Thân Phận Nghèo

Đặng Duy Hưng

Có ai trong thế giới con người lại ước mơ được sinh ra trong một gia đình nghèo khó? Chỉ có thể than thân, như nhà văn Nhật Tiến từng viết: “Tôi sinh ra dưới một vì sao xấu…”  

Nàng cũng vậy. Là một cô gái với nhiều mộng mơ, bình dị nhất là ước mong một bữa ăn đủ no như ba ngày Tết. Nhưng điều đó không phải nhờ mẹ nàng – một người mẹ độc thân “gà mái nuôi con” – có tiền sắm sửa cho ngày hội dân tộc, mà là nhờ vào công việc dọn dẹp nhà cửa cho người giàu. Chính họ đã tặng bánh chưng, bánh tét để mẹ mang về. May mắn lắm mới có nhà dúi thêm một ít tiền vào tay bà.  

Sống trong xã hội nơi nhiều người giàu lên nhanh như diều gặp gió bằng đủ mọi thủ đoạn, nhưng trong đống bùn dơ bẩn vẫn mọc lên những đóa sen thơm ngát, lan tỏa quanh hồ.  

Mỗi ngày đến trường, nàng cũng đối diện với những ánh mắt từ bạn học chung lớp. Một số ít thương hại khi nhìn bộ quần áo cũ kỹ của nàng, nhưng đa phần lại xem nàng như người đến từ hành tinh khác.  

Trong tâm tư trẻ thơ, đôi lúc nàng ước được đến trường trong một thân phận khác, dù chỉ một ngày. Nhưng dĩ nhiên, những ước mơ ấy chỉ là giấc mơ đẹp. Lúc thức dậy, nàng mới biết rằng mình đang mơ.  

Mẹ nàng cũng cảm nhận được những nỗi niềm đó. Bà thường khuyên:  

“Sống trong xã hội hôm nay, nếu con cố gắng học giỏi, thành tài, dù không đạt được mọi giấc mơ, thì ít nhất cũng hoàn thiện giấc mơ của mẹ – nuôi con thành người có ích.”  

Đó là một trong những lý do mẹ nàng không bao giờ muốn nàng đi làm phụ, dù nàng lúc nào cũng sẵn sàng. Bà nói, với giọng buồn:  

“Nhà giàu họ đa nghi lắm, lúc nào cũng sợ mất đồ. Thường thì họ quên, để lộn nơi khác, nhưng lại sợ con nít nhỏ táy máy dễ làm hư hỏng đồ đạc.”  

Và một buổi chiều nàng sẽ mãi nhớ, năm ấy nàng vừa tròn 15 tuổi. Chiều nào cũng vậy, nàng đi bộ đến khu vực dân nhà giàu để đón mẹ đi làm về. Những biệt thự to rộng, với tường xây kiên cố hoặc hàng cây thay tường, bằng gỗ gụ sang trọng.  

Đến nơi, nàng nghe mẹ nói cần làm thêm ba tiếng nữa mới xong. Bà cười vui:  

“Thêm một ít giờ nữa, tý nữa mẹ dẫn con đi ăn mì xíu nhé!”  

Nàng rời mẹ, đi về hướng thương xá để giết thời gian. Chưa qua được mấy căn biệt thự thì nghe giọng nói khàn khàn của một bà lão:  

“Cháu Thúy đi đâu đó? Vào đây bà ngoại lấy kem dừa cho ăn.”  

Quay lại, nàng thấy một người đàn bà khoảng hơn 70 tuổi, khuôn mặt hiền hậu, ánh mắt thân thiện, đang nắm tay nàng.  

Nàng lên tiếng yếu ớt:  

“Dạ, bà lầm rồi! Cháu tên Hương, không phải là Thúy – cháu của bà.”  

Tuy vậy, bà không nghe giải thích, vẫn dẫn nàng vào biệt thự. Cô người giúp việc đi phía sau kề tai nàng, nói khẽ:  

“Cô cứ giả vờ là cháu Thúy để bà Hai vui.”  

Thế là nàng bước vào một thế giới khác mà không ai nghĩ tới, chỉ cách xóm nghèo nhà lụp xụp của nàng hơn một cây số.  

Căn biệt thự của bà Hai rộng lớn hơn những biệt thự khác xung quanh. Bà dẫn nàng vào bếp – một không gian sang trọng, lát gạch men, đèn bật sáng trưng. Bà bảo nàng ngồi xuống ghế rồi mở tủ lạnh, lấy ra ba hộp kem, múc mỗi thứ một muỗng.  

Nhìn nàng ăn ngon lành, bà âu yếm nói:  

“Sao quần áo cháu cũ kỹ quá vậy?”  

Vừa lúc đó, một người bước vào nhà. Cô người giúp việc lên tiếng:  

“Đó là cô Phương, con gái ruột của bà Hai. Để tôi ra xem có thể phụ được gì không!”  

Cô vừa nói vừa nháy mắt, như báo hiệu rằng sẽ nói riêng về sự có mặt của nàng.  

Cô Phương bước vào, tiến đến bên mẹ, ôm hôn vào má. Sau đó, cô dịu dàng tiến gần đến nàng, ánh mắt đầy thương yêu:  

“Sao con gái mặc quần áo cũ thế này, để bà nội lo lắng. Vào đây, mẹ thay đồ mới cho con!”  

Cô Phương quay sang nói với cô giúp việc:  

“Cô dẫn bà vào tắm rửa xong rồi chuẩn bị bữa ăn tối.”  

Sau đó, cô Phương nói chuyện thành thật với nàng:  

“Cảm ơn con đã làm cho mẹ cô vui. Bà bị bệnh lãng quên hơn một năm nay, sau khi chồng và con gái của cô gặp tai nạn giao thông qua đời.”  

Bà Hai hỏi thăm về cuộc sống của nàng, và nàng trình bày thẳng thắn không chút suy tư. Nàng không hiểu tại sao, nhưng nàng cảm thấy một sự gần gũi với cô Phương.  

Cô Phương khen:  

“Con đang học lớp 10C1 chuyên toán, tức là thuộc loại ưu, có tương lai sáng lạn.”  

Nàng đáp lại với giọng buồn:  

“Nhưng con sợ gia cảnh nghèo, tương lai sẽ không có tiền để học đại học.”  

Cô Phương khuyên bảo:  

“Không ai biết được tương lai của chúng ta, nên con hãy sống với những gì đang xảy ra trước mắt. Con mất cha, giống như cô mất chồng và con. Hãy tự tạo hạnh phúc cho bản thân mình, bởi không ai thương mình bằng chính mình. Con hiểu không?”  

Cô Phương lục trong tủ quần áo, lấy ra bộ đồ mới và đưa cho nàng. Nhưng nàng từ chối:  

“Con cảm ơn lòng tốt của cô, nhưng mẹ con sẽ không vui.”  

Cô Phương kiên trì nài nỉ:  

“Cô mong con làm cho mẹ cô vui vẻ tối nay được không?”  

Buổi tối diễn ra trong không khí trang trọng, đủ các món ăn ngon do bà Hai nấu. Bà Hai vui cười bên nàng, như thể nàng chính là cháu ruột thật sự ghé thăm.  

Sau khi bà Hai đi nghỉ, nàng thay quần áo và nói lời chia tay. Cô Phương hỏi:  

“Ngày mai, sau giờ học, con có thể ghé chơi với mẹ cô được không?”  

Hai ngày sau, nàng mang bài tập đến nhà bà Hai làm, cùng bà và cô Phương nấu ăn. Cô Phương tâm sự về gia đình:  

“Cha mẹ cô, ông bà Hai, đã dùng chính sách đổi mới để tạo ra sự nghiệp. Nhưng sau đó, ông mất vì bệnh tim, bà Hai buồn bã, rơi vào bệnh trầm cảm rồi lãng quên. Hai người anh trai cùng cô đã phải quán xuyến mọi công việc.”  

Mỗi tối, khi chia tay, cô Phương nói chân thành cảm ơn nàng, và tặng nàng ít tiền. Nhưng nàng luôn từ chối, giấu kín, không nói gì với mẹ về những chuyện xảy ra.  

Đến ngày thứ ba, nàng vừa đến đã thấy cô Phương ngồi trước cửa khóc. Hỏi ra mới biết, bà Hai không còn nhớ cô Phương là ai. Ngay cả nàng, bà Hai cũng không còn nhận ra. Nàng cố gắng nói:  

“Cháu là Thúy, cháu ngoại của bà đây mà!”  

Nhưng bà Hai chỉ lắc đầu:  

“Tôi đâu có con cái, làm sao có cháu nội ngoại được?”  

Bác sĩ đến chích cho bà Hai một mũi thuốc an thần. Sau đó, cô Phương vào bếp nấu ăn, trò chuyện với nàng:  

“Cô có thể giúp mẹ con một công việc nhẹ nhàng, lương cao hơn, để đền đáp công sức ba ngày qua, con đã làm cho mẹ cô vui.”  

Nàng mừng rỡ, ôm cô Phương thật chặt, nói cả chục câu cảm ơn. Cô Phương tâm sự:  

“Hãy nhớ, làm người *tốt*, sống *thiện*, sẽ được ơn trên phù hộ.”  

Nàng hỏi:  

“Cô có muốn con hàng ngày đến đây chơi với bà, hy vọng một ngày bà sẽ nhớ lại mọi chuyện không?”  

Cô Phương gật đầu:  

“Nếu con làm được như vậy, còn gì quý hơn nữa!”  

Đặng Duy Hưng

Related posts