Nghi vấn dàn dựng tuyên truyền trong chuyến thị sát của ông Tập

  • Y Bình

Ngày 18/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm tỉnh An Huy sau khi nước lũ đã rút. Một trong những “nạn nhân” được thăm hỏi là một phụ nữ đang ôm con, nhưng bị cộng đồng mạng nghi ngờ cô này là đội phó của đội an ninh địa phương.

Nghi vấn dàn dựng tuyên truyền trong chuyến thị sát lũ lụt của ông Tập tại An Huy (Ảnh: internet)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố một loạt ảnh về chuyến thăm vào hôm thứ Ba (18/8) của ông Tập Cận Bình đến An Huy để xem xét thực trạng thảm họa của người dân. Trong chuyến thị sát, ông Tập đã trò chuyện với người dân bị thảm họa thiên tai: “Tôi luôn lo lắng cho người dân bị thảm họa, chứng kiến cuộc sống sản xuất của hương thôn có lối thoát, hy vọng…khiến lòng tôi nhẹ nhõm”.

Màn hình cho thấy khi ông Tập đến thăm nhà riêng một dân làng, người ra đón là một phụ nữ đang bế một đứa trẻ, các quan chức đã cố gắng tạo ra bầu không khí cho thấy ông Tập Cận Bình yêu thương và gần gũi với nhân dân, còn người dân cũng rất quý trọng lãnh đạo.

Tuy nhiên giới cư dân mạng Trung Quốc ‘tinh quái’ đã phát hiện ra người phụ nữ này rất giống cô Miện Tĩnh (Yan Jing) – đội phó đội an ninh huyện Phụ Nam (Bunan).

Cư dân mạng chỉ ra rằng “nạn nhân của thảm họa” này chỉ là “diễn viên tạm thời” được sắp đặt trước.

Có nhận định cho rằng, việc dùng “diễn viên quần chúng” là công chức nhà nước đóng vai người dân để tiếp đón lãnh đạo đi thị sát trong quan trường Trung Quốc là chuyện rất phổ biến. Tất nhiên, điều này cũng liên quan đến vấn đề an ninh của lãnh đạo. Trước đó giới quan sát đã chỉ ra rằng, từ khi thảm họa lũ lụt chưa bao giờ thấy ông Tập đến các khu vực thiên tai dọc sông Dương Tử, lý do vì trong thời điểm thảm họa đó tình hình rất lộn xộn sẽ khó khăn bố trí công tác an ninh tốt nhất cho ông Tập.

Đã thành thông lệ

Về cảnh quay trong chuyến thị sát An Huy này, thậm chí một số cư dân mạng Trung Quốc còn cho rằng ngay cả đứa trẻ do đội phó an ninh huyện Phụ Nam bế cũng có thể là “diễn viên bất đắc dĩ”, họ chỉ trích hành động của giới công quyền như vậy là “lừa mình lừa người”.

Một số bình luận của cư dân mạng:

“Khi Bí thư tỉnh ủy đi kiểm tra, hầu như các lãnh đạo mà ông ấy tiếp xúc đều là cấp trung trở lên, bản thân tôi cũng từng trải qua”.

“Da của người ‘dân làng’ này vừa trắng vừa căng khiến nhiều người thành thị cũng cảm thấy ghen tị.”

“Hệ thống này quá thối nát! Thật là ghê tởm! Trong lòng bọn họ cũng biết là đang lừa gạt mà thoải mái như không có gì, thậm chí còn thích thú, chỉ có thể nói là thối nát.”

“Diễn viên tìm được thường đều rất chuyên nghiệp khiến người xem cảm động mãi, sao lần này lại bất cẩn như vậy?”

“Dùng người dân thường biểu diễn là là quá mạo hiểm, ví dụ như biết đâu trong gia đình người đó có ai đã bị viêm phổi Vũ Hán hoặc bị nạn do xả lũ, như vậy khả năng trút giận vào ông Tập cũng không nhỏ.”

Khi trả lời phỏng vấn của Đài RFA, cựu giảng viên Ngô Cường (Wu Qiang) của Khoa Khoa học Chính trị Đại học Thanh Hoa nói rằng tình trạng này rất phổ biến, ngay cả trong thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Ông nói: “Các quan chức địa phương ứng phó trước hoạt động thị sát như vậy theo nhiều cách. Những màn diễn như vậy thường áp dụng đối với thị sát từ trung ương, thực tế đó đã là thông lệ của địa phương. Trong hầu hết các cảnh thị sát của lãnh đạo suốt 8 năm qua chúng ta đều dễ dàng thấy tình cảnh kiểu này trong hoặc sau chuyến đi”.

Hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc

Trung Quốc từ tháng 6 đến nay đã bị lũ lụt hoành hành, đến cuối tháng 7 thì thiên tai đã lan từ phía nam lên phía bắc, hiện nay đợt lũ số 5 sông Dương Tử đã đổ bộ, vùng thượng nguồn tại Tứ Xuyên và Trùng Khánh đang trong tình trạng nguy cấp. Trước đó chưa thấy lần nào lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đến vùng thiên tai, chỉ đưa ra chỉ thị về lũ lụt, điều này đã gây ra rất nhiều chỉ trích.

Gần đây, giới lãnh đạo của ĐCSTQ đã liên lục xuất hiện trước truyền thông, có nghĩa là Hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, vào ngày 18/8 ông Tập Cận Bình đã xuất hiện tại An Huy để thị sát tình trạng lũ lụt của những vùng lưu vực sông Hoài, xem xét về công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai cũng như việc khôi phục hoạt động sản xuất.

Mùa lũ năm nay dường như An Huy không phải nơi bị lũ nặng nề nhất, nhưng đã hứng chịu thảm họa lũ lụt do con người gây ra. Để bảo vệ các thành phố như Bạng Phụ ở hạ lưu sông Hoài, vào ngày 20/7 chính quyền tỉnh An Huy đã ra lệnh cho mở cổng xả lũ tại đập Vương Gia ở huyện Phù Nam thành phố Phụ Dương, xả nước vào khu vực chứa nước lũ Mông Oa (Mengwa) khiến 4 thị trấn trong vùng chứa lũ đã bị ngập làm 200.000 ngôi nhà chìm trong nước.

Nhưng khi ông Tập Cận Bình đến An Huy thì lũ lụt đã rút, vì vậy bị giới bình luận người Hoa hải ngoại chỉ trích là “hậu của họa” (nói tắt thành “hậu họa”). Có thể thấy bức tranh tình hình tốt đẹp trong những bức ảnh và đoạn phim mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về chuyến đi của Tập Cận Bình, không thấy được nỗi thống khổ của người dân bị mất nhà cửa do lũ lụt, đâu đâu cũng toàn cảnh “diễn viên quần chúng”.

Y Bình

Related posts