Phụng Minh
Chức năng hồ chứa Tam Hiệp thiếu tính thực tế, chỉ dựa vào một câu của Stalin mà không được tính toán đầy đủ, nên không có khả năng ngăn lũ, thậm chí có thể làm nó trầm trọng hơn.
Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã có 5 trận lũ lụt lớn ở Trung Quốc kể từ mùa lũ năm nay. Tuy nhiên, một số trận lũ lụt cục bộ đã không được báo cáo, ví dụ, gần đây trên Internet đã tiết lộ rằng lũ lụt xối xả và lở đất đã xảy ra ở nhiều nơi ở Tứ Xuyên vào cuối tháng Tám. Ngoài ra, một số cư dân mạng đăng tải video cho rằng lũ lụt ở An Huy do xả lũ của các hồ chứa khiến nhiều vùng vẫn bị ngập trong lũ 40 ngày sau đó.
Hồ chứa của Dự án Tam Hiệp đóng vai trò gì trong trận lũ sông Dương Tử vào năm 2020? Tác động của đập Tam Hiệp đối với mực nước sông tự nhiên là thế nào? Các loại lũ ở sông Dương Tử là gì? Tại sao vào thời điểm quan trọng, các hồ chứa lớn nhỏ trên sông Dương Tử không phải để tích lũ mà là xả lũ? Tại sao người dân Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả chống lũ của các hồ chứa? Phóng viên Visiontimes đã phỏng vấn Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia nổi tiếng về sinh thái học và công trình thủy điện ở Đức và làm rõ các câu hỏi trên.
Dự án đập Tam Hiệp của Tôn Trung Sơn là để cải thiện kênh hàng hải chứ không phải để ngăn lũ
Ông Vương Duy Lạc cho biết: “Vào thời điểm đó, không giống như nhiều tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói rằng Chính phủ Quốc dân đảng không làm gì thời Trung Hoa Dân Quốc. Từ khi chính phủ nhà Thanh sụp đổ đến khi thành lập Chính phủ quốc dân, kinh tế phát triển nhanh chóng, và Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi từ một xã hội phong kiến nông nghiệp khép kín sang giai đoạn công nghiệp hóa”.
“Tứ Xuyên và lưu vực sông Dương Tử cũng phát triển nhanh chóng. Nó không giống như những gì đại lục mô tả. Ví dụ, vào năm 1939, sông Dương Tử chỉ toàn là thuyền gỗ, loại thuyền thon dài … Có những thứ như vậy, những năm 1930 thuyền sông 3.000 tấn từ Thượng Hải đến Trùng Khánh cũng đã có, nhưng tương đối lâu, phải đợi mực nước tương đối cao mới di chuyển được. Vào mùa khô, mực nước tương đối thấp, nơi khúc sông tương đối nông, nên phải nhờ người kéo mới có thể qua được. Nói cách khác, có những con tàu hơn 3.000 tấn có thể đi qua vào thời điểm đó. Con tàu dòng Đông Phương Hồng mà Đặng Tiểu Bình đã đi vào năm 1980 chính là loại 3.500 tấn, gần như cùng thời với loại những năm 1930″.
Vương Duy Lạc đã đề cập đến việc Trung Quốc không chỉ phát triển kinh tế tương đối nhanh trong thời Trung Hoa Dân Quốc, mà còn làm rất nhiều việc trên sông Dương Tử. “Nếu mọi người thích coi Dự án Tam Hiệp như một giấc mơ thế kỷ, thì Quốc dân đảng cũng đã lên kế hoạch cho Dự án Tam Hiệp. Chính quyền ĐCSTQ sau đó đã sao chép nó. Ví dụ, Dự án Cát Châu Bá hoàn toàn là sao chép từ kế hoạch hồ chứa của chính phủ Quốc dân đảng. Kế hoạch phát triển Dự án Tam Hiệp ban đầu là xây dựng 7 trạm thủy điện, tất cả đập ở trạm đều tương đối nhỏ, tuy nhiên, khi Quốc dân đảng đưa ra kế hoạch, họ chưa thực hiện việc xây dựng hồ chứa nước Tam Hiệp để kiểm soát lũ lụt, hoàn toàn không có chuyện đó”.
“Tôn Trung Sơn lần đầu tiên đề xuất xây dựng Dự án Tam Hiệp để cải thiện kênh hàng hải. Vì ở đoạn eo sông Tây Lăng, giữa sông có nhiều đá hơn và dòng nước cũng hỗn loạn hơn. Vào mùa khô, mực nước tương đối thấp, nên ông muốn xây một con đập thấp, như đập Địa Châu hiện nay, khiến cho đường sông sâu hơn một chút, để tàu bè có thể qua lại trong nhiều năm. Sau đó, ông nói rằng tiện thể theo cách này chúng ta cũng có thể tạo ra điện”.
Năm 1981, chưa có đập Tam Hiệp, lũ lớn hơn năm 2020 nhưng vì sao mực nước lại thấp hơn năm nay?
Vào thời điểm xảy ra trận lũ thứ 5 vào cuối tháng 8 năm nay, lưu lượng nước ở trạm Thốn Than đạt 74.600 mét khối mỗi giây. Theo Vương Duy Lạc, vào năm 1981, cách đây 39 năm, lưu lượng lũ lớn nhất ở Thốn Than đạt 85.700 mét khối / giây, nhiều hơn năm nay 11.100 mét khối / giây. Mực nước cao nhất là 191,41 mét, thấp hơn năm nay 0,21 mét.
“Trận lụt năm 1981, lúc đó ở Trùng Khánh mưa to 6 ngày, trận lũ thứ 5 trong năm nay đến, Trùng Khánh trời quang mây tạnh, mấy ngày không có mưa. Năm 1981 thì không có đập Tam Hiệp. Vâng, tôi để câu hỏi này để khán giả suy nghĩ, tại sao lưu lượng lũ năm 1981 lớn nhưng mực nước lũ lại thấp hơn năm nay? Nguyên nhân do đâu? Hãy suy nghĩ xem”.
Chính xác thì hồ chứa được sử dụng để làm gì?
Vào ngày 15/7 năm nay, Tuần báo Tin tức Kinh tế thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng một bài báo có tên “Ba câu hỏi về Tam Hiệp”. Trong bài có nhiều câu đáng kinh ngạc, chẳng hạn như “Tam Hiệp không sợ bom nguyên tử”, “Tam Hiệp ngâm mình trong nước, càng ngâm càng chắc”, “Tam Hiệp được thiết kế để đối phó với trận lụt 10.000 năm mới có một lần”. Bài báo cũng đề cập đến chức năng chính của hồ chứa Dự án Tam Hiệp là giải quyết nhu cầu sử dụng nước của con người, tích trữ nước vào những lúc nước cao hoặc lũ lụt, và biến chúng thành nguồn tài nguyên nước quý giá trong những lúc khô hạn. Nói cách khác, chức năng của hồ chứa nước của con đập là chứa nước lũ và biến chúng thành nguồn nước vào mùa khô để tưới tiêu và cấp nước.
Về lý do tại sao đến nay người Trung Quốc vẫn nhận thức như thế về hồ chứa nước Tam Hiệp, ông Vương chỉ ra: “Thực ra đoạn văn này xuất phát từ một cuốn sách do Stalin viết. Năm 1950, Mao Trạch Đông đã cử một phái đoàn bảo vệ nguồn nước Trung Quốc sang Liên Xô để học hỏi kinh nghiệm. Đoạn này được viết trong ‘Các vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa của Liên Xô’ của Stalin, và Trung Quốc cầm về liền xem nó như chân kinh. Có nghĩa là bây giờ chúng ta có một hồ chứa, đem tích nước lũ lụt vào và sử dụng trong thời gian hạn hán, đây là chức năng của hồ chứa”.
“Hồ chứa nước muốn phát huy tác dụng này thì phải có rất nhiều điều kiện. Ví dụ, hồ đập Aswan có dung lượng lưu trữ lớn, hay như hồ chứa Tân An, có dung tích chứa hơn gấp đôi lưu lượng hàng năm. Tức là hồ chứa này phải có điều kiện kỹ thuật rất quan trọng, dung tích chứa phải lớn, nếu dung tích chứa không đủ lớn thì sẽ không thể hoàn thành điều mà chúng ta đã nói trước đó là trữ lũ và biến chúng thành nguồn nước cho các thời kỳ khô hạn”.
“Năm nay chúng ta thấy rằng Tam Hiệp là một điểm lưu trữ nước trong các trận lũ lụt 1, 2, 3 và 4, sau đó được giải phóng, tích lũy một ít và lại giải phóng, vì dung lượng lưu trữ của nó không đủ lớn. Đây là khía cạnh kỹ thuật của Dự án Tam Hiệp. Những thứ rất chết người. Vì vậy, những kẻ tung hô Dự án Tam Hiệp luôn sử dụng lý thuyết này hay lý thuyết nọ, dữ liệu này nọ để lừa bịp người dân Trung Quốc. Chỉ cần giải thích rõ, bụng của hồ chứa Tam Hiệp quá nhỏ, không thể chứa được nhiều dòng nước như vậy…”
Vì sao người dân đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả chống ngập của Dự án Tam Hiệp?
Mọi người hiện đang bàn luận về Dự án Tam Hiệp trong trận lũ này, và dường như họ chưa thấy tác dụng chống lũ nào hiệu quả. Vậy tại sao người ta lại đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án Tam Hiệp? Vương Duy Lạc cho rằng điều này là do trước khi Dự án Tam Hiệp được khởi động và trong toàn bộ quá trình ra quyết định của Dự án Tam Hiệp cho đến ngày nay, những người được gọi là học giả và chuyên gia của ĐCSTQ đã liên tục lừa dối người dân Trung Quốc và chào hàng lợi ích phòng chống lũ lụt của Dự án Tam Hiệp này.
“… Ví dụ như Lý Bằng đã nói, sẽ không có thảm họa lũ lụt nào sau dự án Tam Hiệp. Tổng công trình sư của dự án Tam Hiệp Lục Hữu Mi cũng nói rằng sau dự án Tam Hiệp sẽ không có thảm họa lũ lụt nữa. Ông ấy đã qua đời cách đây một thời gian. Hoặc Trịnh Thủ Nhân, cha đẻ của đập Tam Hiệp, cũng nói rằng miễn là có đập Tam Hiệp, sẽ không có lũ lụt”.
Trong trận lụt năm 1991, Vạn Lý đã đưa ra vấn đề là nếu không xây đập, Trung Quốc sẽ ở trong địa ngục, phải xây đập để không có lũ lụt trong tương lai. Năm 1991, Lý Bá Ninh đã viết một bức thư và chuyển nó cho Giang Trạch Dân… Sau đó rất nhiều bài báo tuyên truyền về Dự án Tam Hiệp đã xuất hiện. Những bài báo của Nhân dân nhật báo đăng trên trang nhất trong hai tuần liên tiếp, tất cả đều là những bài báo được xuất bản bởi những người có tiếng nói ở Trung Quốc, nói rằng Dự án Tam Hiệp ngăn lũ lụt, sản xuất điện và cải thiện việc vận chuyển, hệu quả kinh tế tốt nên bỏ tiền ra đầu tư ngay. “Người dân Trung Quốc chấp nhận quan điểm này, và một khái niệm vững chắc đã hình thành trong đầu mọi người, nghĩ rằng sau Dự án Tam Hiệp, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Vì vậy, mọi người đều đặt nhiều kỳ vọng vào chức năng chống lũ lụt của Dự án Tam Hiệp”, ông Vương lý giải.
Có ba loại lũ ở sông Dương Tử, hiệu quả kiểm soát 3 loại này của đập Tam Hiệp đều hạn chế hoặc thậm chí làm lũ tồi tệ hơn
Về đặc điểm của lũ sông Dương Tử, Vương Duy Lạc đã đề cập cụ thể đến ông Lục Khâm Khản trong cuộc phỏng vấn. Ông Lục Khâm Khản là người đầu tiên đưa ra khái niệm 3 loại lũ ở sông Dương Tử, trong đó 2 loại Dự án Tam Hiệp không có tác dụng gì và 1 loại có tác dụng hạn chế. Ông Lục đã nghiên cứu sông Dương Tử từ những năm 1930.
Lũ ở trên thượng nguồn như cơn lũ số 5 năm nay, nếu có đập ở đó giữ nước lại, thế nước càng lớn, khiến khi xả nước lũ sẽ càng tồi tệ hơn đối với khu vực hạ lưu. Lũ ở hạ nguồn như trong năm 2019, không phải đến từ thượng lưu của Tam Hiệp, nên con đập cũng không có tác dụng gì. Còn loại lũ trên toàn lưu vực như năm 1954 thì đập Tam Hiệp càng có ít tác dụng ngăn lũ loại này. Do dung tích hồ chứa của Dự án Tam Hiệp quá nhỏ và tổng lượng lũ thời điểm đó quá lớn, dung tích hồ của Dự án Tam Hiệp chỉ bằng 1/10 tổng lượng lũ. Vậy thì con đập cũng chẳng có mấy tác dụng.
Dự án Tam Hiệp làm thay đổi độ dốc của sông, mực nước bị nâng lên 113 mét, chặn dòng xả
Vương Duy Lạc chỉ ra thêm, người thứ hai cần nhắc đến là Quách Lai Hỷ, lưu học sinh Liên Xô. Ông Quách đã nhìn thấy một vấn đề vào thời điểm đó. Ông nói rằng về mặt địa lý, Dự án Tam Hiệp đã thay đổi độ dốc thủy lực của các con sông tự nhiên, và con đập đã nâng mực nước tự nhiên lên 113 mét. Điều này không tốt cho việc xả lũ.
Ông Quách đã từng gặp kỹ sư trưởng của Văn phòng trù bị Tam Hiệp họ Hà trong phòng họp của Quốc vụ viện, ông muốn nói chuyện về vấn đề này, nhưng vị kỹ sư trưởng nói với ông rằng Bộ trưởng Tiên Chính Anh không cho phép thảo luận về vấn đề này.
Theo ông Quách, đập Tam Hiệp đã làm thay đổi trạng thái tự nhiên và điều kiện tự nhiên, nâng mực nước tự nhiên lên hơn 100 mét, nâng cao đường nền lũ và làm cho dòng chảy chậm lại.
Theo Li Jingru, Visiontimes
Phụng Minh biên dịch