì Đài Loan, nơi đang ở tuyến đầu của nền dân chủ càng quan trọng hơn, và thách thức không còn xa nữa, vì vậy chuyến đi Đài Loan này là để thể hiện sự sát cánh của nước Anh hoặc châu Âu với người dân Đài Loan, để đảm bảo rằng câu chuyện về thành công của Đài Loan tiếp tục.

Bà lấy ví dụ, sự kiện Thiên An Môn năm 1989, tác động của Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông và cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cho thấy Trung Quốc đã không hề giữ lời hứa. Ngày nay, Bắc Kinh thường xuyên sử dụng máy bay và tàu quân sự để quấy rối Đài Loan và tiến hành chiến tranh nhận thức chống lại Đài Loan. Về vấn đề này, bà Truss tin rằng các nước châu Âu nên chủ động hành động và đáp trả các hành động đe dọa của Trung Quốc, bởi vì dân chủ mà không có tự do thì sẽ chẳng là gì cả.

Bà chỉ ra rằng các nước châu Âu không nên khoanh tay đứng nhìn trước sự cản trở và đe dọa của Trung Quốc, không nên chỉ thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan mà càng nên buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, thế giới dân chủ phải song hành với nhau, “vì tương lai của các bạn (Đài Loan) là tương lai của chúng tôi”.

Cựu Thủ tướng Anh Thatcher đã đến thăm Đài Loan hai lần vào năm 1992 và 1996. Chuyến thăm Đài Loan lần này của bà Truss đánh dấu lần đầu tiên sau 27 năm, tiếp tục có một cựu Thủ tướng Anh đến thăm Đài Loan.

Vương Quân, Vision Times

Related posts