Hôm nay tôi đi học…

Đặng Duy Hưng

Hơn 40 năm trước, khi đến định cư trên mảnh đất tự do, tôi hiểu rằng để thành công thì cần có học thức và bằng cấp. Tuy nhiên, tôi không có may mắn như bao người đồng lứa, được cơ hội mài sách để lấy bằng cấp và ngẩng cao đầu với đời.  

Nếu có “máy thời gian” để quay về quá khứ một lần nữa, tôi vẫn chắc chắn sẽ chọn bỏ học, ra ngoài làm việc để có tiền mua quà gửi về cho gia đình. Williams Shakespeare từng viết:  

“To be or not to be.”  

Liệu có quyết định nào trong đời chắc chắn là đúng hay sai? Nhưng vào thời điểm đó, chúng ta chỉ có thể bằng lòng với sự chọn lựa trên canh bạc cuộc đời, giống như thả thuyền nan giữa sóng dữ.  

Dĩ nhiên, khi bước vào đời, đôi lúc tôi hối tiếc và nhớ về những kỷ niệm tuổi học trò. Và hôm nay, tôi trở lại đi học…  

Tôi có cơ hội quay về kỷ niệm thời thơ ấu, ngày mà đi học nhiều khi vì ham vui hơn là học hành. Nhưng hôm nay, tôi không còn phải lo lắng về áp lực điểm số, tài chính thiếu hụt, hay gánh nặng thi đậu lấy bằng cấp.  

Khi nghỉ hưu non, như người bạn Hong Vo từng nói:  

“Bạn trở thành ông vua của thời gian.”  

Vậy tại sao không đăng ký vào những lớp học ở đại học cộng đồng, để trí óc không ngừng tiếp thu kiến thức? Ở đây, không chỉ có những môn học truyền thống như toán, văn, hay lịch sử, mà còn có những lớp học thực tế: cách khai giấy tờ, chọn bảo hiểm y tế, hay tiết kiệm tiền an sinh xã hội.  

Chiều nay, ngày đầu tiên tôi chính thức trở lại đi học.  

Không giống như ngày xưa, tôi không còn biết trước vài người bạn trong lớp – thằng T con ông T hay con M nhà trong kiệt Mã Vôi. Hôm nay, tôi nhìn quanh và thấy những khuôn mặt xa lạ, đủ các sắc tộc, có người già cùng tuổi hoặc trẻ như con cháu. Ai nấy đều hân hoan, vui vẻ giới thiệu tên mình.  

Giáo viên hỏi cả lớp lý do tại sao muốn trở lại trường. Thật tình, tôi muốn chia sẻ ý nghĩ thật sự của mình. Nhưng nghĩ rằng mình đã già, triết lý hay lý sự cũng chỉ làm mệt đầu óc, nên tôi trả lời ngắn gọn:  

“Tôi trở lại trường lớp để trau dồi kiến thức, giữ cho bộ óc không ngừng nghỉ.”  

Ngày đầu tiên, tuy mới đầu còn hơi ngượng ngập, nhưng mọi chuyện rồi cũng xuôi chèo mát mái. Hai lớp học từ 3:15 chiều đến 8 giờ tối đầy ắp những kiến thức mới mẻ.  

Thời gian trong lớp học trôi qua thật nhanh, giống như một buổi tiệc vui họp mặt bạn bè sau bao năm xa cách. Tôi chợt nhớ đến thầy Thích Minh Tuấn, hiệu trưởng trường tiểu học Bồ Đề, từng đứng trước cổng trường hỏi tôi:  

“Con đi học có vui không?”  

“Dạ, thưa thầy, vui ạ.”  

Rồi tôi vòng tay lễ phép chào thầy, chạy về phía mẹ để kể chuyện vui buồn của buổi học đầu tiên.  

Tối nay, trên đường lái xe về nhà, tôi chợt nhận thấy con đường mình đã đi qua hàng trăm lần bỗng trở nên khác lạ. Tôi nhớ đến cô T, giáo viên dạy văn lớp 6/7 ở trường Phan Chu Trinh, vào một buổi sáng đầu tiên cô đưa cả lớp vào thế giới của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.  

Hồi ấy, tôi chẳng hiểu gì khi nghe cô giới thiệu cuốn sách “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng, rồi đến “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh và “Con Đường Sáng” của Hoàng Đạo. Nhưng trưa hôm đó, tôi đạp xe đến tiệm sách bên đường Yên Bái, mua về đọc mê mẩn.  

Nghe cô giải thích, tôi mới hiểu ước mơ của những nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn: họ muốn làm cách mạng văn hóa, đưa giới trẻ ra khỏi hệ lụy phong kiến, tự quyết định cuộc đời mình, xây dựng ước mơ riêng cho tương lai.  

Từ những bài học đó, tôi ôm ấp giấc mơ đơn sơ được trở thành thầy giáo dạy lịch sử về ngàn năm văn hiến của nước Việt. Nhưng tiếc thay, giấc mơ ấy đã sớm chết yểu vào mùa xuân cuối tháng 3 năm 1975.  

Dẫu vậy, tôi vẫn ấp ủ hy vọng một ngày nào đó, những người thầy cô dạy lịch sử trên đất nước Việt Nam sẽ dũng cảm giảng dạy không chỉ về đại thắng mùa xuân năm 75, mà còn cả trại cải tạo, đánh tư sản, lịch sử thuyền nhân, hay chính sách đổi mới thần kỳ thay đổi nền kinh tế. Đừng “tốt khoe, xấu che,” đừng viết lịch sử theo góc nhìn của người chiến thắng.  

Ai đó từng nói:  

“Không có gì khác biệt, dù bạn là đứa trẻ lên năm hay người đã già. Ngày đầu tiên đến lớp học giống như mở ra một cuốn sách mới. Những trang sách ấy dẫn dắt chúng ta qua từng chặng đường phiêu lưu, mà chẳng ai đoán được đoạn kết sẽ ra sao.”  

Tôi chợt nhớ đến câu nói của lãnh tụ Nguyễn Thái Học:  

“Không thành công cũng thành nhân – làm người tốt, có ích cho xã hội.”  

Tôi hẹn với lòng, ngày mai sẽ tiếp tục đến trường để học vài chữ thánh hiền. Cuộc phiêu lưu thu nhận thêm kiến thức vẫn còn đang tiếp diễn.  

Đặng Duy Hưng

Related posts