Nghĩ về … nhà nước khủng bố

Tác giả: Timothy Snyder

Trúc Lam biên dịch

15-4-2025

GS Timothy Snyder. Nguồn: Substack

Lời giới thiệu: Tác giả, Timothy Snyder là giáo sư sử học nổi tiếng của trường Đại học Yale, với hơn 24 năm nghiên cứu và giảng dạy tại trường đại học này. Ông chuyên về lịch sử châu Âu, Liên Xô và thảm họa diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã.

Từ khi Nga xâm lược Ukraine, GS Timothy Snyder đã tham gia nhiều dự án để giúp Ukraine, như mở một trường học dưới lòng đất tại thành phố Zaporizhzhia, hay gây quỹ thực hiện dự án xe bọc thép để sơ tán dân, cũng như ông đi thuyết trình trên khắp đất nước Ukraine. Đầu tháng 7 tới đây, ông sẽ rời khỏi trường Đại học Yale, chuyển đến Đại học Toronto ở Canada, để ông có thể thực hiện thêm nhiều dự án giúp Ukraine. Sau đây là nội dung bài viết của ông, do Trúc Lam biên dịch.

***

Hướng dẫn ngắn gọn cho người Mỹ

Hôm qua, tổng thống coi thường phán quyết của Tối cao Pháp viện, yêu cầu đưa người đàn ông bị đưa nhầm đến trại lao động khổ sai ở một nước khác, ca ngợi sự đau khổ của người dân vô tội này, và nói về việc đưa người Mỹ đến các trại tập trung ở nước ngoài.

Đây là khởi đầu của chính sách nhà nước khủng bố Mỹ và [chúng ta] phải xác định điều đó để ngăn chặn.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng ngôn ngữ, vì ngôn ngữ rất quan trọng. Khi nhà nước thực hiện hành vi khủng bố hình sự đối với chính người dân của mình, gọi họ là “tội phạm” hoặc “những kẻ khủng bố”. Trong thập niên 1930, đây là thông lệ bình thường. Nhìn lại, chúng ta nhắc đến “Đại khủng bố” của Stalin nhưng vào thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa Stalin mới là những người kiểm soát ngôn ngữ. Ngày nay, ở Berlin có một viện bảo tàng quan trọng mang tên “Địa hình khủng bố” (Topography of Terror); trong thời đại được ghi chép lại, người Do Thái và những kẻ thù được chế độ lựa chọn đã bị gọi là “những kẻ khủng bố”. Hôm qua tại tòa Bạch Ốc, tổng thống El Salvador đã chỉ cách: Gọi Kilmar Abrego Garcia là “kẻ khủng bố” mà không có bất kỳ căn cứ nào. Người Mỹ đối xử với anh ấy như một tên tội phạm, mặc dù anh không hề bị buộc tội.

Phần đầu tiên của việc kiểm soát ngôn ngữ là đảo ngược ý nghĩa: Bất cứ điều gì chính quyền làm đều tốt, bởi vì theo định nghĩa, nạn nhân của chính quyền là “tội phạm” và “kẻ khủng bố”. Phần thứ hai là ngăn chặn báo chí hoặc bất kỳ người nào khác trong việc thách thức việc bóp méo sự thật [của chính quyền] bằng cách liên kết với bất kỳ người nào phản đối, với “tội phạm” và “khủng bố”. Đây chính là vai trò mà Stephen Miller đảm nhiệm, khi ông ta phát biểu hôm qua tại tòa Bạch Ốc rằng, các phóng viên “muốn những kẻ khủng bố nước ngoài vào đất nước này để bắt cóc phụ nữ và trẻ em“.

Việc kiểm soát ngôn ngữ rất cần thiết để phá hoại trật tự pháp lý hoặc hiến pháp. Pháp quyền của chúng ta bắt đầu bằng những khái niệm như người dân và các quyền của họ. Nếu các chính trị gia chuyển hướng sang “tội phạm” và “khủng bố”, thì họ đang chuyển đổi mục đích của nhà nước.

Ở Mỹ, chúng ta được cai quản bởi Hiến pháp. Điều cơ bản của Hiến pháp là chúng ta có quyền đối với thân thể của mình, quan niệm rằng chính phủ không thể bắt giữ quý vị mà không có lý do chính đáng về mặt pháp lý để làm như vậy. Nếu điều đó không đúng, thì chẳng còn điều nào đúng. Nếu chúng ta có luật pháp, thì một người không được phép sử dụng bạo lực với người khác bằng cách bôi nhọ hoặc gây ra những cảm xúc mạnh. Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, trên hết là tổng thống, người có chức năng hiến định là thực thi luật pháp.

Trump đã nói về việc yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi tìm những cách hợp pháp để bắt cóc người Mỹ và đưa họ vào các trại tập trung ở nước ngoài. Nhưng khi nói đến cụm từ “hợp pháp” có nghĩa là nói đến những cách tránh né luật pháp, chứ không phải áp dụng luật pháp.

Chính sự tránh né phản hiến pháp đó đã tạo điều kiện cho sự lạm dụng. Nhà nước khủng bố không chỉ bao gồm sự phát triển độc ác của các cơ quan áp bức từ nhà nước, chẳng hạn như những người đàn ông đeo mặt nạ trên những chiếc xe tải màu đen, mà còn gồm cả việc nhà nước rút khỏi vai trò của người bảo vệ luật pháp.

Điều mà những kẻ bạo chúa đầy tham vọng thể hiện “sức mạnh”, khả năng khủng bố những người vô tội, dựa trên điều có thể được coi là điểm yếu cơ bản hơn, đó là việc nhà nước từ bỏ nguyên tắc pháp quyền. Khi chúng ta có luật pháp, tất cả chúng ta đều mạnh hơn; khi chúng ta thiếu luật, mọi người đều yếu hơn, ngoại trừ một số ít người có thể sử dụng quyền cưỡng chế của nhà nước để chống lại chúng ta.

Trong lịch sử khủng bố nhà nước, việc tránh né luật pháp để cưỡng bức diễn ra dưới ba hình thức, tất cả đều được phơi bày, khởi đầu tại tòa Bạch Ốc hôm qua: Nguyên tắc lãnh đạo (1); tình trạng ngoại lệ (2); và khu vực vô tổ quốc (3).

Nguyên tắc lãnh đạo, hay trong tiếng Đức là Führerprinzip, tức là ý tưởng rằng một cá nhân duy nhất đại diện trực tiếp cho người dân và do đó, mọi hành động của người đó theo định nghĩa là hợp pháp và đúng đắn. Trong các cuộc thảo luận tại tòa Bạch Ốc và sau đó chúng ta thấy khái niệm này được đưa ra. Các cố vấn của Trump tuyên bố rằng, những gì ông ta đang làm là phổ biến. Tuyên bố (như trong hồ sơ pháp lý) rằng tổng thống đang hành động theo “lệnh” cá nhân, từ những người dân có cùng vấn đề. Khi được hỏi trên Fox News về vụ bắt cóc người Mỹ và chuyển họ đến các trại lao động khổ sai nước ngoài, Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi nói rằng, “ông ta đang nói đến những người Mỹ phạm những tội ác tày đình nhất ở đất nước chúng ta“. Nếu xét đến những điều “ông ta đang nói“, thì ông ta là một nhà độc tài và Hoa Kỳ là một chế độ độc tài. Trump nói về nhu cầu trục xuất những người “ghét đất nước chúng ta” hoặc những người “ngu xuẩn“.

Cách lách luật thứ hai là sử dụng tình trạng ngoại lệ. Về nguyên tắc, Liên Xô được cai trị bằng luật pháp. Tuy nhiên, trước khi tiến hành các vụ khủng bố lớn nhất, chính quyền Liên Xô tuyên bố tình trạng ngoại lệ. Điều này có nghĩa là, trên lãnh thổ Liên Xô, việc bắt cóc người dân và đưa họ đến các trại tập trung là “hợp pháp” (theo nghĩa của Bondi và Trump): Chính quyền tuyên bố rằng có một số mối đe dọa, vì vậy các biện pháp bảo vệ có thể bị thu hồi và các thủ tục bị hủy bỏ. Mọi người có thể bị bắt cóc trên những chiếc xe tải màu đen và bị hành quyết hoặc bị đưa đến một trại tập trung, “một cách hợp pháp”, theo nghĩa, luật pháp đã bị hủy bỏ. Khái niệm về tình trạng ngoại lệ, quan trọng đối với Liên Xô, là trung tâm của học thuyết Đức Quốc xã. Như nhà tư tưởng Đức Quốc xã hàng đầu, ông Carl Schmitt lập luận rằng, người có quyền tối thượng là người có thể tạo ra ngoại lệ. Nếu chúng ta đang sống trong thời bình thường, thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta nên được quản lý bằng luật pháp. Nhưng nếu các chính trị gia có thể sử dụng lời nói để khiến chúng ta nghĩ rằng đây là thời điểm ngoại lệ, thì chúng ta có thể chấp nhận sự vô luật pháp của họ.

Một cách đơn giản để tránh luật là đưa mọi người vào một vùng ngoại lệ mà luật pháp (được cho là) ​​không còn áp dụng. Các phương pháp khác mất nhiều thời gian hơn. Có thể thông qua luật tước đoạt quyền của mọi người ở chính quốc gia của họ. Có thể tạo ra những không gian trên lãnh thổ của mình nơi luật pháp không còn hiệu lực. Những không gian này là trại tập trung. Cuối cùng, chính quyền có thể lựa chọn như ở Đức Quốc xã, đó là đưa công dân của họ đến những khu vực bên ngoài đất nước của họ, ở nơi mà chính quyền có thể đơn giản tuyên bố rằng luật pháp không còn quan trọng nữa.

Việc khai thác các khu vực vô tổ quốc này là cốt truyện chính của lịch sử diệt chủng Holocaust. Dưới thời Hitler, người Đức có các trại tập trung trên lãnh thổ của họ, và họ đã hạ thấp người Do Thái xuống thành công dân hạng hai, và những người này đã sống trong tình trạng ngoại lệ vĩnh viễn. Nhưng về cơ bản, vụ thảm sát hàng loạt người Do Thái ở Đức đã đạt được bằng cách bắt cóc và cưỡng bức họ đến những địa điểm bên ngoài lãnh thổ Đức trước chiến tranh, nơi mà chính quyền Đức tuyên bố là không có luật pháp.

Một cuộc điều tra về cách tiếp cận tình trạng vô tổ quốc này đã được tiến hành hôm qua, khi Trump và các cố vấn của ông ta tuyên bố rằng, Kilmar Abrego Garcia, một thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ mà các nhà chức trách Mỹ đã bắt cóc nhầm và đưa đến trại tập trung ở El Salvador, hiện nằm ngoài tầm với của luật pháp Mỹ. Đây chính là khủng bố nhà nước: Nhà nước được coi là “mạnh” trong việc áp bức một người, nhưng lại yếu về khả năng tôn trọng hoặc thực thi luật pháp.

Ý tưởng rằng Hoa Kỳ có thể đưa quý vị đến những nơi mà họ không thể đưa quý vị trở về chính là cơ sở lý thuyết của học thuyết về tình trạng vô tổ quốc. Hãy gọi đó là Học thuyết Rubio: Theo lời của Bộ trưởng Ngoại giao [Rubio], “chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ do Tổng thống Hoa Kỳ thực hiện, chứ không phải do tòa án“. Nhưng điều đó ngụ ý rằng những người bị cưỡng bức đưa ra khỏi biên giới Mỹ có thể bị bỏ tù hoặc bị giết chết mà không có lý do. Đó là “chính sách đối ngoại“.

Quyền công dân có cứu được mọi người không? Rõ ràng là, trở thành công dân vẫn tốt hơn là không. Quyền công dân cung cấp một số biện pháp bảo vệ, ít nhất là khi so sánh với việc không có quyền công dân hoặc tình trạng vô tổ quốc quốc. Tuy nhiên, vấn đề là công dân có thể thấy mình bị cuốn theo những lập luận áp dụng cho những người không phải công dân. Nếu chúng ta chấp nhận rằng, Trump thực thi quyền lực bởi nguyên tắc lãnh đạo (Nguyên văn: Führerprinzip) (4), thì điều gì có thể ngăn cản ông ta khi ông ta nói rằng người dân muốn chứng kiến ​​sự bắt giữ cưỡng bức những “người bản xứ“, những “người thật sự xấu xa, họ cũng xấu xa như những người từ nơi khác đến đây“. Nếu các công dân chấp nhận rằng chúng ta đang sống trong tình trạng ngoại lệ, thì họ cũng chấp nhận rằng họ cũng có thể bị đối xử một cách ngoại lệ. Có lẽ tệ nhất là, nếu công dân chấp nhận khái niệm về các khu vực vô tổ quốc, về tình trạng luật pháp chỉ hoạt động như một công cụ phục vụ cho quyền lực, thì họ đang tự chuốc lấy sự trục xuất đến những nơi mà họ sẽ không bao giờ quay trở lại được nữa.

Nếu các công dân tán thành ý tưởng rằng những người bị chính quyền gọi là “tội phạm” hoặc “khủng bố”, không có quyền được xét xử đúng thủ tục pháp lý, thì họ đang chấp nhận rằng, bản thân họ không có quyền được xét xử đúng thủ tục pháp lý. Xét xử đúng thủ tục pháp lý, và chỉ có xét xử đúng thủ tục pháp lý, mới cho phép quý vị chứng tỏ rằng quý vị là công dân. Nếu không có nó, những người đàn ông đeo mặt nạ trong những chiếc xe tải chỉ cần tuyên bố rằng quý vị là một tên khủng bố nước ngoài và có thể làm cho quý vị biến mất.

Mặc dù tất cả những điều này thật kinh khủng, nhưng về cơ bản đây vẫn là sự nhà nước khủng bố, một phép thử xem người Mỹ sẽ phản ứng như thế nào. Chúng ta có thể phản ứng bằng cách nhìn nhận tất cả những điều này như bản chất của nó và gọi tên nó: Nhà nước khủng bố đang chớm nở. Chúng ta có thể phản ứng bằng cách liên kết với những người khác bị đàn áp trước khi chúng ta bị đàn áp. Chỉ khi đoàn kết, chúng ta mới khẳng định được luật pháp. Chúng ta có thể nhắc nhở các nhánh khác của chính quyền rằng, chức năng của họ đang bị cơ quan hành pháp lấy mất. Công dân không thể tự mình làm điều này; họ phải nhắc nhở phần còn lại của chính quyền về các chức năng hiến định của mình.

Tổng thống đang tuyên bố nắm giữ những trách nhiệm cốt lõi của Quốc hội khi khẳng định quyền kiểm soát cá nhân đối với chính sách nhập cư, luật hình sự và việc tài trợ cho các cuộc dẫn độ cưỡng bức. Quốc hội có thể dễ dàng thông qua luật, nếu một số đảng viên Cộng hòa can đảm. Tổng thống đang tuyên bố các chức năng tư pháp cốt lõi khi ông tự coi mình là thẩm phán, bồi thẩm đoàn và trong trường hợp dẫn độ cưỡng bức [Kilmar Abrego Garcia] đến El Salvador, là đao phủ trên thực tế. Cụm từ “khinh thường tòa án” đã trở nên sống động trong tòa Bạch Ốc ngày hôm qua.

Ngay cả những thể chế cơ bản nhất này, những thể chế được Hiến pháp của chúng ta định nghĩa, cũng không tự hành động. Ở một mức độ rất đáng buồn là các thẩm phán Tối cao Pháp viện và các nghị sĩ Quốc hội đã đồng lõa trong việc thử nghiệm nhà nước khủng bố này. Họ có thể tìm đường trở lại một nước Mỹ mà chức vụ của họ có ý nghĩa, nhưng chỉ với sự giúp đỡ của chúng ta, những người dân.

________

Ghi chú:

(1) Tức lãnh đạo có quyền tối thượng, như quyền hành pháp trong chính quyền Đức Quốc xã. Có nghĩa là lời của lãnh đạo – Führer – có giá trị hơn cả luật pháp và các chính sách của chính phủ.

(2) Tương tự như lãnh đạo nhân danh bảo vệ đất nước để ban hành thiết quân luật.

(3) Công dân sống ở đây không mang quốc tịch nào cả, nên không được nước nào bảo vệ.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts