Đài Loan gỡ bỏ lệnh cấm với sinh viên nước ngoài, ngoại trừ sinh viên Trung Quốc

Theo tờ Nikkei, việc Đài Loan gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh cho sinh viên đại học quốc tế trở lại nhưng lại ngoại trừ sinh viên Trung Quốc đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong nước. Đa số các ý kiến phản đối động thái này đều cho rằng Đài Loan – nơi luôn nhấn mạnh về dân chủ, tự do và quyền con người – không nên lấy sinh viên ra làm con bài mặc cả giữa hai chính phủ.

Trong một bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan Lio Mon-chi hôm 4/8, ông cho biết sinh viên Trung Quốc sẽ được phép vào Đài Loan học tập trở lại sau khi đảo quốc đã đối phó thành công với virus corona. Ngay sau đó, ông Lio bị các cố vấn nhanh chóng kéo xuống bục diễn giả, rồi trở lại và đính chính rằng việc mở cửa trở lại không áp dụng đối với phần lớn sinh viên Trung Quốc vì “những lý do liên quan đến vấn đề xuyên eo biển.”

Quyết định bất ngờ cấm sinh viên Trung Quốc trở lại Đài Loan trừ những người tốt nghiệp trong năm học hiện tại, đã đẩy khoảng 5.000 sinh viên Trung Quốc vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Điều này cũng khiến một số giáo sư và lãnh đạo sinh viên Đài Loan không hài lòng, cảm thấy câu chuyện thành công hiếm hoi của Đài Loan đã bị chấm dứt bởi một chính sách mà họ gọi là “phân biệt đối xử.”

“Sinh viên có quyền học tập,” anh Huang Ling-hsuan, một sinh viên Đại học Quốc gia Đài Loan, cũng là đồng sáng lập nhóm ủng hộ Mặt trận Quyền sinh viên Đài Loan cho biết. “Không quốc gia nào nên đưa ra những hạn chế này, đặc biệt là Đài Loan, nơi luôn nhấn mạnh về dân chủ, tự do và quyền con người.”

Uỷ ban Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, nơi đánh giá các mối quan hệ với Trung Quốc, đã buộc tội chính phủ Trung Quốc ngăn cản sinh viên trở về sau khi Bắc Kinh nói hồi tháng Tư rằng họ sẽ không cho phép sinh viên mới đến học ở Đài Loan, nhưng sẽ cho phép sinh viên đang học quay trở lại và hoàn thành cấp học của họ.

Nhưng Uỷ ban không gỡ bỏ lệnh cấm những sinh viên Trung Quốc chưa tốt nghiệp, khiến họ không có khả năng trở lại Đài Loan ngay cả khi không có sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc.

Ngày 5/8, Uỷ ban cho rằng quyết định là do những rào cản chính trị từ phía Bắc Kinh, như đòi bỏ từ “quốc gia” khỏi thẻ sinh viên Đài Loan cấp cho sinh viên Trung Quốc.

Các cơ quan chính phủ trong những tháng qua đã đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau về kế hoạch của Đài Loan chào đón sinh viên Trung Quốc trở lại.

Ông Kuo Li-shin, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Truyền thông, Đại học Quốc gia Chengchi, cho biết điều này “bị trì hoãn liên tục và chính sách thay đổi như chong chóng” khiến sinh viên Trung Quốc “thất vọng và giận dữ.”

Bộ Giáo dục Đài Loan cho biết hồi tuần trước là họ đang thảo luận việc xem xét lại lệnh cấm, từ chối bình luận.

Bà Lala Lau thuộc Phong trào sinh viên quốc tế Đài Loan cho biết “đối với sinh viên Trung Quốc, điều này thực sự là bi kịch. Họ cảm thấy bị mắc kẹt và trở thành con bài mặc cả cho hai chính phủ.”

Nhiều sinh viên quốc tế đã lỡ học kỳ mùa xuân vì lệnh cấm đi lại. Một sinh viên Trung Quốc giấu tên học tại NTU nói cô đã trì hoãn việc làm đề tài của mình nhiều tháng, khiến các kế hoạch nghề nghiệp cũng bị xáo trộn.

“Tôi đã rất tức giận,” cô nói thêm rằng một số bạn học của cô đã từ bỏ hoặc tìm cách chuyển tiếp tới học tại nước khác. “Mọi người có thể thấy Đài Loan đối xử khác biệt với sinh viên Trung Quốc.”

Các sinh viên Trung Quốc chưa tốt nghiệp hiện tại không biết khi nào, hoặc họ có được phép trở lại Đài Loan hay không. 

Trung Quốc bắt đầu cho phép sinh viên theo học ở Đài Loan từ năm 2011, một phần trong giai đoạn quan hệ Đài Loan – Trung Quốc nồng ấm hơn dưới thời Tổng thống thân Bắc Kinh Mã Anh Cửu. 

Chương trình đã cho phép hàng nghìn sinh viên Trung Quốc mở mang hiểu biết về nền dân chủ Đài Loan. Cai Boyi, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học quốc gia Tamkang của Đài Loan thậm chí còn trở thành một nhân vật chính trong Phong trào Sinh viên Hoa hướng dương năm 2014 phản đối hiệp định mậu dịch đôi bờ vì sợ nó sẽ làm xói mòn chủ quyền của Đài Loan.

Nhưng chương trình cũng gây tranh luận, đặc biệt trong số những người phản đối các động thái gây ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Mùa thu trước, một số sinh viên đại học Trung Quốc đã phá bỏ “Bức tường Lennon” được dựng lên để ủng hộ biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông; một sinh viên Trung Quốc khác đã bị cho là cố siết cổ một sinh viên Hồng Kông đang dán những tờ giấy lên bức tường.

Đài Loan phản ứng bằng cách nói họ sẽ trục xuất những sinh viên đã phá bức tường Lennon. Tổng thống Thái Văn Anh nói trên Facebook là đất nước “sẽ không bao giờ cho phép hoặc dung thứ những hành động như vậy.”

Năm ngoái, Bắc Kinh đã cấm khách du lịch Trung Quốc Đại lục thăm Đài Loan trước quyết định hồi tháng Tư cấm sinh viên mới theo học tại nước này. Cả hai động thái đều được xem là những đòn đánh trực tiếp vào các chính sách của bà Thái, người kiên quyết bác bỏ những nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với các chính sách của Đài Loan và nói rằng Đài Loan là “một quốc gia độc lập.”

Hiệu trưởng trường NCCU cho biết Đài Loan có một hệ thống rộng lớn các trường đại học tư nhân và nhiều trường phụ thuộc vào học phí từ sinh viên Trung Quốc, vì vậy lệnh cấm nhập cảnh đã tạo ra “những vấn đề tài chính đáng kể, nếu không nói là một cuộc khủng hoảng.”

Môi trường học thuật của Đài Loan có thể mất đi “lực cạnh tranh từ các sinh viên Trung Quốc” cùng với “sự hiểu biết lẫn nhau” giữa Đài Loan và Trung Quốc, ông Kuo nói, cho rằng những nhân tố này là “một sức mạnh quan trọng và hữu ích đối với an ninh và hoà bình xuyên eo biển.”

Và khi Đài Loan đang tìm kiếm vị trí trên trường quốc tế như một quốc gia có chủ quyền, độc lập đối với sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, bà Lau tin là phản ứng này đối với sinh viên Trung Quốc có thể định nghĩa cách mà xã hội Đài Loan nhìn nhận con người sống ở bờ bên kia eo biển. 

“Chúng tôi đang tự hỏi, chúng tôi nên nhìn nhận sinh viên [Trung Quốc] ở Đài Loan thông qua các chính sách xuyên eo biển này như thế nào, liệu họ là kẻ thù hay liệu họ là bạn bè. Hiện tại đây là một cuộc tranh luận chính trị,” bà nói.

Xuân Lan (theo Nikkei)

Related posts