Chuyện Việt Nam: Học giả, Bằng thật

Cuộc sống lúc nào cũng phải học. Tuy nhiên thời buổi nặng hình thức thì học gì buộc cũng phải có chứng chỉ, văn bằng trưng ra mới được tin tưởng. Đi xin việc kê khai ra càng nhiều càng tốt làm chứng cớ chứ không thể nói suông.

Nếu làm việc trong khu vực tư, nhân viên chỉ đòi hỏi năng lực nhưng ở lãnh vực công thì lúc nào cũng trọng bằng cấp. Ngoài bằng chuyên môn, luôn luôn có hai thứ nữa thường buộc phải đi cùng là ngoại ngữ và tin học.

Vì thế người ta lao vào cuộc chiến bằng cấp như thiêu thân.

Bằng cấp là yếu tố đầu tiên khi nộp đơn xin việc ở bất cứ nơi đâu. Thấp nhất công nhân cũng phải tốt nghiệp trung học. Còn các công việc “chữ nghĩa” thì tệ lắm là cao đẳng, đại học.

Nói tới học là đi kèm học phí, thời gian, công sức… Nếu không muốn mất thì giờ, công sức do bận sinh kế, do học chữ không vào đầu, thời hạn nộp văn bằng gấp quá, hay mắc bận ăn chơi… thì cũng có cách giải quyết là ra chợ mua bằng. Có cầu ắt có cung. Chợ rao hàng thượng vàng hạ cám đầy dẫy trên Net. Ở Nghệ An, một văn bằng cử nhân chỉ có giá bảy trăm ngàn mà theo cơ quan điều tra thì rất tinh vi, giống y như thật, phải… mắt thần mới phát hiện nổi. Hoặc ở Hà Nội, bằng Tiến sĩ cũng chỉ có ba triệu đồng quèn… Thật là rẻ rề rẻ mạt.

Năm ngoái,xưởng” sản xuất bằng giả ở vùng ven Sài Gòn bị tịch thu 50.000 bằng giả cùng 1.600 con dấu giả các cơ quan nhà nước. Đây là đường dây sản xuất bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ tiếng Anh, tin học… có quy mô lớn. với giá 300.000 đồng/bộ. Trung bình mỗi ngày, đường dây này sản xuất năm đến mười bằng cấp giả, thu lợi hàng chục triệu đồng. Việc mua bán bằng ngày càng rầm rộ. Bằng tiến sĩ giả được mua bán giao dịch chớp nhoáng qua… zalo

Tuy nhiên xài bằng giả lúc nào cũng trong tâm trạng hồi hộp lắm. Đang ở chức vụ cao rồi không biết chừng bỗng một ngày tên nào ngứa miệng rêu rao hoặc làm đơn tố cáo. Thế là có thư gửi về tận trường xác minh chẳng thấy tên tuổi nằm ở đâu. Thật… toi cơm. Quê mặt dữ lắm.

Cho nên tốt hơn hết nên xài bằng thật.

Tuyệt nhất là bằng thật hẳn hoi nhưng không mất công học. Học sơ sơ thôi hay nhờ người… học dùm.

Một ông Trưởng Công an xã bị tố cáo không đi học mà vẫn có bằng cử nhân Luật, vậy chắc chắn đó là bằng giả. Ông phân bua tuy không đến lớp thật nhưng đó là bằng thật hẳn hoi vì đã nhờ người đi học hộ, đi thi hộ. Cái gì cũng thật chỉ trừ bản thân ông đi học thì không.

Thật là lại trăm mưu nghìn kế tìm cho ra cái bằng thật 100% tức là chính bản thân đương sự có mặt thi cử, ký tên đàng hoàng chứ không cần nhờ tới người đi học, đi thi hộ nữa. Làm vậy mang tiếng quá.

Nào là đi thi lấy chứng chỉ Tin học. Nộp tiền xong ôn thi hai buổi, vào phòng thi giám thị đọc đáp án cho chép; nào lớp Thạc sĩ mini học trong bốn tháng thật là chuyện hy hữu nghe như đùa… Những lớp học này được chính hiệu trưởng điều khiển thì… chắc như bắp còn ai dám nghi ngờ.

Vào được một cơ quan nhà nước, nếu có bằng cao học sẽ dễ thăng tiến, được ưu tiên đưa vào “diện quy hoạch” tức là nhắm trước trong tương lai sẽ đưa vào chức nào đó: trưởng phòng, giám đốc… chẳng hạn. Hoặc thêm chứng chỉ Anh văn thì sẽ nhiều hy vọng được đi tu nghiệp, đủ điều kiện thi cao học… Chẳng cần biết có làm việc được không, đầu tiên cần bằng cấp trước đã rồi thực lực mặc kệ tính sau.

Thời buổi hội nhập, ngoài tốt nghiệp đại học về chuyên môn của mình, nhiều người lại tiếp tục học đại học thêm một môn khác, một ngành khác, gọi vắn tắt là “văn bằng 2”. Thông thường văn bằng 2 bớt một số môn học về công dân, chính trị. Nếu có môn học trùng với môn đã học ở văn bằng 1 thì được miễn. Vì thế tổng cộng có thể chỉ cần học trong vòng hai, ba năm. Bằng đại học thứ 2 được nhiều người nhắm tới thường là tiếng Anh.

Học IELTS, TOEFL… khó nhất là phần nghe, nói. Có người than lấy cái IELTS còn khó hơn lấy bằng cử nhân bởi cử nhân cứ tà tà rồi cũng qua cầu chứ Anh văn cứ đánh vật với cái máy, nghe đoạn hội thoại hằng trăm lần vẫn chẳng hiểu chút nào.

Học thêm một bằng đại học nữa, nói vậy chứ cày cuốc chữ nghĩa hai, ba năm cũng mệt lắm, dài đằng đẵng!

Nói tới học đương nhiên tốn học phí, thời gian, công sức…

Ngoài tiền bạc cũng tốn kha khá chứ không ít, vì các lớp học ngoài giờ, tại chức được coi là nồi cơm chính của các trường đại học, nhờ thu học phí mà nhà trường sống rủng rỉnh. Lại tính tới công sức thời gian học viên bỏ ra. Hầu hết những lớp này đều học ngoài giờ chứ không phải trong giờ hành chánh để bỏ việc ở sở đó vác laptop đi học. Học viên thường phải học vào buổi tối sau giờ tan sở và hai ngày nghỉ cuối tuần. Thứ Bảy, Chủ nhật người ta đi chơi, xum họp gia đình, họp mặt bạn bè thì học viên vùi đầu đến lớp. Đó là không kể đến những chuyến công tác đi xa…Khi đã đi làm rồi, việc đến lớp thật mệt mỏi chứ không đùa.

Học hành mặc dù lược nhẹ khá nhiều so với giai đoạn học chính quy văn bằng I nhưng vẫn khá chật vật. Thành thử nhiều người muốn đốt cháy giai đoạn, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. “Có tiền mua tiên cũng được” huống hồ mua cái bằng, cái chứng chỉ… Với lại người ta chỉ cần bằng chứ không cần kiến thức. Kiến thức từ chương học không nổi, mà học rồi cũng chẳng thực hành được bao nhiêu.

Bắt trúng tâm lý nôn nóng học văn bằng 2, nhất là Anh văn, nhiều trường đại học mở lớp cấp văn bằng 2 môn Anh văn.

Người học chỉ cần bằng, chủ trường chỉ cần tiền. Thế là thuận mua vừa bán. Thị trường văn bằng hoạt động cực kỳ sôi nồi, lộn xộn. Tiêu biểu cho hoạt động này là trường đại học Đông Đô.

Vừa qua Ban Giám hiệu trường đã bị bắt gồm hiệu trưởng, một phó trưởng phòng cùng hai cán bộ. Từ đó sự việc mới được khui ra khiến ai nấy ngạc nhiên trước cung cách mua bán bằng.ở ngôi trường đại học này.

Không chỉ hoạt động tại các cơ sở của nhà trường, Đường dây cấp văn bằng 2 môn Anh văn “chui” của Đông Đô còn vươn đến nhiều tỉnh, liên kết với khoảng hai trăm cơ sở trên toàn quốc vốn không được cấp phép mở lớp đại học. Những nơi này đều do tư nhân quản lý, tự thuê giảng viên, tự soạn chương trình học. Họ chỉ hợp tác với nhà trường để lấy danh nghĩa và trả cho Đông Đô 35% học phí. 

Mỗi người đóng từ 28 đến 35 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mức tiền phải đóng của những người “may mắn” đến tận trường nộp học phí, còn ai qua “cò” thì phải nộp từ 50 tới 150 triệu đồng.

Được trả tiền nên Đông Đô cấp bằng cho các học viên với thời gian không thể nào chớp nhoáng hơn. Người học chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến hai, ba tháng là được cấp bằng.

Ban giám hiệu nhà trường trực tiếp nhận hồ sơ, hợp thức bài thi, thi kết thúc từng môn, thi tốt nghiệp và cấp bằng cho học viên mà chẳng cần học tập dù ít nhiều cho có. Quả thật các khóa học đều không tổ chức thi tuyển hay thi tốt nghiệp, chẳng cần học viên đến lớp đi học một buổi nào. Nhà trường không phát thông báo tuyển sinh, không lập hội đồng chấm thi, không duyệt danh sách học viên và nhân viên coi thi. Phòng không có camera kiểm soát… Toàn không và không… Rốt cuộc học viên chỉ cần làm mỗi một việc là cặm cụi chép đáp án của hai mươi bảy tín chỉ mà không biết nội dung của những tín chỉ này là gì. Ai chép nhanh hơn một ngày là xong, chép chậm thì hai, ba ngày.

Không hiểu sao việc này nhà trường không làm luôn cho gọn còn bắt học viên chép đáp án làm chi cho tốn thời giờ đến lớp mất một, hai ngày. Chắc là để bảo đảm chính học viên đến phòng thi đàng hoàng chứ không phải nhờ người thi hộ.

Kết quả đến nay có khoảng sáu đến bảy trăm người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu “mua” tại đại học Đông Đô.

Ai mua bằng? Tất nhiên, thường dân chẳng ai bỏ hàng chục triệu đồng mua tấm giấy lộn đó. Mua bằng chủ yếu là “những người có uy tín trong xã hội”. Nói rõ hơn, họ là những cán bộ quan chức nhà nước cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để được quy hoạch, nâng lương, nâng ngạch, thi tuyển biên chế thăng quan, tiến chức… cùng nhiều người đang học thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sinh, hoặc muốn thăng hạng, lên chuyên viên chính… cũng để cuối cùng là nâng lương, thăng chức.

Văn bằng, bảng điểm giả không chỉ đáp ứng nhu cầu của những người muốn “làm đẹp” hồ sơ để xin việc làm, mà còn dành cho những kẻ không có tài nhưng lại thích khoe khoang bản thân. Thay vì khoe của cải, có vẻ khoe bằng cấp sang hơn rất nhiều.

Tấm bằng giả trở thành giấy thông hành để nhiều người chễm chệ trèo cao chui sâu vào cửa quyền. Nó nghiễm nhiên tước đoạt cơ hội việc làm và tương lai của biết bao nhiêu người học thật, bằng thật khác.

Ngoài số bằng đã cấp trên, còn gần bốn ngàn học viên đã và đang theo học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc cấp bằng “chui”, đào tạo “chui” khoảng hơn một trăm tỉ đồng.

Làm như Đông Đô trắng trợn quá nên một số trường cũng có tổ chức gọi là “ôn thi” một hai buổi cho vui rồi thi với đề thi đã nằm hết trong bài ôn.

Năm nay không ít vụ việc đau lòng khác xảy ra trong ngành giáo dục như trường hợp nữ giáo viên quỳ gối trong sân tỉnh để xin gặp lãnh đạo tường trình về việc bị chuyển trường; hay vụ em học trò lớp 1 Trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị quản sinh bỏ quên trên xe đưa đón… Vừa đây ở Long An, buổi thi một lớp trung cấp giáo dục mầm non lên hệ đại học được tổ chức ngay tại… nhà riêng của trưởng Phòng giáo dục huyện Đức Hòa, Long An.

Chính quy mà mua bán như ở chợ thì chẳng lạ các loại giáo dục khác: học “tại chức” tức vừa đi làm vừa đi học, “từ xa” là học không cần đến lớp, “liên thông” là các lớp từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học… càng bát nháo như thế nào. Chịu thua thôi.

Sài Gòn Cô Nương

Related posts