Thu Hà
19-8-2023
Uỷ viên Trung ương sở hữu ngàn tỷ đồng?
Ngày 17-8-2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Theo đó, “Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung ương nhận thấy, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định”.
Lê Đức Thọ sinh năm 1970, quê Phú Thọ, có học vị Tiến sĩ quản lý kinh tế. Ông trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thọ có thời gian dài công tác trong ngành ngân hàng. Từ tháng 4/2014 đến tháng 10/2018, Lê Đức Thọ là thành viên HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc VietinBank; từ ngày 31/10/2018, Thọ là Chủ tịch HĐQT VietinBank.
Sau đại hội 13, đến tháng 7/2021, Lê Đức Thọ được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhiệm kỳ 2020-2025. Để vào được Uỷ viên Trung ương, hầu hết nhân sự đều có bảng lý lịch “đỏ rực”. Thọ cũng không ngoại lệ.
Bố Lê Đức Thọ là ông Lê Học Thức, sinh năm 1943, từng là Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ Vĩnh Phú (gồm Vĩnh Phúc và Phú Thọ), huy hiệu 55 năm tuổi đảng. Mẹ là bà Ngô Thị Dự, sinh năm 1942 (đã mất) từng giữ chức Phó Chánh án Toà án tỉnh Vĩnh Phú, huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Anh trai là Lê Trung Dũng, đương chức Thượng tá, Chánh án Toà án quân sự Quân khu 2.
Vợ Lê Đức Thọ là Trần Thị Minh Vỹ, hiện giữ chức Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vỹ là con gái cụ Trần Văn Nho (1938- 2022) cựu Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tang lễ cụ Nho hồi tháng 7/2022 được tổ chức trang trọng, có cả vòng hoa của TBT Nguyễn Phú Trọng và CTN Nguyễn Xuân Phúc gửi viếng.
Dựa vào thế lực của bố vợ, Lê Đức Thọ nhanh chóng tiến thân thần tốc trong ngành ngân hàng, lẫn guồng máy chính trị của đảng cộng sản. Tiền của Lê Đức Thọ, cùng với sự nâng đỡ của người đồng hương Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, nên Lê Đức Thọ giành được vé chính thức Uỷ viên Trung ương đảng khoá 13 khi vừa bước qua tuổi 40. Tương lai đang rộng mở, hoạn lộ thênh thang phía trước với Uỷ viên Trung ương trẻ tuổi như Lê Đức Thọ.
Trước khi bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bêu tên, đã có thông tin từ nội bộ rò rỉ cho biết, bí thư tỉnh uỷ Bến Tre có khối tài sản khổng lồ “tích cóp” sau nhiều năm nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống ngân hàng. Ước tính số tiền được gởi trong các nhà bank, đứng tên vợ chồng Lê Đức Thọ và các con lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Chưa hết, vợ chồng ông Lê Đức Thọ còn sở hữu nhiều biệt thự sang trọng ở các tỉnh thành, cùng nhiều bất động sản giá trị và cổ phần trong hệ thống ngân hàng thương mại. Thông tin bí mật về khối tài sản của Lê Đức Thọ được nội bộ ngân hàng tuồn ra ngoài, phục vụ cho phe nhóm tấn công, thanh trừng lẫn nhau để tranh giành quyền lực trước đại hội 14 của đảng.
Các cán bộ lắm tiền, xuất thân từ ngành ngân hàng nhảy sang chính trường phải kể đến Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng, Nguyễn Văn Thắng và nay là Lê Đức Thọ. Lần này, Thọ bị “đánh” phủ đầu ngay giai đoạn giới thiệu nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá 14 là điều rất lạ. Lạ ở chỗ, các phe ra tay khá sớm so với các kỳ đại hội trước đây.
Thật ra, trong thể chế độc tài đảng trị, không ai có thể đưa ra con số thống kê cụ thể được, vì “của chìm của nổi” đều được các Uỷ viên Trung ương che giấu rất kỹ. Tuy vậy, việc các Uỷ viên Trung ương có khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng trên đất nước này là chuyện rất đỗi bình thường.
Những chính trị gia được đồn đoán có tài sản lên đến hàng tỷ Mỹ kim đó là: Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa, Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Bá Thanh… Cứ nhìn Trần Đình Thành, cựu bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cầm của Nguyễn Thị Thanh Nhàn số tiền 14,5 tỷ, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cầm của Phan Quốc Việt 2,25 triệu Mỹ kim chỉ trong một phi vụ, thì cả nhiệm kỳ Uỷ viên Trung ương, họ sẽ vơ vét được bao nhiêu tiền hội lộ. Chưa kể đến tiền họ bán “ghế”, bán đất đai công sản, nhận phần trăm “hoa hồng” lót tay từ hàng trăm ngàn tỷ đầu tư dự án công.
Nếu như Lê Đức Thọ “núp” đâu đó với vai trò bí thư ở một tỉnh miền núi phía Bắc, hoặc làm cấp phó trong một ban đảng, thì chắc chắn sẽ an toàn. Dư luận cho rằng, Lê Đức Thọ lộ ý định tranh ghế Thống đốc Ngân hàng nhà nước của Nguyễn Thị Hồng, là nguyên nhân chính khiến ông ta bị các đồng chí của mình “làm thịt”. Sắp đến, Lê Đức Thọ có thể sẽ nhận mức kỷ luật “cảnh cáo”. Đồng nghĩa với việc Thọ hết cơ hội tái cử Uỷ viên Trung ương và chính thức giã từ sân chơi chính trị tại đại hội 14.
Ngày 7-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW về “xây dựng quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031” do TBT Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Theo đó, phần quy hoạch BCH Trung ương đang ở quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự. Các tỉnh, thành ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trung ương phải hoàn tất nhiệm vụ này trước ngày 15-8- 2023 để Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo đi vào quy trình tiếp theo là phê duyệt ở trung ương.
Chính trường hay chiến trường?
Cuộc đua tranh giành quyền lực chính trị đã chính thức bắt đầu. Từ nay đến hội nghị Trung ương 8 vào đầu tháng 10/2023, thời điểm chốt danh sách nhân sự ứng viên BCH Trung ương khoá 14 sẽ còn những cuộc thanh trừng đẫm máu. Các phe nhóm sẽ tận dụng tối đa chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng để loại bỏ, tiêu diệt các đối thủ chính trị. Tiền và tham vọng quyền lực luôn là tầm ngắm và đích đến của các chính trị gia cộng sản.
Đằng sau lớp áo “đạo đức cách mạng vô sản” là những bộ mặt nhầy nhụa, “ăn của dân không chừa bất cứ thứ gì”. Chính trường Việt Nam đã, đang và sẽ hứa hẹn những kịch bản gay cấn, khốc liệt.