Chủ nghĩa tư bản Việt Nam, sản xuất hay đánh bạc?

Jackhammer Nguyễn

13-8-2023

Trường hợp Vinfast

Trong tuần lễ thứ hai của tháng 8/2023, công ty đầu tiên của Việt Nam là Vinfast dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Đây là thị trường chứng khoán có nhiều công ty kỹ thuật cao.

Báo chí Việt Nam do đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, dĩ nhiên rất hồ hởi phấn khởi với diễn biến này. Đông đảo người Việt Nam cũng rất hân hoan.

Nếu nhìn thị trường chứng khoán là công cụ của một loại chủ nghĩa tư bản lành mạnh thì quả thật tin Vinfast vào được Nasdaq là rất đáng phấn khởi. Lý do là từ Nasdaq, Vinfast có cơ hội thu hút rất nhiều tiền vốn tính bằng đô la Mỹ. Tiếp đó, với số tiền ấy, công ty sẽ phát triển đủ thứ, nào mở rộng sản xuất, đầu tư nghiên cứu… Một dòng chảy của cải chảy ngược về quê hương Việt Nam dưới dạng tiền lời, công việc làm,… góp phần làm cho đất nước thịnh vượng, giống như bao nhiêu sự thịnh vượng ấy từ Samsung, Toyota,… chảy về Hàn Quốc và Nhật Bản, thông qua thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.h

Nhưng tôi chợt nhớ tới câu nói của tổng thống Mỹ Joseph Biden hồi ông tranh cử: Tôi tôi không quan tâm đến chuyện lời lỗ của thị trường chứng khoán đâu nhé, tôi chỉ lo cho đại đa số người Mỹ.

Tổng thống Mỹ muốn nói rằng, chuyện chứng khoán là chuyện bọn tài phiệt tiền đầy túi đánh bạc với nhau, chứ đại đa số người Mỹ nào biết chứng khoán là gì. Cuộc sống của những người này không liên quan trực tiếp đến những cái click thăng trầm mỗi buổi sáng ở New York, hay những dòng xanh đỏ trên các trang báo tài chính Bloomberg, Wall Street Journal…

Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời hơn 20 năm trước, nó cũng dần quen thuộc với cư dân thành thị Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với đại đa số dân chúng Việt Nam, cũng như ở Mỹ, đó vẫn là thế giới xa lạ, thực sự không liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ là mấy. Số dân chúng Việt Nam “hồ hởi phấn khởi” trước tin Vinfast “lên sàng Mỹ”, chẳng qua là sự thành công (hay thất bại?) của tuyên giáo Đảng Cộng sản mà thôi.

Thị trường chứng khoán xuất phát từ Hòa Lan mấy trăm năm trước khi người ta buôn bán các củ hoa tulip với nhau, mà mua bán ở thì tương lai, để bảo đảm có sẵn tiền kinh doanh. So sánh cho dễ hiểu hơn, một hình thức thị trường chứng khoán cũng đã xuất hiện ở vùng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long cũng cả trăm năm trước. Lúc ấy, khi lúa chưa chín, đã có các lái buôn đến mua, vì họ có sẵn tiền, dự trù được sẽ lời như thế nào. Kiểu này gọi là “bán lúa non”, và bán lúa non chính là hình thức phôi thai của thị trường chứng khoán.

Bán lúa non, dự trù giá củ tulip, rồi dự trù giá dầu thô Brent, giá hồ tiêu giao dịch trong sáu tháng tới … và giá xe điện Vinfast trong năm 2024. Đó là thị trường chứng khoán.

Nhưng như đã nói ở trên, đó là công cụ của một loại chủ nghĩa tư bản lành mạnh, thị trường chứng khoán là nơi tập trung vốn cho những công ty làm ăn giỏi giang, tạo nhiều của cải, việc làm. Đó cũng là nơi mà dân chúng, những người bình thường, có thể tham gia vào công ty, bằng cách mua cổ phiếu của nó.

Thế tại sao ông Biden lại tuyên bố như thế kia?

Vì rằng chủ nghĩa tư bản có còn lành mạnh hoàn toàn nữa đâu.

Trong vòng mấy chục năm vừa qua, người ta chứng kiến sự lũng đoạn của đám tài phiệt trên thị trường chứng khoán, và không ít lần nó bị sụp đổ. Người ta đoán già đoán non giá trị tương lai của các công ty, rồi mua bán với nhau giá trị tương lai đó. Trong canh bạc này, những kẻ nhiều tiền lúc nào cũng nắm phần thắng. Họ có thể tung tiền lớn vào một công ty mà thực ra chẳng có giá trị tương lai nào, đẩy giá nó lên, làm đám dân chúng ít tiền chạy theo, rồi sau đó có thể là bán đi hàng loạt khi giá còn cao, lấy lời bằng tiền mặt.

Hãy hình dung một tiệm vàng nào đó ở khu chợ Vườn Chuối, người chủ tiệm lúc nào cũng nắm đằng cán, anh bán tôi mua, anh mua tôi cũng bán, và lúc nào tôi cũng có lời.

Và thế là một phần của thị trường chứng khoán đã trở thành một sới bạc. Trong sới bạc đó, có những gã, có khi là ả, giỏi mồm giỏi miệng, đưa công ty của mình “lên sàng”, mà thực lực không có gì, giá trị tương lai được tuyên bố vung vít, thực sự là sự lừa đảo. Vì thế thị trường chứng khoán cũng đề ra nhiều cách thức kiểm soát gắt gao đề phòng sự lừa đảo này.

Đối với những công ty đàng hoàng, sự kiểm soát của các đại tài phiệt, những cổ đông lớn, cũng sẽ gây nhiều bất lợi, vì các “đại gia” này chỉ quan tâm tới tiền lời của họ trong sới bạc, mà chẳng quan tâm đến sản phẩm của công ty có tốt hay không.

Vì thế có nhiều công ty đàng hoàng, từ chối tham gia thị trường chứng khoán vì không muốn lợi nhuận của “đại gia” lấn át lợi ích của khách hàng.

Nhưng cũng có những công ty cố sống cố chết leo vào thị trường chứng khoán. Để vượt qua những kiểm soát gắt gao của thị trường chứng khoán, họ phải đi đường vòng, qua những công ty “bán tên” trung gian. Đi đường vòng, nhưng thực ra, nói theo ngôn ngữ cộng sản, là… đi tắt đón đầu.

Trong những tay cố sống cố chết đó, dĩ nhiên có “đại gia” Việt Nam, Phạm Nhật Vượng.

Rõ là ông Vượng muốn “huy động vốn” cho lẹ bằng tiền của người Mỹ, ông muốn đánh bạc với các tài phiệt trên sới bạc thị trường chứng khoán.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, là với sự “huy động vốn” đó, biết đâu ông tập trung phát triển nhà máy của ông tại Hải Phòng, mà cho đến nay chẳng thấy hoạt động gì cả. Biết đâu ông tập trung nghiên cứu sản xuất pin cho xe điện tại quê hương Hà Tĩnh của ông, tạo ra hàng ngàn công việc làm. Biết đâu với nhiều tiền Mỹ như thế, ông hạ giá các căn hộ “cao cấp” của ông để cho người nghèo thành thị Việt Nam, công nhân gốc nông dân từ quê mới lên, vào ở!

Bao nhiêu cái biết đâu ấy chưa thấy đâu, mà lại thấy các ông tổng thống Mỹ, thống đốc North Carolina hoan nghênh ông Vượng tạo việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn người Mỹ, qua dự án nhà máy xe điện của ông ở North Carolina.

Số của cải đồ sộ của ông Vượng, đều đưa ông lên thành một trong vài tỷ phú đô la người Việt, là tiền bạc ông thu từ việc mua rẻ bán đắt đất đai là chủ yếu. Nói chung, là tiền mồ hôi nước mắt của nông dân, công nhân Việt Nam trong mấy chục năm công nghiệp hóa chưa đâu vào đâu của Việt Nam. Thế nhưng có lẽ là ông đang muốn chơi bạc với người Mỹ, thay vì đầu tư trực tiếp tạo việc làm cho dân Việt Nam.

Đọc đến đây, có lẽ bạn đọc nghĩ rằng tôi chống chủ nghĩa tư bản quá. Tôi đang ở giữa trái tim của một đế quốc lớn nhất thời đại, thì làm sao tôi dám chống nó! Nhìn qua nhìn lại, thấy có gì hơn chủ nghĩa tư bản đâu. Mà thậm chí, như tôi nói bên trên, nó còn có mặt lành mạnh nữa mà.

Điều trớ trêu là nước Việt Nam cộng sản, hay ít nhất từng là cộng sản tiền đồn chống tư bản thế giới toàn cầu, nay lại thích đánh bạc với bọn tài phiệt hơn, với một loại “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó có tư bản Vượng Vin(com) thích đánh bạc hơn là làm.

Nhưng từ từ đã nào, biết đâu tiền lời từ Nasdaq sẽ được ông Vượng mang về để ở Vietcombank, thay vì các thiên đường trốn thuế nào đó ở Panama!

Lại biết đâu!

Related posts