Tin thế giới trưa thứ Sáu

Biểu tình ở Hồng Kông, Tổng thống Trump và ông Joe Biden, ông Navalny (ảnh: Reuters)

Bắc Kinh lại cho máy bay xâm phạm Đài Loan

Một máy bay chống tàu ngầm Y-8 của Trung Quốc đã tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm thứ Năm (1/10), trùng ngày Tết Trung thu và ngày Quốc khánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo Taiwan News.

Không quân Đài Loan cho hay, cuộc xâm nhập mới nhất của không quân Trung Quốc diễn ra ở khu vực phía tây nam của ADIZ. Như những lần trước, quân đội Đài Loan đã gây sức ép với máy bay phản lực Trung Quốc và phát đi cảnh báo yêu cầu máy bay này phải rời khỏi ADIZ của quốc đảo, CNA đưa tin.

Tổng cộng đã có 9 vụ việc tương tự diễn ra trong vòng hai tuần qua, trong đó máy bay chống ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc vi phạm ADIZ của Đài Loan thường xuyên nhất. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng khiến Đài Loan phẫn nộ khi tuyên bố đường trung tuyến tại eo biển Đài Loan (đường ranh giới ngầm định) là không tồn tại.

Tần suất xâm nhập lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 khi có tới 37 lần máy bay Trung Quốc vi phạm ADIZ của Đài Loan trong vòng 48 giờ, trong khoảng thời gian Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach đang có chuyến thăm hòn đảo.

Sau vụ đầu độc, ông Navalny tuyên bố sẽ trở lại Nga

Hôm thứ Năm (1/10), nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny đã cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đứng sau vụ đầu độc ông, và thề sẽ trở lại Nga để tiếp tục các chiến dịch gây sức ép lên chính phủ Putin, theo AFP.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông đầu tiên kể từ khi bị đầu độc, ông Navalny đã thuật lại những chi tiết đáng kinh ngạc về sự suy sụp của ông trên chuyến bay từ Tomsk đến Moscow sau khi ông bị đầu độc bởi Novichok, một chất độc thần kinh thường được các chính quyền từ thời Liên Xô sử dụng để thủ tiêu các nhân vật chính trị bất đồng chính kiến.

“Tôi sẽ không tặng cho Putin món quà là không trở lại Nga”, ông Navalny nói và cho biết thêm rằng “Putin đứng sau hành động này, tôi không thấy lời giải thích nào khác”.

Điện Kremlin ngay lập tức phản ứng lại các tuyên bố của Navalny, gọi chúng là “vô căn cứ và không thể chấp nhận được”, trong khi người đứng đầu Hạ viện Nga, Vyacheslav Volodin, nói rằng Putin đã giúp cứu sống nhà bất đồng chính kiến.

Seoul nhờ Đức giúp người Hàn Quốc làm chủ tịch WTO

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Năm (1/10) đã đề nghị Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee trở thành lãnh đạo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Yonhap đưa tin.

Ông Moon nói trong cuộc trò chuyện điện thoại khoảng 20 phút với Thủ tướng Đức rằng Yoo là người tốt nhất có thể giúp phát triển và mang lại niềm tin cho cơ quan thương mại thế giới.

Ông Yoo đang cạnh tranh với các ứng cử viên từ Nigeria, Kenya, Ả Rập Saudi và Anh trong vòng thứ hai sẽ diễn ra vào thứ Ba tuần tới. Ở vòng thứ hai, ba trong số năm ứng cử viên sẽ bị loại, chỉ còn lại hai người chạy đua ở giai đoạn thứ ba tới vị trí người đứng đầu cơ quan thương mại toàn cầu.

Người Hàn Quốc từng nắm giữ những vị trí quan trong bậc nhất trong các tổ chức thế giới. Ví dụ như ông Ban Ki-moon, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, từng giữ vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, hay ông Jim Yong Kim, một người Mỹ gốc Hàn, từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới.

Người biểu tình Hồng Kông bị bắt trong ngày trung thu

Hơn 60 người đã bị bắt ở Hồng Kông sau khi một đám đông nhỏ tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu dân chủ phải đối mặt với hàng ngàn cảnh sát trong ngày trung thu, năm nay ngẫu nhiên trùng với ngày quốc khánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo The Guardian.

Trên khắp các khu trung tâm thương mại và mua sắm trong ngày thứ Năm (1/10), cảnh sát Hồng Kông đã cô lập và khám xét thành viên các tổ chức dân sự và truyền thông.

Vào sáng thứ Năm, trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, tuyên bố rằng chính quyền của bà sẽ không chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với luật an ninh quốc gia Trung Quốc và các hành vi đàn áp người bất đồng chính kiến ở hòn đảo.

“Trong ba tháng qua, sự thật rõ ràng là – và điều hiển nhiên là – xã hội đã ổn định trở lại trong khi an ninh quốc gia được bảo vệ và người dân của chúng tôi có thể tiếp tục được hưởng các quyền cơ bản và tự do của họ theo quy định của pháp luật”, bà Lam nói.

Ông Trump từ chối kế hoạch thay đổi luật tranh luận

Ông Trump hôm thứ Năm (1/10) đã từ chối lời kêu gọi điều chỉnh các quy tắc trong hai cuộc tranh luận tiếp theo giữa ông và ứng viên tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ, Reuters đưa tin.

Ủy ban tranh luận tổng thống Mỹ (APDC) cho biết họ muốn áp dụng các thay đổi để có các “cuộc thảo luận có trật tự hơn” trong cuộc tranh luận tiếp theo giữa hai ứng viên tổng thống được lên lịch vào ngày 15/10 tại Miami.

Ngay sau khi APDC đưa ra đề xuất, lập tức có suy đoán rằng ban tổ chức cuộc tranh luận tổng thống sẽ thiết lập một nút tắt tiếng để hạn chế các đối thủ vi phạm những quy tắc đặt ra trong các cuộc tranh luận tới đây.

“Tại sao tôi lại cho phép Ủy ban Tranh luận thay đổi các quy tắc cho các Cuộc tranh luận thứ hai và thứ ba khi lần trước tôi đã thắng dễ dàng?”, ông Trump đặt câu hỏi trên Twitter hôm thứ Năm.

Related posts