Lãnh đạo Mỹ – Trung nói gì tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau vụ binh biến Wagner?

Dorothy Li • Frank Fang

Hôm thứ Ba (4/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau cuộc binh biến chớp nhoáng của nhóm Wagner. Cuộc nổi dậy chóng vánh này vốn có tác động về mặt chính trị đối với cả hai quốc gia.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối quyền lực khu vực do Trung Quốc và Nga lãnh đạo nhằm chống lại sự bành trướng của phương Tây ở Trung Á.

Tổng thống Nga đã ca ngợi sự ủng hộ của SCO đối với Điện Kremlin một trong cuộc nổi dậy chớp nhoáng hồi tháng trước.

“Tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn các đồng nghiệp của tôi từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, những người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các hành động của giới lãnh đạo Nga nhằm bảo vệ trật tự hiến pháp cũng như tính mạng và sự an toàn của công dân Nga. Chúng tôi đánh giá cao điều này”, ông Putin nói trong hội nghị truyền hình từ Điện Kremlin.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, người vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, ông chủ Điện Kremlin khẳng định Moscow sẽ tiếp tục “chống lại áp lực, các biện pháp trừng phạt và khiêu khích từ bên ngoài”.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết Moscow dự định tăng cường quan hệ với các thành viên SCO và tăng tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Theo ông Putin, hơn 80% giao dịch thanh toán giữa Nga và Trung được thực hiện bằng đồng rúp và nhân dân tệ, đồng thời tỷ lệ tiền tệ của Nga trong các giao dịch xuất khẩu với các quốc gia thành viên SCO khác vào năm 2022 đã vượt quá 40%.

Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và là thành viên của SCO. Pakistan gia nhập tổ chức này vào năm 2017. Belarus cũng là một ứng cử viên cho tư cách thành viên của SCO.

Phát biểu của ông Putin tại cuộc họp trực tuyến hôm 4/7 đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của ông tại một cuộc họp quốc tế kể từ khi lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga nổi dậy vào tháng trước.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã nâng ly chúc mừng ông Putin và tái khẳng định mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với nhà lãnh đạo Nga trong chuyến thăm tới Moscow hồi tháng 3, vẫn chưa công khai gặp ông Putin. Một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng cuộc nổi dậy vũ trang, dù ngắn ngủi, song đã “làm rạn nứt” liên minh do Trung Quốc lãnh đạo đang tìm cách đảo lộn trật tự quốc tế.

Hôm 24/6, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn im lặng khi lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin phát động một cuộc nổi dậy chống lại ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã gọi động thái này là hành động “đâm sau lưng”.

Ông Prigozhin và quân của ông đã chiếm được Rostov-on-Don, một trung tâm hậu cần trọng yếu cho các nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine, và hành quân được hàng trăm km về phía Moscow chỉ trong vòng 24 giờ.

Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đề cập đến cuộc nổi dậy hỗn loạn sau khi quân của ông Prigozhin trở về căn cứ của họ theo thỏa thuận với Điện Kremlin

“Đây là công việc nội bộ của Nga. Với tư cách là nước láng giềng thân thiện và đối tác chiến lược toàn diện của Nga trong việc phối hợp trong kỹ nguyên mới, Trung Quốc ủng hộ Nga duy trì ổn định quốc gia và đạt được sự phát triển và sự phồn vinh”,một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 25/6.

Bình luận ngắn gọn trên được đưa ra sau cuộc gặp ngày 25/6 tại Bắc Kinh giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrei Rudenko.

Cuộc nổi dậy của Wagner ‘thực sự khiến Bắc Kinh khiếp sợ’

Theo ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một thành viên cấp cao và là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cuộc nổi dậy của Wagner có những tác động đáng kể đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Điều quan trọng nhất là cuộc nổi dậy của ông Prigozhin đã tạo ra một giải pháp thay thế cho một chế độ rất không được lòng dân. Đây là điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất. Nghĩa là, bất kỳ rạn nứt nào kiểu Wagner trong hệ thống [quyền lực] của Trung Quốc sẽ là một mối đe dọa đối với chính quyền ông Tập Cận Bình”, ông Dư cho biết hôm 27/6.

Ngoài ra, ông Dư Mậu Xuân lập luận rằng cuộc nổi dậy “thực sự khiến giới lãnh đạo Trung Quốc hoảng sợ” vì chế độ này rất lo sợ những người đảo chính.

“Ngăn chặn đào tẩu là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các chế độ Trung Quốc kể từ những năm 1950. Mỗi khi một người đào tẩu đáp máy bay tới Đài Loan hoặc Hàn Quốc, điều đó gây ra một cơn địa chấn chính trị lớn trong chính phủ Trung Quốc”, ông Dư nói.

Ông Dư Mậu Xuân, người từng là cố vấn cấp cao về chính sách và hoạch định về Trung Quốc cho Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Mike Pompeo, nói thêm rằng “nỗi sợ hãi về một cuộc đảo chính là rất thực đối với ông Tập”, vì ông Tập đã thanh trừng nhiều tướng lĩnh Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022.

Ví dụ: ông Dư chỉ ra những yếu điểm của các cựu chỉ huy quân sự cấp cao của Trung Quốc là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Hai nhân vật này được biết đến vì lòng trung thành với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Ông Dư Mậu Xuân giải thích rằng do lo sợ xảy ra đảo chính quân sự, ông Tập đã quyết định cấm các sĩ quan quân đội Trung Quốc liên lạc với nước ngoài, đồng thời giải thích lý do ông Tập từ chối đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken về việc nối lại đường dây liên lạc trực tiếp khi hai người gặp nhau ở Trung Quốc vào tháng trước.

“Tôi cho rằng hiện tại, việc bất kỳ sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) nào liên lạc với các thực thể chính phủ nước ngoài và các đối tác của họ là điều tuyệt đối cấm kỵ”, ông Dư cho hay.

Phát biểu qua một liên kết video từ Bắc Kinh hôm 4/7, ông Tập đã kêu gọi các quốc gia thành viên sát cánh cùng nhau và tuyên bố kiên quyết phản đối “bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”, ám chỉ đến Mỹ và các đồng minh của họ.

Ông Tập nói thêm: “Chúng ta phải hết sức thận trọng trước các thế lực bên ngoài đang kích động một cuộc ‘chiến tranh lạnh mới’ trong khu vực và kích động xung đột giữa các phe phái”.

Theo một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tập trung vào “hợp tác thiết thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Trước hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 4/7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã gặp Đô đốc Hải quân Nga Nikolai Yevmenov tại Bắc Kinh, trong đó ông Lý đã tái khẳng định mối quan hệ của ĐCSTQ với quân đội Nga.

ĐCSTQ hy vọng hải quân hai nước có thể “tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ”, “tổ chức các cuộc tập trận chung, tuần tra và thi đấu một cách thường xuyên” “mở rộng hợp tác thực tế”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Lý Thượng Phúc cho biết.

‘Đồng lõa trong các hành vi man rợ’

Ông Blinken, quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, đã dành hai ngày ở Trung Quốc vào tháng 6, kết thúc chuyến thăm của mình bằng một “cuộc hội đàm mạnh mẽ” với ông Tập.

Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ – Trung vốn được cho là được cải thiện đã trở nên tồi tệ hơn chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông Blinken, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông Tập là “nhà độc tài”, một nhận xét đã dấy lên sự phản đối từ ĐCSTQ.

Trong khi đó, trên Twitter, một số thành viên Đảng Cộng hòa đã hoan nghênh ông Biden vì đã nói lên sự thật.

“Trung Quốc muốn ông Joe Biden xin lỗi, nhưng ông Biden đã nói sự thật. Ông Tập Cận Bình LÀ một nhà độc tài”, cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley, người đang tìm kiếm đề cử của Đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, viết trên Twitter.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan viết: “Bất chấp những phản đối gần đây từ ĐCSTQ, Tổng thống Biden đã hiểu đúng: Ông Tập là một nhà độc tài”.

Vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine từ lâu đã khiến ngoại giới nghi ngờ. Hoa Kỳ đã trừng phạt một số thực thể Trung Quốc vì hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của Nga.

Ngày 1/7, tờ Nikkei Asia đăng tải cuộc điều tra của riêng mình, cho rằng các công ty Nga đã nhập khẩu ít nhất 37 máy bay không người lái dân dụng từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023.

Theo các tài liệu thông quan, những chiếc máy bay không người lái này được mua “để sử dụng trong hoạt động quân sự đặc biệt”, một thuật ngữ mà ông Putin đã đề cập đến cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine. Theo ấn phẩm, một số máy bay không người lái nhập cảng được sản xuất bởi DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới.

Vào tháng 10/2022, Lầu Năm Góc đã liệt DJI vào danh sách “các công ty quân sự Trung Quốc”.

Ông Gordon Chang, một học giả cấp cao tại Viện Gatestone, đã gọi ông Tập là “tội phạm chiến tranh” trên Twitter để đáp lại những phát hiện của hãng tin này.

Ông Chang nói: “Chính quyền ĐCSTQ đã đồng lõa với các hành động man rợ của lực lượng Nga khi trực tiếp và liên tục hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine. Cả ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đều là tội phạm chiến tranh”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Related posts