Thế giới ngây thơ tin rằng Trung Quốc có thiện chí. Sự thật không phải vậy

Rev Joseph D’Souza

Phạm Hoài Nam dịch

Mới đây 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Trung Quốc tại vùng biên giới Hy Mã Lạp Sơn không có gì làm cho thế giới phải ngạc nhiên. Mặc dầu đây là những thiệt mạng đầu tiên tại biên giới trong 45 năm qua, nhưng hành động xăm lăng trắng trợn này nằm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đáng tiếc là thế giới đã quá ngây thơ tin tưởng vào “thiện chí” của Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đã cố gắng dùng giải pháp ngoại giao để giải quyết những tranh chấp biên giới trước khi xảy ra trận chiến Ấn-Trung vào năm 1962. Cuối cùng Ấn đã mất một vùng lãnh thổ. Sự thất bại này xảy ra là vì lúc đó Nehru quá tin tưởng vào đối tác của mình. Sự thật là, đối với Trung Quốc, tất cả các thiện chí để giải quyết bằng ngoại giao sẽ không bao giờ thành công. Đối với Trung Quốc, quyền lợi của Trung Quốc luôn luôn được đặt trên tất cả.

Bây giờ, Thủ tướng Narendra Modi, cũng bày tỏ thiện chí đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc giống như tiền nhiệm của ông hơn nửa thế kỷ trước. Thiện chí mà ông dành cho đối tác Tập Cận Bình đã được xây dựng công phu từ nhiều năm qua, chỉ dừng lại sau khi xảy ra những đụng độ mới đây tại biên giới giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, ông Modi đã không chúc mừng ngày sinh nhật của Tập Cận Bình. Kể từ khi xảy ra những đụng độ chết người tại biên giới, ông Modi đã bị áp lực từ công chúng – bằng mọi giá không được nhượng bộ chủ quyền quốc gia.

Cùng là một nước Á Châu, đúng ra Ấn Độ phải hiểu văn hóa và cách suy nghĩ của Trung Quốc hơn người Tây Phương. Văn hóa Trung Hóa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử: coi nặng gia đình, cộng đồng và coi nhẹ cá nhân. Nền tảng của xã hội Trung Quốc được xây dựng trên những giá trị của cộng đồng. Vì coi trọng quyền lợi của tập thể, cho nên quyền cá nhân thường khi bị phủ nhận hoặc bị coi rất nhẹ. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đạp lên quyền tự do cá nhân tại Hồng Kông hoặc bất kể chủ quyền của các nước láng giềng hay toàn cõi Biển Đông.

Các nước Tây Phương chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Thiên Chúa Giáo coi trọng cá nhân, khó có thể hiểu được cách ứng xử của Trung Quốc.

Hiến pháp và hệ thống pháp lý của các quốc gia dân chủ, bao gồm Ấn Độ, là để bảo vệ quyền cá nhân. Quyền tự do tính ngưỡng, ngôn luận, lập hội và những quyền khác là nền tảng của những quốc gia này. Trong lúc đó đối với Trung Quốc, Cộng Sản cũng giống như Khổng Giáo, luật pháp được lập ra để phục vụ cho tập thể, thậm chí nếu cần sẵn sàng hy sinh quyền cá nhân. Chính vì thể chính quyền Trung Quốc có đầy đủ lý do chính đáng để cô lập hoàn toàn một thành phố như trường hợp Vũ Hàn, cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài mà không phải lo ngại bất cứ một sự chỉ trích nào.

Trong lúc thế giới có một cái nhìn lệnh lạc về Trung Quốc, bỏ qua nó sẽ là một lỗi lầm trầm trọng. Đầu tiên, Trung Quốc ngăn cấm bất cứ quyền tự do phát biểu hay thông tin, điều này cho phép chính phủ triệt tiêu bất cả những báo động về sự nguy hiểm của vi khuẩn corona. Chính vì thế đã để cho vi khuẩn chết người này lan tràn đi khắp thế giới. Bây giờ cả thế giới phải gánh hậu quả khủng khiếp bởi vì những quốc gia tự do đã không quan tâm nhiều đến sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự trổi dậy của Trung Quốc như một cường quốc về kinh tế, kỹ thuật và quân sự đã cho phép quốc gia này gia tăng ảnh hưởng của họ trên khắp thế giới, từ Á Châu, cho đến tận Phi Châu và Nam Mỹ. Đại dịch COVID-19 càng cho thấy thế giới ngày nay đã hệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Nhiều quốc gia, bao gồm những quốc gia tân tiến như Mỹ đã trở nên quá lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và thậm chí cả phương diện an toàn y tế.

Riêng đối với Ấn Độ, thử thách lớn nhất hiện nay là sự đầu tư quá lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ. Từ nhà máy nguyên tử cho đến các hãng xưỡng điện tử, dệt và thực phẩm, sự hiện diện của họ có thể nhìn thấy khắp nơi. Trong lúc Ấn Độ phải đối diện với nhiều khó khăn để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nó càng khó khăn hơn cho Ấn Độ khi phải tìm cách tháo gỡ vòng kim cô của Trung Quốc về lãnh vực kinh tế.

COVID-19 đang làm thay đổi trật tự thế giới, những quốc gia như Mỹ và Ấn Độ phải sẵn sàng dám đối đầu với ảnh hưởng của Trung Quốc trong nước và ngoài nước. Điều mỉa mai, để làm được điều đó phải đặt quyền lợi của Hoa Kỳ/Ấn Độ lên trên hết giống như những gì mà Tổng thống Donald Trump đang làm qua chính sách “America First”. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ quan tâm đến quyền lợi của quốc gia mình và bất kể quyền lợi của nước khác như là Trung Quốc đang làm, nhưng nó đòi hỏi phải có ưu tiên chính đáng để bảo vệ quyền cá nhân và quyền tự do của con người. Việc đầu tiên mà Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể bắt đầu là tìm cách dời các hãng xưỡng sản xuất đặc biệt là kỹ thuật y tế từ Trung Quốc trở về trong nước.

Trải qua một thời gian dài, thế giới đã bắt đầu nhìn ra mưu đồ của Trung Quốc. Đây là lúc mà mọi người phải thức tỉnh để đối đầu với hiểm họa của Trung Quốc đang thách thức nền dân chủ và cách sống của chúng ta.

Nguồn: The world has naively believed that China has good intentions. It doesn’t

Rev. Joseph D’Souza là nhà thần học Công giáo, đồng thời cũng là nhà tranh đấu cho nhân quyền. Ông là sáng lập viên Dignity Freedom Network, một tổ chức nhân đạo giúp người nghèo khó, bị bỏ rơi ở Nam Á. Ông là giám mục của nhà thờ Anh Giáo Anglican Good Shepherd Church of India và là chủ tịch của Hội Đồng Công Giáo Ấn Độ (the president of the All India Christian Council).

Related posts