Philippines: Sản phẩm dưỡng tóc ghi Manila là một tỉnh thuộc Trung Quốc
Chính quyền thành phố Manila hôm 21/8 đã đình chỉ hoạt động một công ty mỹ phẩm ở Quận Binondo, nơi ghi địa chỉ trên bao bì sản phẩm dành cho tóc là “tỉnh Manila, Trung Quốc,” theo tờ Inquirer của Philippines.
Theo Inquirer, Văn phòng cấp phép Manila hôm 21/8 đã tống đạt lệnh đóng cửa đối với hai cửa hàng của Elegant Fumes Beauty Product Inc. trên phố Santo Cristo ở San Nicolas, Binondo và hai quầy hàng của công ty trong một trung tâm mua sắm ở Divisoria.
Ông Jericho Nograles, Nghị sĩ thuộc đảng PBA hôm 20/8 cho biết ông đã viết thư cho Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để tố cáo về “hành vi phạm tội đáng ghê tởm” của sản phẩm chăm sóc tóc Trung Quốc “Ashley Shine Keratin Treatment Deep Repair,” có địa chỉ được ghi trên bao bì là “Tầng 1, số 707 đường Ito Cristo, San Nicolas, tỉnh Manila, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.”
Ông Nograles cho biết sản phẩm này được phân phối trong nước bởi Elegant Fumes Beauty Products Inc., một công ty có trụ sở tại Binondo thuộc sở hữu của các cá nhân người Trung Quốc.
“Thật khó để nói rằng sự xúc phạm này là một lỗi đơn giản. Nhãn thể hiện rõ ràng Manila là một tỉnh của Trung Quốc,” ông Nograles bức xúc, cho rằng đây là sự việc “có chủ ý”. Ông đã yêu cầu nhà chức trách điều tra rõ và đưa tất cả những bên liên quan vào “danh sách đen.”
“Bất kỳ hành động nào làm suy yếu chủ quyền của chúng ta đều phải được xem xét nghiêm túc,” ông Nograles nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Thị trưởng thành phố Manila, ông Francisco “Isko Moreno” Domagoso đã nhanh chóng ra lệnh đóng cửa các cửa hàng Elegant Fumes để điều tra.
Ông Domagoso cho biết Elegant Fumes có năm chủ sở hữu, gồm hai công dân Trung Quốc và ba người Philippines. Ông đã yêu cầu Cục Nhập cư trục xuất hai người Trung Quốc.
“Họ đã vi phạm các quy định kinh doanh ở Manila và xuyên tạc khi ghi Manila là một phần của Trung Quốc. Tôi không phải là tỉnh trưởng của Trung Quốc. Tôi là thị trưởng của Manila, Philippines,” Thị trưởng Manila tuyên bố.
Sau khi kiểm tra với FDA, các nhà chức trách Philippines cho biết Elegant Fumes không được cấp phép để bán các sản phẩm làm đẹp.
Hồ chứa đập Tam Hiệp chưa đầy 10m nữa là tràn
Mực nước tại Đập Tam Hiệp khổng lồ của Trung Quốc trên sông Dương Tử đang nhích gần tới mức tối đa sau khi những trận mưa lớn làm gia tăng khối lượng nước lên mức kỷ lục, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Sáu (21/8), theo Reuters.
Với 75.000 m3/s từ sông Dương Tử đổ vào thứ Năm, độ sâu của hồ chứa đạt 165.6 m, tăng 2 m qua đêm và cao hơn gần 20 m so với mức cảnh báo chính thức.
Độ sâu tối đa theo thiết kế của hồ chứa lớn nhất Trung Quốc là 175 m.
Nhà chức trách đã tăng lưu lượng xả lên mức kỷ lục 48.800 m3/s hôm thứ Năm để cố gắng hạ thấp mực nước hồ chứa, và có thể họ sẽ phải tăng tiếp để tránh khả năng xảy ra một đợt tràn nguy hiểm.
Trung Quốc tố Đài Loan chi tiền bôi nhọ đại sứ Bắc Kinh tại Kiribati
Bức ảnh đại sứ Trung Quốc tại Kiribati dẫm trên lưng những đứa trẻ bản địa nằm sấp mặt đang gây tranh cãi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bảo vệ nhà ngoại giao này và cáo buộc Đài Loan mua chuộc dư luận trực tuyến để lan truyền những bình luận ác ý, trang tin Taiwan News cho biết.
Trong bức ảnh ban đầu được người dùng Michael Field chia sẻ trên Twitter, đại sứ Trung Quốc mới nhậm chức Kiribati, ông Tang Songgen đang dẫm lên lưng hàng dài những đứa trẻ bản địa đang nằm sấp trên mặt đất trong một nghi lễ tiếp đón ông.
Người dân địa phương cho biết đây là một nghi lễ truyền thống của Kiribati, mặc dù nó thường xuất hiện trong các đám cưới. Các báo cáo truyền thông cho biết không có nhà ngoại giao hoặc quan chức chính phủ nước ngoài nào khác, kể cả những người từ Đài Loan, từng tham gia một nghi lễ như vậy, trái ngược với tuyên bố của ông Triệu.
Nhiều quan chức nước ngoài khác cũng đưa ra bình luận. Constantine Panayiotou, tùy viên quốc phòng Mỹ tại 5 quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm đảo Kiribati, viết trên Twitter: “Tôi chỉ đơn giản là không thể tưởng tượng được việc dẫm lên người những đứa trẻ (hoặc ngay cả người lớn) là một hành vi có thể chấp nhận được của đại sứ bất kỳ quốc gia nào!”.
Dave Sharma, một nghị sĩ Úc trước đây từng là nhà ngoại giao cho phái bộ Úc tại Papua New Guinea cũng cho biết: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một đại diện của Úc tham gia vào một nghi lễ kiểu như vậy”.
Mỹ gỡ bỏ phong tỏa tài sản Venezuela để giúp chống dịch Covid-19
Phe đối lập Venezuela cho biết hôm thứ Năm Mỹ đã cấp cho họ quyền truy cập ngân quỹ hàng triệu đô la của chính phủ Veneuela để hỗ trợ việc chống dịch Covid-19 tại nước này, theo Reuters.
Bộ Tài chính Mỹ đã phê duyệt việc gỡ phong tỏa các nguồn quỹ, phe đối lập cho biết trong một tuyên bố nhưng không cho biết tổng số tiền.
Tuyên bố cho biết, một phần nguồn quỹ được gỡ phong tỏa sẽ được dùng để chi trả cho khoảng 62.000 nhân viên y tế với mức 300 USD/người. Trong lần ghi hình trực tiếp trên Twitter tối thứ Năm, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cho biết các nhân viên y tế có thể đăng ký tài khoản để nhận khoản thanh toán 100 USD/tháng, bắt đầu từ thứ Hai. Nhân viên y tế ở Venezuela có thể kiếm được ít nhất 5 USD mỗi tháng.
WHO thảo luận với Nga về vắc xin Covid-19
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đã bắt đầu thảo luận với Nga để nhằm thu thập thông tin về loại vắc xin Covid-19 thử nghiệm mà nước này gần đây phê duyệt, hãng AP đưa tin.
Tuần trước, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc xin virus corona. Nhưng loại vắc xin này vẫn chưa trải qua các thử nghiệm tiên tiến theo yêu cầu như thường lệ để chứng minh tính hiệu quả trước khi cấp phép. Như vậy, đây là một vi phạm lớn trong quy trình nghiên cứu cấp phép vắc-xin. Các quan chức Nga tuyên bố vắc xin này sẽ cung cấp khả năng miễn dịch Covid-19 trong dài hạn nhưng không đưa ra bằng chứng.
Đồng minh phe đối lập Nga cáo buộc Kremlin cản trở việc đưa đối thủ của Putin sang Đức điều trị
Các đồng minh của nhà chính trị đối lập Nga Alexei Navalny đã tố cáo Kremlin cản trở việc đưa ông sang Đức để điều trị y tế vào thứ Sáu (21/8). Họ nói rằng quyết định của chính quyền Nga đã đặt tính mạng của ông Navalny rơi vào nguy hiểm vì bệnh viện Siberian nơi ông Navalny đang chữa trị thiếu trang thiết bị y tế, theo Reuters.
Ông Navalny, một người chỉ trích ông Tổng thống Vladimir Putin và các phụ tá, đang trong tình trạng nghiêm trọng sau khi uống trà vào sáng thứ Năm. Những đồng minh của ông Navalny cho rằng trong cốc trà có độc.
Nghi đấu đá, danh sách gần 2 triệu đảng viên ĐCSTQ bị lộ sau khi có tin Mỹ cấm nhập cảnh
Epoch Times cho hay, một danh sách gần 2 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở đảng bộ thành phố Thượng Hải đã bị rò rỉ, những thông tin chi tiết về những đảng viên này như họ tên, số CMND, giới tính, nơi sinh, địa chỉ nhà và số điện thoại đều được hiển thị rõ.
Một cư dân mạng đã thử gọi đến những số điện thoại có trong danh sách rò rỉ và xác nhận rằng thông tin hiển thị trong danh sách là chính xác. Vì thế nhiều người đánh giá rằng bản danh sách này đúng là tài liệu nội bộ bị rò rỉ của ĐCSTQ.
Một người có nick “Trưởng ban trọng tài” cho biết đây là tài liệu mật cấp độ 2 của ĐCSTQ, bao gồm 1.957.239 đảng viên thuộc đảng bộ Thượng Hải. Cư dân mạng này cũng cung cấp đường link để tải xuống danh sách được chứa trong một file excel.
Nhiều người cho rằng danh sách này rất khó bị tin tặc đánh cắp vì ĐCSTQ có cơ chế bảo mật rất kỹ các tài liệu nội bộ của họ, do vậy có suy đoán rằng đây là một tài liệu do chính người trong ĐCSTQ tung ra với mục đích triệt hạ lẫn nhau.
Có một điều trùng hợp là bản danh sách này bị tung ra chỉ ít ngày sau khi New York Times, vào ngày 15/7, dẫn nguồn tin cho hay, chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc cấm các đảng viên ĐCSTQ và người thân của họ nhập cảnh, thậm chí những đảng viên ĐCSTQ và người nhà đang ở Mỹ cũng sẽ bị trục xuất.
Một cư dân mạng đã đưa ra bình luận rằng, trong tương lai, một quốc gia nào đó áp lệnh cấm nhập cảnh với các đảng viên ĐCSTQ và người thân, thì những người trong danh sách này sẽ bị nhắm mục tiêu.
Theo Epoch Times, một số phương tiện truyền thông Hồng Kông đã dự báo rằng làn sóng trừng phạt thứ hai của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông sẽ sớm đến, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với con cháu của của các quan chức ĐCSTQ.
Theo bản tin ngày 15/8 của Apple Dailly, ông Solomon Yue, phó chủ tịch Tổ chức các vấn đề hải ngoại của Đảng Cộng hòa Mỹ, tiết lộ trên Twitter rằng, do vụ bắt giữ ông trùm truyền thông Lê Trí Anh, vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ sẽ sớm đến, và sẽ nhắm vào thế hệ thứ hai và thứ ba của các quan chức trong chế độ đỏ.
Ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức ĐCSTQ vì đã “phá hoại quyền tự trị và tự do của Hồng Kông”.
Nhà bình luận Vương Hữu Quân nói rằng, các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã đánh vào “điểm yếu” của tổ chức này.
Trong 41 năm qua, gia đình và con cái của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ đã di cư đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây phát triển khác với số lượng lớn, đồng thời họ cũng đã mang theo một lượng tài sản tham nhũng khổng lồ của cha ông họ sang những nước này.
Theo chuyên gia Viên Cung Di, số tiền mà các gia đình quyền lực trong ĐCSTQ chuyển ra nước ngoài có thể lên tới 10 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong đó, phần lớn nhất thuộc về các thành viên trong gia đình cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Đối mặt với việc Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực, hủy bỏ thị thực, từ chối nhập cảnh, hủy bỏ tình trạng thường trú nhân (thẻ xanh), hủy bỏ quốc tịch, trục xuất, đóng băng tài sản, ngừng giao dịch, xóa khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo và các biện pháp trừng phạt khác, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, cho dù họ hiện vẫn đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, cũng như gia đình và con cái của họ, liệu có thể không sợ hãi không?, Epoch Times đặt câu hỏi.