Nguyễn Đắc Kiên
18-5-2025

“Thể chế, pháp luật là động lực, nền tảng phát triển đất nước, ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh”.
Phát biểu trên của TBT Tô Lâm tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 17/5 (được báo chí dẫn lại) có thể đã hàm chứa ý tưởng định hướng phát triển đất nước trong vòng 100 năm tới.
Trong các thảo luận về Nghị quyết 68 (về phát triển kinh tế tư nhân), có hai câu hỏi được giới chuyên gia và doanh nhân trở đi trở lại đó là: “Nhà nước chân thành đến đâu với kinh tế thị trường?”; và “Những chính sách này bền vững đến đâu, có khi nào lại “quay xe” nữa không?”
Nhìn lại lịch sử, những băn khoăn của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trong hai câu hỏi trên là hoàn toàn chính đáng. Nhưng, đó là một cách đặt vấn đề có phần “phiến diện”, mà một câu trả lời đầy đủ, một cách nhìn toàn diện hơn, có thể tìm thấy được ngay trong lời TBT Tô Lâm tôi vừa trích dẫn ở trên.
“Ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh”.
Khi đặt câu hỏi về độ chân thành của Nhà nước với kinh tế tư nhân, và khả năng “quay xe chính sách” là chúng ta đang đặt toàn bộ gánh nặng quyết định lên vai Nhà nước mà quên đi quyền hạn và nghĩa vụ của chính bản thân mình. Rằng chính chúng ta cũng phải tham dự vào quá trình thay đổi này. Rằng chính chúng ta cũng phải kề vai gánh vác quá trình thay đổi này để biến sự “thiếu chân thành” (nếu có) thành “chân thành”, biến việc “quay xe” (nếu có) thành “không thể đảo ngược”.
Tôi sẽ đặt hai câu hỏi ngược lại: “Chính bản thân các bạn có nghĩ mình đã thực sự chân thành với kinh tế thị trường chưa?”; và “Chính bản thân các bạn có nghĩ mình sẽ đủ sức chịu được được kỷ luật sắt lạnh lùng của pháp luật hay không?”.
Hai câu hỏi này dành cho giới doanh nhân và tất cả người dân.
Để một thay đổi thành công, đó phải là quá trình hai mặt, cả Nhà nước và Xã hội cùng song hành. Chúng ta không thể vừa giữ thói “sân sau – đút lót – quan hệ”, vừa giữ thói “vượt đèn đỏ – leo lề – lấn làn – nhậu xỉn lái xe”, vừa đòi hỏi một thay đổi căn cốt.
Không thể có thứ gì dễ dãi đến vô lý như vậy được, nhất là với một xã hội vốn đã từ lâu quen với “lệ” hơn là “luật” như xã hội Việt Nam.
Muốn thay đổi phải có sức mạnh, mà sức mạnh hàng đầu nằm ở kỷ cương, mà kỷ cương hàng đầu là kỷ cương pháp luật.
Ý tưởng về một “Xã hội đóng – Kinh tế mở” như mô hình Singapore, theo tôi, dù có thể sẽ có rất nhiều tranh cãi, nhưng cần thiết và phù hợp với Việt Nam (có lẽ trong ít nhất là vài thập kỷ tới).
Câu nói “Ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh”, của TBT Tô Lâm có thể hàm chứa ý tưởng này.
Mọi quá trình cải cách, dù từ trên xuống, hay từ dưới lên, không bao giờ là một quá trình một chiều. Đó luôn phải là một quá trình hai chiều, mà ở đó Xã hội phải đáp ứng được các cải cách của Nhà nước (từ trên xuống) và ngược lại Nhà nước cũng phải đáp ứng được các đòi hỏi thay đổi của Xã hội (từ dưới lên).
Xã hội cần sức mạnh cải cách từ Nhà nước, nhưng ngược lại Nhà nước cũng cần sức mạnh đáp ứng thay đổi của Xã hội. Đó là một cuộc chạy đua, vừa để sinh tồn, vừa để vươn tới thịnh vượng, tự do. Và đó, tất nhiên, không bao giờ là một quá trình dễ dàng – êm ái, và thường khi, nó là một quá trình khó khăn, thậm chí đau đớn. (Nếu cần các dữ liệu thực tiễn và lịch sử chứng minh, xin mời các bạn tìm đọc cuốn “Hành lang hẹp – The Narrow Corridor” của hai tác giả: Daron Acemoglu và James A. Robinson).
Nếu tất cả chúng ta (người dân) sẵn sàng nhận thức, tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm vào toàn bộ quá trình cải cách đang diễn ra (từ phía Nhà nước), thì tôi tin rằng, sẽ đến lúc câu hỏi về “sự chân thành” hay khả năng “quay xe” trở nên vô nghĩa, vì khi đó có thể chúng ta đã ở một “hoàn cảnh cơ bản mới” mà mọi thứ là “không thể đảo ngược”. (Nhưng như tôi nói ở trên, quá trình này có thể mất vài thập kỷ, trước khi chúng ta có thể tiến tới một “Xã hội mở” đúng nghĩa).
Nói thêm một chút về những thay đổi, cải cách đang diễn ra. Mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng, riêng tôi, tôi nhìn những thay đổi, cải cách này ở ba trụ cột, đó là: Hành chính, Giáo dục và Tư pháp (sẽ nói cụ thể ở dưới). Tôi cho rằng, những cải cách có hiệu quả sớm thấy nhất sẽ đến từ cải cách hành chính. Những cải cách mang đến hiệu quả thấy được trong 10-20 năm sẽ đến từ giáo dục. Nhưng những cải cách quan trọng nhất, nền tảng nhất, căn bản nhất có thể mang đến sự phát triển bền vững trăm năm, ngàn năm phải đến từ tư pháp.
BA TRỤ CỘT THAY ĐỔI
HÀNH CHÍNH: Mọi chính sách, pháp luật tốt sẽ chỉ nằm trên giấy nếu không được thực thi, mà bộ phận thực thi hàng đầu, tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ, mọi lúc, mọi nơi với người dân, doanh nghiệp chính là bộ máy hành chính. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi “cải cách có chân thành hay không”, rất thường khi được người dân, doanh nghiệp lập tức trả lời ngay khi họ vừa đụng đến “bộ máy hành chính”. Mọi chính sách, pháp luật tốt, mọi sự thành tâm của lãnh đạo ở trên có thể bị “đổ sông đổ biển” chỉ với một sự tắc trách, thậm chí chỉ một cái lườm nguýt của một anh/chị cán bộ hành chính cấp xã. Một bộ máy hành chính chuyên nghiệp với tinh thần phục vụ (thay vì quản lý), thông suốt từ cấp trung ương đến cấp xã, vì thế phải là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu. Bởi chính nơi đây, người dân, doanh nghiệp sẽ cảm nhận thấy rõ rệt nhất, tức thời nhất, những cải cách và thay đổi đang diễn ra.
GIÁO DỤC: Dù chưa có nhiều dấu ấn nhưng nền giáo dục của chúng ta cũng đang thay đổi. Tự chủ và nghiên cứu ứng dụng thực tiễn đang là hai xu hướng rõ nét với các trường đại học. Đây là bước đi cần thiết phù hợp với nhu cầu chuyển đổi nền kinh tế, tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn. Phần gốc rễ căn bản vẫn phải là giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà. Đất nước trong kỷ nguyên mới thì cũng cần những con người mới, đó chính là nhiệm vụ của giáo dục. Những chính sách như miễn học phí, miễn ăn trưa (ở một số địa phương) rất thực tiễn, rất tốt, nhưng chưa đủ. Giáo dục cần hơn thế, đầu tiên phải thay đổi từ triết lý. Muốn có đất nước tự lực, tự cường thì từng người dân và mỗi người dân phải là những con người tự cường, tự trị. Đó chính là con người mới mà giáo dục phải tạo nên. Nhưng để đạt được điều này thì phải thay đổi nhận thức, đầu tiên và trên hết là từ những người làm giáo dục, những nhà quản lý, và quan trọng hơn cả là chính đội ngũ giáo viên. Phải làm sao để chính những nhà quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên cũng phải nhận thức và tham gia tích cực vào quá trình cải cách đang diễn ra. Để họ có thể nhận thức về nhiệm vụ mới của mình, không phải là tạo nên những con người công cụ như trước nữa, mà những con người tự cường, tự trị, những chủ nhân tương lai, những người sẽ giữ thành quả và đến lượt mình, tiếp tục công cuộc cải cách đất nước bây giờ.
TƯ PHÁP: Trong “bộ tứ chiến lược” Nghị quyết 57-59-66-68, chỉ có hai nghị quyết mà TBT trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo là Nghị quyết 57 về đổi mới công nghệ và Nghị quyết 66 về đổi mới pháp luật. Đây là chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng pháp luật trong tiến trình cải cách. Muốn có chính sách, pháp luật tốt phải có đội ngũ làm luật, làm chính sách tốt. Nghị quyết 66 đã đưa ra những cơ chế, phương thức mới được giới chuyên gia cho rằng đã thay đổi căn bản cách xây dựng, chính sách, pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết 66 cũng có những sửa đổi thể hiện cái nhìn rất “thực tiễn” chẳng hạn như cơ chế “thuê khoán chuyên gia” tham gia vào việc xây dựng pháp luật, bỏ hẳn cơ chế hành chính trước đây. Tăng lương gấp đôi, ưu tiên thăng tiến cho đội ngũ làm chính sách, pháp luật ở các cơ quan, bộ-ngành. Hàng loạt luật, chính sách được ra đời, sửa đổi với tốc độ chóng mặt và được đánh giá cao, trong thời gian qua có thể là hệ quả của chính những cải cách, sửa đổi trong chính khâu xây dựng pháp luật này.
Tuy nhiên, có được chính sách, pháp luật tốt mới chỉ là bước sơ khởi, thực thi mới là khâu then chốt, quyết định. Tức là hệ thống tòa án, kiểm sát cũng phải thay đổi tương ứng, mà thay đổi quan trọng nhất với tòa án đó là làm sao để có được sự độc lập tư pháp. Tức là đội ngũ bảo vệ, thực thi pháp luật ở bên dưới cũng phải thay đổi tương ứng, mà thay đổi đầu tiên phải là giữ vững kỷ cương và tuân thủ pháp luật. Không thể nào nói đến kỷ cương khi chưa có kỷ cương ở trong chính đội ngũ bảo vệ, thực thi pháp luật. Họ cũng như những người trong bộ máy hành chính, những người tiếp xúc thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ với người dân, sẽ là những người thay mặt Nhà nước trực tiếp trả lời cho câu hỏi “những cải cách này có chân thành hay không?”.