Phải chăng quan hệ Mỹ-Trung đang đi vào Chiến tranh lạnh?


Steven Lee Myers & Paul Mozur Christine Nguyen  dịch

 – Từng bước một, Hoa Kỳ đã đánh vào các nguyên lý cốt lõi trong tầm nhìn của Tập Cận Bình về một Trung cộng trỗi dậy sẵn sàng khoác áo siêu cường.
Khoảng vài tuần nay, chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên chính sách hà khắc ở Hong Kong và Tân Cương, khu vực phía tây của Trung cộng. Hoa Kỳ đã dùng các biện pháp mới bóp nghẹt sự canh tân của Trung cộng bằng cách loại bỏ Trung cộng khỏi nền công nghệ Mỹ và thúc đẩy đồng minh đi tìm đối tác khác.

Sau đó, hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đã thách thức lại những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trên biển Đông, tạo ra một giai đoạn đối đầu gay gắt hơn.
Tổng thống Trump hôm thứ Ba nói rằng đã ký ban hành đạo luật trừng phạt các quan chức Trung cộng vì luật an ninh mới đã hạn chế nhiều quyền hạn của người Hong Kong, cùng với lệnh chấm dứt hiệp ước ưu đãi thương mại cho Hong Kong.
“Khoảng cách quyền lực đang thu hẹp lại, và khoảng cách ý thức hệ đang lớn lên” Rush Doshi, giám đốc bộ phận Sáng kiến Chiến lược về Trung cộng của Học viện Brooking ở Washington, nói và thêm rằng Trung cộng và Mỹ lún vào “vòng xoáy tư tưởng” đang nảy nở nhiều năm nay.
“Đâu là nguyên nhân?”, ông hỏi.
Từ nhiều năm, nhà chức trách và các sử gia đã bác bỏ quan niệm rằng một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới đang xuất hiện giữa Mỹ và Trung cộng. Các diễn biến của thế giới ngày nay, những cuộc tranh cãi đã diễn ra, đơn giản không thể so được với nhiều thập kỷ Mỹ và Liên Xô công thủ trong cuộc đấu tranh sống còn giành uy thế. Thế giới được cho là quá liên kết với nhau để phân chia dễ dàng thành các khối ý thức hệ.
Giờ đây, các giới hạn đang được vạch ra và các mối quan hệ đang rơi tự do, tạo nền tảng cho những cuộc đối đầu mang nhiều đặc điểm của cuộc Chiến tranh lạnh – và những mối hiểm nguy. Khi hai siêu cường đụng độ nhau về công nghệ, lãnh thổ và tầm ảnh hưởng, cả hai cùng đối mặt với nguy cơ để những tranh chấp nhỏ leo thang thành xung đột quân sự.
Mối quan hệ ngày càng thấm đẫm sự bất tín và thù địch, cũng như đầy căng thẳng xảy ra với hai cường quốc tranh giành đứng đầu bằng mọi giá, đặc biệt trong các lĩnh vực có lợi ích đang va chạm nhau: không gian mạng và không gian vũ trụ, trong eo biển Đài Loan và biển Đông, và thậm chí ở cả vịnh Persian.
Và đại dịch Wuhanvirus, kết hợp với những hành động gây hấn của Trung cộng ở vùng biên giới –-từ Thái Bình Dương đến dãy Himalayas – đã biến những rạn nứt thành hố ngăn cách lớn khó có thể vượt qua, bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay.
Trong tuần trước, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đã nói theo quan điểm của Bắc Kinh, thì Mỹ đã đẩy các mối quan hệ đến mức độ thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
“Chính sách về Trung Quốc hiện tại của Mỹ được dựa trên sự tính toán chiến lược sai lầm do không nắm được tình hình, đồng bóng, tùy hứng và chủ nghĩa McCathy mù quáng” Vương nói, gợi lên cuộc Chiến tranh lạnh để mô tả mức độ căng thẳng hiện nay.
“Cứ như mọi khoản đầu tư của Trung Quốc đều được lèo lái về mặt chính trị, mọi sinh viên Trung Quốc đều là gián điệp và mọi sáng kiến hợp tác đều là âm mưu đầy nghị trình bí ẩn” Vương nói thêm.
Chính trị nội bộ của cả hai nước đều có những quan điểm cứng rắn và đều cung cấp sự kiện cho phe diều hâu hiếu chiến.
“Ngay bây giờ có sự hợp tác nào giữa Trung cộng và Mỹ không?” Zheng Yongnian, giám đốc viện Đông Á Đại học Quốc gia Singapore, nói. “Tôi chẳng thấy có sự hợp tác đáng kể nào.”
Đại dịch, cũng thế, đã làm dấy lên căng thẳng, nhất là ở Mỹ.

Trump nói về Wuhanvirus với giọng điệu kỳ thị, trong khi Bắc Kinh cáo buộc chính quyền Trump tấn công vào Trung cộng nhằm làm giảm bớt thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn virus.
Tối thứ Ba, trong một tuyên bố từ Vườn Hông, Trump nhắm mạnh vào Trung cộng và đối thủ bầu cử tổng thống, Joseph R. Biden Jr., quy cho đại dịch là “một dịch bệnh từ Trung cộng tràn vào,” và nói rằng Trung cộng “đã có thể ngăn chặn được dịch.”
Cả hai nước đều đang tạo áp lực lôi kéo các quốc gia khác về phía mình, ngay cả khi họ không thích làm như vậy. Chính quyền Trump, chẳng hạn, đã tạo sức ép lên các nước đồng minh – với một số thành công ở Úc và, hôm thứ ba, ở Anh – phải khẳng định từ bỏ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung cộng khi họ phát triển mạng 5G. Trung cộng, đang đối mặt với các cáo buộc về các chính sách ở Xinjiang và Hong Kong, thì tụ tập các quốc gia để thực hiện các cuộc biểu tình công khai ủng hộ mình.
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve, 53 quốc gia – từ Belarus đến Zambabwe – đã ký vào bản tuyên bố ủng hộ luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong của Trung cộng. Chỉ có 27 quốc gia trong hội đồng là chỉ trích đạo luật này, hầu hết là các nước dân chủ châu Âu, cùng với Nhật, Úc và New Zealand. Những khối như vậy sẽ có thể chẳng xa lạ gì vào đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh.
Trung cộng cũng vận dụng sức mạnh kinh tế to lớn của mình làm công cụ để gây sức ép chính trị, cấm Úc nhập khẩu thịt bò và lúa mạch vì chính quyền Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch. Hôm thứ ba, Bắc Kinh nói rằng sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt lên nhà sản xuất hàng không vũ trụ Lockheed Martin của Mỹ về việc bán vũ khí cho Đài Loan gần đây.
Với một thế giới đang rối bời vì đại dịch, Trung cộng cũng đã sử dụng sức mạnh quân sự bằng cách thử gây rối ở vùng biên giới với Ấn Độ hôm tháng tư và tháng năm. Vụ việc này đã dẫn đến cuộc đụng độ chết người đầu tiên ở đây kể từ năm 1975. Sự tổn hại cho mối quan hệ có thể mất nhiều năm để khắc phục.
Càng ngày, Trung cộng dường như càng sẵn sàng chấp nhận các nguy cơ từ những hành vi này. Chỉ vài tuần sau đó, Trung cộng đã tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mới ở vùng Bhutan, một vương quốc nội lục có địa hình đồi núi liên minh chặt chẽ với Ấn Độ.
Với việc Trung cộng đe dọa tàu bè của Vietnam, Malaysia và Indonesia ở biển Đông, Mỹ đã phái hai hàng không mẫu hạm đến vùng biển này vào tháng trước trong một cuộc phô trương sức mạnh. Hơn nữa chính sách “bên miệng hố chiến tranh” giờ đây dường như không thể tránh được khi bộ ngoại giao nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở khu vực này là phi pháp.
Hôm thứ Ba, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung cộng nói rằng tuyên bố của Mỹ sẽ có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung cộng khẳng định đã kiểm soát các đảo này trên biển “trong hàng nghìn năm,” tuyên bố của Mỹ là không đúng. Mặc dù Triệu đã tuyên bố như vậy, nhưng Cộng hòa Trung quốc – lúc bấy giờ do lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch kiểm soát – chỉ chính thức tuyên bố chủ quyền vào năm 1948.
“Trung Quốc đã cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán với các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và tư vấn,” Triệu nói.
Đấy không phải là cách các nước láng giềng của Trung cộng xem xét vấn đề. Nhật trong tuần này đã cảnh báo rằng Trung cộng đang cố “thay đổi hiện trạng trong vùng biển Hoa Đông và biển Đông” Nhật đã gọi Trung cộng là một mối nguy cơ dài hạn nghiêm trọng hơn cả việc Bắc Hàn sở hữu hạt nhân.

Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là giáo sư nghiên cứu quốc tế Đại học Stanford, nói rằng những sự thao túng gần đây của Trung cộng dường như là “đi quá mức độ hợp lý và đi quá xa,” giống như một trong những thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh.
“Nó làm tôi nhớ đến Khrushchev,” McFaul nói. “Ông ta đả kích, và bất ngờ ông ta ở trong một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba với Mỹ.”
Phản ứng dữ dội chống lại Bắc Kinh dường như ngày càng tăng. Các căng thẳng đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ, Trung cộng đã tìm cách cạnh tranh với thế giới trong công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo và vi mạch điện tử, trong khi hạn chế nghiêm ngặt những gì mọi người có thể đọc, xem hay nghe trong nước.
Nếu bức tường Berlin là biểu tượng thực thể của Chiến tranh lạnh thứ nhất, thì Đại tường lửa cũng có thể là biểu tượng phi thực thể của một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới.
Việc bắt đầu phân chia trên không gian mạng để cách ly các công dân Trung cộng khỏi những quan điểm không được cộng đảng cho phép giờ đây đã chứng minh được là một chỉ dấu báo trước của sự rạn nứt sâu sắc giữa Trung cộng và phần lớn thế giới Phương Tây.
Trong bài diễn văn, Vương Nghị nói rằng Trung cộng chưa bao giờ tìm cách áp đặt điều gì lên các quốc gia khác. Nhưng chính xác thì họ đã thực hiện điều này bằng cách dùng ứng dụng Zoom để kiểm duyệt các cuộc trò chuyện ở Mỹ và phát động các cuộc tấn công không gian mạng vào người Duy Ngô Nghĩ trên toàn cầu.
Những sự kiểm soát của Trung cộng đã giành được thành công to lớn ở quốc nội trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và gieo trồng các hạt giống internet trong nước, nhưng chẳng có mấy ảnh hưởng ở bên ngoài. Hành động của Ấn Độ trong việc ngăn chặn 59 ứng dụng của Trung cộng đe dọa đến sự thành công internet lớn nhất ở nước ngoài của Trung cộng cho đến ngày nay, như ứng dụng cho các đoạn video ngắn chứa đầy các meme TikTok.
Tuần trước, TikTok cũng đã tắt nguồn ở Hong Kong vì luật an ninh quốc gia mới ở đó. Các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ gồm Facebook, Google, Twitter nói rằng sẽ ngừng xem xét các yêu cầu cung cấp dữ liệu từ nhà cầm quyền Hong Kong vì các công ty đã đánh giá những hạn chế của đạo luật này.
“Trung cộng là nước lớn, họ sẽ thành công, họ sẽ phát triển công nghệ của chính họ, nhưng có nhiều hạn chế để làm điều họ muốn làm,” James A. Lewis, một cựu viên chức Mỹ viết về đề tài an ninh mạng và gián điệp cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.
Ngay cả trong những nơi Trung cộng đã thành công trong việc bán các sản phẩm công nghệ, thì xu hướng dường như đã đổi chiều.
Tính hung hăng gần đây của Bắc Kinh đã dẫn đến việc Anh quốc ngăn chặn các thiết bị mới của Huawei được hòa mạng, và chính quyền Trump quyết định không cung cấp các vi mạch điện tử và những thành phần cần thiết khác cho công ty này. Để chống lại, Bắc Kinh phải nỗ lực gấp đôi để xây dựng các sản phẩm trong nước.
Đòi hỏi sự tách rời tổng thể chuỗi cung ứng của Trung cộng khỏi các công ty công nghệ Mỹ là điều không thể thực hiện được trong thời gian ngắn, và sẽ có thể làm giá cả tăng cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, Mỹ đã chuyển sang lôi kéo việc sản xuất vi mạch điện tử của Đài Loan – rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung cộng – gần hơn với sân sau của Mỹ, với các kế hoạch hỗ trợ một nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của Đài Loan ở Arizona.
Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Mỹ lùi bước và tìm kiếm các lĩnh vực mà cả hai quốc gia có thể làm việc chung với nhau. Sự bi quan về mối quan hệ này dù sao cũng lan rộng, mặc dù hầu hết quan chức Trung cộng và những nhà phân tích đổ lỗi cho chính quyền Trump đang cố làm chệch hướng chú ý về những thất bại trong việc kiểm soát đại dịch.
“Không khó để thấy rằng dưới tác động của Wuhanvirus trong năm bầu cử tổng thống Mỹ này nhiều thế lực ở Mỹ đang tập trung chĩa vào Trung Quốc,” Zhao Kejin, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Tsinghua, viết trong một bài báo gần đây – “Quan hệ Mỹ-Trung phải đối mặt với thời khắc nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.”
Trong khi tránh né quan điểm về một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới, cụm từ thay thế mà Triệu Lập Kiên sử dụng không còn được nhắc lại nữa: “Thực thế mới này là quan hệ Trung-Mỹ không phải đang rơi vào “một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới” mà trượt vào một ‘chiến tranh mềm’.”
Steven Lee Myers & Paul Mozur 

Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/07/14/world/asia/cold-war-china-us.html

Người dịch đặt tựa.
Lược dịch:
Christine Nguyen

Related posts