Ông Abe tiết lộ từng ‘rủ’ ông Trump chống lại mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc

Tâm Thanh

Ảnh chụp màn hình Youtube từ CNN

Mới đây, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã nhận lời phỏng vấn độc quyền của tờ Nikkei.

Ngày 17/11/2016, chỉ ít hơn chục ngày sau khi ông Trump trúng cử Tổng thống, ông Abe đã đến Mỹ để hội đàm lần đầu với ông Trump tại nhà riêng.

Trong buổi hội đàm, ông đã giải thích với ông Trump về mối đe dọa đối với hai nước đồng minh đến từ việc Trung Quốc thúc đẩy lực lượng quân sự của mình. Những biểu hiện sau đó của ông Trump đã chứng minh rằng, nỗ lực thuyết phục của ông Abe Shinzo đã phát huy tác dụng.

Ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức đồng minh Mỹ-Nhật

Bốn năm trước, ông Abe đã gặp ông Trump tại Tháp Trump ở New York, Mỹ, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới đến thăm Tân Tổng thống Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump đã hỏi ông Abe, khi nào thì ĐCSTQ bắt đầu tăng kinh phí quốc phòng? Họ đã gia tăng với tốc độ như thế nào?

Thủ tướng Abe trả lời, Trung Quốc đã mất gần 30 năm để tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 40 lần. Trên thế giới, không có bất kỳ quốc gia nào tăng chi tiêu quốc phòng với tốc độ chóng mặt như vậy. Sau khi nghe ông Abe trả lời, ông Trump đã tỏ ra rất ngạc nhiên.

Ông Abe cũng lấy số lượng tàu ngầm cụ thể mà ĐCSTQ sở hữu làm ví dụ minh họa cho quan điểm của mình. Mục tiêu của các tàu ngầm này là Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đóng tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây không chỉ là vấn đề của Nhật Bản mà còn là vấn đề của Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng rằng Mỹ có thể duy trì sự hiện diện trong khu vực.

Sau đó, Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng nhau mở ra ý tưởng về một “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ý tưởng này đã được Úc, Ấn Độ, Anh và Pháp ủng hộ.

Ông Abe nói rằng, ông Trump thường nói với ông rằng Triều Tiên là vấn đề trong ngắn hạn, nhưng Trung Quốc mới là vấn đề trong dài hạn.

Thủ tướng Abe khi đó đã nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, kiên quyết chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ trong khu vực và tích cực mở rộng vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ có mối quan hệ gì với Nhật Bản?

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ (United States Seventh Fleet) là một trong những hạm đội hoạt động tại khu vực biển xa của Hải quân Mỹ, có căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản, với nhiều đơn vị đóng gần Hàn Quốc và Nhật Bản cùng một số nơi khác như Singapore và Philippines. Hạm đội 7 được đặt dưới quyền chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương trực thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ chính của Hạm đội 7 bao gồm: đe dọa các quốc gia kẻ thù, hợp tác với các đồng minh để bảo vệ các tuyến đường biển, hỗ trợ bảo vệ lãnh thổ các nước đồng minh của Mỹ và sử dụng vũ lực khi cần thiết, đồng thời đóng vai trò là hạm đội di động khi Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng

Hồi tháng 8 năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney, Úc đã công bố một báo cáo khảo sát, tiết lộ rằng kho vũ khí tên lửa bất thường của Bắc Kinh đe dọa các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và các đồng minh. Báo cáo cho biết, chỉ trong vòng vài giờ sau khi nổ ra xung đột, các thiết bị và căn cứ quân sự này sẽ bị phá hủy bởi các đòn tấn công cực kỳ chính xác.

ĐCSTQ đã nghiên cứu năng lực và sức chiến đấu của Mỹ, đồng thời đưa ra các sách lược hữu hiệu nhằm làm suy yếu các nguồn sức mạnh quân sự truyền thống của Hoa Kỳ, đặc biệt là nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ – lực lượng chiến đấu chủ chốt của quân đội Mỹ.

Báo cáo cũng cho biết, hệ thống chống can thiệp của ĐCSTQ đã phá hủy khả năng điều động quân đội đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đặt ra thách thức đối với Mỹ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho các nước đồng minh.

Báo cáo nói rằng, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng như thu thập thông tin tình báo, phòng thủ tên lửa đạn đạo và các máy bay chiến đấu thế hệ mới. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có thể đoàn kết với các đồng minh của mình ở châu Á và châu Âu.

Báo cáo: ĐCSTQ có nhiều hành vi khiêu khích quân sự, tiềm ẩn nhiều đe dọa khác

Ngày 21/5 năm nay, Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo dài 20 trang về “Các chiến lược của Mỹ đối với ĐCSTQ”. Bản báo cáo đã phê bình toàn diện các chính sách kinh tế và chính trị của ĐCSTQ, bành trướng quân sự và các hoạt động truyền bá thông tin sai lệch. ĐCSTQ đã vi phạm những cam kết của mình, mở rộng quân sự trên quy mô lớn và thực hiện các hành động uy hiếp như: khiêu khích quân sự, cưỡng chế quân sự cùng các thủ đoạn quân sự khác.

Cùng ngày báo cáo dài 20 trang được công bố, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã chỉ ra, ĐCSTQ là một chính quyền tàn bạo. Ông cho biết, Trung Quốc đã bị cai trị bởi một chính quyền cộng sản tàn bạo kể từ năm 1949. Hoa Kỳ đã từng hy vọng thay đổi chế độ này thông qua thương mại và giao thiệp, nhưng hy vọng này không trở thành hiện thực. Mà ngược lại, dịch bệnh lần này đã đẩy nhanh nhận thức ngày càng rõ nét của Mỹ trước một ĐCSTQ hung hăng.

“Chúng tôi đã đánh giá quá thấp sự thù địch của Bắc Kinh trên hình thái ý thức và chính trị đối với xã hội tự do. Cả thế giới đều đang thấy rõ sự thật này”, báo cáo có đoạn.

Sách trắng Quốc phòng của Nhật: ĐCSTQ không che giấu tham vọng bành trướng quân sự của mình

Ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố “Sách Xanh Ngoại giao” năm 2020, đề cập đến việc Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng chi tiêu quốc phòng. Rằng Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường thực lực quân sự một cách bí mật.

Ngày 20/5, bản dự thảo “Sách trắng Quốc phòng” của Nhật Bản được công bố, cho biết ĐCSTQ đã tích cực “hình thành một trật tự quốc tế có lợi cho bản thân và không hề che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng của mình” trong đại dịch. Nhật Bản sẽ coi đây là vấn đề mang tính chất an ninh quốc gia.

Bản dự thảo cũng đề cập rằng, mặc dù dịch bệnh đã tác động đến các cuộc diễn tập liên hợp Nhật-Mỹ, nhưng “các quan chức cấp cao của quân đội Mỹ tuyên bố rằng khả năng phản ứng nhanh và điều động quân đội của Mỹ không bị ảnh hưởng”.

Abe Shinzo trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử

Ngày 20/11/2019, ông Abe Shinzo đánh dấu ngày làm việc thứ 2.887 trên cương vị Thủ tướng, theo đó chính thức trở thành vị Thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử.

Với cột mốc này, ông Abe – 65 tuổi – đã vượt qua kỷ lục do ông Taro Katsura thiết lập hơn một thế kỷ trước. Ông Taro từng có 3 nhiệm kỳ giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn 1901-1913.

Thủ tướng Abe cũng đồng thời là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu thứ hai trong số các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) chỉ sau Thủ tướng Đức Angela Merkel, người nhậm chức từ năm 2005.

Ngày 28/8, do chứng viêm loét đại tràng tái phát, ông Abe tuyên bố rằng, ông sẽ từ chức.

Ngày 16/9, ông Abe chính thức từ chức Thủ tướng và ông Suga Yoshihide được kế nhiệm làm tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, đảng nắm quyền trong chính phủ, từ đó trở thành Tân thủ tướng của Nhật.

Tổng thống Mỹ Trump cũng đã gửi lời khen ngọi ông Abe Shinzo là “nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong lịch sử Nhật Bản” cho đến nay.

Related posts