Vac-xin ngừa Covid-19: Một “vũ khí ngoại giao” mới của Trung Quốc?

Minh Anh

A security guard stands in front of a building of China’s vaccine specialist CanSino Biologics Inc in Tianjin, following an outbreak of the coronavirus disease (COVID-19), China August 17, 2020. REUTERS – THOMAS PETER


Sau khẩu trang và các thiết bị y tế, vac-xin ngừa Covid-19 có nguy cơ trở thành “công cụ ngoại giao chiến lược” khác của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh và nhiều hãng dược lớn của Trung Quốc hứa hẹn ưu tiên cho nhiều nước như Brazil, Indonesia, Pakistan, Nga và Philippines quyền ưu tiên tiếp cận vac-xin do nước này sản xuất.

Bào chế vac-xin ngừa Covid-19 đang là một thách thức địa chính trị cho nhiều nước lớn. Hiện tại trên thế giới có khoảng 20 loại vac-xin ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng, sáu trong số này đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người, trong đó có ba loại của Trung Quốc, số còn lại là từ Mỹ, Anh và Đức.

Trong cuộc đua này, Nga là nước đầu tiên thông báo đã phát triển vac-xin Covid-19 hồi đầu tháng Tám trong mối ngờ vực của giới chuyên khoa thế giới. Hoa Kỳ thì cho biết chỉ chia sẻ vac-xin một khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ), Bắc Kinh tỏ ra linh hoạt trong việc chia sẻ vac-xin vì hai lý do. Thứ nhất, do sớm khống chế được dịch bệnh, việc thiếu các ca nhiễm Covid-19 có thể khiến cho bước thử nghiệm lâm sàng thiếu hiệu quả ngay tại Trung Quốc. Điều này giải thích vì sao các hãng dược lớn Trung Quốc có thể tiến hành thử nghiệm trên người tại nhiều nước như Indonesia, Pakistan, một số nước châu Phi hay châu Mỹ Latinh.

Thứ hai, Trung Quốc là một trong những quốc gia sản xuất vac-xin lớn nhất thế giới, hàng trăm triệu liều mỗi năm. Các hãng dược của Trung Quốc, bất kể là tư nhân hay Nhà nước, đều có cơ sở sản xuất riêng. Các hãng này cũng đang tăng tốc chạy đua trong việc bào chế và sản xuất thuốc ngừa Covid-19.

Vẫn theo quan điểm của nhật báo Mỹ, cử chỉ trên của Bắc Kinh không hoàn toàn vô tư. Trung Quốc chấp nhận cho một số nước có lợi ích chiến lược tiếp cận sớm nguồn vac-xin có thể sẽ mang lại cho nước này nhiều lợi ích chính trị. Một mặt, Trung Quốc tìm cách củng cố lại vị thế của mình trên thế giới sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ trong việc xử lý để dịch bệnh lan rộng khắp toàn cầu.

Mặt khác, việc nhập nhằng mục tiêu nhân đạo với chính sách đối ngoại giúp Bắc Kinh thắt chặt hơn quan hệ với một số nước, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung ngày càng gay gắt. Việc Hoa Kỳ đổi giọng trong hồ sơ Biển Đông khiến nhiều nước có nguy cơ ngả theo phía Mỹ.

WSJ đơn cử trường hợp Malaysia, việc cho phép nước này sớm có được vac-xin, có thể giúp tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur gây bất lợi cho Washington. Trong cùng một thời gian ngắn, ngoại trưởng Malaysia đã lần lượt tiếp đón các đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để thảo luận hợp tác sản xuất vac-xin.

Chính sách này cũng được Bắc Kinh áp dụng tương tự với Manila, cũng đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, với kết quả là tổng thống Philippines cấm quân đội tham gia các cuộc tập trận với Mỹ.

Trong chiến lược “ngoại giao y tế” này, không thể bỏ qua các nước trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới. Nếu như các nước giầu có thể đặt mua trước hàng triệu liều vac-xin, thì đương nhiên đối với nhiều nước nghèo, tụt hậu nằm trong dự án này, việc có được một vac-xin của Trung Quốc chẳng khác gì bám được một chiếc phao cứu sinh. Điều này còn giúp Trung Quốc mở rộng thêm ảnh hưởng thông qua các dự án y tế như tại Bangladesh chẳng hạn, hãng Sinovac của Trung Quốc có liên kết với Trung Tâm Nghiên Cứu về Bệnh Tiêu chảy đặt trụ sở tại Dhakar để tuyển dụng tình nguyện viên.

Câu hỏi đặt ra: Nếu như vac-xin không có hiệu quả hoặc có vấn đề an toàn hay như những công ty dược đó không thể cung cấp được nguồn hàng như họ cam kết thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra? Thế giới còn chưa quên bài học “khẩu trang dỏm, thiết bị kém chất lượng”, đã làm cho hình ảnh của Trung Quốc đôi phần sứt mẻ, khiến nhiều nước nghi kỵ.

Related posts