“Chuyện tình buồn” Trump – Kim

Tác giả: Michael Hirsh – Foreign Policy

Hoa Minh biên dịch

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại biên giới hai miền Triều Tiên hôm 30/6/2019 (Ảnh: KCNA)

Ông Trump mô tả cuộc gặp đầu tiên với Kim Jong Un tựa như tình yêu sét đánh. Tổng thống Mỹ nói với nhà báo Bob Woodward: “Đó là một phản ứng hóa học tuyệt vời.” Tiếp theo, như mô tả trong cuốn sách mới của Woodward, Trump tiếp tục so sánh hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông và Kim ở Singapore vào tháng 6 năm 2018 như một mối tình lãng mạn: “Bạn gặp một người phụ nữ. Vỏn vẹn trong vòng một giây, bạn biết rằng chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng cần đến 10 phút, và cũng không cần đến 6 tuần. Nó giống như ‘Whoa’”.  

Theo 25 bức thư chưa từng được tiết lộ giữa Trump và Kim mà Woodward được đặc cách xem, mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia thù địch lâu đời lại thân mật đến mức ít có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao. Ở một khía cạnh nào đó, nó làm người ta nhớ đến mối quan hệ cá nhân sâu sắc, đã thay đổi lịch sử mà Henry Kissinger tạo ra với lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai. Tuy nhiên, những lời lẽ trên thực tế mà Tổng thống Trump và nhà độc tài họ Kim dành cho nhau trong các cuộc trao đổi thư từ lại nghe giống như những lời âu yếm của vị tướng Marcus Antonius dành cho tình nhân Cleopatra (mà sau này cả hai đều tự tử) 

 Những bức thư Kim gửi cho Trump đặc biệt khiến người ta mường tượng đến một người đàn ông trẻ tuổi cực kỳ đa nghi và cẩn trọng (lúc đó Kim đang ở tuổi 34), người đang chập chững xoay sở để lãnh đạo một chế độ bí mật. Lần đầu tiên trong đời anh ta được một nhân vật quan trọng từ thế giới bên ngoài coi trọng, không ai khác người đó lại là người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới. Và Kim trẻ tuổi tràn ngập lòng biết ơn, sự kính sợ và có lẽ là một cảm xúc sâu sắc hơn khó diễn tả thành lời. 

Sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng trời tiếp nối cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Mỹ Trump, Kim đã viết, khao khát bày tỏ mong muốn quay lại thời kỳ trăng mật với đối phương: 

“Ngay cả bây giờ tôi cũng không thể quên khoảnh khắc lịch sử đó khi tôi được bắt tay quý Ngài tại nơi đẹp đẽ và thiêng liêng đó khi cả thế giới cùng dõi theo một cách phấn khích. Tôi hy vọng có thể sống lại thời khắc vinh dự đó.”

Sau đó, lãnh đạo Triều Tiên chia sẻ mong muốn về “một cuộc gặp lịch sử khác giữa tôi và quý Ngài”, gọi đó là “sự gợi nhớ về một cảnh quay trong một bộ phim viễn tưởng”.

Khi Woodward, nhà báo nổi tiếng của Washington Post, người đã viết sách về chín đời tổng thống Mỹ đọc đến đoạn so sánh với bộ phim giả tưởng của Kim, ông thốt lên ngạc nhiên: “Tôi đã bị sốc.” Ngay cả sau hội nghị thượng đỉnh thất bại giữa hai nhà lãnh đạo ở Hà Nội, khoảng 8 tháng sau, khi Kim nhượng bộ đồng ý đóng cửa cơ sở hạt nhất lớn nhất và lâu đời nhất của Triều Tiên tại Yongbyon nhưng Trump lại yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân tại bán đảo này, Kim vẫn tiếp tục kêu gọi phát triển mối quan hệ cá nhân với Trump. Ngày 10 tháng 6 năm 2019, Kim viết: “Giống như quãng thời gian ngắn ngủi chúng ta có với nhau một năm trước tại cuộc gặp đầu tiên ở Singapore, mỗi phút bên nhau cách đây 103 ngày ở Hà Nội là một khoảnh khắc vinh quang và là một kỷ niệm quý báu.” Kim cũng cho biết thêm: “Tôi cũng tin rằng mối quan hệ sâu sắc và đặc biệt giữa tôi và ngài Trump sẽ đóng vai trò như một sức mạnh kỳ diệu…” 

Woodward kết luận: “CIA chưa bao giờ xác định được ai là người đã sáng tác ra các bức thư của Kim cho Trump. Chúng quả là những kiệt tác. Các nhà phân tích ngạc nhiên trước kỹ xảo viết lách khéo léo trong những bức thư để đạt mục đích vừa tâng bốc, vừa để thu hút cảm giác về sự vĩ đại và trở thành trung tâm lịch sử của Trump.”  Ở một mức độ nhất định, ngôn ngữ của Kim phản ánh những lời lẽ thường xuyên khoa trương của chế độ Triều Tiên. Thứ ngôn từ loại này cũng có thể nhanh chóng chuyển sang thù địch. Tại một trong 18 cuộc phỏng vấn mà Trump dành cho Woodward được đề cập trong cuốn sách “Thịnh Nộ” của nhà báo Washington Post danh tiếng, Trump mô tả sự thích thú khi được gọi là “Quý Ngài”. 

Tổng thống Trump, trong các bức thư trả lời của mình (Woodward chỉ nhận được một số lượng hạn chế) thì ít phô trương và trìu mến hơn. Tuy nhiên rõ ràng Trump đang thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên theo một cách rất riêng và tiếp tục chào mời lời đề nghị ban đầu với Kim: Kim sẽ trở thành một nhân vật lịch sử vĩ đại, chỉ cần Kim từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình. Chỉ hai ngày sau những phát biểu ướt át của Kim, ngày 12 tháng 6 năm 2019, Trump hồi bút: “Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Anh và tôi mỗi người một phong cách riêng và chúng ta đang có một tình bạn đặc biệt. Chỉ anh và tôi, cùng phối hợp với nhau, mới có thể giải quyết các vấn đề giữa hai nước chúng ta và chấm dứt gần 70 năm thù địch, mang lại một kỷ nguyên thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Triển vọng này sẽ vượt trên tất cả mọi mong đợi lớn lao của chúng ta và anh sẽ là người dẫn đầu. Đây là một bước chuyển lịch sử.” 

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau hai tuần sau đó khi Trump bất ngờ đăng lên Twitter lời mời đối thoại với Kim tại Bàn Môn Điếm, thuộc Khu vực Phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Kim đã chấp nhận lời mời này và sau đó Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Tổng thống Trump nói với Woodward: “Kim chưa bao giờ cười trước đây. Tôi là người duy nhất mà ông ta mỉm cười với.” 

Woodward viết trong sách: “Trump đã đích thân nói rằng chúng là ‘những bức thư tình’. Chúng còn hơn thế nữa. Những bức thư tiết lộ rằng cả hai đã quyết định trở thành bạn của nhau. Điều này có chân thật hay không thì chỉ thời gian mới có thể chứng minh được. Ngôn ngữ hai nhà lãnh đạo sử dụng không nằm ngoài vở kịch ngoại giao truyền thống, tựa như những tuyên bố về lòng trung thành của các Hiệp sĩ Bàn tròn hoặc đơn giản là lời lẽ của những người cầu hôn.” 

Chúng ta không thể phủ nhận trong đời thực chẳng thiếu những cuộc tình lãng mạn ướt át cuối cùng lại đi đến cái kết cay đắng. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh thất bại tại Hà Nội, ngôn ngữ Bình Nhưỡng dành cho Washington trở nên lạnh nhạt hơn với việc nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên hứa hẹn đem đến cho nước Mỹ “những sự kiện khủng khiếp” vào mùa thu năm ngoái và Triều Tiên cũng cảnh báo về “món quà Giáng Sinh” đáng ngại cho nước Mỹ vào cuối năm 2019. Những lời đe dọa trên thực tế đã không xảy ra. Theo Woodward, Kim gửi cho Trump một lá thư với giọng điệu “nghe có vẻ như một người bạn hoặc một người yêu đang thất vọng” sau khi Trump gửi cho Kim bức ảnh hai người họ chụp tại Bàn Môn Điếm. Trong khi Trump nói những bức ảnh có “ý nghĩa đặc biệt” và “sẽ lưu giữ kỷ niệm vĩnh cửu”, Kim nói ông đã đóng khung và treo các bức ảnh này lên phòng làm việc. Nhưng Kim cũng cho biết mình “thực sự bị xúc phạm” khi Mỹ vẫn tiếp tục vai trò quân sự đồng minh hậu thuẫn cho đối thủ Hàn Quốc. 

Trong khi đi sâu vào chi tiết những thất bại ngoại giao nói trên, Trump đã đưa ra một tiết lộ quan trong khác trong cuốn sách. Đó chính là Mỹ đã phát triển một vũ khí hạt nhân tuyệt mật. Trong cuốn sách của Woodward, Trump nói: “Tôi đã chế tạo vũ khí hạt nhân, một hệ thống vũ khí chưa từng có ở đất nước này trước đây. … Những gì chúng ta có hiện nay thật không thể tin được.” Woodward viết ông đã xác nhận sự tồn tại của một hệ thống vũ khí mới, tuy nhiên nhà báo không nhận được thông tin chi tiết và các nguồn tin của ông đã vô cùng ngạc nhiên khi Trump tiết lộ điều này. Trump cũng gợi ý rằng bất chấp mối quan hệ cá nhân giữa ông và Kim có tốt đẹp đến đâu, tình hình Mỹ – Triều có thể căng thẳng trở lại như thời điểm năm 2017, khi ông gọi  Kim là “Chàng lùn tên lửa” và đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này không chấm dứt việc phát triển các hạt nhân liên tục địa – mối đe dọa tên lửa đạn đạo đối với các bờ biển của Mỹ. Khi đó Bình Nhưỡng đáp trả bằng lại bằng cách gọi Trump là “kẻ điên loạn tâm thần của nước Mỹ”. 

“Nếu anh ta nổ súng, tôi sẽ nổ súng”, Trump cho Woodward biết. “Và rồi anh ta sẽ vấp phải rắc rối lớn, hãy để tôi giải thích theo cách này. Những vấn rất lớn, lớn hơn những vấn đề bất kỳ ai gặp phải trước đây.”

Trong cuốn Thịnh Nộ, Woodward cũng tiết lộ rằng Trump và các quan chức cấp cao của Washington đã tiết lộ rằng Mỹ đã tiến gần sát đến chiến tranh với Triều Tiên vào năm 2017. Tình thế nguy hiểm hơn so với những gì công chúng có thể nhận thức được. Trump bình luận về Kim: “Anh ta đã hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến. Và anh ta mong đợi cuộc chiến đó. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã gặp nhau [ở Singapore].”

Trong phân tích cuối sách, Mỹ và Triều Tiên có thể đã đi đến bế tắc ngoại giao. Các cố vấn diều hâu xung quanh Trump cảnh báo ông dù thế nào thì cuối cùng Bình Nhưỡng cũng sẽ không từ bỏ bản sắc quân sự của mình và tiếp tục theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân. Nhìn vào toàn bộ sự tồn tại của Triều Tiên trong lịch sử và hiện tại, chúng ta có thể thấy hành vi của chính quyền này được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Thứ nhất là lo sợ về một cuộc tấn công của Mỹ, với khoảng 30.000 lính Mỹ hiện diện ở ngay biên giới và tên lửa Mỹ. Thứ hai là niềm tự tôn bị tổn thương – đó chính là cảm giác không được tôn trọng, chính yếu tố này đã tăng cường thêm cho tâm lý sợ bị tấn công. 

Mặc dù vậy, một số chuyên gia chỉ ra rằng Kim đã kiềm chế thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và bom hạt nhân trong mối quan hệ lên lên xuống xuống với Trump. Trong khi đó, Trump đã có thể đạt được một thỏa thuận đóng cửa hạt nhân tầm vóc nếu ông gật đầu chấp nhận đề nghị của Kim tại Hà Nội – điều mà Siegfried Hecker, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamis và là một trong những chuyên gia hàng đầu về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhận xét là một “cơ hội bị bỏ lỡ”. 

“Theo quan điểm của tôi, thỏa thuận mà Triều Tiên đưa ra vào phút cuối, khi Trump đang bước ra ngoài, đã nói lên ý nghĩa thực sự của việc đóng cửa Yongbyon, đó thực sự là một thỏa thuận đáng thực hiện”, tuy nhiên John Bolton, một cố vấn an ninh quốc gia cực đoan (người sau này bị sa thải) đã khuyên Trump không nên làm thế, Hecker nói với tờ Foreign Policy trong một email. “Lý do Trump quay đi do Bolton đã thuyết phục ông ấy rằng đó là lựa chọn tốt hơn.”

Woodward kết luận: “Trump đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chúng ta không có chiến tranh. Điều này chính là một thành tựu. Giải pháp ngoại giao luôn luôn đáng để thử. Nhưng từ đây, điều gì sẽ xảy ra tiếp nằm trong những cái không thể lường trước trong thời đại của Trump.” 

Trên thực tế, với việc Kim đang tiếp tục xa lánh truyền thông và Joe Biden đang tăng tốc nhằm thế chỗ Trump sau ngày 3 tháng 11, chuyện tình lãng mạn Mỹ – Triều có thể sẽ kết thúc trong cay đắng, và quan hệ giữa hai quốc gia rất có thể trở lại những ngày đe dọa lẫn nhau như đã diễn ra trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Hoa Minh biên dịch

Related posts