Thiên An
Nhà giáo dục nổi tiếng Montessori đã nói: “Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới”.
Cụm từ “Bàn tay đưa nôi” gây xúc động cho bất cứ ai, bởi nó nhắc nhở chúng ta về người mẹ thân yêu của mình. Bất kể chúng ta đã bao nhiêu tuổi, đã đạt được những thành tựu gì, thì ai ai cũng có một người mẹ để tri ân.
Thực vậy, trong những năm chiến tranh, trên các chiến trường ở khắp thế giới, những người lính đã khóc gọi mẹ của họ khi đang nằm chờ chết. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng nói một câu rất đáng nhớ: “Tất cả những gì tôi đang có, và những gì hy vọng cho mai sau, mọi sự là nhờ ơn người mẹ thiên thần của tôi”. (Nguyên văn: “All that I am, or hope to be, I owe to my angel mother”).
Trong loạt bài của về chủ đề: “Bàn tay đưa nôi: Những người mẹ và con trai”, chúng tôi xin giới thiệu các câu chuyện về những nhân vật xuất sắc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ mình. Mặc dù những người mẹ này có thể là những phụ nữ bình thường trong mắt công chúng, nhưng tình yêu thương, tính cách và nguyên tắc đạo đức của họ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trên những người con trai nổi tiếng.
Winston Churchill (30 tháng 11 năm 1874 – 24 tháng 1 năm 1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất với cương vị Thủ tướng Anh trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác giả, họa sĩ và chính trị gia. Churchill, nói chung, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh. Ông là Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học và là người đầu tiên được công nhận là Công dân danh dự Hoa Kỳ.
Winston Churchill là một hậu duệ của thành viên nổi tiếng đầu tiên trong dòng họ Churchill, John Churchill, Quận công Marlborough thứ nhất. Người cha của Winston và là một chính khách, Ngài Randolph Churchill, là con trai thứ ba của John Spencer-Churchill, Quận công Marlborough thứ Bảy; mẹ của Winston là Lady (“Quý bà”) Randolph Churchill (tên khai sinh Jennie Jerome), con gái nhà triệu phú Mỹ Leonard Jerome. Ngài Randolph và bà Jennie sẽ chẳng bao giờ đạt giải “Cha mẹ xuất sắc nhất của năm”, nhưng những gì họ để lại trong cậu con trai Winston Churchill thì thật vô giá!
Từ nhỏ, Winston rất ngưỡng mộ cha mình, tuy nhiên ông Lord Randolph hiếm khi thể hiện cảm xúc trước mặt Winston. Trong mắt ông, Winston là một cậu bé lười biếng và ngốc nghếch. Vì vậy, khoảng cách giữa hai cha con Winston rất lớn. Trong cuốn tiểu sử “Churchill: Bước đi với Số Phận” (Churchill: Walking with Destiny), Andrew Roberts đã viết rằng, sau một bữa tối của gia đình vào khoảng năm 1930, Thủ tướng Winston nói với con trai của ông như sau: “Thời gian chúng ta dùng bữa tối ngày hôm nay thậm chí còn dài hơn thời gian của tất cả các cuộc hội thoại giữa cha và ông nội con khi ông ấy còn sống”. Mặc dù vậy, Winston vẫn rất trân trọng những kí ức với cha mình.
Winston cũng rất yêu mẹ, nhưng đáp trả tình cảm này của ông lại là sự thờ ơ và xa cách. Bà Jennie rất xinh đẹp và hoạt bát. Dáng vẻ kiều diễm ấy khiến bà nổi bật trong mọi bữa tiệc. Do đặc thù của tầng lớp bà đang sống, Jennie bị cuốn đi bởi những buổi giao lưu, những mối quan hệ ngoại giao trong khi chồng bà bận bịu với sự nghiệp chính trị.
Trong những năm tháng học đường xa nhà, Winston viết rất nhiều bức thư cho mẹ, cầu xin bà đến thăm ông, nhưng bà thường không mấy để tâm. Winston đã từng đứng cuối lớp về kết quả học tập. Trong cuốn tiểu sử “Churchill: Bước đi với Số Phận”, Roberts kể rằng: “Từ năm 1885 đến năm 1892, Churchill viết cho cha mẹ ông 76 lần; nhưng họ chỉ hồi đáp thư ông 6 lần. Phần lớn các bức thư của Churchill không đòi hỏi gì từ bố mẹ, ngoại trừ tình yêu thương và sự quan tâm. Ngược lại, những lá thư cha mẹ gửi cho ông chỉ đầy những lời quở trách và sự nghiêm khắc”.
Vú nuôi Everest
Do quá bận bịu với những mối quan hệ xã hội, và giống như nhiều gia đình khác trong tầng lớp thượng lưu, Bà Churchill trao việc chăm sóc 2 đứa con trai – Winston và Jack – cho vú nuôi Elizabeth Everest, người mà sau này Winston rất yêu mến.
Winston gọi bà bằng cái tên thân thiết là “Woom”. Elizabeth luôn tràn ngập tình yêu thương, dành nhiều sự quan tâm cho Churchill mỗi khi ông ốm bệnh, đưa ra những lời khuyên và biết cách làm ông cảm thấy thoải mái. Nhắc đến bà, Churchill sau này nhớ lại: “Elizabeth giống như tri âm của tôi. Tôi không ngại ngần bày tỏ những rắc rối của mình với cô ấy”.
Sau cái chết của Elizabeth, ông viết: “Bà ấy là người tôi yêu thương nhất và là người bạn thân thiết nhất trong suốt 20 năm sống trên đời”. Khi bà mất, ông ngồi cạnh, cầm tay bà cho đến khi bà qua đời. Winston còn đến dự đám tang, dựng bia mộ và trả phí chăm sóc ngôi mộ hàng năm.
Tuy nhiên, không vì thế mà Winston giảm sự kính trọng đối với mẹ mình. Ông viết trong cuốn tự truyện “Những năm tháng đầu đời của tôi” (My Early Life): “Bà chiếu sáng cuộc đời tôi như một ngôi sao ban chiều. Tôi rất yêu bà, nhưng luôn luôn từ xa”.
Bước ngoặt trong cuộc đời
Mọi thứ chuyển biến vào năm 1895, khi ông Lord Randolph qua đời. Vắng mặt ông, mối quan hệ giữa bà Jennie và con trai 21 tuổi thay đổi 180 độ. Trong cuốn “Con sư tử cuối cùng: Tầm nhìn của Vinh quang” (“The Last Lion: Visions of Glory), nhà sử học William Manchester phỏng đoán rằng: “… bà ấy dần dần chuyển mối quan tâm và sự cống hiến của mình sang cậu con trai vĩ đại nhưng kì dị. Niềm đam mê này vô cùng mãnh liệt, và sẽ mang đến lợi ích to lớn cho Winston. Tuy vậy, nó tuyệt nhiên không thể bị nhầm lẫn với tình mẫu tử”.
Tận dụng những mối quan hệ xã hội, nổi tiếng với sự sắc sảo và quyến rũ, đóng vai trò là một nhà văn, bà Jennie đã gây dựng được danh tiếng nhất định. Chăm chỉ tham gia các bữa tiệc tùng và dấn thân vào nhiều mối tình, bà Jennie hết lần này đến lần khác tận dụng sức ảnh hưởng để giúp Winston đạt được thành tựu ông dày công theo đuổi.
Sự gắn kết giữa hai người trở nên mạnh mẽ hơn trong suốt những năm 1895 đến năm 1990. Sau khi Winston tốt nghiệp từ Sandhurst, Britain’s West Point, Jennie tiếp tục dùng các mối quan hệ để giúp Winston giành một vị trí đáng thèm muốn trong Fourth Hussars. Bà cũng sử dụng mối quen biết trong giới in ấn và sắp xếp để Winston viết những bài báo về cuộc chiến ở Ấn Độ cho tờ Daily Telegraph. Như vậy, bà Jennie đã thiết lập cho Winston một sự nghiệp viết lách vững vàng đủ để cung cấp nguồn lực kinh tế cho ông đến hết đời. Thật thú vị, sau này ông đã đạt giải Nobel Văn học.
Bà đóng vai trò là đại lý và nhà xuất bản cho cuốn sách đầu tiên của Winston, “Câu chuyện về lực lượng dã chiến Malakand” (The Story of the Malakand Field Force), bằng cách tiếp tục tận dụng những người quen biết trong giới xuất bản và chính trị. Sau này, bà đã kêu gọi thủ tướng Lord Salisbury cho phép Winston chuyển từ Ấn độ sang Sudan, nơi ông có thể tham gia vào một trong những đội kỵ binh Anh cuối cùng và viết một cuốn sách khác: “Chiến tranh trên dòng sông: Chính sử về sự tái lập của Sudan” (The River War: An Historical Account of the Reconquest of the Sudan). Sau khi trở về, bà Jennie làm việc không biết mệt mỏi để kết nối Winston với các chính trị gia, hi vọng đưa ông vào Quốc hội.
Vào ngày đắc cử vị trí trong Quốc hội, Winston viết cho bà Jennie với một sự biết ơn sâu sắc: “Con sẽ không bao giờ có được vị trí này nếu mẹ không truyền tất cả sự thông minh sắc sảo và năng lượng cần thiết cho con”.
“Mẹ đặt niềm tin lớn lao vào ngôi sao của con”
Jennie thể hiện sự thông minh và nguồn năng lượng tích cực qua những lá thư động viên con trai. Bà không quên gửi cho ông cuốn sách ông yêu cầu khi ở Ấn Độ. Bà viết những dòng chữ đó cùng những lời khuyên bảo tận tình. Vào cuối năm 1915, sau khi ý tưởng tấn công Đức qua khu vực Dardanelles của Churchill thất bại, lúc đó, ông đang phục vụ trong tiền tuyến phía Tây. Để giúp con vượt qua thử thách, bà Jennie viết một bức thư: “Mẹ đặt niềm tin lớn lao vào ngôi sao của con”.
Kể cả trong những khía cạnh khác của cuộc sống, bà tỏ ra là một trợ thủ đắc lực của Winston. Bà hỗ trợ ông sắp xếp thu dọn phòng, tìm thư ký và giúp đỡ ông trong các chiến dịch chính trị.
Trong giai đoạn này, Winston thừa nhận: “Mẹ tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và khuyên bảo tôi, nhưng tôi đã 21 tuổi, vì vậy bà không bao giờ lạm dụng quyền kiểm soát của cha mẹ. Thực chất, bà sớm trở thành một đồng minh hăng hái, phát triển các kế hoạch và bảo vệ lợi ích của tôi với tất cả tầm ảnh hưởng và năng lượng vô biên của bà. Bà đã 40 tuổi nhưng rất trẻ trung, xinh đẹp và cuốn hút. Chúng tôi làm việc cùng nhau trong cả những điều nhỏ nhất, như em trai chị gái hơn là mẹ và con trai”.
Khi bà Jennie Jerome Churchill mất vào năm 1921, Winston không kịp đến bên giường bệnh để nói lời tạm biệt với người phụ nữ có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời ông. Bà đã trao cho ông đôi cánh, đánh thức niềm đam mê trong ông. Sau lễ kỉ niệm, người đàn ông trên con đường trở thành thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh đã đứng một mình bên cạnh mộ mẹ, lặng lẽ rơi những giọt nước mắt và đặt một bình xịt hoa hồng lên quan tài của bà…
Tình yêu thương của cha mẹ đôi khi không phải thể hiện bằng những lời nói ngọt ngào, những cái ôm siết chặt, mà thông qua sự nghiêm khắc nhưng dìu dắt tận tình để mang lại cho con sự nghiệp tốt đẹp nhất.
Thiên An (biên dịch)