Telegraph: Ông Joe Biden thúc đẩy bà Ursula Von der Leyen thành người đứng đầu NATO
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thúc đẩy việc đưa bà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Von der Leyen trở thành Tổng thư ký NATO —khối liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và đang không ngừng mở rộng hiện nay— sau khi chặn ông Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, người thời đầu từng mong muốn vào vị trí này, Telegraph báo cáo hôm 4/7.
Vị trí người đứng đầu NATO đã nổi lên như bài toán khó tìm lời giải mỹ mãn. Sau nhiều cân nhắc mà vẫn chưa chắc chắn tìm được người kế nhiệm, ông Jens Stoltenberg đã được gia hạn thêm 1 năm cho đến tháng 10/2024, cũng là điều mà ông Biden thúc đẩy. Các nhà lãnh đạo NATO kỳ vọng sẽ có thể đạt được thỏa thuận trong việc tìm ra người kế nhiệm vào hội nghị thượng đỉnh thường niên của mình tại Vilnius ở Litva vào tuần tới, tuy rằng bài toán ứng viên vẫn chưa có lời giải rõ ràng.
Telegraph dẫn nguồn tin của mình, nói rằng ông Joe Biden đang thúc đẩy bà Ursula von der Leyen trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO. Tháng trước, ông Ben Wallace đã bị chặn khỏi vị trí ứng viên, bởi ông Biden và ông Macron.
Người kế nhiệm ông Stoltenberg “sẽ phải làm hài lòng cả Macron và Biden,” ông Wallace nói với The Economist vào tháng trước, giải thích tại sao ông từ bỏ mong muốn ban đầu làm ứng viên cho vị trí đứng đầu NATO. Ông Wallace từng nói ông thích vị trí này, “Tôi đã luôn nói rằng đó sẽ là một công việc tốt. Đó là một công việc tôi muốn.”
Như Telegraph đưa tin, ông Biden lấy lý do cần ổn định chiến tranh Ukraine. Bà Von der Leyen, theo một nguồn tin khác của Telegraph, đang được ông Biden thuyết phục.
Một nguồn tin khác nữa của Telegraph cho rằng ông Biden và bà Von der Leyen đã xây dựng “mối quan hệ bền chặt” xuyên Đại Tây Dương trong những năm gần đây, qua nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu và chiến tranh Ukraine.
Theo nguồn tin này, bà đã “dựa vào tình báo của Washington” chứ không dùng thông tin của các cơ quan châu Âu chuyển đến cho bà, vì chúng không chuẩn xác về tình hình chiến tranh Ukraine.
Thông thạo tiếng Pháp, bà ấy có thể sẽ nhận được hảo cảm và ủng hộ của ông Emmanuel Macron, người phản đối việc ứng cử của ông Wallace.
Trong khi đó, ông Olaf Scholz, Thủ tướng Đức và là cựu đối thủ chính trị của bà Von der Leyen, muốn đưa bà ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo EU để ông giữ một công việc hàng đầu của EU.
Tuy nhiên, có thể xuất hiện những quan ngại về khả năng xử lý của bà, khi thành tích của bà không được tốt lắm thời bà làm lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức từ năm 2013 đến 2019. Năm 2015, có thông tin cho rằng binh lính Đức phải dùng cán chổi thay cho súng máy hạng nặng trong một cuộc tập trận của NATO, nhằm che giấu việc họ thiếu trang bị.
Có thông tin nói rằng trong cuộc nói chuyện riêng, bà Von der Leyen đã nói với ông Biden rằng bà sẽ không thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào tại NATO cho đến ít nhất là vào năm sau.
Bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch, từng nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu tiềm năng đảm nhận vai trò này sau cuộc gặp với ông Biden tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, bà đã tự loại mình ra khỏi cuộc tranh khi các quốc gia thành viên bày tỏ lo ngại về khả năng có một nhà lãnh đạo người Scandinavi thứ ba liên tiếp của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là sẽ phản đối Thủ tướng Đan Mạch sau khi các bản sao của kinh Koran và cờ Thổ Nhĩ Kỳ bị đốt cháy ở Copenhagen vào tuần trước.
Nhật Tân
Hồng Kông treo thưởng 120,000 USD cho thông tin về những người bất đồng chính kiến nhân quyền sống ở Hoa Kỳ, Úc, Anh
Cảnh sát Hồng Kông đang treo thưởng 1 triệu HKD (127,650 USD) cho thông tin về tám nhà bất đồng chính kiến nhân quyền hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, và Úc.
Hôm 03/07, Cục An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông đã ban hành lệnh bắt giữ tám người với cáo buộc rằng họ đã vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Luật này đã được cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Bắc Kinh thông qua hồi năm 2020 và bị chỉ trích rộng rãi vì làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai chế độ” lâu năm. Mô hình này nhằm bảo đảm việc thực thi luật pháp kiểu Anh dành cho Hồng Kông.
Tám người này bị buộc tội “gây nguy hiểm” cho an ninh quốc gia của Hồng Kông — cụ thể hơn là các cáo buộc “kích động ly khai, lật đổ, xúi giục lật đổ, và thông đồng với một quốc gia ngoại quốc.”
Một phát ngôn viên của cảnh sát Hồng Kông tuyên bố Luật An ninh Quốc gia đã trao cho chính quyền Hương Cảng quyền truy đuổi các cá nhân ở bên ngoài thành phố.
Trong khi đó, ông Lý Quế Hoa (Li Kwai-wah), Tổng Cảnh ti Cảnh sát Hồng Kông, đã cam kết chính quyền sẽ “không ngừng truy đuổi” những người bất đồng chính kiến.
“Họ đã khuyến khích các biện pháp trừng phạt … để phá hủy Hồng Kông và đe dọa các quan chức,” ông nói với các phóng viên trong các bình luận mà Reuters thu thập được.
Đồng thời, trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) cũng tuyên bố sẽ truy đuổi tám nhà hoạt động vô thời hạn.
“Cách duy nhất để kết thúc số phận trở thành kẻ trốn chạy sẽ bị truy đuổi suốt đời là ra đầu thú,” ông nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của những kẻ đào tẩu suốt đời cho đến khi bọn họ ra đầu thú.”
Những người được liệt kê trong danh sách treo thưởng bao gồm công dân Úc kiêm luật sư Nhậm Kiến Phong (Kevin Yam), các cựu nhà lập pháp Hồng Kông hiện đang sống tại Vương quốc Anh Hứa Chí Phong (Ted Hui) và La Quán Thông (Nathan Law, hay Law Kwun-chung), cũng như các nhà hoạt động nổi tiếng khác như Viên Cung Di (Elmer Yuen, hay Yuan Gong-yi), Quách Vinh Khanh (Dennis Kwok, hay Kwok Wing-hang), Mông Triệu Đạt (Mung Siu-tat), Lưu Tổ Địch (Lau Cho-dik), và Quách Phụng Nghi (Anna Kwok, hay Kwok Fung-yee).
Phản ứng của người bất đồng chính kiến
Đáp lại, anh La Quán Thông cho biết anh cũng bị “truy nã” vì những cáo buộc vi phạm Luật An ninh Quốc gia khác nhưng cáo buộc chính quyền — hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc — bẻ cong pháp quyền để phù hợp với mục đích riêng của họ.
Anh viết trên Twitter: “Những cáo buộc này là những ví dụ kinh điển về việc lạm dụng khái niệm ‘an ninh quốc gia’, đẩy định nghĩa của nó đến mức cực đoan để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.”
“Ở các nước văn minh, quyền vận động chính trị ôn hòa là được bảo vệ. Đó là điều mà tất cả những người bị ‘truy nã’ đều làm. Tôi kêu gọi Cục An ninh Quốc gia tiết lộ bất kỳ bằng chứng nào về việc tôi bị cáo buộc thông đồng với các thế lực ngoại quốc,” anh tiếp tục.
“Tôi chưa nhận bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ ngoại quốc, tôi cũng không làm việc cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Tôi không nhận bất kỳ chỉ thị hay mệnh lệnh nào. Nếu gặp gỡ các chính trị gia ngoại quốc, tham dự các cuộc hội thảo, và các phiên điều trần là ‘thông đồng với thế lực ngoại quốc’, thì rất nhiều quan chức Hồng Kông sẽ gặp rắc rối pháp lý.”
Anh Hứa Chí Phong, cựu chính trị gia Hồng Kông sống tại Úc, cho biết khoản tiền thưởng mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến tình hình hoặc sự an toàn cá nhân của anh, vì anh vốn dĩ đã phải chịu nhiều lệnh bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia.
“Tôi nghĩ khoản tiền thưởng thật lố bịch và buồn cười,” anh nói với The Epoch Times qua thư điện tử. “Các quốc gia tự do sẽ không dẫn độ chúng tôi vì lý do đó. Sự việc này chỉ cho thấy ĐCSTQ bất lực như thế nào trước cộng đồng người Hồng Kông ủng hộ tự do và dân chủ ở hải ngoại.”
Anh cho biết hành động mới nhất cho thấy cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với cộng đồng người Hồng Kông ở hải ngoại đang đạt đến một tầm cao mới.
“Điều đó làm cho các nền dân chủ phương Tây thấy rõ hơn rằng Trung Quốc đang hướng tới chủ nghĩa độc tài cực đoan hơn và sẽ gây ra nhiều mối đe dọa hơn cho thế giới.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Một ‘tiền lệ nguy hiểm’
Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia phương Tây tương ứng đã nhanh chóng lên án hành động của chính quyền Hồng Kông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố: “Việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt ngoài lãnh thổ là một tiền lệ nguy hiểm đe dọa nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân trên toàn thế giới.”
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngay lập tức rút khoản tiền thưởng này, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và ngừng khẳng định quốc tế về Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt,” ông nói thêm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], những nỗ lực làm suy yếu nhân quyền.”
Vương quốc Anh gọi hành động này là độc tài, trong khi Úc nói rằng Hồng Kông cần tự do
Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly gọi hành động mới nhất của Bắc Kinh là “độc tài.”
“Quyết định ban hành lệnh bắt giữ tám nhà hoạt động, một số người ở Anh, là một ví dụ nữa về sự độc tài của luật ngoại trị Trung Quốc,” ông viết trên Twitter.
Hôm thứ Ba (04/06), Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết Úc lo ngại sâu sắc về Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông và về việc áp dụng rộng rãi của luật này.
“Những gì tôi sẽ nói liên quan đến các sự kiện chỉ sau một đêm, và tôi muốn nói rõ rằng, Úc có quan điểm về quyền tự do ngôn luận,” bà nói. “Chúng tôi có quan điểm về quyền của người dân trong việc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa, và những người làm như vậy ở Úc sẽ được trợ giúp.”
Bà Wong cũng lên mạng xã hội để kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ các quyền và tự do ở Hồng Kông.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc duy trì các quyền và tự do được bảo đảm bởi Luật cơ bản và Tuyên bố chung Trung-Anh,” bà viết trên Twitter.
Thủ tướng Anthony Albanese đã gọi các khoản treo thưởng này là “không thể chấp nhận được.”
“Chúng tôi lo ngại về những thông báo được đưa ra chỉ sau một đêm này,” ông nói với chương trình Nine’s Today hôm 05/07.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc ở những nơi chúng tôi có thể, nhưng chúng tôi sẽ không đồng ý ở những nơi chúng tôi phải làm. Và chúng tôi không đồng ý về các vấn đề nhân quyền.”
Trong khi đó, Liên minh Liên-Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) cho biết đây là một “sự leo thang nguy hiểm trong cuộc chiến của Bắc Kinh đối với những người bất đồng chính kiến trên toàn cầu.”
“Những bình luận này sẽ khiến căng thẳng cộng đồng tăng thêm và có khả năng dẫn đến những hành vi xâm phạm chủ quyền không thể chấp nhận được,” nhóm nghị viên này viết trên Twitter.
IPAC tiếp tục kêu gọi các chính phủ phương Tây cam kết có những hành động thực chất mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành vi lạm quyền tiềm năng nào từ phía Bắc Kinh nhằm bắt giữ những người bất đồng chính kiến sống ở quốc gia của họ.
Về mặt này, Bắc Kinh thực sự có hình thức, với nhiều tài khoản từ các cộng đồng ở hải ngoại nói rằng họ phải đối mặt với sự sách nhiễu và thậm chí là bắt cóc từ các đặc vụ có liên hệ với ĐCSTQ ở hải ngoại nhằm đưa họ trở về Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch
TT Biden tiếp đón thủ tướng Thụy Điển tại Tòa Bạch Ốc trong bối cảnh Thụy Điển cố gắng gia nhập NATO
Tổng thống Joe Biden sẽ đón tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào thứ Tư (05/07) tại Tòa Bạch Ốc, trong bối cảnh con đường trở thành thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này vẫn đang bỏ ngỏ.
Thụy Điển đã bày tỏ một mong muốn mạnh mẽ được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với lý do lo ngại về an ninh gia tăng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi năm ngoái (2022).
Tuy nhiên, các quyết định của NATO được đưa ra thông qua một thủ tục dựa trên sự đồng thuận liên quan đến tất cả các quốc gia thành viên. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là các bên phản đối việc đơn ghi danh gia nhập của Stockholm.
Gần đây, nghị viện Hungary đã quyết định hoãn việc phê chuẩn đơn ghi danh gia nhập của Thụy Điển cho đến phiên họp lập pháp mùa thu. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang trì hoãn việc chấp thuận yêu cầu của Thụy Điển, với lý do quốc gia Bắc Âu này không giải quyết được các lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Stockholm không nên mong đợi vào việc sớm gia nhập liên minh này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Thụy Điển quá dễ dãi với một số nhóm nhất định, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và các cá nhân có liên quan đến một âm mưu đảo chính năm 2016.
Các cuộc biểu tình đốt kinh Koran gần đây ở Thụy Điển cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận.
Trong một cuộc họp báo hôm 04/07, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết: “Về mặt đánh giá chiến lược và an ninh, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ là một gánh nặng hay là một lợi ích hiện đang là chủ đề gây tranh cãi hơn bao giờ hết.”
Mặc dù những cuộc biểu tình đó được cho phép theo luật tự do ngôn luận của Thụy Điển, nhưng các nhà lãnh đạo của đất nước này đã lên án hành động đó.
Tuần tới (10/07-16/07), các nhà lãnh đạo từ các quốc gia NATO sẽ gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Lithuania để thảo luận về những thách thức an ninh toàn cầu quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh này, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/07 đến ngày 12/07, sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia, quan chức quân sự, và nhà ngoại giao từ 31 quốc gia thành viên của liên minh tại một thời điểm quan trọng khi các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc gia tăng.
Tháng trước (06/2023), ông Kristersson đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO của đất nước mình trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh tháng Bảy ở Vilnius.
Cả Thụy Điển và Phần Lan đều phản đối việc gia nhập liên minh này trong nhiều thập niên, lựa chọn trung lập và không liên kết. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi năm ngoái, cả hai quốc gia đã từ bỏ những lập trường lâu dài đó và chính thức yêu cầu trở thành thành viên của NATO.
Sau nhiều tháng trì hoãn, hôm 30/03, nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý xác nhận tư cách thành viên của Phần Lan, cho phép Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này hồi tháng Tư.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, mặc dù các quy định kinh tế và ngoại giao của Liên minh Âu Châu (EU) có thể được sử dụng để buộc Hungary rút lại sự phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển, nhưng mối lo ngại lớn hơn lại là Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius, ông Max Bergmann, giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết: “Tôi nghĩ rằng sẽ là một thất bại thực sự đối với liên minh này nếu không thể giúp Thụy Điển hoàn thành việc gia nhập, và đó là một thất bại bởi vì điều này đang bị cản trở bởi một thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ông nói thêm: “Và cho đến nay, liên minh này đã chơi rất tốt với Thổ Nhĩ Kỳ. … Nhưng quý vị biết đấy, giờ đây khi mà thực sự cần phải có hành động, thì việc này thực sự đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là một liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về hay không.”
Ngoài Thụy Điển, ba quốc gia khác — Bosnia và Herzegovina, Georgia, và Ukraine — đều đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Hồi năm ngoái, Kiyv đã chính thức nộp đơn ghi danh gia nhập liên minh, tuy nhiên, họ không có khả năng gia nhập cho đến khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO “sẽ được xem như một cuộc tấn công chống lại tất cả.”
Trong cuộc họp báo, ông Sean Monaghan, một học giả được mời đến trong Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết: “Về căn bản, tư cách thành viên của Ukraine sẽ tương đương với một lời tuyên chiến với Nga. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra.”
Ông nói: “Nhưng ngoài tư cách thành viên NATO khi chiến tranh kết thúc, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các đồng minh mà sẽ cần đi đến một sự đồng thuận nào đó tại Vilnius.” Thanh Tâm biên dịch