Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc giăng lưới lên các nền kinh tế và hệ sinh thái Thái Bình Dương

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc giăng lưới lên các nền kinh tế và hệ sinh thái Thái Bình Dương
Các quan chức nói với ủy ban Quốc hội trong loạt phiên điều trần và cuộc họp trên các đảo từ ngày 23 đến ngày 28/08 rằng hoạt động đánh bắt trái phép của các đội tàu đánh cá xa bờ lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả tàu kéo lưới rê này hoạt động bất hợp pháp trong các hải phận của Argentina vào tháng 05/2020, đang cướp bóc nguồn cá toàn cầu, đồng thời phá hủy ngành đánh cá trong nước và ngành câu cá giải trí trên khắp Thái Bình Dương. (Ảnh: Tài liệu phát tay/Văn phòng Báo chí Hải quân Argentina/AFP)

Quét qua biển với từng đoàn 400 chiếc, các tàu đánh cá Trung Quốc — theo thời vụ trong năm và ngư trường — gồm có tàu kéo lưới rê, tàu lưới vây, lưới kéo, giàn câu, tàu câu mực, tàu câu cá ngừ, tàu chở hàng thân gỗ, và thuyền buồm.

Đội tàu này nằm dưới sự dẫn dắt của các tàu chở dầu, sà lan chở hàng, tàu “nghiên cứu,” và tàu bệnh viện, được các chiến hạm hải quân và tuần duyên hạm Trung Quốc che chở, đồng thời được các tàu mẹ rất lớn với kho chứa đông lạnh 500,000 feet khối (khoảng 14,160 mét khối) yểm trợ.

Các tàu mẹ luân phiên chở hải sản được thu hoạch về Trung Quốc và quay lại mang theo đồ ăn thức uống theo một chu kỳ liên tục để đội tàu có thể tiếp tục đánh bắt cho đến khi không còn cá, và đội tàu cứ phải tiếp tục đánh bắt như vậy cho đến khi không còn cá ở các khu vực mới trên toàn cầu, từ Senegal (ở châu Phi) tới Nam Thái Bình Dương.

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc đang trở thành những hình ảnh thường thấy và nán lại lâu ở các vùng biển quốc tế nằm ngay ngoài vùng đặc quyền kinh tế quốc gia (EEZ) 200 hải lý ngoài khơi bờ biển châu Phi và Nam Mỹ cũng như trên khắp vùng trung tâm và tây Thái Bình Dương rộng lớn, bao gồm cả ngoài khơi — và được cho là nằm trong — các hải phận có chủ quyền của Guam, Samoa thuộc Mỹ, và Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Marianas (CNMI), vốn là các lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Trong các cuộc họp và các phiên điều trần thực địa được tổ chức tại Guam, Saipan, Samoa thuộc Mỹ, Palau, và Micronesia từ ngày 23/08 đến ngày 28/08, các lãnh đạo của các đảo đã bày trình trước ủy ban Quốc hội rằng hành động cướp bóc của các tàu đánh cá Trung Quốc đã tàn phá các ngành thương mại trên các đảo và gây thiệt hại cho các hoạt động kinh doanh câu cá thể thao trên khắp Thái Bình Dương.

“Khi tước đi sinh kế của cộng đồng, thì quý vị đã lấy đi nguồn lực thiết yếu để họ sinh sống. Mối đe dọa đó là có thật,” Phó Chủ tịch Hạ viện Guam Tina Barnes (Dân Chủ-Hagatna) nói với Lực lượng Đặc nhiệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện trong phiên điều trần “Hòa bình Thông qua Sức mạnh: Tầm quan trọng Chiến lược của các Đảo Thái Bình Dương đối với An ninh Toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn đầu” hôm 24/08 tại Tamuning, Guam.

Các nhà lãnh đạo từ Cộng hòa Quần đảo Marshall (RMI), Cộng hòa Palau, và Liên bang Micronesia (FSM) đã cùng với các quan chức chính phủ của lãnh thổ này nêu lên việc đánh bắt trái phép của các đội tàu Trung Quốc trong mô hình “chiến tranh chính trị” gồm có cưỡng ép và phát hoại về kinh tế, quấy rối, cùng các mối đe dọa công khai do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra. Mục đích của mô hình này là gây bất hòa giữa các chính quyền địa phương, doanh nghiệp, và các nhóm dân sự trên khắp Thái Bình Dương trong một nỗ lực bền bỉ nhằm gây chia rẽ họ với Hoa Kỳ.

Ông Kaleb Udui, Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Palau, đã làm chứng trong phiên điều trần tại hiện trường: “Palau đã cấm đánh bắt cá thương mại tại vùng biển của chúng tôi vì việc quản lý là quá bất khả thi,” đề cập đến doanh thu từ việc bán giấy phép đánh cá cho các tàu ngoại quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bên ngoài Khu bảo tồn Biển Quốc gia Palau quý giá về mọi mặt.

Khi đối đầu với các trực thăng và tàu của Lực lượng Tuần Duyên Nam Hàn ở Hoàng Hải vào tháng 11/2011, đoàn tàu đánh cá Trung Quốc này đã liên kết với nhau bằng dây thừng và lao ra biển khơi — đằng sau một lá chắn gồm các chiến hạm Trung Quốc. (Ảnh: Dong-a Ilbo/AFP/Getty Images)
Khi đối đầu với các trực thăng và tàu của Lực lượng Tuần Duyên Nam Hàn ở Hoàng Hải vào tháng 11/2011, đoàn tàu đánh cá Trung Quốc này đã liên kết với nhau bằng dây thừng và lao ra biển khơi — đằng sau một lá chắn gồm các chiến hạm Trung Quốc. (Ảnh: Dong-a Ilbo/AFP/Getty Images)

Các lãnh đạo đảo nói với ủy ban gồm chín thành viên của Ủy ban Chuyên trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng các đội tàu đánh cá của Trung Quốc, dù theo chính sách chính thức hay do sự không quan tâm của ĐCSTQ, đều là công cụ trợ lực gấp bội cho tội phạm có tổ chức, đặc biệt là trong các hoạt động buôn lậu và buôn người, đồng thời tạo vỏ bọc cho Trung Quốc tiến hành các hoạt động giám sát, ngầm phá hoại, và các vụ xâm nhập mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng và các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ.

Dân biểu Doug Lamborn (Cộng Hòa-Colorado) cho biết những điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

“Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể cho thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm để đàn áp người khác khi người ta không làm theo ý muốn của đảng này. Việc đàn áp nhân quyền và các quyền chính trị ở Hồng Kông, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây Trung Quốc, đánh cắp tài sản trí tuệ quốc tế, và chính sách ngoại giao nợ.”

“Và sau đó là hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp,” ông nói thêm, gọi việc cướp bóc nguồn cá một cách có phương pháp là một thách thức an ninh lương thực do ĐCSTQ đặt ra đối với các quốc gia phụ thuộc vào nuôi trồng thủy sản và là sự phủ nhận trực tiếp chủ quyền của những quốc gia này — và của Hoa Kỳ. Ông e rằng sớm muộn gì, các tàu thuyền Trung Quốc sẽ rầm rập lao vào “các ngư trường chiến đấu,” do đó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến vũ trang.

Tổng thống Cộng hòa Palau Surangel Whipps, (trái) và Chỉ huy trưởng Khu vực 14 của Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, Chuẩn đô đốc Michael Day, ký một thỏa thuận thực thi pháp luật song phương mở rộng hôm 23/08/2023, trong một hội nghị những Người đứng đầu Chung về An ninh Thái Bình Dương ở Palau. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Đại sứ quán Hoa Kỳ)
Tổng thống Cộng hòa Palau Surangel Whipps, (trái) và Chỉ huy trưởng Khu vực 14 của Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, Chuẩn đô đốc Michael Day, ký một thỏa thuận thực thi pháp luật song phương mở rộng hôm 23/08/2023, trong một hội nghị những Người đứng đầu Chung về An ninh Thái Bình Dương ở Palau. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Đại sứ quán Hoa Kỳ)

Hoa Kỳ tăng gấp ba lần công việc giám sát hàng hải

Các phiên điều trần của ủy ban chuyên trách này được tiến hành theo Thỏa thuận Hiệp hội Tự do (COFA) được đề nghị với ba nước FSM, RMI, và Palau đang chờ Quốc hội phê chuẩn vào tháng Chín.

Những hiệp ước này, được gia hạn 20 năm một lần, nằm trong “Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương” của chính phủ Tổng thống Biden, nhằm kêu gọi “gia hạn sự tham gia của Hoa Kỳ trên toàn bộ khu vực Quần đảo Thái Bình Dương” nhằm đối đầu với những nỗ lực “làm xói mòn nền dân chủ” của Trung Quốc.

Hồi tháng Sáu, chính phủ đã đệ trình các thỏa thuận được đề nghị lên Quốc hội sau khi các cuộc thảo luận dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump bị đình trệ vì ba quốc gia nói trên không muốn liên kết. Những thỏa thuận này dự kiến sẽ được ban hành khi năm tài khóa liên bang bắt đầu vào ngày 01/10.

Các thỏa thuận được đề nghị của chính phủ Tổng thống Biden dành riêng 7.1 tỷ USD trợ giúp kinh tế trong khoảng thời gian hai thập niên cho ba quốc đảo, với 3.3 tỷ USD được phân bổ cho FSM (tăng 1.2 tỷ USD so với COFA năm 2003), và 2.3 tỷ USD cho RMI (tăng 1.3 tỷ USD so với COFA năm 2003).

Đổi lại, các hiệp ước sẽ biến những quốc đảo này thành đồng minh chiến lược. Các thỏa thuận này không cho các đối thủ do Ngũ Giác Đài chỉ định có quyền tiếp cận khu vực và cho phép Bộ Quốc phòng (DoD) duy trì các cơ sở lắp đặt và các phạm vi hoạt động then chốt trong biên giới của họ.

Một phần quan trọng trong những hiệp ước được gia hạn này là cam kết của Hoa Kỳ nhằm trợ giúp kiểm soát các vùng biển đặc quyền kinh tế với việc tăng cường sự hiện diện của Lực lượng Bảo vệ Tuần Duyên Hoa Kỳ, bao gồm các hoạt động chung và các chương trình “ship rider” trong đó các quan chức thực thi hàng hải từ các khu vực pháp lý nước sở tại có thể chỉ thị tuần tra đến những nghi ngờ có hành vi vi phạm.

Những hiệp ước này tăng gấp ba lần số kinh phí cam kết hàng năm của Hoa Kỳ về thực thi quy định hàng hải lên 60 triệu USD mỗi năm trong 10 năm tới trong bản ghi nhớ an ninh hồi tháng 06/2022 do Tổng thống Joe Biden ban hành nhằm “chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” ở ba quốc đảo Thái Bình Dương và các vùng lãnh hải Hoa Kỳ.

Nỗ lực trị giá 60 triệu USD hàng năm đó cũng tăng số lượng đặc vụ FBI, các nhân viên Ngư nghiệp Biển của Cơ quan Khí quyển và Hải dương Quốc gia (NOAA), kiểm toán viên pháp lý, điều tra viên về thuế, và, tất nhiên, các luật sư — luật sư về biển, theo nghĩa trên mặt chữ — để giúp đỡ các quốc gia Thái Bình Dương bào chữa cho các ngư trường của họ trên các vùng biển, tại tòa án, và trên diễn đàn “chiến tranh chính trị” của dư luận.

Chính phủ xác nhận rằng việc đánh bắt quá mức theo quy mô công nghiệp khuyến khích tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức, buôn người, và buôn lậu ma túy, đồng thời “làm suy yếu khả năng cạnh tranh kinh tế, an ninh quốc gia, tính bền vững của các ngư trường cũng như sinh kế và nhân quyền của ngư dân trên toàn thế giới.”

Trong bài diễn văn trực tuyến tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương thường niên lần thứ 51 tại Suva, Fiji, hồi tháng 06/2022, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ các quốc đảo trong nỗ lực “đầu tư vào quy hoạch và bảo tồn biển; và chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định; và tăng cường an ninh hàng hải,” lưu ý việc thực thi các hiệp định hàng hải như Hiệp ước Cá ngừ Nam Thái Bình Dương là “một nền tảng cho sự hợp tác chính trị và kinh tế” trong khu vực.

Một trong các sáng kiến do Hoa Kỳ đưa ra là việc thành lập Liên minh Hành động Đánh bắt cá IUU (Bất hợp pháp, Không báo cáo, Không được kiểm soát) với Vương quốc Anh và Canada để phối hợp “hành động khẩn cấp nhằm cải thiện việc theo dõi, kiểm soát, và giám sát các ngư trường, tăng tính minh bạch của các đội tàu đánh cá và của thị trường hải sản, đồng thời xây dựng các mối quan hệ đối tác mới để buộc những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm.”

Hoa Kỳ cũng đã thành lập Nhóm Hành động Liên cơ quan về đánh bắt cá IUU, bao gồm 21 cơ quan liên bang, để xây dựng kế hoạch năm năm nhằm bảo vệ các ngư trường với các đối tác tham gia từ Ecuador, Panama, Senegal, Đài Loan, Việt Nam, và trên khắp Thái Bình Dương. Các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc vốn phớt lờ hầu hết các thỏa thuận ngư nghiệp quốc tế đã bao vây từng đợt những quốc gia này, qua đó cho thấy họ không mấy quan tâm gì đến sự bền vững của các ngư trường ngoài sản lượng đánh bắt hàng ngày của mình.

Một tàu tuần duyên của Hải Cảnh Trung Quốc ở Biển Hoa Đông ẩn nấp một cách đầy đe dọa sau đội tàu gồm 230 tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát hồi tháng 08/2016. (Ảnh: Trụ sở Hải Cảnh Khu vực thứ 11 thông qua AP)
Một tàu tuần duyên của Hải Cảnh Trung Quốc ở Biển Hoa Đông ẩn nấp một cách đầy đe dọa sau đội tàu gồm 230 tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát hồi tháng 08/2016. (Ảnh: Trụ sở Hải Cảnh Khu vực thứ 11 thông qua AP)

Độ tàu vô hình ‘hoạt động trong bóng tối’

Với nguồn lợi cạn kiệt nghiêm trọng ở các vùng biển ven bờ của mình, trong thập niên qua, ĐCSTQ đang điều động ngành ngư nghiệp của mình đi khắp các đại dương trên thế giới, đặc biệt là ngoài khơi Tây Phi hoặc Châu Mỹ Latinh, nơi việc thực thi yếu kém hơn và chính quyền quốc gia cũng như địa phương thiếu nguồn lực hoặc khuynh hướng kiểm soát các vùng biển.

Đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc có các tàu kéo lưới rê khung chữ A thả lưới trên các vùng biển rộng 300 feet (91.4 mét) để đánh bắt được nhiều cá hơn trong một lần rà quét so với lượng cá mà ngư dân tự cung tự cấp đánh bắt được cả đời hoặc hơn lượng cá mà các tàu đánh cá ở các nước sở tại đánh bắt được trong một tháng.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, năm 2022, ước tính có khoảng 4.1 triệu tàu đánh cá thương mại trên thế giới; 2/3 các tàu này ghi danh ở các quốc gia Á Châu và 2.5 triệu tàu có khả năng đánh bắt xa bờ ở khoảng cách xa và trong thời gian dài.

Trong khi Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, và Nga nằm trong số các quốc gia trợ cấp cho ngành đánh bắt cá thương mại xa bờ trong nước thì kể từ đầu thế kỷ này, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, lấn át tất cả các nước khác.

Theo Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là nước xuất cảng hải sản nhiều nhất thế giới, tiêu thụ hơn 1/3 tổng số cá được đánh bắt mỗi năm, đồng thời thu hoạch một nửa sản lượng đánh bắt hàng năm của thế giới.

Sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu hàng năm của Trung Quốc được báo cáo đã tăng lên đáng kể trong hai thập niên qua kể từ khi ngành ngư nghiệp nội địa của Trung Quốc sụp đổ và trữ lượng cá ở Biển Hoa Đông cạn kiệt.

Trong thời gian đó, ĐCSTQ đã tích lũy một đội tàu theo quy mô công nghiệp, hiện đại, áp dụng công nghệ cao, với sự trợ giúp của công nghệ tự động hóa, vệ tinh không gian địa lý và khả năng khai thác thành thạo khoa học biển để hoạt động với các hậu quả vơ vét biển, tàn phá các ngư trường sau đó.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng các ước tính về quy mô ngành đánh bắt cá của Trung Quốc dao động từ 200,000 đến 800,000 tàu thương mại, song tổ chức này đưa ra ước tính riêng của mình là 564,000 tàu, khiến quốc gia này trở thành quốc gia sở hữu nhiều tàu cá nhất, vượt xa tất cả các nước khác.

Nhưng trong số đó, số tàu được ghi danh là có khả năng đánh bắt ở vùng nước sâu chưa đến 2,700, một con số mà nhiều người cho rằng ĐCSTQ đã báo cáo dưới mức thực tế.

Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại London cho rằng đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc có gần 17,000 tàu và các tổ chức giám sát khác thậm chí còn đưa ra các con số cao hơn.

Để so sánh, đội tàu đánh cá xa bờ của Hoa Kỳ có chưa tới 300 tàu.

Đội tàu được ghi danh Hoa Kỳ đã giảm gần một nửa kể từ năm 2013 khi có hơn 1 triệu tàu cá Trung Quốc hoạt động trên khắp thế giới.

Nhưng đội tàu được ghi danh của Trung Quốc khác biệt so với đội tàu xuất hiện ngoài vùng đặc quyền kinh tế của ngoại quốc, mà các nhà phê bình và các tổ chức quan sát như Global Fishing Watch và Dự án Báo cáo Tham nhũng và Tội phạm có Tổ chức có trụ sở tại Amsterdam chuyên theo dõi các bộ tiếp sóng của tàu cá, mô tả là “một đội tàu vô hình.”

Theo các nhà sinh vật học thủy sản và các cơ quan quốc gia khắp bốn đại dương, các đội tàu đánh cá Trung Quốc nổi tiếng với việc sử dụng thiết bị dẫn đường hàng hải bằng vệ tinh để đi sát nhưng hiếm khi đi vào hoặc hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế. Ít nhất, đó là khi những con tàu này — có lắp bộ tiếp sóng — vẫn bật bộ tiếp sóng đó.

Global Fishing Watch là một trong số các tổ chức cáo buộc nhiều tàu cá Trung Quốc hoạt động “trong bóng tối” trên phạm vi rộng lớn, khiến những con tàu trở này nên vô hình trên radar.

Do đó, các quan chức hàng hải và các nhà sinh vật học cho biết, một phần đáng kể sản lượng đánh cá của Trung Quốc có thể không được báo cáo, và phần lớn sản lượng khai thác bất hợp pháp này có thể đến từ lãnh hải của các quốc gia khác.

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc đặt ra những vấn đề như: xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, càn quét biển với việc giăng lưới bắt các loài có nguy cơ tuyệt chủng, và đánh bắt quá mức tại các ngư trường vốn đã căng thẳng.

Các đội tàu đánh cá thương mại của Trung Quốc đóng vai trò là lực lượng bán quân sự không chính thức, với các hoạt động mà ĐCSTQ có thể xem là các hành động tư nhân nhằm che đậy cho các tàu nghiên cứu đi cùng để thăm dò khoáng sản, dầu mỏ, và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như các hoạt động tình báo quân sự.

Ông Greg Poling viết trong bài báo của mục Chính sách Ngoại giao, rằng những đội tàu cá này là một lực lượng “dân quân dân sự” hoạt động như “một lực lượng không quân phục, không chuyên nghiệp, không được đào tạo thích hợp, và nằm ngoài khuôn khổ luật hàng hải quốc tế, các quy tắc can dự quân sự hoặc các cơ chế đa phương vốn dĩ được đặt ra để ngăn chặn các trường hợp không an toàn trên biển.”

Thủy thủ trong Lực lượng Tuần Duyên Philippines tham gia cuộc tập trận ba bên với Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông ngoài khơi tỉnh Bataan của Luzon hôm 06/06/2023. (Ảnh: Jes Aznar/Getty Images)
Thủy thủ trong Lực lượng Tuần Duyên Philippines tham gia cuộc tập trận ba bên với Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông ngoài khơi tỉnh Bataan của Luzon hôm 06/06/2023. (Ảnh: Jes Aznar/Getty Images)

Được mong đợi nhiều nhất: Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ

Tất cả những điều này khiến Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ trở thành lực lượng rất được mong đợi trên khắp Thái Bình Dương và là một bên then chốt trong các thỏa thuận của các quốc đảo.

Khu vực 14 rộng lớn của Lực lượng Tuần Duyên trải rộng hơn 14 triệu dặm vuông với các trạm ở Oahu, Maui, Kauai, và Hawaii ở Hawaii, và bốn tàu tuần duyên — sắp trở thành năm tàu — đóng tại Santa Rita trên đảo Guam để tuần tra hơn 2 triệu dặm ở phía tây Thái Bình Dương.

Bà Barnes, phó chủ tịch Hạ viện Guam cho biết, các tàu của Lực lượng Tuần Duyên đã tiến hành các cuộc tuần tra dài 8,000 dặm suốt sáu tuần từ Biển Đông đến trung tâm Thái Bình Dương, và sự hiện diện của họ là điều được bảo đảm.

“Guam là trung tâm của Thái Bình Dương và là một cách để chứng minh điều này là quyền tài phán của Lực lượng Tuần Duyên Guam,” bà nói. “Những nhân viên của Lực lượng Tuần Duyên tự hào là một ‘lực lượng vì những điều tốt đẹp’ và các kết quả đã nói lên điều đó.

“Tác động của Lực lượng Tuần Duyên đối với khu vực là điều mà toàn bộ ‘Lục địa Xanh’ ghi nhớ,” bà tiếp tục, “cho dù đó là việc ngăn chặn tàu thuyền của kẻ thù của chúng ta xâm nhập trái phép vào Guam và các nước lân bang của chúng ta hay vô số hoạt động tìm kiếm và cứu nạn quan trọng thành công, tôi kêu gọi mỗi người trong số quý vị có mặt ở đây hôm nay hãy cân nhắc đẩy mạnh hơn nữa khả năng của mình tại Guam.”

Hôm 24/08, Thống đốc CNMI Arnold I. Palacios đã làm chứng trước ủy ban chuyên trách nói trên rằng hoạt động đánh bắt trái phép một cách ồ ạt nằm trong “cuộc xâm lược trên nhiều mặt trận” của ĐCSTQ.

“Chúng tôi thấy điều đó trong các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Chúng ta thấy điều đó trong việc chiếm đất và mở rộng các ngư trường. Chúng tôi nhìn thấy điều đó ở các tàu nghiên cứu trái phép và các thợ lặn đang rình rập xung quanh các tuyến cáp quang dưới biển của chúng tôi. Chúng tôi thấy điều đó ở tội phạm có tổ chức, tham nhũng của công, và các hành vi can thiệp chính trị,” ông nói và cho biết thêm các đội tàu đánh cá hoạt động theo “một lợi thế chiến lược.”

Bộ trưởng Ngoại giao FSM Lâm thời Ricky Cantero cho biết đảo quốc của ông “đánh giá cao sự trợ giúp mà họ nhận được từ Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ” trong việc bảo vệ vùng biển nước này khỏi hoạt động đánh bắt trái phép và đặc biệt là chương trình ship-rider được gia hạn.

Ông nói: “Sự giúp đỡ mà chúng tôi nhận được từ phía quý vị, đặc biệt là từ Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, là rất, rất cần thiết,” đồng thời lưu ý rằng các quan chức FSM “vừa tổ chức một cuộc họp ủy ban chung thường niên với quân đội của quý vị.”

“Chúng tôi thực hiện việc này hàng năm. Và chúng tôi xem xét tình thế chiến lược trong khu vực này. Và một trong những vấn đề mà chúng tôi luôn thảo luận là làm cách nào để chống lại việc đánh bắt trái phép. Và đó là một trong những lý do chính khiến chúng tôi đồng ý mở rộng thỏa thuận ship-rider.”

Thống đốc Guam Lourdes “Lou” Leon Guerrero đã làm chứng trong cùng phiên điều trần rằng “để chống lại những tác động của biến đổi khí hậu và đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát, không báo cáo, chúng ta cần công nghệ, chúng ta cần chuyên môn tài chính, chúng ta cần các nhân viên được đào tạo, và doanh nghiệp mới nếu chúng ta dự định bảo đảm việc giám sát tài nguyên đại dương.”

Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) cho biết cảm giác lo lắng không chỉ về đánh bắt quá mức. “Những hành động này cho thấy Trung Quốc không chỉ thiếu tôn trọng chủ quyền của các đảo này mà còn là mối đe dọa an ninh quốc gia và quốc tế đáng kể.”

Thanh Nguyên biên dịch

Related posts