Tội ác chiến tranh và tấm hình “Em bé Napalm”

Trương Nhân Tuấn

21-5-2025

Chuyện ai là tác giả tấm hình “Em bé Napalm” um sùm nhiều tuần qua trên mạng Facebook tiếng Việt lẫn báo chí nước ngoài, đặc biệt trên BBC News Tiếng Việt. Tấm hình này được cho là chụp từ năm 1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh.

Tấm hình “Em bé Napalm” nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ. Không phải vì tác giả ông X hay ông Y “nổi tiếng”, kiểu Picasso. Nó nổi tiếng chỉ vì bối cảnh trong tấm hình: Một bằng chứng tố cáo “tội ác chiến tranh” của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Trong nghề nghiệp, người Tây phương thường có cái gọi là “đạo đức nghề nghiệp”. Chuyện “đạo văn” hay “chôm ý tưởng” trong thế giới người Việt không mấy ai quan tâm. Cho tới những “bậc” trưởng thượng nhứt, kiểu ông Hồ, ông Trọng, hay bây giờ là ông Tô Lâm… tất cả những người này đều có (ít nhứt) một lần “chôm” ý tưởng, hay “đạo văn” của người khác. Ông Hồ với tập “Ngục trung nhật ký”. Ông Trọng với tập “Quản lý nhà nước” của Tập Cận Bình. Ông Tô Lâm với Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, đi sau Trung Quốc vài tháng.

Còn trong giới văn chương, hàn lâm… chuyện đạo văn phổ cập như chuyện “xe cán chó”. Ai cũng có thể “chôm” tác phẩm của người khác. Ai cũng có thể “bưng nguyên con” ý tưởng của người khác “dán” vào tác phẩm của mình. Nhưng đối với Tây phương thì chuyện “đạo văn”, chôm ý tưởng của người khác là chuyện quan trọng. Ở tù như chơi. Không ở tù thì thân bại danh liệt. Sẽ không còn ai tin tưởng vào một người ăn cắp hết cả. Đạo văn hay đạo ý tưởng đều là hành vi ăn cắp. Chữ “đạo” trong “đạo văn” có nghĩa là “ăn cắp”.

Vì vậy, hết sức ngạc nhiên khi dư luận người Việt, đặc biệt trong nước, lại quan tâm đến chuyện ai là tác giả tấm hình “Em bé Napalm”?

Cùng thời điểm với vụ “xì-căng-đan” ai là tác giả tấm hình, nhân “ăn mừng chiến thắng 30-4”. Báo Việt Nam “rón rén” vén màn sự thật lịch sử là đã có 311 ngàn quân Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến “đánh Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam”. Đạo quân tương đương 30 sư đoàn TQ đã đụng độ 1659 trận, với tổn thất 771 người chết và bị thương 1.675 người.

Nói “rón rén” vì đến nay hầu như không người Việt Nam nào biết đến chuyện này. Những câu hỏi vớ vẩn của các luật sư, học giả… trong các “tút” tôi viết về chuyện này đã chứng minh.

Đây là lần đầu tiên Cộng sản Việt Nam nhìn nhận có sự hiện diện của quân Trung Quốc trên chiến trường Việt Nam, trong chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”. Và cũng lần đầu tiên quân Trung Quốc tham gia diễn hành ăn mừng chiến thắng, chung với quân Việt Nam, trên đất nước Việt Nam.

Sự kiện này đã đặt lại toàn bộ các vấn đề về “Chiến tranh Việt Nam”. Ngay cả vấn đề “tội ác chiến tranh” mà tấm hình “Em bé Napalm” là một bằng chứng.

‘Rước voi giày mả tổ’ hay là ‘cõng rắn cắn gà nhà’? Đọc lại lịch sử Việt Nam để thấy rằng người Việt Nam không chấp nhận chuyện mượn tay ngoại bang để tiêu diệt lẫn nhau.

Sự hiện diện của 30 sư đoàn quân Trung Cộng trên chiến trường Việt Nam, về phương diện công pháp quốc tế, “Chiến tranh Việt Nam” có thể bị xếp vào mục “Chiến tranh xâm lược – aggression”. Quân miền Bắc hợp đồng với quân Trung Quốc xâm lược miền Nam. Quân Mỹ (và quân VNCH) chưa bao giờ bước chân qua bắc vĩ tuyến 17. Không thể gọi Mỹ là “quân xâm lược”.

Đối với Cộng sản Việt Nam, tất cả những lập luận về cuộc chiến “thần thánh” chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam phải được xét lại.

Mỹ có phải là “Đế quốc xâm lược” hay không? Việt Nam Cộng Hòa có “bán nước” hay không? Có là “tay sai” cho Mỹ hay không? Dân miền Nam có sống dưới ách “kềm kẹp của Mỹ, ngụy” hay không? Học giả, sử gia Việt Nam có đủ “đạo đức nghề nghiệp” như đồng nghiệp Tây phương để đặt lại các vấn đề đó hay không?

Theo tôi, vụ truy tầm ai là tác giả tấm hình “Em bé Napalm” xảy ra vào lúc này là có chủ đích. Người ta muốn đặt lại vấn đề về “tội ác chiến tranh”, thông qua việc tìm hiểu ai là tác giả tấm hình.

Tuần lễ cuối tháng Tư, sau khi biết rằng chính phủ Mỹ không cho phép các quan chức Mỹ tham dự cuộc “ăn mừng chiến thắng 30-4”, phát ngôn nhân Việt Nam trả lời vụ này rằng: “…Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của lương tri, của chính nghĩa, chấm dứt mất mát đau thương không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn biết bao gia đình người dân Mỹ…

Lương tri là gì? Lương tri là “khả năng hiểu biết, nhận thức đúng đắn điều phải trái, đúng sai, hình thành ở con người qua thực tiễn cuộc sống”.

Chính nghĩa là gì? Chính nghĩa là hợp với đạo lý, đúng đắn về mặt đạo đức.

Cộng sản Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam. Tức là họ tự nhận rằng họ là “lương tri”, “chánh nghĩa”.

Là một người có khả năng nhận thức đúng sai, ta phải thừa nhận rằng “Chiến thắng 30-4” là chiến thắng của sự dối trá trên sự thật. Nói như nhà văn Dương Thu Hương thì đó là chiến thắng của man rợ đối với văn minh. Nói kiểu chính trị thì đó là chiến thắng của một tập đoàn vô lại đối với lương tri của cả một dân tộc (và nhân loại).

Chánh nghĩa ở đâu khi hung tàn bạo ngược đã chiến thắng luân thường và đạo lý làm người?

Cộng sản Việt Nam đã thành công che mắt cả thế giới sự tham gia của 30 sư đoàn quân Trung Cộng trong hàng ngũ của họ, suốt khoảng thời gian 1954-1975.

30 sư đoàn lính Trung Cộng đứng dưới danh nghĩa nào để “đánh Mỹ cứu nước – giải phóng miền Nam”? Ngoài danh nghĩa “xâm lược” thì không có lý lẽ nào để biện minh.

50 năm sau cuộc chiến, mở TV, đọc báo Việt Nam là người ta thấy lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục huyêh hoang ăn mừng chiến thắng, cường độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ gào thét trên mạng YouTube, trên TV, trên loa phường… các bài hát “rực máu”, kiểu “diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”, “Xiên thây quân cướp nào vô đây, còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo, em chưa ngừng tay vót chông và bủa vây…

Vừa ăn cướp vừa la làng! Cộng sản Việt Nam muốn Mỹ bồi thường chiến tranh. Muốn Mỹ đối mặt với những nạn nhân chiến tranh, như “Em bé Napalm”, nạn nhân Mỹ Lai v.v…

Lịch sử đã bạch hóa. Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là phía xâm lược. VNCH và Mỹ là phía tự vệ.

Câu hỏi đặt ra là, Mỹ, VNCH hay Cộng sản Việt Nam là phía chịu trách nhiệm về nạn nhân chiến tranh?

Trường họp Do Thái càn quét dải Gaza để trả thù cho chiến dịch thảm sát người dân Do Thái của Hamas. Trên 40 ngàn người chết và hàng triệu người màn trời chiếu đất, cho ta thấy một thí dụ.

Chính phủ Mỹ đã sáng suốt quyết định không tham dự cuộc diễu hành 30 tháng 4. Bang giao với Việt Nam xem ra cũng sẽ được Mỹ xét lại. Từ kinh tế cho tới địa chiến lược. Điều theo tôi là quan trọng trong bài viết này, thái độ của trí thức Việt Nam ra sao trước những tội ác trong chiến tranh Việt Nam?

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts