Grace Hsing, Olivia Li
Cựu Ủy viên Chống khủng bố, từng được ngợi ca là “anh hùng” vì phá một vụ án nổi tiếng ở sông Mê Kông đồng thời là Cục trưởng Cục Chống Ma túy thuộc Bộ Công an Trung Quốc, hiện đang bị cơ quan kỷ luật hàng đầu của quốc gia này điều tra về tội tham nhũng.
Việc bắt giữ ông Lưu Dược Tiến được xem là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn đang thanh trừng các thuộc hạ cũ của ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu). Vậy ông Lưu là người như thế nào? Mối quan hệ của ông ấy với ông Mạnh là gì? Và điều gì đã khiến ông ấy từ một anh hùng quốc gia trở thành kẻ đứng sau song sắt?
Những năm đầu
Ông Lưu sinh vào tháng 01/1959 tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Tên gọi “Dược Tiến” của ông thực ra có nghĩa là “nhảy vọt lên phía trước” trong tiếng Hoa vì ông sinh ra trong phong trào “Đại Nhảy Vọt” cuồng tín bắt đầu vào năm 1957 và kết thúc vào năm 1960. Ad
Ông tốt nghiệp trung học năm 14 tuổi và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 18 tuổi.
Năm 1979, ở tuổi 20, ông Lưu được nhận vào Học viện Chính trị và Pháp luật Tây Nam (nay là Đại học Chính trị và Pháp luật Tây Nam), trở thành lứa sinh viên đầu tiên theo học chuyên ngành điều tra tội phạm tại trường này. Trước khi vào đại học, ông là trưởng nhóm sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn Quế Lâm và sau đó được giới thiệu và tuyển dụng làm phóng viên và biên tập viên cho một đài phát thanh ở tỉnh Quảng Tây.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Lưu nhận được công việc đầu tiên trong ngành công an ở Thiên Tân, nơi ông dần dần thăng tiến từ người đứng đầu Ủy ban Đoàn Thanh niên của Cục Công an Thiên Tân lên phó Cục trưởng Cục Công an Thiên Tân và Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự.
Trong thời gian ở Thiên Tân, ông Lưu được cho là người đã phá giải vụ án mạng ở “Nhà hàng Bạch Cung,” một đại án hình sự nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, ông Tống Bình Thuận (Song Pingshun), lúc đó là Cục trưởng Cục Công an Thiên Tân và về sau bị thất sủng, lại là người đứng đầu hệ thống công an địa phương, trong khi ông Lưu là một người ngoài nên đã không nhận được sự thăng tiến xứng đáng sau khi có công đóng góp. Ad
Tuy nhiên, năm 2001, cuộc đời ông Lưu đã có bước tiến vượt bậc khi ông được thăng thẳng lên chức Tổng Cục trưởng Bộ Công an. Người ta cho rằng những lời đồn đại về năng lực của ông đã truyền đến tai các lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an thông qua nhiều kênh khác nhau.
Con đường sự nghiệp tại Bộ Công an
Sau đó, ông Lưu giữ chức Phó Viện trưởng kiêm Phó Bí thư Đảng ủy của Học viện Cảnh sát Vũ trang, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ma túy Bộ Công an, và Cục trưởng Cục Kiểm soát Ma túy Bộ Công an.
Năm 2006, trong thời gian giữ chức Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ma túy, ông Lưu đã phá 10 vụ án ma túy lớn, trong đó có hai vụ buôn lậu và buôn bán ma túy xuyên quốc gia được giải quyết trong sự hợp tác với Philippines.
Năm 2010, Bộ trưởng Bộ Công an đương thời Mạnh Kiến Trụ đã thăng chức cho ông Lưu lên làm Cục trưởng Cục Kiểm soát Ma túy. Ông đã giữ chức vụ này trong bốn năm.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã đạt được thành tích nổi bật trong sự nghiệp thông qua việc phá một vụ sát nhân lớn trên sông Mê Kông.
Ngày 05/10/2011, 13 thuyền viên của hai tàu chở hàng Trung Quốc đã bị sát hại dã man trên vùng sông Mê Kông thuộc địa phận của Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar). Một lượng lớn ma túy methamphetamine được tìm thấy trên những con tàu này, nhằm đổ tội buôn bán ma túy cho các thuyền viên, và các binh sĩ Thái Lan đã bắn họ. Thảm kịch này được gọi là “Vụ thảm sát sông Mê Kông ngày 05/10” và đã gây chấn động thế giới.
Ông Mạnh bổ nhiệm ông Lưu làm người đứng đầu nhóm đặc nhiệm phụ trách các hoạt động điều tra và bắt giữ ở Lào, Miến Điện, và Thái Lan.
Ông Lưu đã ở lại tỉnh biên giới Vân Nam trong nhiều tháng. Ông đã nhiều lần đến hiện trường vụ án và tiến hành phối hợp với Lào, Miến Điện, và Thái Lan. Bằng chứng dấu vân tay và DNA ban đầu đã bác bỏ tuyên bố của quân đội Thái Lan rằng 13 thuyền viên này là những kẻ buôn bán ma túy.
Sai Naw Kham, thủ lĩnh của một băng đảng buôn ma túy Miến Điện, được xác định là nghi phạm chính. Tên Kham rất thận trọng trong hành động của mình và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông ta là thủ lĩnh của một nhóm dân quân vũ trang gồm 30 người tại một thị trấn của Miến Điện, có quan hệ tốt với chính phủ. Vì cho rằng các sòng bạc lớn do người Hoa mở ở Lào đang lấy đi công việc kinh doanh của mình nên ông ta đã ra lệnh cho thuộc hạ của mình đi cướp các tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, ông ta chưa từng sát hại ai trong những lần phạm tội trước đó.
Phía Trung Quốc đã sử dụng người cung cấp thông tin ở Lào và các quốc gia khác để xác định nơi ẩn náu của ông Kham. Người này đã nhiều lần trốn thoát khỏi sự truy bắt trong các cuộc truy quét, nhưng những cộng sự thân cận của ông ta đều đã bị bắt.
Tháng 04/2012, ông Kham và hai đồng phạm bị công an đang mai phục sẵn bên phía Lào của sông Mê Kông bắt giữ khi vừa vào bờ. Ông Lưu đã sang Lào để đàm phán, và Lào đã đồng ý giao những tên tội phạm này cho Trung Quốc. Tháng Mười Một, ông Kham và ba người khác bị kết án tử hình và bị xử tử bằng cách tiêm thuốc độc tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, ngày 01/03/2013.
Tuy nhiên, chín binh sĩ Thái cấu kết với ông Kham để bắn các thuyền viên Trung Quốc đều không bị các nhà chức trách Trung Quốc truy tố hay theo đuổi. Trước đó, ông Lưu đã tuyên bố trong thời gian ở Đông Nam Á rằng chín binh sĩ Thái Lan này nên bị truy tố. Ad
Đối với ĐCSTQ, vụ bắt giữ quốc tế và dẫn độ người ngoại quốc về Trung Quốc xét xử này là một chiến thắng to lớn, giúp thúc đẩy lòng yêu nước của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc sản xuất bộ phim mang tên “Chiến dịch Mê Kông” và ông Lưu giữ vai trò cố vấn trưởng. Bộ phim đã trở thành một thành công phòng vé vào thời điểm công chiếu, trở thành một trong những “bộ phim tuyên truyền” thành công của ĐCSTQ nhằm tôn vinh lực lượng công an của đảng này.
Điều mà dư luận không biết là trong chiến dịch bắt ông Kham ở hải ngoại, bên cạnh công an Lào, công an Trung Quốc chủ yếu huy động lực lượng vũ trang địa phương của chính phủ Miến Điện, như lực lượng Quân đội Tiểu bang Shan do ông Yawd Serk chỉ huy, lực lượng Quân đội Tiểu bang Wa Thống nhất (UWSA) do ông Bảo Hữu Tường (Bao Youxiang) chỉ huy cùng các nhóm vũ trang thuộc phe phái khác cũng như các thế lực ngầm như sòng bạc muốn tiêu diệt nhóm của ông Kham.
ĐCSTQ miêu tả ông Kham là một trùm ma túy lớn nhưng thực chất ông này chỉ là một thủ lĩnh của một nhóm vũ trang nhỏ. Ông là thủ lĩnh lực lượng dân quân của một thị trấn ở Miến Điện, về cơ bản là lực lượng an ninh vũ trang địa phương, một điều thường thấy ở các vùng dân tộc ở Miến Điện.
Sau khi nhóm vũ trang của ông Kham bị tiêu diệt, thì ông Triệu Vĩ (Zhao Wei), đối thủ của ông Kham và mang quốc tịch Trung Quốc, đã trở thành người thắng lớn. Công việc kinh doanh sòng bạc Kings Romans của ông Triệu tiếp tục phát triển và ông ta được mệnh danh là “Bố già của Tam giác vàng.” Ông ta đã cung cấp thông tin về ông Kham cho tổ công tác của ông Lưu, trở thành đầu mối quan trọng để phá giải vụ án. Ad
Ông Triệu được ĐCSTQ ca ngợi như một Hoa kiều nổi tiếng, mời xuất hiện trong chương trình “China Talks” vào mùa xuân năm 2011 với tư cách là một nhân vật thành công đã góp phần vào sự phát triển của Tam Giác Vàng. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã xác định ông ta là tội phạm. Năm 2018, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cáo buộc ông Triệu liên quan đến buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền, hối lộ, và các hoạt động phi pháp khác, đồng thời đưa ông ta vào danh sách đen các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Ông Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Đông Nam Á thuộc Đại học Chiang Mai ở Thái Lan và là tác giả của cuốn sách “Cashing In Across the Golden Triangle” (Kiếm Tiền Tại Tam Giác Vàng), cho rằng đối với Trung Quốc, việc bắt giữ ông Kham là một thắng lợi đáng kể.
“Việc bắt giữ ông Naw Kham gửi đi một thông điệp rằng không một nhóm hay một quốc gia nào được phép gây rối với Trung Quốc trên sông Mê Kông. Giờ thì mọi người đều biết kẻ đứng đầu trên sông Mê Kông là Trung Quốc,” ông nói với New York Times.
Vi phạm nhân quyền ở Tân Cương
Tháng 12/2015, ông Lưu trở thành Ủy viên Chống khủng bố, một vị trí chưa từng có trước đây được thiết lập dành riêng cho ông.
Taliban và các tổ chức khủng bố khác đã học hỏi kinh nghiệm trước đây của ĐCSTQ về việc trồng thuốc phiện để kiếm tiền khi ở Diên An. Afghanistan trở thành quốc gia trồng thuốc phiện và sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Urumqi ở Tân Cương đã trở thành điểm trung chuyển cho ma túy Afghanistan, sau đó là thị trường Quảng Châu, Thượng Hải, Hồng Kông, Bắc Kinh, và các thành phố lớn khác.
Trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo chống khủng bố, các nỗ lực chống ma túy của ông Lưu cũng đã mở rộng sang Tân Cương, Pakistan, và Afghanistan.
ĐCSTQ rất lo lắng rằng tội phạm ma túy và những kẻ khủng bố ly khai có thể liên kết với nhau ở khu vực phía tây bắc Tân Cương. Do đó, ông Lưu đã được trao danh hiệu chính thức là Ủy viên Chống khủng bố để điều phối các hoạt động chống ma túy và chống khủng bố.
Kể từ năm 2015, ông Tập đã sử dụng danh nghĩa chống khủng bố để kiểm soát Tân Cương và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số khác trong khu vực. Cộng đồng quốc tế đã biết về nhiều thảm kịch nhân quyền đang diễn ra tại các trại tập trung Tân Cương.
Không ai trong số những người bang trợ ĐCSTQ có thể thoát khỏi số phận nghiệt ngã
Ông Cao Quang Tuấn (Gao Guangjun), một luật sư tại New York từng là cựu giảng viên tại Đại học Công an Trung Quốc, là bạn học cùng lớp đại học với ông Lưu.
Ông kể lại rằng trong những năm đại học, mọi người đều nghĩ ông Lưu là một sinh viên giỏi, siêng năng và là một chàng trai tốt bụng, thích giúp đỡ các bạn cùng lớp.
Tuy nhiên, ông Cao không đồng tình với cách làm của ông Lưu ở Tân Cương.
Theo ông Cao, ông Lưu thường xuyên đến Tân Cương trong nhiệm kỳ của mình và ông chịu trách nhiệm về việc bỏ tù người dân Tân Cương chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ.
Ông Cao tiết lộ rằng ông Lưu đã báo cáo trực tiếp với ông Tập về mọi việc ông đã làm liên quan đến cái gọi là công việc “chống khủng bố” ở Tân Cương.
“Đây là một hành động nguy hiểm mà chắc chắn sẽ để lại tiếng xấu về sau,” ông Cao nói. “Chúng tôi không biết ông Lưu đã nghĩ gì, nhưng nếu ông ấy chỉ muốn đi theo đảng và tuân theo mệnh lệnh từ Ủy ban Trung ương của ông Tập, thì ông ấy chính là một thành viên trong băng đảng tội phạm của ĐCSTQ.”
Trải nghiệm của ông Lưu gợi nhớ đến một câu nói trong Cửu Bình về Đảng Cộng sản Trung Quốc như sau:
“Ở Trung Quốc, người ta nói chung đều biết đến hai tính cách của một đảng viên ĐCSTQ. Tại gia đình và hoàn cảnh riêng tư, một đảng viên ĐCSTQ vẫn có đầy đủ ‘nhân tính’ như một con người bình thường, buồn vui hờn giận, có cái ưu cái khuyết của con người. Họ có thể là cha mẹ, là vợ chồng, là bè bạn… Nhưng đặt lên trên nhân tính thường tình ấy, chính là ‘đảng tính’. Một người cộng sản là vậy: Đảng yêu cầu họ phải đặt Đảng lên trên, vì theo yêu cầu của Đảng, chủ nghĩa cộng sản là tối thượng, là vĩnh viễn vượt trên nhân tính thường tình của con người, và ‘nhân tính’ chỉ là tương đối, là có thể đổi thay, còn ‘đảng tính’ là bất biến, và không được phép hoài nghi hay thách thức.”
Theo ông Cao, vợ chồng ông Lưu chỉ có một người con trai. Sau khi đi du học ở Hoa Kỳ, người con trai ông đã thích Hoa Kỳ đến mức không muốn quay trở lại Trung Quốc. Cậu quyết định trở thành công dân Hoa Kỳ và bắt đầu làm việc trong một cơ quan rất nhạy cảm của chính phủ Hoa Kỳ. Chính quyền ông Tập Cận Bình đã yêu cầu người nhà trực hệ của các quan chức cấp cao trở về Trung Quốc, nhưng con trai ông Lưu đã nói rõ rằng cậu ấy sẽ không quay trở lại Trung Quốc. Đây cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông Lưu.
Ông Cao tin rằng một trong những lý do chính khiến ông Tập trừng phạt gay gắt ông Lưu là vì ông Tập có ý định thanh trừng tất cả những người trong Bộ Công an không phải là người thân tín của ông và xóa bỏ những mối liên hệ cũng như ảnh hưởng còn sót lại của những người đó, ngay cả sau khi họ đã về hưu. Một lý do sâu xa hơn nữa là ông Tập đang chuẩn bị rũ bỏ trách nhiệm về cuộc đàn áp người dân Tân Cương trong tương lai, một cách làm thường thấy của ông Tập khi đổ tội cho người khác về những việc ác và hành vi sai trái của mình.
Dựa trên mô tả của ông Cao về ông Lưu thời trẻ, ngay từ đầu ông Lưu không phải là một người tàn nhẫn. Tuy nhiên, ông ấy đã đánh mất suy nghĩ và khả năng phán đoán của riêng mình khi ở bên trong hệ thống ĐCSTQ. Số phận của ông tương tự như cựu Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường. Nếu ông Lưu đã nhìn thấu bản chất thực sự của ĐCSTQ và tìm ra cách rời khỏi hệ thống này, thì có lẽ bây giờ ông ấy đã sống một cuộc sống chân chính hơn.
Trong một trận tuyết lở, không có bông tuyết nào là vô tội.
Những người tham gia vào các hành vi vô đạo đức và làm việc cho tổ chức tà ác của ĐCSTQ chắc chắn sẽ rơi vào hoàn cảnh đáng buồn và đáng thương.
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc, là bạn thân của ông Lý khi cả hai còn là sinh viên đại học tại Đại học Bắc Kinh.
Sau cái chết bí ẩn của ông Lý, ông Vương nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 02/11/2023 rằng vào những năm 1980, một lượng lớn người trong giới tinh hoa Trung Quốc đã ôm giữ hy vọng gia nhập hệ thống ĐCSTQ để thay đổi Trung Quốc bằng cách làm việc từ bên trong nội bộ ĐCSTQ, nhưng giờ đây kết cục của họ đã chứng minh một cách đầy đủ rằng đây không phải là một cách làm khả thi.
“ĐCSTQ có những luật lệ xã hội đen của riêng mình, vì vậy quý vị không có cơ hội làm điều tốt và quý vị phải làm rất nhiều điều xấu để phù hợp với ĐCSTQ,” ông Vương nói. “Quý vị phải thoái xuất khỏi ĐCSTQ và tìm một lối thoát khác cho Trung Quốc bên ngoài ĐCSTQ. Chỉ bằng cách đi theo con đường khác thì Trung Quốc mới có hy vọng.”
Hân Nhi biên dịch