Nguồn: Tsubasa Suruga, “Majority of ASEAN people favor China over U.S., survey finds,” Nikkei Asia, 02/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lần đầu tiên, Bắc Kinh trở thành lựa chọn ưa thích của Đông Nam Á so với Washington.
Hôm thứ Ba, một cuộc khảo sát khu vực của một viện chính sách có trụ sở tại Singapore tiết lộ: hơn một nửa dân số Đông Nam Á hiện muốn liên kết với Trung Quốc hơn là với Mỹ nếu ASEAN buộc phải lựa chọn giữa hai siêu cường đối thủ, phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo khảo sát Tình trạng các Quốc gia Đông Nam Á năm 2024 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), 50.55% số người được hỏi đã chọn Trung Quốc và 49,5% còn lại chọn Mỹ nếu ASEAN buộc phải chọn phe. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh vượt qua Washington kể từ khi cuộc khảo sát thường niên này được thực hiện vào năm 2020.
Trong khi đó, kết quả khảo sát năm ngoái là 38,9% chọn Trung Quốc và 61,1% chọn Mỹ.
Cuộc khảo sát hàng đầu của Viện ISEAS – Yusof Ishak thăm dò ý kiến của những cá nhân thuộc khu vực công và tư nhân, cũng như các học giả và nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á. Do đó, nó thể hiện thái độ hiện tại của những người có thể cung cấp thông tin hoặc gây ảnh hưởng đến chính sách về các vấn đề khu vực.
“Dường như đây là sự khởi đầu của một xu hướng mới, vì… đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự [vượt qua Mỹ],” Danny Quah, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết hôm thứ Ba trong một hội thảo trực tuyến về báo cáo thường niên mới nhất. “Nhưng nếu chúng ta xem xét dữ liệu cơ bản, nó lại giống một mô hình bập bênh hơn là một xu hướng.”
Trong số 10 quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, khả năng liên kết với Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở những người trả lời khảo sát đến từ Malaysia, với tỷ lệ 75,1%, tiếp theo là Indonesia và Lào, với tỷ lệ lần lượt là 73,2% và 70,6%. Cả ba nước này đều được hưởng lợi đáng kể từ sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, cũng như quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia trong hơn 10 năm qua và đã đầu tư hàng tỷ USD vào các lĩnh vực quan trọng. Năm ngoái, chính phủ Malaysia cho biết nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc Geely, vốn đang nắm giữ 49,9% cổ phần của đối tác địa phương Proton, sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào trung tâm sản xuất xe hơi của Malaysia ở bang Perak, phía tây đất nước.
Bên cạnh đó, nhằm phản ánh quan hệ kinh tế mạnh mẽ của Indonesia, tân Tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto hôm thứ Hai đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trong khu vực do Trung Quốc hợp tác xây dựng.
Trong khi đó, các công ty nhà nước Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện lực ở Lào, quốc gia mà Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư hàng đầu.
Ngược lại, Mỹ đã chứng kiến mức độ ủng hộ của mình bị suy giảm.
Washington nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Philippines và Việt Nam, với tỷ lệ 83,3% và 79%, phần nào phản ánh căng thẳng giữa Philippines và Việt Nam với Trung Quốc do các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác, liên quan đến chính sách Đông Nam Á của Washington, tiết lộ rằng 38,2% số người được hỏi cảm thấy mức độ can dự của Mỹ ở Đông Nam Á đã giảm dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong khi chỉ 25,2% cho rằng sự can dự đã tăng lên.
Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức, một viện chính sách có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra rằng sự sụt giảm niềm tin và nhận thức về việc Mỹ giảm can dự là đáng chú ý, đồng thời nói thêm rằng thành tích của nước này là “thật đáng thất vọng.”
Glaser nhận xét “Ở Đông Nam Á hiện nay có mức kỳ vọng cao và mong muốn Mỹ can dự, đặc biệt là thông qua các hình thức hợp tác khác với những gì Mỹ đang cung cấp.” Để lấy ví dụ, bà chỉ ra rằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Biden thiếu khái niệm về tiếp cận thị trường Mỹ, bao gồm việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy người dân Đông Nam Á vẫn không muốn chọn phe. Khi được hỏi ASEAN nên ứng phó như thế nào trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ 8% số người được hỏi nói rằng ASEAN phải lựa chọn giữa hai siêu cường vì giữ thái độ trung lập là không thực tế, trong khi 46,8% cho rằng nên ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết để chống lại áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc.
Các phát hiện khác của khảo sát bao gồm việc 59,5% số người được hỏi xem Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, vượt xa Mỹ với tỷ lệ 14,3%. Trong khi đó, 43,9% cho rằng Trung Quốc là cường quốc chính trị có ảnh hưởng nhất trong khu vực, so với con số 25,8% của Mỹ.
Quah từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “[Báo cáo] là một tuyên bố về sự thật, rằng mọi người nghĩ rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất. Nhưng đồng thời… mức độ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc thực sự là rất cao.”
Ông nói thêm, “Việc Trung Quốc được thừa nhận là có ảnh hưởng nhất không có nghĩa là họ được chấp nhận, và kết luận tương tự cũng đúng với Mỹ.”
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 3/1 đến ngày 23/2, thu thập câu trả lời từ 1.994 người. Trong số những người được hỏi, 33,7% đến từ khu vực tư nhân; 24,5% từ chính phủ; 23,6% từ các học viện, viện chính sách và viện nghiên cứu; 12,7% từ các tổ chức phi chính phủ và truyền thông; và 5,6% còn lại là từ các tổ chức khu vực hoặc quốc tế.