Tịnh Văn
Ngày 11/10/2019, một tảng thiên thạch rơi xuống gần địa phận thành phố Tùng Nguyên (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) kèm theo ánh sáng đỏ rực như lửa cháy. Thiên thạch rơi khiến màn đêm bỗng loé sáng như ban ngày, và sau vài giây bầu trời tối sầm trở lại. Người dân nhiều nơi ở các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang và Liêu Ninh đều tận mắt chứng kiến cảnh này. Hiện tượng thiên văn hiếm có này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khá rộng rãi trong công chúng.
Thiên thạch (đá trời), trước nay thường được cho là tàn tích của các ngôi sao rơi xuống mặt đất. Thiên thạch có thể bốc cháy hoàn toàn trong khi đang bay vào khí quyển Trái đất nhưng cũng có thể vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống đất, để lại những dấu tích va chạm. Từ xa xưa, con người đã có nhiều ghi chép về những vụ thiên thạch rơi. Đến năm 2006, người ta ước tính rằng nhân loại đã có khoảng 31000 tài liệu ghi chép về thiên thạch. Trong “Sử ký”, phần “Thiên quan thư” của Tư Mã Thiên có chép: “Sao rơi xuống đất, chính là đá vậy”. Thời nay, người ta cho rằng ai nhặt được thiên thạch thì được coi là có được món tài phú bất ngờ Trời cho. Bởi vì giá của thiên thạch còn đắt hơn vàng. Nhưng vào thời cổ đại lại có nhiều cách lý giải khác nhau về thiên thạch và dị tượng thiên thạch rơi.
Thiên thạch khắc lời sấm bí ẩn: “Thuỷ Hoàng chết, đất phân chia”
Cổ nhân cho rằng, sự biến đổi của các thiên thể trên trời ứng với sự biến hoá ở dưới nhân gian. Cho nên các triều đại trước đây đặt ra chức “Tư thiên giám” (còn gọi là Thái sử giám hoặc Khâm thiên giám) chuyên có nhiệm vụ quan sát thiên tượng, sự biến đổi của tinh tú từ đó mà xem xét vận nước hưng suy ra sao, hoàng quyền thay đổi thế nào hay vận mạng sống chết của thiên tử… Trong hầu hết các dị tượng, Trời giáng thiên thạch trước nay đều bị coi là báo trước điềm gở.
“Sử ký” chép, năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 36 (tức năm 211 TCN), một ngôi sao từ trên trời rơi xuống đất, mảnh còn sót lại tạo thành một thiên thạch lớn, bên trên ghi mấy chữ: “Thuỷ Hoàng tử nhi địa phân” (Thuỷ Hoàng chết, đất phân chia). Đây quả thực là một lời sấm đáng sợ. Như chúng ta biết, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước vào năm 221 TCN, lập nên đế chế Đại Tần hùng mạnh. Câu sấm kia chẳng phải nói rằng khi Tần Thuỷ Hoàng băng hà thì thiên hạ, đất đai của nhà Tần lại phân tán, loạn lạc sao? Khi ấy, Tần Thuỷ Hoàng nghe nói có thiên thạch rơi, biết là điềm dữ, vì muốn hoá hung thành cát mà quyết định lên đường tuần du thiên hạ lần thứ năm. Chẳng ngờ trên đường đi tuần, Hoàng đế băng hà. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng băng hà, con thứ của ông là Hồ Hợi được Triệu Cao đưa lên ngôi, tức Tần Nhị Thế. Chính sách cai trị bạo ngược của Tần Nhị Thế và Triệu Cao (khi ấy là Thừa tướng) khiến lòng người oán thán, quân khởi nghĩa nổi dậy khắp nơi, những thủ lĩnh lớn như Hạng Vũ, Lưu Bang… cầm quân thắng trận như chẻ tre đã khiến nhà Tần nhanh chóng bại vong. Những quốc gia chư hầu trước kia vốn bị Tần Thuỷ Hoàng diệt khi thống nhất Trung Quốc, giờ đây đều lần lượt phục quốc như: Sở, Tề, Nguỵ, Triệu, Yên, Tề… Mảnh thiên thạch chứa câu sấm chính là đã cho thấy trước bí mật của thiên cơ.
Trời giáng thiên thạch, hoàng đế băng hà, quốc gia đổi họ
Vào khoảng giữa hai triều đại Tây và Đông Hán của nhà Hán, có một triều đại tồn tại khá ngắn ngủi: triều Tân do Vương Mãng lập ra, kéo dài 14 năm (9 – 23). Trong những năm cuối triều Tân, khởi nghĩa lại nổ ra khắp nơi, quốc gia rơi vào cảnh loạn lạc. Hai lực lượng “phản Tân” mạnh mẽ nhất là quân Xích Mi và quân Lục Lâm. Quân Lục Lâm phò Lưu Huyền lên ngôi, khôi phục lại quốc hiệu Hán, sử sách gọi là Hán Canh Thuỷ Đế. Vương Mãng khiếp sợ tột độ, phái Đại Tư không Vương Ấp và Đại Tư đồ Vương Tầm dẫn 43 vạn binh mã quyết tiêu diệt quân Hán ở Côn Dương. Để ngăn cản đại quân của Vương Mãng tiến xuống phía nam, Lưu Huyền quyết định vây đánh Uyển Thành (nay thuộc thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam) vốn là một thành trì trọng yếu chiến lược. Đồng thời, ở vùng Trĩ Xuyên, Lưu Huyền phái các tướng Vương Phượng, Vương Thường và Lưu Tú dẫn 2 vạn người công đánh Côn Dương, Định Lăng (phía tây Yển Thành, Hà Nam) và huyện Yển (phía nam Yển Thành, Hà Nam). Đạo quân này cùng với chủ lực quân Hán đang công đánh Uyển Thành tạo thành thế ỷ giốc vây địch.
Tháng 3, năm Canh Thuỷ thứ nhất (năm 23), triều Hán Canh Thuỷ Đế, đại quân của Vương Mãng do Vương Ấp và Vương Tầm thống suất vây thành Côn Dương mấy chục vòng, lại đóng hàng trăm trại ở ngoài thành. Đại địch trước mặt, bên trong thành Côn Dương quân Hán chỉ có khoảng 8, 9 nghìn binh, làm thế nào để chống cự lại hơn 40 vạn đại quân? Binh tướng quân Hán đều thấp thỏm lo âu, thậm chí đã tính đến nước giải giáp đầu hàng. Chỉ có một mình Lưu Tú vẫn cười nói như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tướng bó tay, kế cùng đành phải nghe theo hiệu lệnh của Lưu Tú. Lưu Tú dặn ba quân ở lại thủ thành vững, còn tự mình dẫn theo 13 người đột phá vòng vây ra ngoài mở đường máu, tìm viện binh.
Bấy giờ, quân nhà Tân vây hãm Côn Dương rất gắt, tên bắn như mưa vào thành. Đại tướng quân Hán là Vương Phượng muốn mở cổng thành đầu hàng song chủ soái của quân Tân là Vương Tầm, Vương Ấp cho rằng mình sắp phá vỡ được thành nên không đồng ý. Không ngờ, chính đêm hôm ấy trời giáng dị tượng. Sử sách chép rằng: “Ban đêm có sao băng rơi xuống doanh trại, ban ngày lại có mây như núi sụp nhằm vào doanh trại mà rơi xuống, cách mặt đất chừng một thước thì vỡ tan, quan quân đều kinh sợ mà nằm phủ phục xuống”. Sách “Tục Hán chí” viết: “Mây như núi sụp, gọi là sao Doanh Đầu vậy. Xem quẻ là: nơi nào sao Doanh Đầu rụng, nơi ấy binh bại tướng chết, máu chảy ngàn dặm”. Như thế đủ biết sao băng rụng trong doanh trại quân Tân thì chính là điềm báo thất bại của Vương Mãng trước quân Hán.
Quả nhiên chẳng bao lâu sau, Lưu Tú dẫn theo viện binh tới cứu Côn Dương. Thừa lúc quân của Vương Ấp khinh địch lơi lỏng, Lưu Tú thống lĩnh 3000 quân bất ngờ tấn công đại phá quân địch. Quân trong thành Côn Dương cũng xông ra ngoài hai mặt giáp công tiêu diệt quân chủ lực của Vương Ấp, giết chết Vương Tầm. Hơn 43 vạn binh mã của nhà Tân bị loại khỏi vòng chiến. Trận chiến Côn Dương, Lưu Tú lấy ít địch nhiều, trực tiếp khiến cho nhà Tân diệt vong. Đại quân chủ lực của nhà Tân bị tiêu diệt dưới chân thành Côn Dương, cuối cùng đã ứng với điềm báo sao băng rụng cách đó ít ngày. Tháng 9 năm đó, ở thành Trường An, Vương Mãng chết trong đám loạn quân. Năm Canh Thuỷ thứ 3 (tức năm 25), Lưu Tú, cháu đời thứ 9 của Hán Cao Tổ Lưu Bang đăng cơ Hoàng đế, chính thức khôi phục Đại Hán, sử gọi là Đông Hán để phân biệt với Tây Hán do Lưu Bang sáng lập năm 202 TCN.
Sao rơi, ở dưới tất có chiến trường
Thời Nguỵ Minh Đế, năm Cảnh Sơ thứ hai (năm 238), Hoàng đế Tào Duệ triệu hồi Thái uý Tư Mã Ý, lệnh ông xuất chinh Liêu Đông, thảo phạt Công Tôn Văn Ý. Tư Mã Ý vây hãm Công Tôn Văn Ý tại Tương Bình. Một đêm tháng 8, một sao băng lớn dài chừng mấy chục trượng phóng ra sắc trắng, xẹt qua thành Tương Bình và rơi xuống mặt đông nam của thành.
Khi ấy, có người tính quẻ bói nói rằng: “Trong lúc vây thành mà xuất hiện sao băng đi qua phía trên rồi lại rụng vào trong thành thì chính là dấu hiệu cho thấy quân thủ thành sẽ bại vong”. Lại nói: “Sao rơi, ở dưới tất có chiến trường”. Đến tháng 9, Công Tôn Văn Ý đột phá vòng vây, mở đường máu muốn bỏ chạy. Khi chạy đến nơi mà sao băng rụng xuống trước đó, Công Tôn Văn Ý quả nhiên bị quân của Tư Mã Ý giết.
Căn cứ vào hàng loạt sự kiện lịch sử được ghi lại trong “Tấn thư” quyển 13, có thể thấy mỗi khi thiên thạch trên trời rơi xuống hoặc khi có sao băng rơi như mưa thì sẽ xuất hiện những biến hoá ở thế gian như: quốc gia đổi họ, Hoàng đế băng hà, dùng loạn phạt loạn, đại chiến đổ máu, binh tướng phẫn nộ, dân chúng làm phản… Theo những tài liệu thiên văn ghi chép được còn đến ngày nay, sự xuất hiện của thiên thạch đều không phải là điềm lành.
Nếu như bạn còn cảm thấy nghi hoặc vì những câu chuyện lịch sử đã quá xa xôi, vậy thì hãy nhìn lại những lần thiên thạch rơi ngay trong thời hiện đại ở Trung Quốc. Quả thực, người ta đều sửng sốt nhận ra rằng con người và thiên tượng là có sự tương tác qua lại, quan niệm xưa gọi là “Thiên Nhân cảm ứng”. Sau khi ĐCSTQ cướp chính quyền ở Đại lục, đã có bốn lần thiên thạch rơi xuất hiện ở Trung Nguyên:
Lần thứ nhất là vào ngày 8/3/1976, một trận mưa thiên thạch xảy ra ở địa phận tỉnh Cát Lâm. Quy mô của nó là rất lớn, thậm chí thuộc vào hàng hiếm có trên thế giới. Cùng năm ấy, trận động đất kinh hoàng xảy ra ở thành phố Đường Sơn, khiến ít nhất 300.000 người thiệt mạng. Cùng năm ấy, ba lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ là Mao Trạch Đông, Chu Đức và Chu Ân Lai cũng lần lượt qua đời. Sau cái chết của Mao Trạch Đông vào ngày 9/9/1976, chỉ ít lâu sau vào ngày 6/10/1976, “Tứ nhân bang” bị bắt, đánh dấu chấm hết cho thảm hoạ Cách mạng Văn hoá kéo dài một thập kỷ.
Lần thứ hai là vào ngày 15/4/1986, trời giáng thiên thạch ở Tuỳ Châu (tỉnh Hồ Bắc). Hồ Diệu Bang tiến hành bình phản, sửa án oan sai, lấy lại công bằng cho 61 người trong vụ án Bạc Nhất Ba. Từ chỗ là một tội đồ, Bạc Nhất Ba một bước trở thành kẻ quyền quý trong ĐCSTQ. Với Bạc Nhất Ba có thể nói Hồ Diệu Bang chính là đại ân nhân. Thế nhưng vào đúng năm thiên thạch rơi xuống Tuỳ Châu, Bạc Nhất Ba vong ân bội nghĩa, dẫn đầu đám người phê phán, nhục mạ Hồ Diệu Bang, bức Hồ phải từ chức. Sau đó, Hồ Diệu Bang, đang là Tổng bí thư ĐCSTQ, là lãnh đạo tối cao cũng buộc phải từ chức, hạ đài.
Lần thứ ba vào ngày 15/2/1997, trời trút mưa thiên thạch xuống khu vực gần Quyên Thành (tỉnh Sơn Đông). Chỉ 4 ngày sau trận mưa thiên thạch, ĐCSTQ chính thức thông báo cái chết của Đặng Tiểu Biểu vào ngày 19/2/1997. Giang Trạch Dân tự mình nắm trọn vẹn toàn bộ quyền lực trong tay. Hơn 2 năm sau, Giang trở thành thủ phạm chính trong cuộc bức hại hàng trăm triệu người tập Pháp Luân Công, một môn khí công ôn hoà. Tội ác đó đã mang lại muôn vàn thống khổ, bức xúc cho người dân Trung Quốc. Trận mưa thiên thạch năm 1997 một lần nữa dự báo chính xác về sự thay đổi quyền lực bên trong ĐCSTQ và dường như cũng báo trước sự xuất hiện của một “hôn quân” tàn bạo.
Lần thứ tư là vào ngày 11/2/2012, một trận mưa thiên thạch quy mô lớn xảy ra ở Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải). Các báo cáo cho thấy, quy mô của nó chỉ đứng sau trận mưa thiên thạch năm 1976. Năm đó, Vương Lập Quân, cựu Giám đốc Sở Cảnh sát Trùng Khánh đã bỏ trốn vào Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô cùng các tài liệu mật để xin tị nạn chính trị. Vụ việc đã khiến giới cầm quyền ĐCSTQ chấn động, cũng gây ra sự chú ý to lớn trên phạm vi toàn cầu. Sau vụ việc của Vương Lập Quân, những tội ác nằm trong bóng tối của các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ lần lượt bị đưa ra ngoài ánh sáng, chẳng hạn như việc Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính chống lại Tập Cận Bình, mổ cướp nội tạng những người tu luyện Pháp Luân Công và thu lời từ việc bán xác chết trên thị trường chợ đen. Những tội ác đầy tai tiếng ấy tạo ra một cơn sóng thần chính trị rung chuyển Trung Nam Hải, cục diện chính trị đã thay đổi đáng kể, phe cánh của Giang Trạch Dân (Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai…) đang dần dần tan rã vì chính những tội ác của mình.
Hãy trở lại với sự kiện thiên thạch rơi tại Cát Lâm vào tháng 10/2019. Liệu Trời cao đang cảnh báo điềm hoạ gì? Và liệu Trung Quốc sẽ lại phát sinh đại sự nào đây? Hãy cùng chờ xem.
Tài liệu tham khảo:
– “Sử ký”, quyển 6
– “Hậu Hán thư”, quyển 1
– “Tấn thư”, quyển 13
Theo Epochtimes
Tịnh Văn biên dịch