Tin thế giới sáng thứ Ba

Thêm nhiều quan chức quốc tế muốn thăm Đài Loan

Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil và Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp chụp ảnh chung sau cuộc họp báo chung ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 3/9/2020 (ảnh: Reuters).

Một số nhân vật chính trị quốc tế bày tỏ quan tâm đến việc tới thăm Đài Loan, trong đó có cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen và Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Anna Hallberg, theo Taiwan News.

Theo Up Media, một số quốc gia đã liên hệ với chính phủ Đài Loan để sắp xếp các chuyến thăm tiềm năng sau khi gần đây Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex AzarChủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil dẫn đầu phái đoàn hai nước tới hòn đảo. Thông tin về việc Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán kinh tế trực tiếp với Đài Loan vào ngày 18/9 cũng được lan truyền kể từ khi ông tham gia một hội nghị trực tuyến với các quan chức Đài Loan vào tháng 8.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp (trái) và cựu Chủ tịch NATO Anders Fogh Rasmussen (phải). Trước khi đại dịch bùng phát, ông Rasmussen đã tỏ ý định thăm Đài Loan (ảnh chụp màn hình CNA dẫn từ Twitter của ông Rasmussen).

Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Đài Loan nói với Up Media rằng các quan chức chính phủ tiền nhiệm và hiện tại của Nhật Bản và các nước châu Á khác đã bày tỏ mong muốn tiếp bước phái đoàn Séc. Tuy nhiên, MOFA đã khuyên họ hoãn các chuyến đi sang năm sau do lo ngại về khối lượng công việc cần xử lý từ đại dịch Covid-19.

Vị quan chức giấu tên chia sẻ MOFA đã phải chịu áp lực lớn trong việc đảm bảo an toàn cho các quan chức cũng như các công dân của họ. Người này giải thích, trong bối cảnh đại dịch, MOFA lo ngại rằng nhiều chuyến thăm cấp cao từ các chính phủ nước ngoài sẽ khiến các nhân viên phòng chống dịch cũng như các quan chức chính phủ bị quá tải.

Quan chức MOFA cho biết Bộ rất vui mừng trước các cơ hội hợp tác từ cộng đồng quốc tế, nhưng cũng nhận thức được trách nhiệm trong việc tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch của đất nước. Bộ cũng cho rằng các vị khách nước ngoài sẽ có nhiều thời gian để thưởng thức văn hóa và ẩm thực Đài Loan khi tình hình đại dịch bớt căng thẳng hơn vào năm tới.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc sắp rời chức vụ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm nay, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad sắp nghỉ hưu và rời Bắc Kinh vào đầu tháng tới, theo Reuters.

“Tôi cảm ơn Đại sứ Terry Branstad vì hơn ba năm phục vụ người dân Mỹ với tư cách là Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, ông Pompeo cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

“Đại sứ Branstad đã góp phần tái cân bằng quan hệ Mỹ – Trung Quốc theo chiều hướng mang lại kết quả, có đi có lại và công bằng”, ông bổ sung.

Dự án chất bán dẫn tham vọng của Trung Quốc tạm ngừng

Một dự án chất bán dẫn đầy tham vọng ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 20 tỷ USD và đội ngũ quản lý gồm các cựu giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã bị đình trệ trong bối cảnh không thể thu hút thêm nhà đầu tư, theo Taiwan News.

Ra mắt vào năm 2017, công ty Vật liệu bán dẫn Hoằng Tâm Vũ Hán (Wuhan Hongxin Semiconductor – HSMC) đã thu hút nhiều kỹ sư và quản lý cấp cao của TSMC bằng cách đưa ra các ưu đãi tài chính lớn, cao gấp 2,5 lần tổng gói lương và thưởng hàng năm của TSMC. Techbang đưa tin, công ty Trung Quốc đã tìm cách tuyển dụng các kỹ sư TSMC quen thuộc với 7 quy trình sản xuất nanomet (nm) kể từ năm 2019.

Tuy nhiên, CEO của Hoằng Tâm, Chiang Shang-yi, vốn là cựu CEO của TSMC đang dự tính từ bỏ dự án từ tháng Sáu, nhưng sau đó công ty bác bỏ thông tin này là tin đồn. Công ty đang phải đối mặt với những khó khăn khi việc mua sắm thiết bị tiên tiến của Mỹ để sản xuất chip ngày càng trở nên chật vật hơn trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung.

Đài Loan là ‘sự lên án sống động về ĐCSTQ’

Trước câu hỏi của giới truyền thông Mỹ về việc tại sao Trung Quốc gần đây lại tăng cường xâm nhập mạnh mẽ vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một học giả Canada nói rằng chế độ chuyên quyền đang cố gắng “làm xói mòn khối gắn kết quốc gia” và sự tồn tại của Đài Loan là một “lời lên án sống động đối với ĐCSTQ”, theo Taiwan News.

Máy bay chiến đấu và tàu chiến Trung Quốc đã xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan khoảng 40 lần từ ngày 9 đến ngày 10/9. Trong cuộc họp báo ngày 10/9, Thiếu tướng Yang Ching-se đã trình bày một sơ đồ các cuộc tập trận của PLA tại ADIZ phía tây nam Đài Loan và chỉ ra rằng một số máy bay chiến đấu đã xâm nhập khu vực trong vòng bán kính 90 hải lý (166 km) xung quanh quốc đảo.

Phòng thí nghiệm Pháp, Thụy Điển xác nhận ông Navalny nhiễm độc Novichok

Chính phủ Đức hôm thứ Hai (14/9) cho biết, thêm 2 phòng thí nghiệm đã xác nhận độc lập rằng chính trị gia đối lập điện Kremlin Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh kiểu Liên Xô Novichok (còn được gọi là “lính mới”) và yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích cho việc này.

Các phòng thí nghiệm đặc biệt ở Thụy Điển và Pháp đã xác nhận kết quả ban đầu từ Đức, phát ngôn viên chính phủ Steffen Seibert cho biết trong một tuyên bố.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga tự giải thích về việc này. Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác châu Âu để tiến hành các bước tiếp theo”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Seibert.

Giữa đại dịch, quan chức Trung Quốc trục lợi từ nguồn cung hàng y tế

Jiang Pengyong, cháu trai của một quan chức cấp cao Trung Quốc, đang công bố câu chuyện của mình về việc anh từng tham gia kế hoạch mua thiết bị bảo hộ cá nhân từ nước ngoài và bán chúng cho chính quyền Trung Quốc, theo The Epoch Times.

Ban đầu Jiang đồng ý với kế hoạch này vì cho rằng mình đang góp phần làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc gia. Jiang đã mua các vật tư y tế thông qua một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thâm Quyến, Shenzhen Jipingyong Tech Company. Công ty có văn phòng tại Hàn Quốc và Jiang làm việc ở đó.

Huang Zhongnan, người môi giới của anh này tại Trung Quốc, bảo Jiang rằng vật tư y tế sẽ được quyên tặng cho các nhân viên y tế tuyến đầu hoặc những công dân bình thường cần đến để chống lại sự lây lan của COVID-19.

Nhưng Huang sau đó tiết lộ rằng các nguồn cung y tế đã được giao cho các quan chức trong chính phủ và các tổ chức khác nhau. Những người này đã bán lại chúng để kiếm lời chứ không dùng trong công tác chống dịch.

Ấn Độ và Nhật Bản ký hiệp ước cung cấp quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc

Ấn Độ và Nhật Bản đã ký một hiệp ước về việc cung cấp qua lại các vật tư và dịch vụ giữa các lực lượng vũ trang của nhau, một động thái diễn ra khi Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hành vi gây hấn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Sau cuộc điện đàm hôm 10/9 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai quốc gia đã công bố thỏa thuận này, vốn đã được ký trước đó vào ngày 9/9.

Một thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết “Cả hai bên nhất trí rằng thỏa thuận sẽ tăng cường thêm nữa chiều sâu hợp tác quốc phòng giữa hai nước và đóng góp vào hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Abe chuẩn bị rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe. Hai nước đã xích lại gần nhau hơn dưới thời lãnh đạo của ông Abe và ông Modi.

Đề cập đến việc tăng cường đáng kể mối quan hệ Nhật – Ấn trong những năm gần đây, ông Abe tuyên bố rằng cả hai Thủ tướng đều đã có những hành động “nhằm hiện thực hóa tầm nhìn một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” theo thông báo của chính phủ Nhật Bản.

Một tuyên bố riêng của bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết thỏa thuận quân sự “cũng sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Nhật Bản, qua đó tăng cường hơn nữa các cam kết quốc phòng song phương trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu giữa hai quốc gia.”

Đầu tháng 6, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận tương tự với Úc liên quan đến Hỗ trợ hậu cần lẫn nhau, cho phép hai bên tiếp cận qua lại các căn cứ quân sự tương ứng của mỗi quốc gia.

Cả hai hiệp ước mà Ấn Độ ký với Úc và Nhật Bản cũng được kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ đối tác trong nhóm Quad (Bộ tứ kim cương, bao gồm thêm Hoa Kỳ). Các nhà phân tích xem đây là một phần trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ấn Độ đã ký những thỏa thuận như vậy với Mỹ và một số quốc gia khác.

“Hiệp ước này hoàn tất mạng lưới hỗ trợ hậu cần trong Bộ tứ kim cương,” ông Pankaj Jha, giáo sư nghiên cứu quốc phòng và chiến lược của Đại học Toàn cầu O.P.Jindal, nói với Nikkei Asian Review, đồng thời chỉ ra rằng Ấn Độ cũng có những thỏa thuận như vậy với các quốc gia ủng hộ nhóm quan hệ đối tác Tứ giác này, bao gồm Pháp và Singapore.

“Việc này mang lại cho Ấn Độ phạm vi rộng lớn hơn để triển khai các hoạt động và cung cấp hỗ trợ cho hoạt động tuần tra hải quân trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.”

Hiệp ước Ấn – Nhật diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới dãy Himalaya tăng cao. 

Đây là lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ, tiếng súng đã nổ dọc theo biên giới tranh chấp giữa hai nước. Trước đó, vào ngày 15/6, một cuộc giao tranh đẫm máu giữa hai bên đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, còn con số số thương vong của Trung Quốc không được công bố.

Gia Huy (theo Nikkei)

Em gái Kim Jong-un “mất tích” đã hơn 1 tháng, phải chăng đã xảy ra chuyện?

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người từng được gọi là “nhà lãnh đạo thứ hai”, đã biến mất khỏi ống kính hơn một tháng. Một số chuyên gia cho rằng quyền lực của Kim Yo-jong có thể đã bị tước đoạt. 

Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người từng được gọi là “nhà lãnh đạo thứ hai”, đã biến mất khỏi ống kính hơn một tháng. (Ảnh: Daily Sun Post)

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, mặc dù Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc ngày 20/8 tuyên bố rằng Kim Yo-jong tiếp quản các công việc nhà nước của Triều Tiên nhưng cô này đã biến mất kể từ ngày 27/7. 

Giáo sư Nam Sung-wook của Đại học Hàn Quốc cho biết, theo kinh nghiệm trong quá khứ, bất kỳ ai ở Triều Tiên cũng sẽ bị tước đoạt quyền lực và địa vị sau khi bị thế giới bên ngoài xưng tụng là “người số 2 của phương Bắc”. Mặc dù Kim Yo-jong cũng là “gia tộc họ Kim”, nhưng cũng sẽ có một số thủ đoạn để ức chế.

Theo báo cáo, lần xuất hiện cuối cùng của Kim Yo-jong trước công chúng là vào lễ kỷ niệm 67 năm Hiệp định ngừng bắn trong Chiến tranh Triều Tiên. Sau khi trao khẩu súng kỷ niệm cho tướng lính quân đội vào ngày hôm đó, thì không thấy cô xuất hiện trước ống kính nữa. 

Tờ Korea Times đưa tin, mặc dù Kim Yo-jong là thành viên của Bộ Chính trị Triều Tiên và là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền, nhưng lại không tham dự hai cuộc hội nghị gần đây.

Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng trên thực tế, sự biến mất của Kim Yo-jong có liên quan đến những cân nhắc chính trị của Triều Tiên. Bởi vì Kim Yo-jong đã được anh trai Kim Jong-un phân quyền và địa vị chính trị cũng đã được đánh giá cao tại Hàn Quốc, đây là điều khiến Triều Tiên không vui, và họ cũng đang ngăn chặn hậu quả này.

Kim Yo-jong trong chuyến công tác đến Hà Nội đầu năm 2019. 

Shin Beom-chul giải thích thêm rằng thế giới bên ngoài tiếp tục cho rằng Kim Yo-jong là “người số 2”, “người ngồi ghế đầu”, và “người lãnh đạo tiếp theo”. Triều Tiên lo lắng rằng những thông tin như vậy có thể từ Trung Quốc mà truyền qua biên giới Triều Tiên và họ lo sợ sẽ làm lung lay chế độ độc tài của Kim Jong-un.

Park Won-gon, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Quốc tế Handong cho biết, Triều Tiên gần đây đang phải đối mặt với những thảm họa như lũ lụt và bão hoành hành. Kim Jong-un và các quan chức khác đã đến thăm các khu vực bị thiên tai, nhưng Kim Yo-jong lại không công khai lộ diện.

Park Won-gon nói rằng có thể là do chính hàng loạt truyền đơn bằng khinh khí cầu của những người đào tẩu sang Hàn Quốc ồ ạt truyền vào biên giới Triều Tiên vào tháng 6, và Kim Yo-jong không ngăn chặn hiệu quả những vụ việc như vậy nên đã khiến anh trai nổi giận, cho nên “bị biến mất” .

Ông Shin Beom-chul cho biết vào tháng 10, Triều Tiên sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập chính đảng, và Kim Yo-jong cũng phải tham dự sự kiện quan trọng này. Nếu Kim Yo-jong vắng mặt lần nữa thì có nghĩa là cô có thể đã xảy ra chuyện.

Tờ Chosun Ilbo dẫn một báo cáo từ CNN rằng Kim Yo-jong là thành viên dự khuyết của Cục Chính trị cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên, nhưng cô đã không tham gia bất kỳ cuộc họp nào vào mùa hè này.

Gia Hưng

Kỳ lạ Thụy Điển: Không phong tỏa, không bắt đeo khẩu trang, mà tỷ lệ nhiễm virus Vũ Hán rất thấp

Thanh Hương  

Chính phủ Thuỵ Điển cho phép một lượng lớn người tự do đi lại, không giống như các quốc gia châu Âu khác.  

Trong khi phần còn lại bao gồm các nước châu Âu và thế giới vẫn nằm dưới sự “kìm kẹp” của các luật lệ hà khắc và mối đe dọa của các đợt bùng phát dịch mới và đóng cửa nền kinh tế, Thụy Điển vẫn cho phép công dân được tự do trong suốt đại dịch.

Có thể Thụy Điển là quốc gia duy nhất tính đến thời điểm này có thể tuyên bố chiến thắng trước virus corona Vũ Hán. Đất nước này hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất thế giới, và không thể không thán phục cách họ đã “xử lý” đại dịch từ đầu năm tới nay: Không có bất kỳ quy định cấm đóng cửa các cơ sở kinh doanh nghiêm ngặt, hoặc bắt buộc công dân phải đeo khẩu trang. 

Tất cả các doanh nghiệp, trường học và địa điểm công cộng vẫn mở cửa ở Thụy Điển trong suốt thời gian đại dịch này. Nhà dịch tễ học cao cấp của Thụy Điển, Tiến sĩ Anders Tegnell cho biết: 

“Thụy Điển đã từ một quốc gia có nhiều ca nhiễm bệnh nhất ở châu Âu trở thành một quốc gia an toàn nhất. Những gì chúng ta thấy bây giờ là chính sách bền vững có thể đạt được kết quả chậm hơn, nhưng cuối cùng nó sẽ mang lại kết quả. Và sau đó chúng tôi cũng hy vọng rằng kết quả sẽ ổn định hơn”. 

Trước đây, nhà dịch tế học này từng cảnh báo rằng việc khuyến khích mọi người đeo khẩu trang là “rất nguy hiểm”,  vì nó mang lại cảm giác an toàn giả tạo nhưng không thể ngăn chặn sự lây lan của virus một cách hiệu quả.

Tuần trước, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) xác nhận tỷ lệ lây nhiễm của Thụy Điển giảm xuống, chỉ có 12 trường hợp trên một triệu người, so với 18 trường hợp ở nước láng giềng Đan Mạch và 14 trường hợp ở quốc gia Na Uy.Ảnh: The Sun

Vào thời gian cao điểm của đợt bùng phát dịch bệnh ở Thụy Điển, nước này  theo đuổi chiến lược “miễn dịch cộng đồng” đã chứng kiến 108 ca nhiễm mới trên một triệu người.

Các số liệu cũng cho thấy trong số 2.500 người được chọn ngẫu nhiên và xét nghiệm ở Thụy Điển, không ai có kết quả dương tính, so với 0,9% dương tính vào tháng 4 và 0,3% vào tháng 5.

Theo telegraph.co.uk, Phó chủ tịch của Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển là Karin Tegmar cho biết: “Chúng tôi giải thích điều này có nghĩa là hiện không có sự lây nhiễm lan rộng ở những người không có triệu chứng”.

Khi so sánh với phần còn lại của châu Âu, tỷ lệ tử vong của Thụy Điển nằm ở mức trung bình. Tuy nhiên, các nhà chức trách tại nước này  tin tưởng rằng trong dài hạn, kết quả này sẽ còn được cải thiện đáng kể.

Hồng Kông tuyên bố sẽ không can thiệp vào việc TQ bắt giữ 12 người trên biển

Theo hãng tin Reuters, chính quyền đặc khu Hồng Kông cho biết sẽ không can thiệp vào việc 12 cư dân thành phố bị chính quyền Trung Quốc Đại lục bắt giữ khi họ cố gắng chạy trốn bằng thuyền đến Đài Loan, nói rằng đó là vấn đề của Đại lục.

12 người Hồng Kông đã bị hải cảnh Trung Quốc bắt giữ hôm 23/8 tại vùng biển Trung Quốc ngoài khơi bờ biển tỉnh Quảng Đông. Những người này được cho là bị bắt khi ở trên một chiếc thuyền đang di chuyển tới Đài Loan, nơi họ sẽ xin tị nạn chính trị.

Theo Reuters, việc 12 người bỏ trốn sang Đài Loan thất bại đã cho thấy sự bất an mà nhiều cư dân đang cảm thấy ở Hồng Kông khi chính quyền ĐCSTQ quyết tâm chặt đứt bất kỳ nỗ lực đấu tranh cho dân chủ nào tại đặc khu hành chính.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/9 đã dán nhãn nhóm này là “những kẻ ly khai”. 

Theo Cục An ninh Hồng Kông, cơ quan chịu trách nhiệm về luật pháp và trật tự tại thành phố bán tự trị: “Tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu trong bất kỳ khu vực tài phán nào, đều phải tôn trọng luật pháp địa phương và chịu trách nhiệm về hành động của mình.” 

Cục An ninh cũng tuyên bố những người Hồng Kông vi phạm pháp luật ở nước ngoài có thể nhận được một sự “hỗ trợ khả thi” từ thành phố, nhưng trước hết vẫn phải tôn trọng hệ thống tư pháp địa phương.

Cơ quan này cho biết cả 12 người đều bị tình nghi đã phạm tội ở Hồng Kông, trong đó 10 người bị buộc các tội như sản xuất hoặc sở hữu chất nổ, đốt phá, bạo loạn, hành hung cảnh sát hoặc sở hữu vũ khí tấn công. 10 người này đã được tại ngoại và không được phép rời khỏi Hồng Kông.

Một người khác bị tình nghi thông đồng với lực lượng nước ngoài theo Luật An ninh quốc gia mới. Luật này cho phép trừng phạt bất cứ điều gì mà Trung Quốc coi là hoạt động lật đổ, chủ nghĩa ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với nước ngoài.

Nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc khi ban hành Luật An ninh, cho rằng luật này làm suy yếu vị thế đặc biệt của thành phố đã được đảm bảo khi Anh giao nó cho Trung Quốc theo quy tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Thân nhân của những người bị giam giữ đã tổ chức một cuộc họp báo hôm 12/9 để yêu cầu đưa họ trở về.

Người trẻ nhất trong số 12 người mới chỉ 16 tuổi và một số người trong số họ cần điều trị y tế, những người thân cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Sáu (11/9) đã nói rằng Washington “quan ngại sâu sắc” về vụ việc 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị giam giữ tại Trung Quốc nhiều tuần qua.

“Chúng tôi hoài nghi cam kết đã tuyên bố của Trưởng Đặc khu Carrie Lam về việc bảo vệ quyền của công dân Hồng Kông và kêu gọi các nhà chức trách phải đảm bảo quyền tiếp cận pháp lý phù hợp”, ông Pompeo nói.

Thanh Thuỷ

Tỷ phú Mike Bloomberg chi 100 triệu USD để đánh bại Trump tại Florida

Trong số các bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này, Florida là bang chiếm nhiều phiếu đại cử tri nhất và sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đua tranh cử. Florida sẽ tổ chức bỏ phiếu sớm qua thư, ngay từ ngày 24/9 tới. 

Trong vòng bầu cử sơ bộ, tỷ phú Mike Bloomberg đã chi 1 tỷ USD để đánh bại Joe Biden mong trở thành đề cử viên Đảng Dân chủ. 

Ông Bloomberg đã thất bại. Nhưng quyết tâm ngăn cản Trump tái cử của ông không dừng lại. 

“Mike Bloomberg cam kết sẽ giúp đánh bại Trump, và điều đó sẽ xảy ra ở các bang chiến địa”, Kevin Sheekey, cố vấn cho ông Bloomberg nói với Reuters. 

Doanh nhân Bloomberg, người từng khẳng định ông là người duy nhất của Đảng Dân chủ đủ hiểu Trump để thắng Trump, ra quyết định chi tiền sau khi có tin đồn rằng Trump có thể bỏ hầu bao tới 100 triệu đô để gia tăng ảnh hưởng tại bang Florida. 

Bỏ phiếu bắt đầu từ 24/9 tại Florida, vì thế yêu cầu cần bơm tiền thật vào bang đó thật nhanh đang rất khẩn cấp”, Sheekey nói. “Mike tin rằng bằng việc đầu tư vào Florida, nó sẽ cho phép tài nguyên của chiến dịch tranh cử và các tài nguyên khác của Đảng Dân chủ được dùng ở bang khác, đặc biệt là bang Pennsylvania”. 

Đáp trả động thái của Bloomberg, ông Trump mỉa mai trên Twitter: 

“Tôi tưởng Mike bé bỏng đã chán chơi trò chính trị Đảng Dân chủ rồi. 

Thay vào đó, hãy cứu Thành phố New York đi”. Bloomberg từng giữ chức Thị trưởng New York. 

Cả Trump và Biden đều không giấu mong muốn thu hút cử tri tại Florida, nơi đóng góp 29 trong số 270 phiếu Đại cử tri cần để thắng cử. Chỉ có California (53 phiếu) và Texas (38 phiếu) là nhiều hơn bang này. Tuy nhiên, California được coi là bang nhà của Đảng Dân chủ và Texas là của Đảng Cộng hòa. Còn ở, Florida cơ hội giành giật của hai bên vẫn rất cao. 

Năm 2016 ông Trump thắng bang này với khoảng cách sít sao. Còn năm 2012, ông Obama cũng thắng bang chiến địa này. 

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Trump đã nói rằng “nếu bắt buộc”, ông sẽ tự chi tiền túi để thu hút cử tri ở Florida. “Chúng tôi phải thắng dù cái giá là gì”, ông Trump nói. 

Khảo sát Báo cáo chính trị Cook vừa công bố tuần trước cho thấy cuộc đua tại Florida đang bám đuổi gay gắt. Biden chỉ còn dẫn Trump 3 điểm phần trăm (48-45), trong khi Trump đang cải thiện vị thế của mình. 

Trên quy mô toàn quốc, ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump trong gần hết mọi cuộc khảo sát. 

Ông Bloomberg quay sang ủng hộ Biden làm tổng thống sau khi thất bại trong cuộc đua tốn kém để giành đề cử Đảng Dân chủ. Khi đó, Bloomberg tuyên bố ông “sẽ làm việc để khiến Biden trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo”.

Đức Trí

SCMP: ByteDance sẽ không giao thuật toán khi bán TikTok

Theo nguồn tin ẩn danh từ ByteDance nói với tờ SCMP, công ty mẹ của TikTok sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán đằng sau ứng dụng chia sẻ video phổ biến trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào.

đóng cửa TikTok
Trung Quốc chấp nhận đóng cửa TikTok tại Mỹ? (Ảnh minh họa: Luiza Kamalova/Shutterstock)

Theo nguồn tin từ ByteDance nói với tờ SCMP, công ty mẹ của TikTok sẽ không bán hoặc chuyển giao thuật toán đằng sau ứng dụng chia sẻ video phổ biến trong bất kỳ thương vụ mua bán hoặc thoái vốn nào.

“Công ty [ByteDance] sẽ không giao mã nguồn cho bất kỳ người mua nào ở Mỹ, nhưng nhóm công nghệ của TikTok ở Mỹ có thể phát triển một thuật toán mới,” nguồn tin nói với SCMP

Nguồn tin cho biết: “Xe có thể bán, nhưng động cơ thì không”.

Nguồn tin không muốn được tiết lộ cho biết ByteDance đã thông báo cho các nhà chức trách Hoa Kỳ và các nhà thầu tiềm năng về quyết định này.

Nguồn tin cũng cho hay nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối điều kiện trên, khả năng vụ bán sẽ có thể không thành công và ứng dụng này có thể không còn hoạt động tối đối với người dùng Mỹ sau thời hạn thoái vốn vào ngày mai 15/9.

Chính quyền TT Trump đã cho ByteDance đến ngày 15/9 để bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ hoặc đóng cửa tại Hoa Kỳ.

Tuần trước, ông Trump nói rằng ông sẽ không gia hạn thời hạn ngày 15/9 và ứng dụng này sẽ phải đóng cửa hoặc sẽ phải được bán cho một công ty Hoa Kỳ.

TikTok đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ về lệnh này.

Nguồn tin cho biết điều kiện “không có thuật toán” hiện là điểm mấu chốt cho mọi cuộc thảo luận nào về việc bán hoặc tái cơ cấu TikTok sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.

Hai tuần trước đó, chính phủ Trung Quốc đã cập nhật danh sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ, yêu cầu sự cho phép chính thức để các công nghệ như thuật toán TikTok được gửi ra nước ngoài. ByteDance cho biết họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Trung Quốc.

Một nguồn tin chính phủ cũng đã nói với tờ SCMP vào đầu tháng này rằng “ByteDance có thể bán tất cả TikTok trừ các thuật toán”.

Tối Chủ nhật 13/9, hãng Microsoft nói rằng ByteDance sẽ không bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ cho họ.

Việc Microsoft bỏ thầu TikTok khiến đối thủ Oracle hiện ở vị trí tiềm năng nhất trong cuộc đua giành lấy ứng dụng phát trực tuyến video của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc loại trừ thuật toán cũng sẽ buộc người mua tiềm năng phải xem xét lại các kế hoạch mua hàng và định giá.

Mặc dù bản chất chính xác của một thỏa thuận có thể xảy ra giữa Oracle và TikTok vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc giành quyền truy cập vào hơn 100 triệu người dùng Hoa Kỳ của ứng dụng có thể là cơ hội vàng cho gã khổng lồ phần mềm doanh nghiệp. Oracle hiện không có bất kỳ hoạt động nào dành cho người tiêu dùng và đang tìm cách mở rộng cơ sở khách hàng của mình bằng cách xây dựng các dịch vụ đám mây và các mảng kinh doanh dữ liệu người tiêu dùng.

Ông Trump đã lên tiếng ủng hộ giá thầu của công ty có trụ sở tại California, gọi Oracle là “một công ty tuyệt vời”. Larry Ellison, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của Oracle, là một trong số ít những người ủng hộ Trump thẳng thắn ở Thung lũng Silicon. Tỷ phú công nghệ đã tổ chức một sự kiện gây quỹ cho Tổng thống vào đầu năm nay.

Microsoft không nói rõ lý do đằng sau sự từ chối của ByteDance. Cả TikTok và Bytedance đều không phản hồi các yêu cầu bình luận từ truyền thông. 

Một nguồn tin quen thuộc với công nghệ cho biết ByteDance đã sử dụng cùng một mã nguồn cho TikTok ở tất cả các quốc gia, với những sửa đổi cho các thị trường khác nhau.

Nguồn tin cho biết: “Về lý thuyết, nhóm nghiên cứu của Mỹ có thể sao chép thuật toán, nhưng người dùng phải mất thời gian để làm quen với thuật toán được sao chép. Với sự cạnh tranh giữa các ứng dụng tương tự đang tăng lên, sẽ rất khó để bắt kịp nếu bạn cần thêm thời gian [để lXâàm cho thuật toán hoạt động tốt].”

Với các quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới của mình, Trung Quốc đang cho thấy rằng họ có thể ảnh hưởng đến kết quả của thỏa thuận trong trường hợp này.

Bất kỳ người bán công nghệ nhạy cảm nào của Trung Quốc như đẩy thông tin cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu đều phải nộp đơn lên cơ quan thương mại cấp tỉnh, cơ quan này sẽ có tối đa 30 ngày làm việc để phê duyệt thỏa thuận. Nếu được thông qua, công ty có thể bắt đầu “đàm phán thực chất” với các người mua tiềm năng.

Sau đó, công ty sẽ phải gửi hợp đồng để cơ quan thương mại nhà nước xem xét. Cơ quan này sẽ có 15 ngày làm việc để đưa ra quyết định. Nếu được chấp thuận, giấy phép xuất khẩu công nghệ sẽ được cấp.

Quá trình phê duyệt có thể ngắn hơn vì các chính quyền địa phương đã và đang làm việc để hợp lý hóa các thủ tục. Theo văn phòng thương mại thành phố, sẽ mất 19 ngày làm việc để có được giấy phép xuất khẩu tại Bắc Kinh sau khi các giấy tờ cần thiết được nộp.

Xuân Lan (theo SCMP, Nikkei)

Related posts