Chiến thuật biển người của Putin ở Ukraine không thể tồn tại mãi

Nguồn: Alexey Kovalev, “Putin Is Throwing Human Waves at Ukraine, But Can’t Do It Forever,” Foreign Policy, 25/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chiến lược máy xay thịt của Nga cực kỳ hiệu quả, cực kỳ lãng phí, và cực kỳ tàn ác.

Ngày nay, một trong những nơi ảm đạm nhất trên Trái Đất là cơ sở xử lý hài cốt của những người lính đã tử trận tại thành phố Rostov-on-Don của Nga, trung tâm hậu cần của cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine. Dù được thiết kế để xử lý hàng trăm xác chết cùng một lúc, nhưng nhà xác khổng lồ này vẫn bị quá tải một cách vô vọng suốt nhiều tháng nay. Cảnh quay từ bên trong, được các nhân chứng đăng tải trên mạng xã hội, cho thấy hàng trăm thi thể ở nhiều giai đoạn phân hủy khác nhau và tứ chi nằm rải rác trên sàn hành lang. Nằm trong những chiếc hộp gỗ xếp dọc theo các bức tường từ sàn đến trần nhà, hết hàng này đến hàng khác, là những cá nhân may mắn: những người có thi thể được tìm thấy từ chiến trường, được nhận dạng, niêm phong trong những chiếc quan tài lót kẽm, và chuẩn bị được chuyển đến những người thân đang đau buồn ở những vùng xa xôi nhất của Nga. Cùng lúc đó, nhiều xác chết đã bị để mặc cho thối rữa trên các cánh đồng của Ukraine, vì việc di tản họ là không khả thi dưới sự tấn công liên tục của pháo binh và máy bay không người lái của phe phòng thủ.

Chắc chắn, cái chết của những người lính này là hậu quả tất yếu của quyền tự vệ của Ukraine trước một cuộc chiến xâm lược phi pháp. Hơn nữa, nhiều trong số những lính Nga này có thể đã phạm tội ác chiến tranh và hành vi tàn bạo đáng khinh bỉ đối với người Ukraine, bao gồm cả thường dân không có khả năng tự vệ. Nhưng tỷ lệ lính Nga bị giết ở tiền tuyến cao khủng khiếp – cao hơn nhiều so với tổn thất tương ứng của Ukraine, dù cả hai bên đều giữ bí mật về con số chính xác – theo đó cho thấy hai sự thật đáng lo ngại về cách người Nga tiến hành chiến tranh. Đầu tiên, sự coi thường tàn bạo đối với mạng sống con người ngay cả đối với lực lượng của chính Nga, vốn được Điện Kremlin triển khai một cách có hệ thống trong cái gọi là các cuộc tấn công kiểu máy xay thịt và biển người. Thứ hai, những cái chết hàng loạt trong quân đội Nga đã trở thành một phần của chính sách ưu sinh ngày càng rõ ràng, trong đó Điện Kremlin tìm cách loại bỏ những thành phần không mong muốn khỏi đất nước và tái cấu trúc dân số Nga. Khía cạnh ưu sinh trong cuộc chiến của Nga từ lâu đã là một bí mật công khai, được thảo luận rộng rãi trên các chương trình talk show và phương tiện truyền thông xã hội của Nga. Giờ đây, một chính trị gia cấp cao của Nga đã lần đầu tiên nói rõ điều đó.

Những con số này khiến người ta phải kinh ngạc. Với tỷ lệ thương vong ước tính là 1.500 người mỗi ngày, tháng 10 là tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến của Nga khi Tổng thống Vladimir Putin dốc toàn lực vào trận chiến. Ước tính tổng số lính Nga tử vong trên chiến trường dao động từ 115.000 đến 160.000, gấp hơn 10 lần số lính Liên Xô tử vong khi chiến đấu ở Afghanistan. Tổng số thương vong của Nga – cả tử trận và bị thương – ước tính vào khoảng 800.000. Theo Anastasia Kashevarova, một nhà báo Nga ủng hộ chiến tranh cuồng nhiệt, trung bình một người lính bộ binh Nga chỉ trụ được chưa đầy một tháng ở mặt trận trước khi thiệt mạng. Vì số thương vong vượt quá khả năng tuyển mộ lính mới, nên rất ít tân binh Nga được huấn luyện nghiêm túc trước khi được điều đi tấn công các tuyến phòng thủ của Ukraine.

Người Nga không chỉ mất đi nhân sự với số lượng đáng kinh ngạc – mà các thiết bị cũng đang bị tiêu hao với tốc độ vượt xa khả năng bổ sung từ ngành sản xuất vũ khí hoặc các kho dự trữ đang cạn kiệt. Theo WarSpotting, một dự án tình báo nguồn mở sử dụng xác nhận video để theo dõi tổn thất thiết bị của Nga, nước này đã mất hơn 500 thiết bị hạng nặng vào tháng 10 – bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, và máy bay – gấp đôi so với con số trong Trận Grozny từ năm 1994 đến năm 1995, trận chiến với tổn thất thảm khốc về người và thiết bị đã làm suy sụp tinh thần của quân và dân Nga vào thời điểm đó. Ngày nay, một số căn cứ lưu trữ quân sự lớn nhất của Nga gần như đã hết sạch thiết bị, thậm chí cả xe tăng và xe bọc thép cũ từ thời Liên Xô cũng bị kéo ra mặt trận.

Các chính trị gia, chuyên gia, và công dân Nga bình thường, những người công khai mơ tưởng về việc giết hàng loạt người Ukraine, đã không hề che giấu quan điểm rằng mạng sống của chính những người lính của đất nước họ cũng chẳng đáng giá hơn là bao. Việc chuyển sang chiến thuật máy xay thịt kiểu Thế chiến II đã được thảo luận rộng rãi và nồng nhiệt trên các kênh Telegram ủng hộ chiến tranh kể từ trận chiến giành Bakhmut, bắt đầu vào mùa hè năm 2022 và kéo dài gần một năm. Trận Bakhmut đã đánh dấu sự thay đổi về mặt học thuyết từ khái niệm “các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn” đã thất bại – bao gồm một số đơn vị tinh nhuệ và hiệu quả nhất của Nga, chẳng hạn như trung đoàn lính dù và lực lượng đặc nhiệm – sang các cuộc tấn công trực diện hàng loạt theo kiểu Liên Xô.

Đài tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tại Moscow vào ngày 9 tháng 6. © Ulf Mauder/Picture Alliance qua Getty Images

Tại Bakhmut, chỉ huy của Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin đã giới thiệu chiến thuật hiện đã trở thành chiến thuật tiêu chuẩn của Nga – gửi từng đợt lính bộ binh “dùng một lần” ra chiến trường tấn công cho đến khi súng của quân phòng thủ Ukraine bị hư hỏng hoặc hết đạn. Trong trường hợp của Wagner, nhóm này chủ yếu là những tù nhân được tuyển mộ từ các nhà tù với lời hứa về tự do và lính đánh thuê bị dụ dỗ bằng mức lương hấp dẫn. Sau cùng, Nga đã giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài một năm tại những tàn tích của thành phố với cái giá phải trả là mạng sống của ít nhất 20.000 lính đánh thuê Wagner. Sau đó, chính sách máy xay thịt đã được áp dụng cho toàn bộ quân đội Nga, với mỗi đơn vị lớn đều thành lập các nhóm tấn công dành riêng cho mục đích đó.

Đây là một chiến thuật hiệu quả đến kinh hoàng, nhưng thương vong mà nó gây ra cho người Nga là không thể so sánh trong lịch sử quân sự gần đây. Chỉ riêng trận chiến giành thị trấn Avdiivka của Ukraine đã khiến khoảng 16.000 lính Nga thiệt mạng – và đây chỉ là một ước tính rất thận trọng được các blogger ủng hộ chiến tranh của Nga đưa ra, những người thường có động cơ hạ thấp tổn thất của phe mình.

Tuy nhiên, thái độ coi thường mạng sống của lính Nga không chỉ là vấn đề chiến thuật trên chiến trường, mà còn là một sự tàn ác có chủ đích. Quân đội Nga đã làm cả thế giới sửng sốt bởi sự tàn bạo vô cớ đối với thường dân Ukraine – bao gồm cả hiếp dâm, tra tấn, giết người, và bắt cóc tràn lan – và với các tù nhân chiến tranh. (Những tù nhân chiến tranh thường xuyên bị hành quyết, một tội ác khác trong danh sách dài các tội ác chiến tranh của Nga.) Nhưng sự tàn bạo của các sĩ quan Nga đối với cấp dưới của họ cũng gây sốc cực kỳ. Các kênh Telegram của Nga đầy rẫy những câu chuyện về những người lính bị tra tấn vì dám từ chối hoặc chất vấn mệnh lệnh, về những người lính bị thương nghiêm trọng bị đẩy thẳng vào chỗ chết trong những đợt tấn công, và về những đội quân rào chắn theo kiểu Liên Xô đóng ngay sau tiền tuyến, những người có nhiệm vụ duy nhất là bắn – hay “vô hiệu hóa” – những kẻ trốn tránh nghĩa vụ hoặc đào ngũ. Các cuộc tấn công bằng biển người tự sát vừa là phương tiện vừa là mục đích: Các chỉ huy được cho là đã phân công những người lính vào các đơn vị có thể hy sinh này như một hình phạt cho việc họ dám bất đồng ý kiến hoặc không trả tiền hối lộ.

Trong những hoàn cảnh này, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều binh lính Nga chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình. Đến nay, đã có hàng trăm video trực tuyến ghi lại cảnh những người lính Nga tự bắn vào miệng mình để tránh cái chết còn kinh hoàng hơn, bởi họ biết rằng có rất ít hy vọng họ được sơ tán y tế ở phía Nga.

Một khía cạnh thậm chí còn kinh hoàng hơn của việc coi thường giá trị sự sống là việc Nga ngày càng công khai xem cuộc chiến là một dự án ưu sinh quốc gia. “Những người thừa thãi” có “giá trị xã hội” thấp là cách mà nghị sĩ Nga Aleksandr Borodai mô tả những đồng hương của mình được gửi đến Ukraine làm bia đỡ đạn trong một đoạn băng bị rò rỉ, và tính xác thực của đoạn băng này sau đó đã được ông xác nhận. Ông giải thích rằng nên sử dụng lực lượng “có thể hy sinh” này để tấn công “những kẻ dũng cảm nhất [và] táo bạo nhất” của Ukraine và “làm kẻ thù kiệt sức đến mức tối đa.” Borodai không phải là một nhân vật bình thường: Ông là một cố vấn chính trị từ Moscow, người đã tự tuyên bố mình là thủ tướng của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk ở Ukraine vào năm 2014, và hiện đang là thành viên của Quốc hội Nga thuộc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền. Vì lời này đến từ một người nổi tiếng như vậy, nên về cơ bản, đây là sự xác nhận về cách Nga đang tiến hành cuộc chiến.

Phụ nữ tụ tập để yêu cầu đưa những người lính trở về từ mặt trận Ukraine tại Moscow vào ngày 3 tháng 2. © Getty Images

Chiến tranh đã thay đổi thành phần dân số Nga, làm giảm tỷ lệ cao không thể so sánh được của các nhóm dân tộc thiểu số không phải người Nga – người Buryats, người Tatar, người Tuvan – những người đang chết dần trên chiến trường. Nhưng đây không phải là những bộ phận duy nhất bị thiệt thòi của dân số Nga trong khi giới lãnh đạo Nga bảo vệ những nhóm dân số quan trọng về mặt chính trị ở Moscow và St. Petersburg, nơi tình trạng bất ổn có thể gây nguy hiểm cho chế độ và cũng là nơi cư trú của phần lớn giới tinh hoa Nga. Các nhà tù đã gần như trống rỗng vì các tù nhân được đưa đến những khu vực đẫm máu nhất của chiến trường. Và việc bảo vệ các nhóm dân cư đô thị lớn ở phần châu Âu của Nga có nghĩa là các khu vực xa xôi hơn, nghèo hơn, và ít người thuộc dân tộc Nga hơn đang chảy máu.

Để bù đắp cho sự mất mát có chủ đích của “những người có thể hy sinh” ở mặt trận, một phần quan trọng trong chương trình ưu sinh của Moscow đã được thực hiện bởi người Ukraine. Vài triệu người Ukraine đã bị di dời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và bị tái định cư đến Nga, với một tỷ lệ lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Còn tại Ukraine, những người định cư Nga đang di chuyển đến sống. Hàng chục nghìn, nếu không muốn nói là hàng trăm nghìn, những đứa trẻ bị bắt cóc hiện đang bị Nga hóa để tước đi mọi bản sắc Ukraine của chúng, một sự tương phản rõ ràng với chính sách ưu sinh của Đức Quốc Xã – đưa những đứa trẻ Ba Lan tóc vàng trở lại Đế chế để chúng được nhận làm con nuôi và biến chúng thành người Đức. Một số bé trai người Ukraine hiện đã đủ tuổi để bị cưỡng bức nhập ngũ vào quân đội Nga – một tội ác chiến tranh khác trong danh sách vốn đã dài.

Nga vẫn có ưu thế về quân số, nhưng nguồn lực của họ không phải là vô hạn. Chiến lược tiến hành chiến tranh theo kiểu tự sát của Nga, dù hiệu quả, nhưng không bền vững về lâu dài, đặc biệt là khi nền kinh tế Nga đã cho thấy những dấu hiệu căng thẳng lớn.

Số phận của cuộc xâm lược của Nga hiện phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây trong việc cam kết hỗ trợ để Ukraine giành độc lập khỏi tham vọng tân đế quốc của Nga. Những tuần cuối cùng tại nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn có thể giữ vai trò quan trọng: Việc quyết định cấp phép cho Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong một số khu vực của Nga bằng vũ khí do Mỹ và Anh cung cấp đã kích động phản ứng giận dữ từ Moscow, ngay cả khi không có gì mới về việc Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu quan trọng ở những nơi mà Nga cho là lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea bị sáp nhập bất hợp pháp. Phương Tây phải giúp Ukraine đảm bảo rằng Putin sẽ thua cuộc khi ném mọi thứ mình có vào Ukraine trước khi thiết bị và binh lính được huấn luyện của ông cạn kiệt. Những tổn thất nhân mạng thảm khốc sẽ không ngăn cản ông ta, vì chúng đã ăn sâu vào cách thức tiến hành chiến tranh tàn khốc của Nga.

Alexey Kovalev là một nhà báo độc lập và là cựu biên tập viên điều tra tại Meduza, người đã rời Nga vào năm 2022.

Related posts