Nguy cơ thiếu ăn ở Trung Quốc: Ngôi sao CCTV nói dân phải chịu đói khát thì mới tốt

Phụng Minh

Bạch Nham Tùng kêu gọi người dân Trung Quốc “khôi phục” cảm giác “đói khát” vì sự phát triển của đất nước (ảnh: Chụp màn hình video).

Truyền thông Trung Quốc bắt đầu dọn đường cho việc bắt dân ăn uống tiết kiệm đối phó với việc có thể thiếu lương thực trong tương lai.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình ra lệnh ngăn chặn lãng phí thực phẩm, đã có nhiều chính sách kỳ lạ phát sinh trên khắp đại lục, đồng thời các phương tiện truyền thông đại lục cũng hợp tác chặt chẽ để tạo động lực. Gần đây, ngôi sao nổi tiếng Bạch Nham Tùng của đài truyền hình nhà nước CCTV đã đăng một bài viết có tiêu đề “Điều khẩn yếu nhất hiện nay của Trung Quốc là khôi phục ‘cảm giác đói khát’!”, tuyên bố rằng người Trung Quốc nên bị đói, khiến người dân Đại lục tức giận phản bác.

Bài viết của Bạch Nham Tùng đăng trên tạp chí “Thế kỷ mới Bắc Kinh Trường Giang” bắt đầu bằng câu nói: “Nếu muốn để cho mình trở nên ngày càng tốt hơn, phải bắt đầu từ cảm giác đói khát thật sự”. Trong bài báo, Bạch Nham Tùng nhớ lại hồi ức tươi đẹp và hạnh phúc nhưng cũng có phần tôn nghiêm khi ông ấy không được ăn no. Ông này còn tuyên bố người Trung Quốc nên bị “đói” vì đói sẽ không dễ bị bệnh.

Bạch Nham Tùng đã thuyết giảng về “đói khát” (Ảnh chụp màn hình mạng).

Bài báo sau khi được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý từ mọi tầng lớp, khu vực bình luận bên dưới bài viết trở thành hiện trường của một vụ bắn phá tập thể và Bạch Nham Tùng là nhân vật chính.

Triệu Sĩ Lâm, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Dân tộc Trung Quốc, bình luận trên Weibo: “Xin nhờ Bạch Nham Tùng khôi phục cảm giác đói khát từ chính ông và người nhà của ông trước được không? Cho cha mẹ ông, vợ con ông trước tiên khôi phục cảm giác đói khát. Nếu như không có kinh nghiệm, có thể đi Bắc Triều Tiên chịu đói vài ngày, cũng có thể hướng về cách sống như năm 59 của các tiền bối. Bản thân đói khát, người nhà đói khát, sau đó hãy cân nhắc tới sự đói khát của thiên hạ, ông xem vậy được không?”

Một nhân sĩ có bút danh “Giấy trắng mực đen” đã đăng một bài báo chỉ trích nhận xét của Bạch Nham Tùng là “phá vỡ dân trí, cội rễ của con người và phá hủy triển vọng của đất nước”. Tác giả bài báo nói rằng cái xã hội Trung Quốc hiện đang cần là để những người không có đủ cơm ăn áo mặc được có cơm ăn áo mặc. Những người đã được ăn no mặc ấm tiếp tục làm việc chăm chỉ để tạo ra nhiều giá trị hơn và tạo ra môi trường cho những người chưa được ăn no mặc ấm phát triển lên. Bạch Nham Tùng được hưởng những điều kiện vật chất rất tốt trong xã hội hiện đại, nhưng lại muốn khôi phục thời đại còn đói khát trong quá khứ, chính là ăn no rồi mà nói phét”.

Tác giả bài viết khuyên ông Bạch: “Không nói được lời tử tế thì cứ im đi đừng nói. Thật đáng xấu hổ, vừa mất lòng vừa bị ăn mắng. Xã hội chúng ta chỉ có thể tiến lên, để ai cũng có cơm ăn áo mặc tiếp tục không lùi bước. Đây là việc ai cũng phải làm”.

“Ye Shan”, một cư dân mạng Twitter sống tại Hong Kong, trực tiếp chỉ trích: “… ông ấy có thể phục hồi được gì sau cơn đói cồn cào? Ông ta đã bước qua tuổi 50 hay 60 rồi, rất nhiều người cùng thời đã phải chịu đựng cái đói, và tôi đã từng trải qua “cơn đói cồn cào”, đó là cảm giác rằng sống còn hơn chết! Vì vậy, những người thích “đói khát” đều là phản nhân tính, phản nhân loại!”

Trước sức ép của dư luận, bài báo hiện đã bị gỡ xuống nhưng ảnh chụp màn hình bài báo vẫn được lan truyền trên mạng.

Sau khi Tập Cận Bình đưa ra cái gọi là “chỉ thị quan trọng” để “ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm”, Internet Trung Quốc đã liên tục xoay quanh vấn đề thiếu lương thực ở Đại lục, các hiệp hội ẩm thực ở Trung Quốc thường xuyên đẩy mạnh hợp tác với chính sách của nhà chức trách. Vào ngày 11/8, Hiệp hội Đồ uống và Thực phẩm Vũ Hán đề xuất mô hình gọi món N-1, tức 10 người chỉ được gọi món cho 9 người, và Liêu Ninh sau đó đã đề xuất mô hình đặt hàng N-2.

Ngày 13/8, Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của tỉnh Chiết Giang đã đề xuất luật xử lý rác thải thực phẩm giống như uống rượu khi lái xe. Cùng ngày, Hiệp hội ngành dịch vụ ăn uống tỉnh Hồ Nam cũng đưa ra đề nghị các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống trong tỉnh thực hiện hành động “kinh tế nghiêm minh và loại bỏ lãng phí” một cách toàn diện.

Ngày hôm sau, một nhà hàng ở Trường Sa đề xuất thực khách phải được đo cân nặng trước khi vào cửa hàng. Vào ngày 15/8, một nhà hàng ở Tây An đã đề xuất gán cho người phục vụ phải giám sát cố lượng thức ăn ở bàn mình phục vụ, nếu có thức ăn thừa trên bàn, người phục vụ sẽ bị trừ điểm.

Related posts