Đài truyền hình NTD đưa tin, bà Sarah Cook, chuyên gia cao cấp về Hồng Kông và Đài Loan tại tổ chức Freedom House, nhận định: “Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tìm mọi cách để che đậy những thông tin ảnh hưởng xấu tới họ. Giảm tránh các tin xấu là điều xảy ra gần như hàng ngày ở Trung Quốc”.
Bà Cook cho biết lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống che đậy những sai trái của họ, trong đó bao gồm các thủ đoạn “bịt miệng” người dân, cũng như trao các đặc quyền đàn áp dân cho các quan chức địa phương.
“Khi có những dấu hiệu cho thấy [virus Vũ Hán có thể] lây lan từ người sang người, các quan chức Vũ Hán vẫn cho tổ chức các buổi tụ họp đông người, đối với cả các sự kiện chính trị và lễ hội mừng năm mới, thay vì phải cách ly xã hội”, bà Cook nói.
Hiệp hội các bác sĩ chống nạn mổ cướp nội tạng (DAFOH) gần đây đã cho công bố một báo cáo chỉ ra cách thức Bắc Kinh sử dụng để từ chối công bố sự thật, che giấu và tuyên truyền thông tin sai lệch, sau đó trục lợi từ những hành vi này.
“Lịch sử đã tái diễn trong vụ che đậy COVID-19”, ông Rob Gray, phó chủ tịch DAFOH, nói. “Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến hành vi che đậy những thảm kịch y tế ở Trung Quốc”.
Mổ cướp nội tạng
Vào năm 2019, một tòa án nhân dân quốc tế về Trung Quốc đã được thành lập tại Luân Đôn, người chủ tọa là Ngài Geoffrey Nice, luật sư cố vấn của Nữ hoàng Anh, cựu công tố viên điều tra tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc. Phán quyết cuối cùng của Tòa án kết luận nạn mổ cướp nội tạng đã và đang diễn ra trên quy mô lớn ở Trung Quốc, trong đó đa số nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa có trên 100 triệu người tập trên khắp thế giới, nhưng bị chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999 đến nay.
Tòa án đã nhiều lần đề nghị ĐCSTQ đưa ra bằng chứng phản bác lại phán quyết này, nhưng không nhận được phản hồi từ lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc.
Theo NTD, cho tới nay không có dấu hiệu nào cho thấy việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc đã dừng lại trong thời gian xảy ra đại dịch. Vào tháng Ba, truyền thông của Bắc Kinh đưa tin rằng các bác sĩ Trung Quốc tự hào vì thực hiện thành công một ca ghép phổi. Nhưng người ta đặt nghi vấn rằng phổi dùng cho ca ghép tạng này nhiều khả năng được thu hoạch cưỡng bức từ tù nhân, vì người bệnh chỉ cần chờ vài ngày là có được nội tạng phù hợp, trong khi ở các nước phương Tây, bệnh nhận phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Nhiều báo cáo chỉ ra rằng tù nhân ở Trung Quốc, đặc biệt là các tu nhân là học viên Pháp Luân Công hay người Duy Ngô Nhĩ, đều bị cưỡng ép làm các xét nghiệm y tế để xác định nhóm máu và mẫu mô. Khi hệ thống ghép tạng được Bắc Kinh hậu thuẫn “có đơn đặt hàng”, những kẻ “đồ tể” sẽ rà soát trong danh sách các tù nhân, ai có nội tạng phù hợp với “đơn hàng” sẽ bị hành quyết. Vì thế mà nguồn tạng cho các ca cấy ghép ở Trung Quốc luôn trong trạng thái “sẵn sàng” và có thể đáp ứng các đơn hàng trong thời gian chỉ vài ngày.
Phải thay đổi thái độ với ĐCSTQ
NTD bình luận, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã cho thấy rõ hơn bản chất của chế độ cầm quyền ở Trung Quốc. Ở Anh, ngày càng có nhiều chính trị gia yêu cầu chính phủ nước này phải xem xét lại mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
“Có thể một trong những điều tích cực mà đại dịch khủng khiếp này đem lại là việc điều chỉnh chính sách và thái độ đối với không phải người dân và đất nước Trung Quốc mà với ĐCSTQ”, theo ông Benedict Rogers, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh.
Ông Rogers nói rằng việc tìm ra nguồn gốc của virus Vũ Hán không phải là điều duy nhất cần phải được chú ý nhiều hơn, mà việc cướp mổ nội tạng ở Trung Quốc cũng cần phải được tập trung điều tra làm rõ.