Jimmy Lai: Đại kỷ nguyên mới đang tới, sự tồn tại của ĐCSTQ đang bị đe dọa

Đại Nghĩa

Ông trùm truyền thông Hồng Kông Jimmy Lai (ảnh: Shutterstock).

Dù ông Tập Cận Bình chọn xử lý khủng hoảng tại Đại lục ra sao, một thời đại vĩ đại mới cũng sẽ tới với Trung Quốc.

Jimmy Lai (Lê Trí Anh) là người sáng lập Tập đoàn truyền thông Next Digital, xuất bản tờ Apple Daily và Next Magazine ở Hồng Kông và Đài Loan. Ông là người dám đối đầu với chính quyền Trung Quốc, đứng lên bảo vệ tự do cho Hồng Kông. Ngày 23/08/2020, ông có một bài viết đăng trên Apple Daily, sau đây là toàn văn bài viết của ông:

Người Trung Quốc ngày nay, chấp nhận sự cai trị của chính quyền Trung Quốc dựa trên việc cải thiện đời sống vật chất của người dân. Nhu cầu vật chất được đáp ứng, không chỉ có cơm ăn áo mặc mà chất lượng cuộc sống tốt thì người dân sẽ hài lòng. Nếu nhu cầu ngày càng cao, chắc chắn sẽ dẫn đến những rắc rối và phản kháng kéo dài.

Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không thừa nhận tầm quan trọng của cuộc sống tư tưởng của con người, thậm chí gọi đó là thuốc phiện. Tôn giáo là thuốc phiện, tư tưởng phương Tây là thuốc phiện, tự do ngôn luận là thuốc phiện. Mọi người sẽ nổi loạn nếu họ được tự do, do đó tự do cũng là thuốc phiện. Đây có phải là suy nghĩ của một nhà duy vật? Không, đây là suy nghĩ của một kẻ độc tài. Ý chí tự do là một món quà của Tạo Hóa, và mọi người đều có ý chí tự do; người có ý chí tự do rất khó cai quản. Mỗi người đều có ý chí tự do khác nhau thì làm sao cai trị? Để cai trị tốt, nhà độc tài phải ma hóa đời sống tâm linh và coi nó là mê tín dị đoan, đến nỗi người dân tin rằng ngay cả tự do không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cũng là mê tín.

Đối với ĐCSTQ, tất cả những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của họ đều là mê tín dị đoan và không nên tồn tại. Họ kiểm soát tôn giáo và ngôn luận để thay đổi đời sống tinh thần của mọi người; hãy lắng nghe ĐCSTQ và để chính quyền nghĩ thay bạn. Tuy nhiên, khi cuộc sống tư tưởng trống rỗng, con người không còn tự do và không còn hy vọng. Làm sao có hy vọng khi tư tưởng trống rỗng? Bạn không thể nhìn chằm chằm vào đống tiền và nói với vẻ ngạo mạn, “A! Chắc tôi đã làm đúng!” Bạn sẽ không ngu ngốc như vậy.

Nhưng khi có hy vọng, bạn cảm thấy rằng bạn đã làm đúng. Nhà độc tài không cho phép bạn thấy mình đã đúng, nếu không thì làm sao bạn vẫn nghe lời cho được. Khi hy vọng bị hủy hoại, bạn sẽ không biết đúng sai. Không có hy vọng, chỉ có bi quan thì làm thế nào để phân biệt đúng sai? Khi thế giới của bạn chỉ là bóng tối, bạn chỉ đơn giản là chạy theo “mặt trời đỏ” (lãnh đạo ĐCSTQ thường nhận mình là “mặt trời đỏ” – PV). Ánh sáng rực rỡ của “mặt trời đỏ” mang lại cho bạn hy vọng và là sự cứu rỗi của bạn. Thế giới của bạn càng tối, “mặt trời đỏ” càng rực rỡ, và bạn càng phải lắng nghe. Đây là câu thần chú của “tôn giáo ĐCSTQ”. Học thuyết của “Giáo huấn của ĐCSTQ” coi người dân là nạn nhân cần được cứu rỗi. Lãnh tụ là vị cứu tinh của nhân dân. Và xin thưa, đây là cách “Tập vĩ đại” tạo ra phiên bản hiện đại của một vị cứu tinh.

Vị cứu tinh nói với bạn rằng, tôi ở đây để cứu bạn, vì vậy bạn phải nghe lời tôi; không có cách nào khác ngoài lắng nghe tôi vì tôi đang làm điều đó vì lợi ích của chính bạn. Vì là người được cứu, bạn không có quyền trở thành một con người bình thường. Đây dường như là một thỏa thuận với ma quỷ, nhưng đây là thỏa thuận giữa ĐCSTQ và người dân. Tôi đã giải cứu bạn khỏi tình trạng hỗn loạn và đã tiếp tục cải thiện cuộc sống của bạn. 40 năm qua là một kỳ tích kinh tế, với tất cả những thành tựu được tạo ra bởi sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Vì vậy, tất cả mọi người phải lắng nghe.

Ảnh chụp màn hình bài báo của Jimmy Lai trên tờ Apple Daily.

Trong khi mọi người đang hướng mắt về phía “mặt trời đỏ”, và trái tim họ tràn đầy hy vọng về “một ngày mai tốt đẹp hơn”, thì phép màu kinh tế đột ngột biến hình và biến thành một thảm họa. “Ngày mai tốt hơn” bây giờ thành một “ngày mai tệ hại”. Trong bốn thập niên qua với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, mọi người lạc quan hướng tới tương lai. Cho nên họ lắng nghe ĐCSTQ. Tuy nhiên, khi tình hình bên ngoài thay đổi và nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn, không chỉ tăng trưởng chậm lại mà các vấn đề về cơ cấu cũng bộc lộ. Thị trường rơi vào hỗn loạn, và mô hình kinh tế phải đáp ứng với những thay đổi tương ứng.

Tuy nhiên, trong một môi trường chính trị dưới sự kiểm soát toàn năng của một người, không ai dám lên tiếng. Hệ thống này không cho phép các quan chức chịu trách nhiệm ra quyết định, mà phải đợi đấng toàn năng ra quyết định. Dù có thay đổi cũng chậm trễ và dễ xảy ra sai sót. Để đối phó với những thay đổi chưa từng có trong 40 năm quan hệ chính trị và thương mại với phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, cơ cấu kinh tế phải được thay đổi. Để thích nghi với tình cảnh bất thường này, cách ứng phó không phải là lập kế hoạch tốt mà phải linh hoạt và nhanh chóng giải quyết vấn đề. Nhưng chế độ dưới sự kiểm soát của một đấng toàn năng, không có được sự linh hoạt như vậy. Kết quả là nền kinh tế bị mắc kẹt như tra tấn trong hệ thống bao vây thông tin cứng nhắc.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ đưa đến những hậu quả rất lớn và những thiệt hại sâu rộng cho nền kinh tế. Điều sắp xảy ra chính là đòn giáng vào lòng tin của nhà đầu tư. Chế độ đã áp dụng chính sách ngoại giao “chiến binh sói” để đối kháng lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, rồi cái gọi là “chiến tranh nóng” và thậm chí đe dọa tăng sản xuất vũ khí hạt nhân để chống lại nước Mỹ. Nhưng những phương thức ồn ào này nay đã lắng xuống, các lãnh đạo của chế độ đã thể hiện giọng điệu và lập trường dịu bớt. Mặc dù chưa có dấu hiệu dù nhỏ nhất cho thấy cuộc chiến sẽ sớm bắt đầu, nhưng các nhà đầu tư đã lo sợ. Chừng nào căng thẳng Trung-Mỹ vẫn chưa được giải quyết, các nhà đầu tư nước ngoài không dám đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước thậm chí còn sợ một cuộc chiến tranh thực sự với người Mỹ, vì họ có rất ít kiến ​​thức về tình hình quốc tế. Vậy thì ai dám chọn đầu tư trong thời gian này?

Các khoản đầu tư đột nhiên bị đình trệ, một dấu hiệu cho thấy cơ cấu kinh tế đang cần thay đổi khẩn cấp. Nhưng thay đổi đi kèm với chi phí, và không ai sẵn sàng chịu chi phí để thích ứng với sự thay đổi này. Đây là bế tắc kinh tế hiện tại của Trung Quốc. “Đấng toàn năng” đã thiết lập hệ thống kinh tế chính trị theo hướng “nhà nước tiến, dân thoái” (tăng sở hữu nhà nước, giảm sở hữu tư nhân – PV). Điều này khiến các doanh nghiệp chần chừ trong việc tiến lên. Việc thúc đẩy “lưu thông kinh tế nội bộ” có nghĩa là cô lập và đóng cửa. Cùng với những tranh chấp ngày càng gay gắt giữa Trung-Mỹ, những điều này không tốt cho các khoản đầu tư. Sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp đang chững lại, lựa chọn cách quan sát và suy nghĩ thấu đáo. Mối đe dọa từ Hoa Kỳ đã mang lại những rủi ro chưa từng có cho các doanh nghiệp Trung Quốc, và thiệt hại do nó gây ra còn đắt hơn cả các lệnh trừng phạt.

Tất nhiên, tất cả những điều đó có thể là cảnh báo giả, nó sẽ hiện hữu trong một vài năm nữa. Mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi là một vấn đề không thể giải quyết trong vòng một thập kỷ. Trong đó, sự đình trệ đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiềm ẩn một mối lo lớn. Rõ ràng, những thiệt hại về kinh tế và chính trị do cuộc đối đầu giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ mang lại quá lớn, và thậm chí còn gây ra những thách thức đối với tính cai trị hợp pháp của chế độ ĐCSTQ. Nếu nền kinh tế không được cứu, ĐCSTQ sẽ không thể cứu chế độ của mình. Những thiệt hại về vật chất và lòng tin do cuộc đối đầu với Hoa Kỳ đã báo trước một thảm họa đang rình rập trên đầu ĐCSTQ.

Cho dù ĐCSTQ xử lý cuộc khủng hoảng này như thế nào, nó sẽ mang lại những thay đổi của thời đại. Người vẫn muốn trở thành hoàng đế ngày nay, phải là một kẻ cuồng tín lạnh lùng với sự bất lương kiêu ngạo. Mao Trạch Đông chắc chắn là một kẻ cuồng tín, nhưng ông ta được dung dưỡng bởi những người dân ngu muội cuồng tín cách mạng. Ông ta đã sống trong thời đại mà sự phẫn nộ của mọi người, được kết hợp thành một thứ cuồng tín dân tộc hẹp hòi. Bản thân ông ta đã được phóng chiếu và phóng to thành hình tượng Mao vĩ đại, được phong Thần. Đó là thời đại mà con người đánh mất lý trí và trở nên ngu ngốc.

Triều đại của Tập phải đối mặt với một thế giới đã giác ngộ. Trong vài thập kỷ qua, người Trung Quốc đã giao lưu thương mại, văn hóa, kiến thức trên khắp thế giới và đã hiểu biết về thế giới. Họ không còn ngu muội như ở thời Mao. Ngày nay, tất nhiên, ông (Tập) có quyền làm Chủ tịch Mao 2.0, nhưng liệu ông có đủ khả năng để làm như vậy, đây là thách thức lớn nhất của ông. Nếu ông thành công, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thời kỳ hỗn loạn và rắc rối to lớn. Tôi nghĩ, chúng ta sẽ sớm biết liệu người dân có sẵn sàng gánh chịu hậu quả của thảm họa này hay không. Đại Kỷ nguyên mới đang tới gần.

Theo Appledaily
Đại Nghĩa biên dịch

Related posts