Nguyễn Hoàng Văn
25-5-2025

Theo dõi cuộc “đấu trí” giữa Donald Trump với hai nước láng giềng là Canada và Mexico về thương mại, tôi không thể không nghĩ đến sự chú trọng của Napoleon Bonaparte (1769 – 1821) với yếu tố thời gian trong những toan tính chiến lược.
Nhưng đầu tiên, với tôi, cách đấu trí đó lại gợi nhớ cái tuổi ấu thời với những “tối hậu thư hai rưỡi”. Cái tuổi trẻ ranh tập tành làm người hùng hay thủ lĩnh mafia, dõng dạc ra lệnh những đối thủ đồng trang lứa, rằng tao đếm đến ba thì mày phải làm cái này, cái kia, tỷ như tránh qua một bên nhường đường, trả lại hòn bi đã giật, nhặt cái mũ trên đầu vừa hất xuống đất v.v…
Mạnh miệng như thể đổ máu tới nơi, nhưng, khi giây phút “tối hậu” đã cận kề mà đối phương vẫn không tỏ dấu hiệu nao núng, thì nhũn ra và chuyển sang… “thời kỳ quá độ”. “Hai” không mạnh dạn tiến thẳng lên “ba” mà chờn vờn ở giữa, đã rời bờ mà vẫn chưa tới bến đúng nghĩa “quá độ”: “Một, hai, … hai rưỡi”.
Trò hăm dọa “hai rưỡi” tưởng chỉ là của đám trẻ ranh, vậy mà, bây giờ, cũng là trò chơi chính trị của con người quyền lực nhất thế giới. Khi hoãn tới hoãn lui việc áp dụng thuế quan với Canada hay Mexico, một Donald Trump từng hùng hùng hổ hổ cũng nhũn ra như thế, cũng “thời kỳ quá độ” như thế, bởi vì đối phương cho thấy họ không hề nao núng, không phải là thứ dễ bị bắt nạt.
Đến lượt Napoleon, một thiên tài quân sự với những di sản sống mãi về văn hóa, giáo dục, hành chánh và luật pháp. Khi nhìn vào cái chiến lược mà Trump đang thực hành thì thiên tài này sẽ đánh giá như thế nào?
Chiến lược, theo Napoleon, là “nghệ thuật vận dụng thời gian và không gian”, trong đó thời gian phải là ưu tiên một bởi không gian mất vẫn có thể lấy được, còn thời gian mà mất thì mất luôn: “Strategy is the art of making use of time and space. I am less concerned about the later than the former. Space we can recover, lost time never”. Nghĩa là: “Chiến lược là nghệ thuật sử dụng thời gian và không gian. Tôi ít quan tâm đến cái sau hơn là cái trước. Không gian chúng ta có thể khôi phục, nhưng thời gian đã mất sẽ không bao giờ khôi phục được“.
Như thế, nếu thực sự tin vào việc bảo toàn quyền lợi cho nước Mỹ bằng cuộc chiến thuế quan, tại sao Trump phải liên miên để mất thời gian bằng trò “tạm hoãn”?
Mà nói đến chiến lược thì phải nói đến ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và, ở đây, Trump bị hỏng hết cả ba.
Nga đang kẹt ở Ukraine. Nếu Mỹ tiếp tục đóng vai trò của vị cứu tinh, không chỉ với Ukraine mà với cả Âu châu như đã từng làm thế dưới thời Joe Biden, ít ra cái khẩu hiệu “nước Mỹ vĩ đại” cũng thành tựu phần nào. Làm thế thì Mỹ sẽ vĩ đại ngời ngời như đấng anh hùng thống lĩnh thế giới, như đã từng thế vào Đệ nhất rồi Đệ nhị thế chiến. Mà đã thống lĩnh về an ninh – chính trị thì ưu thế kinh tế – thương mại sẽ là chuyện đương nhiên, như đã từng thấy sau hai cuộc đại chiến.
Không hiểu được cái lẽ đương nhiên này là một. Trump cũng hoàn toàn mù tịt về mắc mứu lịch sử chẳng có gì phức tạp lắm trong quan hệ Nga – Ukraine.
Ukaine từng được thế hệ trước của chúng ta gọi là Uy Kiên theo lối phiên âm Hán Việt, hay phổ biến hơn là Tiểu Nga và chính cái tên này chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của đất nước này với Nga. Hoàn toàn trống trải với địa hình thảo nguyên nên khả năng phòng thủ của Nga rất yếu và, nhìn lại lịch sử, những đội kỵ binh của Napoleon hay đội quân cơ giới của Adolf Hitler đã tiến quân ào ào theo thế chẻ tre, xông thẳng đến thủ đô Moscow. Để chống cự thì, cả hai lần, Nga chủ yếu trông cậy vào cái lạnh cực kỳ khắc nghiệt của mùa Đông nhưng, “Đòi được vạ thì má đã sưng”, đợi đến lúc đó thì đất nước đã tan hoang ra rồi. Chính vì vậy nên, trong chiến lược lâu dài, Nga hiểu là mình phải tạo những vùng đệm an toàn từ xa mà điểm then chốt là Ukraine.
Âu châu đang nắm trong tay cái cơ hội ngàn năm một thuở nhằm bóc bỏ cái trái độn ấy, bảo vệ nền an ninh của mình và khiến Nga trở nên yếu thế hơn bao giờ hết. Nhưng Trump lại ra tay phá bĩnh, nối giáo cho giặc!
Trong cái nhìn chiến lược, đã đánh mất thời gian, Trump còn để mất cả không gian. Nếu cha ông chúng ta chủ trương “Bán bà con xa mua láng giềng gần” thì Trump, thực sự, đang bán bà con gần chỉ để mua kẻ thù xa.
Gần là Canada, Mexico và là “bà con” bởi, từ năm 1992, đã cùng ký vào “Thỏa ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ” (North American Free Trade Agreement: NAFTA). Kẻ thù xa là Nga nhưng nói “mua” thì quá vinh dự cho Trump. Thực chất, những gì đang diễn ra cho thấy Trump đang bán nước Mỹ cho Nga, nhưng bán với giá không đồng: Nga không tốn cái gì cả nhưng lại được rất nhiều!
Từ một góc độ khác thì, phải chăng, Trump đang học theo Tần Thủy Hoàng?
Để thôn tính lục quốc, Tần Thủy Hoàng đã theo lời Phạm Thư thực hiện chiến lược “Viễn giao cận công”: Nước gần như Hàn thì đánh chiếm trước nhất, nước xa là Tề thì kết thân rồi đánh chiếm cuối cùng, sau một giai đoạn kéo dài đến 10 năm. Nhưng Trump? Chẳng lẽ ông ta điên rồ đến mức tính toán đến việc nuốt chửng Canada và Mexico trước, sau đó mới tính sổ với Nga?
Nuốt chửng lục quốc, Tần Thủy Hoàng đã tiến hành rất nhiều cải cách quan trọng để thống nhất Trung Hoa nhưng cần nhớ rằng, chỉ ba năm sau khi ông ta qua đời vì bệnh, ở tuổi 49, nhà Tần lại bị diệt vong. Cơ nghiệp khổ công xây dựng trong 37 năm làm vua, đặc biệt là trong 12 năm xưng hoàng đế, đã tan thành mây khói và, ngày nay có nhắc lại, chủ yếu người ta chỉ nói về Tần Thủy Hoàng như là một kẻ “phần thư khanh Nho”, đốt sách chôn học trò.
Và Trump, vẫn chưa đến mức “phần thư” nhưng rõ ràng Trump là một kẻ “bài thư”, từ mà tôi nghĩ ra với hai tầng nghĩa khác nhau.
Đầu tiên thì “bài thư”, để tạm dịch từ dylexia hay bibliophobia mà giới quan sát cho rằng Trump đang mắc, cái hội chứng khó đọc hay nói gọn là bệnh chán chữ hay ngán chữ, sợ sách. Nếu đó là bệnh lý cá nhân thì chính căn bệnh cá nhân này đã gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho nước Mỹ.
“If you’re reading this sentence, you’ve read more than the president has today”. (Nếu bạn đang đọc câu này, bạn đã đọc nhiều hơn tổng thống đã đọc trong ngày hôm nay), nhà bình luận Winsor Mann đã viết như thế hồi tháng 5 năm 2020. Theo Mann thì chính căn bệnh này đã biến Trump trở thành một tội đồ với những phản ứng vô trách nhiệm nếu không muốn nói là “ngu xuẩn” trong đại dịch Covid: Trong hai tháng đầu năm, Trump đã phớt lờ hơn một tá những báo cáo tình báo về bệnh dịch này, chỉ vì quá ngán chữ hay sợ chữ, không chịu đọc! [1]
Và đây cũng là điều sẽ khiến Napoleon chê Trump. Thiên tài quân sự của Napoleon xây dựng trên cả nền tảng văn hóa bởi ai cũng biết, ông ta là một con mọt sách, đọc rất nhiều: “Read over and over again the campaigns of Alexander, Hannibal, Caesar, Gustavus, Turenne, Eu-gene and Frederic. … This is the only way to become a great general and master the secrets of the art of war”. (Hãy đọc đi đọc lại các chiến dịch của Alexander, Hannibal, Caesar, Gustavus, Turenne, Eugene và Frederic… Đây là cách duy nhất để trở thành một tướng lãnh vĩ đại và thủ đắc nghệ thuật chiến tranh).
Nhưng Trump còn “bài thư” trên ý nghĩa “phản trí thức” qua những chính sách thù hằn với tri thức và sự truyền bá tri thức. Trump đã “bài” như thế qua việc phá hoại nền giáo dục Mỹ như giải tán Bộ Giáo dục liên bang. Trump đã “bài” như thế với những quyết định hành pháp thù địch với các đại học và sinh viên. Và Trump cũng đã “bài” như thế với việc xóa bỏ các cơ quan truyền thông có chức năng phổ biến giá trị Mỹ trên toàn cầu như VOA.
Sợ đọc nhưng Trump lại rất to mồm và đây cũng là điều để Napoleon chê: “You do not get peace by shouting: Peace. Peace is a meaningless word; what we need is a glorious peace.” Nghĩa là: “Bạn không thể đạt đến hòa bình bằng cách kêu gào: Hòa Bình. Hòa bình chỉ là một từ vô nghĩa; những gì mà bạn cần là một một nền hòa bình trong vinh quang“.
Nhưng đó chính là điều mà hai thầy tớ Trump và JD Vance làm cả thế giới văn minh sững sờ hay giận dữ khi đón ông Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, tại Tòa Bạch ốc. Cả Vance và Trump thi nhau gào rống về một thứ hòa bình chỉ có trên lưỡi trong khi cái mà nhân dân Ukraine thực sự đòi hỏi một thứ hòa bình có thật, hòa bình trong danh dự.
Thầy nào tớ đó, từ tổng thống đến phó tổng thống, rồi các ông bộ trưởng, cố vấn, phụ tá, ai cũng thế cả thì chúng ta còn có kỳ vọng nào về cái chính quyền này? Nói theo Napoleon: “If you build an army of 100 lions and their leader is a dog, in any fight, the lions will die like a dog. But if you build an army of 100 dogs and their leader is a lion, all dogs will fight as a lion.” Nếu chúng ta xây dựng một đạo quân gồm 100 con sư tử đặt dưới trướng một con chó thì, trong bất cứ trận chiến nào, sư tử sẽ chết như chó. Nhưng nếu chúng ta xây dựng một đạo quân gồm 100 con chó đặt dưới trướng một con sư tử, cái đội quân toàn là chó này sẽ chiến đấu như một bầy sư tử.
Cái bi hài kịch của nước Mỹ hiện tại là nhà lãnh đạo tối cao không hề là sư tử, mà những kẻ răm rắp phục tùng ông chủ này cũng không đáng mặt sư tử. Và, dẫu rất hùng mạnh, rồi đây Quân đội Mỹ sẽ chiến đấu như thế nào với một ông tổng tư lệnh tối cao từng trốn lính, từng mạt sát những anh hùng gặp nạn trong lửa đạn như John McCain, lại đang nhẫn tâm cắt giảm quyền lợi của các cựu chiến binh và bôi xóa lịch sử của nó khi chối bỏ các anh hùng và tử sĩ da màu?
Và nói đến quân đội, nói đến chiến đấu, ắt phải bàn đến những trường hợp diễn ra ngoài ý muốn, tình trạng tội phạm chiến tranh mà, trong cái nhìn của Napoleon: “In war, as in politics, no evil – even if it is permissible under the rules – is excusable unless it is absolutely necessary. Everything beyond that is a crime”. Trong chiến tranh hay chính trị, không có sự độc ác nào — cả khi được phép theo luật lệ — được tha thứ, trừ khi nó tuyệt đối cần thiết. Bất cứ hành vi nào xâm phạm giới hạn này đều là tội phạm.
Còn Trump thì đã làm gì? Trump không chỉ “tha thứ” cho những tội ác man rợ của Vladimir Putin và Benjamin Netanyahu mà chúng ta chứng kiến ngày ngày trên ti vi. Trump thậm chí còn đóng vai đồng lõa và đồng minh đắc lực của hai tên tội phạm chiến tranh này.
Nhưng ít ra cũng có một sự tương đồng nào đó, trong thói quen ăn uống. Trump thì khét tiếng với thức ăn nhanh, McDonald’s, Burger King, KFC hay pizza và, thậm chí, có khi mời khách đến Tòa Bạch ốc, Trump chỉ đãi toàn… McDonald, đến mấy đống [3]. Còn Napoleon thì với thói quen của giới võ biền, ăn uống rất nhanh, không bữa nào kéo dài mười phút và đây là cái dở của ông ta về chính trị.
Trong những tháng ngày lưu đày trên đảo Elba, có cơ hội suy gẫm về những vấp ngã của đời mình, Napoleon mới lấy làm hối tiếc đã không học theo Louise XIV (1638 – 1715), vị minh quân không chỉ làm nở rộ nghệ thuật ẩm thực Pháp mà còn có thể khai thác bàn tiệc như một cuộc duyệt binh. Âu châu thời ấy phát sốt với những gia vị và hương liệu phương Đông, tưởng không bao giờ thoả mãn nổi và, với bàn tiệc ăm ắp những miếng ngon hiếm có và đắt tiền ấy, Louis XIV đã chứng tỏ được quyền lực của người đang làm chủ những tuyến đường hàng hải chiến lược và do đó càng củng cố và thu hút các quan hệ đồng minh [4].
Nhận ra điều này nên Napoleon mới tự trách mình. Nếu ông ta dứt bỏ được cái thói quen ăn uống chóng vánh? Nếu ông ta biết tổ chức những yến tiệc linh đình để, qua những bữa ăn khề khà kéo rê mà xây dựng đồng minh chính trị? Làm được như thế thì biết đâu, sự nghiệp của ông ta đã không đứt ngang với một kết thúc buồn.
Nếu Napoleon hối hận vì đã không ăn chậm hơn thì, cơ hồ, cho đến nay, Trump vẫn chưa đoạn tuyệt với thức ăn nhanh và, liệu, mai này, Trump có hối hận như thế hay không?
Không ai biết trước cái gì sẽ xảy ra cả mà, hiện tại, bao nhiêu là nhà lãnh đạo dân túy với quyền lực nghiêng trời đang chờ ra tòa? Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đã bị chính Cảnh sát Philippines tóm cổ để đưa ra Tòa án quốc tế với những cáo buộc chống lại con người. Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, từng được mệnh danh là Trump của Brazil, đang bị truy tố ra tòa với cáo buộc âm mưu đảo chính sau cuộc bầu cử năm 2022. Và Yoon Suk Yeol, Tổng thống Nam Hàn, đã bị bắt và tống giam giữa lúc đang nhậm chức vì hành vi lạm dụng quyền lực, xâm phạm hiến pháp và, hiện tại, dù được phóng thích, vẫn phải mất chức và chờ ra tòa.
Trong cái đà này thì, mai này, khi phải trả lời trước pháp luật về những hành vi tư lợi, xung đột lợi ích và, thậm chí, thông đồng với kẻ thù, Trump sẽ phải hối tiếc vì cái tật chỉ khoái khẩu với fast food?
Nếu thật sự có một ngày mai như thế thì, lúc đó, dẫu ngoái cổ nhìn trước nhìn sau rồi nhìn trái nhìn phải, Trump cũng chẳng thể nào tìm ra một đồng minh trung thành, là những cộng sự viên đã từng chia sẻ với mình không khí ấm áp của một bữa ăn gia đình chứ không phải là một đống fast food vô hồn…
__________
Tham khảo:
3. https://www.buzzfeednews.com/article/mbvd/trump-fast-food-burgers-pizza-clemson-white-house
4. Roy Strong (2002) Feast: A History of Grand Eating, London: Jonathan Cape, trang 276. Bình Luận từ Facebook